Những phận đời long đong

Nghệ sĩ Pui Deo và Pui Duoi bên chiếc dàn GiTa

Người ta hay bảo sông có khúc người có lúc, vậy mà có những mảnh đời sao cứ mãi long đong. Cái long đong theo họ từ lúc mới sinh đến tuổi già xế bóng, để lại một nỗi buồn thẳm sâu trên ánh mắt, nụ cười và cả khuôn mặt khắc khổ, chơi vơi. Cái bất hạnh thì không ai giống ai, và cái lận đận nhọc nhằn ấy cũng mỗi người một kiểu. Ta vẫn thường gặp những người như vậy quanh mình, và những câu chuyện về họ bao giờ cũng để lại những thương cảm, lặng buồn.

Một lần công tác lên vùng biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai nghe người dân giới thiệu, tôi đến thăm gia đình bà Rơ Châm H’... Một ngôi nhà từ thiện nho nhỏ được bộ đội xây tặng, cũng đủ cho ba người sống qua ngày. Bị bệnh phong cùi nên anh Pui Duol và Pui Deo, hai người con trai của bà chân tay không còn lành lặn. Thương con bà sẵn sàng làm mọi việc để kiếm tiền chữa bệnh, nuôi con và nuôi cả niềm hy vọng... Thời gian, tuổi tác và sức khỏe đã kéo bà nằm xuống. Điều đáng quý ở hai đứa con là sự hiếu thảo dành cho mẹ. Với quyết tâm “tàn không phế”, hai người con của bà không những luyện tập cách cầm cuốc, cầm dao, để phát rẫy, làm nương tự nuôi mình và chăm sóc mẹ mà không một lời trách hờn, thân phận mà còn tập và chơi đàn Gita, đánh cồng chiêng rất hay. Những buổi đầu máu túa ra cùi tay, bàn chân, kệ. Những ngày trăng bóp cơn đau, nén tiếng đau…đứa thì chăm mẹ, đứa đi làm thuê, cuốc mướn kiếm tiền tự trang trải và tham gia các lễ hội dân tộc, những ngày vui của bà con thôn làng. Còn mẹ trên đời mình đã quá hạnh phúc! Có đau chút cũng cố gắng, hy vọng ngày mai lành bệnh mình sẽ vươn lên như bà con làng xóm. Hai người con của bà chia sẻ.

Hằn ngày đi làm tôi đều gặp chị T. gánh một gánh trái cây đầy đi dạo quanh các con đường, ngõ hẻm để bán. Mồ hôi ròng ròng trên khuôn mặt ửng hồng vì nắng vẫn không che giấu hết những đường nét thanh thoát thời thanh xuân của chị. Không biết “hàng sạch” hay thương người mà xóm tôi nhiều người mua trái cây của chị. Mua hoài thành quen, chị kể cho tôi cuộc đời của chị, một cuộc đời quá đỗi truân chuyên. Chị mồ côi cha từ lúc chưa hiểu được nỗi khổ của một đứa trẻ mất cha. Chị quấn quýt mẹ như một lẽ đương nhiên, nhưng rồi mẹ chị còn trẻ quá, không thể sống đơn côi nên đã gởi lại chị cho ông bà mà đi bước nữa. Ngày cưới của mẹ là ngày mà chị không thể nào quên được bởi ký ức quá đau buồn. Con bé 6 tuổi lần đầu bị tách ra khỏi mẹ đã chạy theo mẹ khóc thét khi mẹ phải đi về nhà chồng mới. Chị bắt đầu cuộc sống của một đứa trẻ mồ côi thật sự, sống nhờ vào ông bà, cô chú. Cuộc sống không còn được ba mẹ bao bọc buộc chị phải sớm trưởng thành và ra đời khá sớm để kiếm sống, để có thể sống một cuộc sống độc lập. Rồi chị cũng gặp được người yêu thương và lập gia đình. Cuộc sống vất vả mà có nhau, hạnh phúc tràn ngập trong ngôi nhà nho nhỏ ngày đêm. Cứ tưởng những nụ cười ấy đi cùng tháng năm, nhưng rồi anh lại ra đi sau một cơn bạo bệnh để lại cho chị một nách hai con, không nghề nghiệp, không vốn liếng. Niềm vui của chị bây giờ là hai đứa con, chị chỉ mong có thể khỏe mạnh nuôi con để chúng không phải chịu cảnh mồ côi như chị. Chị nói người khổ còn nhiều lắm, chị vẫn còn may lắm.

Niềm vui của hai anh em nghệ sĩ cùi khi gặp chúng tôi

Trong một ngôi nhà nhỏ bé ở một xóm nhỏ vùng ven thành phố Pleiku- Gia Lai, ba mẹ con bà Lê Thị K..nương tựa vào nhau trong một cảnh khổ có thể đã đến tận cùng. Người bà K đã ở tuổi 75 hàng ngày vẫn đi nhặt ve chai để bán mua gạo. Cuộc sống khổ cực dồn nén đã làm bà lòm khọm và già hơn cái tuổi 70 của mình. Chân đi khó nhọc vì bệnh khớp, cái đau nhức hành hạ nhưng bà không dám nghỉ một ngày nào bởi con bà đang bị bệnh nặng mà không có tiền mua thuốc, cháu bà còn nhỏ phải đi học. Cuộc đời bà truân chuyên từ nhỏ, đến khi lấy chồng, sinh một đứa con gái thì người chồng chắc không chịu nỗi cái nghèo đó nên đã bỏ đi. Bà một mình nuôi con, những mong đời con sẽ không khổ như đời mẹ. Vậy mà con gái bà lại lặp lại đúng cuộc đời của bà. Bà dồn tình thương cho cháu, chăm ẵm, thương yêu, động viên và cố gắng nuôi cháu đi học với hy vọng sau này cuộc đời cháu sẽ khác hơn bà và mẹ nó, nhưng cũng là “cố đến lúc nào hết sức thì thôi”, bà nói vậy.

Em H..nhỏ hơn tôi vài tuổi, mồ côi mẹ ở cái tuổi còn cần sự bú mớm ẵm bồng. Rồi ba cưới mẹ kế, em lớn lên trong cảnh mẹ ghẻ con chồng với biết bao cay cực, không hề được thương yêu, chăm sóc. Cây cỏ còn được chăm bón, còn em cứ lớn lên trong nước mắt, đòn roi, cô đơn, buồn tủi. Đến lúc lấy chồng thì em lại gặp phải một người mà em và gia đình không biết gốc gác. Em khổ quá rồi, chỉ mong có người thương yêu, vậy mà đến khi em gần sinh con thì chồng bỏ đi biệt tích không một dòng tin để lại. Hơn 20 năm rồi, em cũng không biết cha của con mình giờ ở đâu. Mẹ con côi cút nương tựa vào nhau, cũng may là con trai em ngoan hiền, nhưng cũng vì khó khăn đơn chiếc mà cháu không được học hành đến nơi đến chốn. “Cả cuộc đời mẹ kham khổ nuôi con, không có những bữa cơm ngon, những bộ quần áo đẹp, cháu sẽ cố gắng vươn lên trong khó khăn để báo đền một phần công ơn mẹ…”. Cháu K…con trai em bộc bạch.

Những phận đời long đong như vậy quanh ta còn nhiều lắm. Họ không lười biếng, họ không trách giận cuộc đời. Họ vẫn cố gắng làm mọi việc có thể để vươn lên và tìm niềm vui sống mỗi ngày. Dù số phận không may cứ mãi đeo bám họ, họ vẫn là những công dân lương thiện. Xã hội, cộng đồng không bỏ quên họ, nhưng sự giúp đỡ chỉ giúp làm ấm lòng người lúc khó khăn, chưa đủ để làm giảm cái chênh vênh vốn đã quá ăn sâu vào cuộc đời họ. Cái vòng lẩn quẩn, khổ nghèo, không được học hành cứ nối tiếp nhau xô đẩy những phận đời không may mắn.

Mỗi ngày mặt trời vẫn mọc, ánh hồng tỏa khắp muôn nơi nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng tươi đẹp. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và “đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng”, những ca từ thấm đẫm nhân văn như một sự thấu hiểu, một lời động viên đến những phận đời không suôn sẻ. Và chúng ta chung tay hướng về họ, để cuộc đời này có thêm những nụ cười tươi…

Bài và ảnh: Lê Quang Hồi

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-phan-doi-long-dong-a20508.html