Những phận người trên xóm Vạn Đò ở hạ nguồn Sông Hương: 'Biết mần răng được chừ'!

Ở ngã ba sông Bồ giao với hạ nguồn sông Hương hiện vẫn đang còn gần 230 người dân mong mỏi, chờ đợi được lên bờ. Có những người đã sống mấy chục năm ròng rã trên con đò, và những đứa trẻ vài ba tuổi vẫn chưa quen mặt nước chòng chành… đều đang mơ về một giấc ngủ yên lành dưới những mái nhà trên đất.

Xóm vạn đò Thủy Phú, nằm ở đoạn ngã ba hạ nguồn sông Hương và sông Bồ

Xóm vạn đò Thủy Phú (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) là khu vạn đò cuối cùng của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa được lên bờ tái định cư.

Lòng quặn thắt khi con bị trêu “tụi nớ ở dưới đò”

Vào một ngày đầu tháng 7, tôi gặp chị Phúc trong một lần dẫn người bạn đi ngắm cảnh sông Hương buổi sáng. Con thuyền nhỏ của vợ chồng chị đang xuôi theo dòng, bắt cá trên sông. Khi có người vẫy tay ra hiệu, chị chèo nhanh để tấp thuyền vào ven bờ, bán cho kịp những con cá tươi rói vừa mới bắt được sau gần nửa đêm thả lưới. Bán xong mẻ cá, hai vợ chồng lại vội vàng trở về “nhà”, nơi những đứa con nhỏ đang đứng ngóng…

Gọi là nhà thực ra là con đò cũ kỹ rộng chưa đầy 10m2, là nơi trú ngụ của 7 con người, hai vợ chồng chị Phúc và bốn đứa con cùng người mẹ chồng 78 tuổi. Mới ngoài ba mươi nhưng trông dáng vẻ của người phụ nữ này già nua hẳn, có lẽ bởi từ nhỏ, chị đã quen với công việc mưu sinh nặng nhọc. Chị kể: “Em sinh ra đã ở trên đò rồi, ba mẹ em cũng là dân vạn đò ở hạ nguồn sông Hương. Hơn 10 năm trước, nhà ba mẹ được lên bờ tái định cư ở xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) theo chính sách của tỉnh. Còn em theo chồng lại tiếp tục cùng gia đình lênh đênh trên sông, đợi mãi chưa tới lượt được “bước chân” lên”.

Sinh con đầu lòng khi chỉ mới 19 tuổi, đến nay chị Nguyễn Thị Phúc đã là mẹ của 4 đứa trẻ. Cứ nửa đêm, hai vợ chồng chị cùng đứa con gái thứ hai đã được 9 tuổi, cùng chèo thuyền thả lưới dọc sông Hương để bắt cá. Chồng kéo lưới, vợ phụ giúp và gỡ “thành quả”, con gái thì ngồi đếm xem được bao nhiêu con tôm cái tép. Đến tầm 8-9 giờ sáng, bán được mẻ cá dăm chục nghìn đồng hai vợ chồng lại trở về xóm vạn đò. “Về đò, em thì lo cơm nước cho đàn con nhỏ và mẹ già. Chồng lại tiếp tục đi xúc cát sỏi, hoặc khuân hàng để kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng có hôm chẳng ai thèm gọi thuê”, chị Phúc mặt buồn rầu nói.

Nhắc đến chuyện học hành của lũ trẻ, chị Phúc ngập ngừng một hồi rồi mới cho biết: “Em và chồng đều thất học từ nhỏ, nên bây giờ cứ gắng làm hết sức để con cái được đến trường. Có mấy lần, những đứa con của em cứ ở lì không chịu đi học, hỏi ra thì mới biết chúng nó bị bạn bè trêu – “tụi nớ ở dưới đò, đừng có chơi”. Nghe con kể, lòng em quặn thắt. Cứ ao ước có một mái nhà trên bờ, có thể chỉ là ngôi nhà tạm nhưng các con sẽ không bị phân biệt nữa”.

Trẻ em ở xóm vạn đò Thủy Phú cứ học chưa hết cấp 2 là đã nghỉ, đứa ở nhà phụ mẹ trông giữ em nhỏ, đứa thì mưu sinh sớm giúp gia đình. Cứ thế, đã mấy chục năm qua, chưa có ai được học hành đến nơi đến chốn. Anh Trần Quang (36 tuổi), “láng giềng” của chị Phúc cũng tâm sự, “từ nhỏ tui không được biết đến con chữ nên giờ dồn hết sức cho mấy đứa con đi học. Nhưng có lẽ cũng cho học đến lớp 6, lớp 7 rồi cũng nghỉ thôi. Đời sống dựa vào bắt cá trên sông, ngày có ngày không thì tiền mô để dành dụm cho con học mãi được”.

Gia đình anh Quang, tính đến những đứa con của anh đã là 4 thế hệ đều lênh đênh trên sông nước. Mấy năm trước, cả gia đình gồm 11 khẩu với 3 thế hệ cùng chung trên một con đò, sau này con cái lớn nên anh Quang đã xin chính quyền địa phương được tách hộ để thuận lợi cho việc học hành của con cái.

Thiếu nguồn nước sạch nên sinh hoạt, tắm rửa hằng ngày, dân vạn đò Thủy Phú đều sử dụng nước sông

Những giấc mơ... dài dằng dặc

Hơn 10 năm trước, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện một cuộc “di dân” với hơn 1.000 hộ dân vạn đò trên sông Hương và các khu vực lân cận được lên bờ tái định cư. Đồng thời địa phương cũng có nhiều chính sách hỗ trợ thêm cho người dân xây nhà, đào tạo nghề…

Cũng vào năm 2008, UBND xã Hương Vinh đã dành một phần quỹ đất cho dự định lên bờ của xóm vạn đò Thủy Phú. Diện tích đất này cũng đã được đưa vào trong quy hoạch đất nông thôn mới của xã. Lúc đó, dân vạn đò Thủy Phú háo hức và vui mừng lắm. Nhưng đã mười năm trôi qua, giấc mơ về mái nhà trên bờ cứ kéo dài mãi.

Ông Trần Bí (56 tuổi) vừa vá lừ vừa than thở, “hơn 40 năm qua sống trên đò, tôi cũng trải qua bao nhiêu bươn chải rồi. Bây giờ, chỉ ao ước có được mảnh đất cắm dùi, để các con và đàn cháu có nơi tránh mưa gió, bão lũ. Cứ mỗi lần nghe đài báo có bão là phải bồng bế các cháu nhỏ đi xin các hộ dân trên bờ tá túc. Đàn ông thì ở lại giữ đò kẻo sợ nước lớn cuốn trôi…”. “Sống dưới đò, ô nhiễm môi trường lắm o ơi, bởi không có nguồn nước sạch. Sinh hoạt tắm rửa chi cũng sử dụng nước sông, mà đây cũng là nơi gánh luôn chất thải vệ sinh của bà con. Chỉ có nước uống và nấu ăn là đi mua nên cũng dùng rất tiết kiệm”, ông Bí nói.

Ngư dân ở xóm vạn đò Thủy Phú này kể, mỗi lần có đoàn cán bộ của thị xã Hương Trà hay cơ quan nào về là bà con vạn đò mừng lắm. Cứ nghĩ là họ về khảo sát để thực hiện công tác tái định cư cho người dân. Nhưng lần này qua lần khác, rồi những kiến nghị ở các buổi tiếp xúc cử tri từ cấp thị xã, tỉnh và mới đây là của Đoàn Đại biểu Quốc hội… bà con đều gửi kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để được nhanh chóng ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa có kết quả.

Ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh thông tin với chúng tôi rằng, mảnh đất mà địa phương dành cho quy hoạch tái định cư 24 hộ dân vạn đò Thủy Phú cũng nằm ven sông, với diện tích hơn 0,8 hec-ta. Tuy nhiên đây là vùng đất thấp trũng, cần một nguồn kinh phí để san lấp mặt bằng và đầu tư hạ tầng mới tái định cư được. Trong khi đó xã lại không có nguồn lực để đầu tư, nên đã nhiều lần kiến nghị đến cấp thị xã. Vào cuối năm 2017, các ban ngành của thị xã Hương Trà cũng đã về khảo sát thực tế và dự kiến kinh phí cho hạ tầng khu tái định cư này khoảng 7 tỉ đồng. UBND thị xã cũng đã có văn bản trình lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm xin kinh phí ngân sách để triển khai. Hiện, địa phương cũng chưa nhận được văn bản trả lời của các cấp trên.

“Chúng tôi cũng rất mong việc tái định cư của xóm vạn đò Thủy Phú được nhanh chóng giải quyết để bà con vơi bớt khó khăn. Năm 2015, xã Hương Vinh đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã tổ chức lớp xóa mù chữ ở xóm vạn đò Thủy Phú, với mong muốn sau này bà con sẽ biết mặt chữ để đi học nghề, tạo sinh kế sau khi lên bờ tái định cư”, ông Giàu cho biết.

Mùa mưa bão đã sắp cận kề, nỗi lo với thiên tai lẫn những lo loan cho cuộc sống lại hằn thêm nếp nhăn trên trán của chị Phúc, trên đôi vai của những người đàn ông trụ cột gia đình như ông Bí, anh Quang… Giấc mơ về một ngôi nhà trên bờ tuy dài, nhưng vẫn luôn hiện hữu trong những phận người này, tiếp thêm hy vọng cho họ trước cuộc sống với bao bộn bề khó khăn.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, trong buổi tiếp xúc cử tri của xã Hương Vinh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng lưu ý đến vấn đề tái định cư cho các hộ dân vạn đò Thủy Phú. Bộ trưởng đề nghị UBND thị xã Hương Trà quan tâm và dành nguồn ngân sách để triển khai nhanh công tác tái định cư, nếu để kéo dài sẽ tăng lên nhiều hộ, giải quyết càng khó khăn hơn. Đây là địa bàn giáp ranh với thành phố nên cũng ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị cũng như hình ảnh du lịch của địa phương.

SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/artmid/2070/articleid/8957/nh%E1%BB%AFng-ph%E1%BA%ADn-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-tr234n-x243m-v%E1%BA%A1n-%C4%91242-%E1%BB%9F-h%E1%BA%A1-ngu%E1%BB%93n-s244ng-h%C6%B0%C6%A1ng-%E2%80%9Cbi%E1%BA%BFt-m%E1%BA%A7n-r%C4%83ng-%C4%91%C6%B