Những nữ xà ích đón xuân trên yên ngựa miền Tây

Mở đầu một ngày của các chị vẫn lúc khoảng 5 giờ sáng và tận khuya mới kết thúc, phần lớn thời gian quây quần bên những chiếc xe ngựa chở khách du lịch.

Đón xuân trên yên xe ngựa phục vụ khách du lịch. - Ảnh: Phương Bình

Từ những năm đầu thập niên 80 của Thế kỷ trước đến nay luôn có những búi tóc dài tung bay cùng tiếng vó ngựa lốc cốc đưa khách du lịch len lỏi khắp các đường quê, vườn cây ăn trái ở H. Châu Thành (Bến Tre) và gần đây có thêm ở cồn Thới Sơn, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang).

Đây không chỉ là phương tiện di chuyển mà từ lâu đã như một sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù của địa phương. Hai địa phương này hiện có trên 150 xà ích, tập trung chủ yếu ở H. Châu Thành, Bến Tre. Thú vị rằng trong đó có trên 2/3 xà ích là phụ nữ, mặc dù nghề này vốn thuộc về nam giới do sự vất vả, nặng nhọc thường trực của nó.

Nỗi ám ảnh nhất đối với các nữ xà ích là khi xe ngựa bắt đầu di chuyển rồi mới phóng lên được. Các chị cho biết hầu như lúc nào phần ngoài của đùi thuận đều bầm tím vì ngày nào cũng va chạm với thành xe. - Ảnh: Phương Bình

Ngày thường, mỗi xe ngựa ở đây chạy trung bình khoảng 6 chuyến/ngày. Chuyến đầu tiên thường bắt đầu vào khoảng 9 giờ sáng và đến khoảng 15 giờ là chuyến cuối cùng. 25.000 đồng là số tiền các chị nhận được nếu chạy cho khách với quãng đường dưới 1 km, còn chạy dưới 2 km được trả thêm 10.000 đồng nữa…

Thế nhưng, công việc hàng ngày của các chị phải bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng và kết thúc đến tận khuya. Dịp tết cổ truyền, du khách đổ về đây đông đúc hơn, việc chạy xe ngựa cũng tất bật hơn những ngày thường rất nhiều!

Những ngày tết chạy xe nhiều hơn, chủ lại không có thời gian cắt cỏ tươi nên những chú ngựa được bồi bổ nước cám gạo để tăng cường thể lực. - Ảnh: Phương Bình

“Những người chạy xe ngựa ở đây hầu hết không đất sản xuất nên việc tìm cỏ cho ngựa vất vả dữ lắm! Tờ mờ sáng là phải lấy bao, lưỡi hái đi tìm cắt cỏ cho ngựa và hôm nào tìm cắt không đủ là buổi chiều lại phải đi tiếp đến tối hết thấy đường mới về lo các việc trong nhà. Cỏ ngày càng hiếm vì nhiều chủ đất trước kia bỏ hoang nay đã mua bò về nuôi không cho cắt cỏ nữa. Mỗi con ngựa ăn trên 25 kg/ngày, đó là chưa kể đến lúa, cám gạo bồi bổ thêm. Loại ưa thích của chúng chỉ là cỏ long, cỏ gạo, cỏ chỉ nên những ngày không cắt đủ phải cho ăn thêm đến vài kg lúa, cám gạo và đó là những ngày người chạy xe coi như không kiếm được đồng nào”, người chạy xe ngựa kỳ cựu Lê Văn Hoài, chủ nhiệm Tổ hợp tác xe ngựa du lịch sinh thái Quê Dừa, H.Châu Thành cho biết.

Ngày Xuân, những đứa trẻ cũng không đi chơi mà quây quần bên các bến xe với cha mẹ mình. - Ảnh: Phương Bình

Dịp tết đến xuân về, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (43 tuổi và có gần 20 năm chạy xe ngựa ở ấp 8 xã Quới Sơn, H. Châu Thành) cũng như tất cả các "đồng nghiệp" ở đây còn vất vả hơn nhiều so với ngày thường. Bởi, mỗi xe ngựa sẽ phải chạy trên 10 lượt nên suốt ngày, các chị phải ở ngoài đường và ít có thời gian vui vầy cùng gia đình ngày tết.

Nỗi trăn trở thường trực của các chị là lo sợ ngựa giảm sức kéo vì làm việc quá nhiều trong những ngày xuân. Việc đổi ngựa có sức kéo tốt hơn phải bù trên 10 triệu đồng/con/lần. - Ảnh: Phương Bình.

“Hôm 30 tết, phải nhờ nội của mấy đứa nhỏ qua nấu nướng cúng rước ông bà. Tại vì vợ chồng tôi và thằng con trai lớn cũng phải chạy chứ hợp đồng với công ty du lịch rồi nên đâu có nghỉ được. Hơn nữa, chạy trong mấy ngày tết được khách đông hơn và còn được “boa” nữa!”, chị Kim Tuyến thật thà chia sẻ với phóng viên Thanh Niên trưa ngày mùng 1 tết Mậu Tuất 2018.

Chú bé này nay đã được hơn 7 tháng tuổi nhưng ngay từ khi được tròn 1 tháng tuổi thì người mẹ đơn thân Phạm Kim Khuôn, 31 tuổi, ngụ ấp 8 xã Quới Sơn, H. Châu Thành đã hằng ngày mang bé ra căn lều tạm trong bãi xe ngựa cận Đình Tân Thạch, xã Tân Thạch vừa chăm sóc vừa làm việc. - Ảnh: Phương Bình

Hơn 2/3 trong số các chị đều sống cảnh đơn thân nuôi con, rất khó khăn. Và sự thật này khiến ngay cả bản thân những phu xe ngựa kỳ cựu ở đây cũng không tài nào lý giải được vì sao nhiều chị bị chồng rời xa, có người chủ động ly dị chồng dù phần lớn trong số họ đang phải nuôi con nhỏ. May thay, việc chăm sóc ngựa, chạy xe chở khách du lịch chỉ làm cho tính tình các chị hòa đồng, vui vẻ, cởi mở hơn! Mà nghề chạy xe ngựa cũng đâu có rảnh rang, sung sướng, thu thập cao như nhiều nghề khác...

Dù không được đón tết đoàn viên như những người khác nhưng các chị cũng mang theo thịt kho trứng với nước cốt dừa, mớ cải chua ra bến xe ăn để hưởng cảm giác tết cổ truyền thiêng liêng - Ảnh: Phương Bình

Không được đón tết đoàn viên quây quần bên gia đình hay viếng thăm bà con như những phụ nữ khác vẫn là nỗi buồn man mác lộ rõ qua ánh mắt của các chị. Thế nhưng, điều đó chẳng đáng gì nếu so với nỗi lo lắng về những “người bạn ngựa” của các chị phải làm việc nhiều hơn, lại ít được ăn cỏ tươi hơn…Vì nếu sức kéo giảm thì đồng nghĩa với việc phải tiền vay bạc góp bù ít nhất cũng 10 triệu đồng/con/lần đổi ngựa mới.

Xe ngựa không chỉ là phương tiện di chuyển thú vị mà còn như sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách. - Ảnh: Phương Bình

Giờ nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày Xuân của một gia đình với hầu hết thành viên đều theo nghề chạy xe ngựa. Ảnh: Phương Bình

Phương Bình

Phương Bình

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nhung-nu-xa-ich-don-xuan-tren-yen-ngua-mien-tay-934291.html