Những phát hiện mới tại Thành Nhà Hồ

Sau hơn 620 năm lịch sử, câu chuyện xây thành đá kỳ vĩ, nay trở thành di sản văn hóa của nhân loại ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn khiến các nhà khoa học phải tiếp tục nghiên cứu, giải mã. Và trong khi Thành Nhà Hồ đang được tu sửa, hướng tới Lễ kỷ niệm '990 năm Thanh Hóa', chúng tôi có cuộc trò chuyện với chuyên gia quốc tế mang quốc tịch Thụy Sĩ, ông Vũ Nam Sơn, người đang trực tiếp chỉ đạo đốc công tại công trường. Qua đó cho thấy, có nhiều điều thú vị xung quang công trình được mệnh danh độc nhất Đông Nam Á này vừa được khám phá.

Quá trình làm sạch tường thành đảm bảo giữ màu thời gian.

Tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ

Tôi ghé thăm công trường tu sửa Thành Nhà Hồ vào một chiều nắng gắt cuối tháng tư lịch sử. Chỉ có tiếng máy phun nước, tiếng cọ rửa mặt tường đá. Những công nhân đang làm việc một cách miệt mài, tỉ mẩn dưới sự giám sát chặt chẽ của chuyên gia quốc tế Vũ Nam Sơn. Như đã hẹn trước, ông Sơn cho tốp thợ tạm dừng công việc rồi dùng thiết bị chuyên dụng áp vào mặt phiến đá lớn nằm sát mái vòm phía Tây của cổng Nam để soi chiếu. Hiện lên trên màn hình vẫn còn lại những chân rêu đen li ti bám sâu vào thịt đá sau nhiều trăm năm sống tầm gửi tường thành.

Ông Sơn nói: “Tại cuộc tham vấn trước khi tiến hành tu sửa do Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ tổ chức trước đó, các nhà khoa học đầu ngành, cũng như đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhấn mạnh đến việc giữ màu thời gian cho di sản. Với tư cách là người trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc này, tôi tôn trọng tuyệt đối những nguyên tắc bất di, bất dịch dưới sự giám sát của đơn vị quản lý”. Tôi cùng ông Sơn leo lên từng bậc thang lắp cao đến sát mái vòm phía Tây, cổng Nam để tận mục phiến đá bị đứt gãy treo lơ lửng suốt hàng chục năm qua. Quan sát xung quang, có nhiều miếng đá bị bong ra, đứng trước nguy cơ rơi xuống bất cứ lúc nào.

Chuyên gia Vũ Nam Sơn giải thích: Tác hại của rêu mốc và muối ăn mòn thẩm thấu bền bỉ qua nhiều thế kỷ dẫn tới hiện tượng một số thớ đá bị tách dần ra. Song, để đảm bảo tính nguyên trạng của di sản, chúng tôi vừa vận dụng kinh nghiệm của cha ông để lại, vừa kết hợp tiến bộ của khoa học - kỹ thuật để thực hiện tu sửa những phần hư hỏng của mái vòm. Riêng phiến đá lớn bị đứt gãy, chúng tôi đã làm sạch, áp dụng phương pháp thủ công, phần đá bị rời ra được nâng lên, ép khớp với vết đứt, kẹp chì, không tác động đến mái vòm, đảm bảo tối đa tính bền vững cũng như giá trị thẩm mỹ của công trình. Chúng tôi thực hiện đúng theo ý kiến chỉ đạo của ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội nghị tham vấn”.

Những phát hiện mới

Trong quá trình tu sửa, làm vệ sinh tường thành, cổng Nam Thành Nhà Hồ, chuyên gia Vũ Nam Sơn phát hiện thêm những giá trị mới xung quanh câu chuyện xây thành của vương triều Hồ thuở xưa. Ông dẫn tôi tới sát chân mái vòm phía Đông, cổng Nam rồi chia sẻ: Phiến đá nằm sát với mặt móng tường của mái vòm, chịu tác động lực nhiều nhất được nhà Hồ chuẩn bị kỹ lưỡng. Phiến đá rất lớn, đặc biệt nó có chiều dài kỷ lục lên tới 5,45m, dài hơn cả phiến đá ở cổng Tây đã phát hiện và công bố trước đây. Tuy được chia tách bởi bốn vết cắt để tiện cho công tác vận chuyển nhưng chi tiết để chứng minh tính nguyên khối của phiến đá là bởi các đường vân liên hoàn chạy dài trên bề mặt khối đá.

Chuyên gia nghiên cứu nhiều công trình đá cổ ở châu Âu cho rằng: “Về kỹ thuật, người thợ phải siêu đẳng mới lắp khít như vậy, họ rất tự tin”. Cũng tại phiến đá này, trên bề mặt phẳng, ông Sơn đặt câu hỏi: Liệu sau khi lắp xong nó có phẳng như vậy không? Rồi ông tự lý giải, rất có thể người đi khai thác và người lắp đặt là một, vì bề mặt của phiến đá có vết bạt vẫn còn khá rõ, nó thể hiện ý tưởng xuyên suốt của một con người. Tiếp tục men dọc theo bờ tường thành phía Tây, cổng Nam, ông Vũ Nam Sơn còn chỉ ra nhiều khối đá sau khi thợ lắp xong thì tiến hành bạt bên ngoài tạo mặt phẳng như ý.

Bên cạnh đó, ông Sơn phân tích: Quá trình xây thành, dường như nhà Hồ đã dùng cốp pha chứ không phải như những nhận định trước đây rằng công trình đắp bằng đất trước khi xây lắp tường đá. “Vì dùng cốp pha mới chỉnh được các đường gân, tạo mặt phẳng. Nếu đắp đất trước, sẽ không nhìn thấy đường gân để chỉnh. Cốp pha bằng gỗ, có lỗ giúp việc kê kích, chỉnh lên, chỉnh xuống từng khối đá, tạo nên đường chỉ thẳng và chính xác hơn, ông Sơn nói. Ông Sơn khẳng định: “Người Việt mình, xưa không có di tích thể xây. Tôi hình dung công trình giống như một thứ gì đó từ hành tinh khác người ta thả xuống vùng đất Vĩnh Lộc, chỉ trong vòng 3 tháng mà vương triều Hồ xây xong được tòa thành to lớn, vĩ đại vậy, thật không tưởng! Hơn thế, ở những công trình đá cổ tôi đã đi qua và làm việc tại kiến trúc đá ở các nhà thờ, không có nơi nào xây dựng bằng những khối đá lớn như Thành Nhà Hồ cả”.

Ý tưởng lập đường kéo đá

Điều khiến ông Sơn tò mò hơn nữa đó là quá trình vận chuyển vật liệu, ông trăn trở và đưa ra những giả thiết có lý về vấn đề này. Chuyên gia Vũ Nam Sơn nhắc lại câu chuyện xa xưa, ông Nguyễn An, tổng công trình sư xây dựng thành Bắc Kinh mới. Nguyễn An (1381-1453) quê Hà Đông (cũ) từng tham gia các hiệp thợ xây dựng cung điện ở kinh thành Thăng Long. Ông Sơn nhận định: “Có thể Nguyễn An cũng tham gia xây Thành Nhà Hồ vì ông ấy có sáng kiến rất to lớn. Lúc bấy giờ, vua Minh hối thúc ghê gớm nếu không kịp tiến độ có thể bị chém đầu. Có lần Nguyễn An đi thị sát công trường khai thác đá ở rất xa, trên đường đi đúng vào mùa đông, ông thấy trẻ con chơi trượt trên băng. Từ đó, Nguyễn An nghĩ ra việc be đường lại thành hình lòng máng, sau đó đổ nước và trượt vật liệu một cách dễ dàng. Người Pháp và người Đức đã từng dựng thành phim và khẳng định, đây là ý tưởng của Nguyễn An”.

Chính vì vậy, chuyên gia Vũ Nam Sơn đưa ra ý tưởng thử nghiệm tái hiện lại con đường kéo đá xây thành. Con đường này sẽ dùng bằng những cây tre đặt song song tạo thành “đường ray”, sau đó đặt phiến đá lên trên dùng trâu kéo trượt. Ông Sơn cho rằng, về nhận định, nhà Hồ tạo đường vận chuyển dựa trên những con lăn bi đá là rất khó. “Tôi chọn mấy phiến đá không nặng lắm, mỗi phiến khoảng 2,5 tấn thôi để mô phỏng, chứng minh bằng cách nào, các bậc cha ông kéo về đây những khối đá lớn như vậy?. Cần thiết, tôi sẽ làm thí nghiệm xem 1cm2 của “đường ray” chịu được tác động của bao nhiêu lực. Từ đó, tính toán tạo “đường ray” phù hợp để kéo trượt những phiến đá đã sơ chế tương đối phẳng”, ông Sơn chia sẻ thêm. Theo chuyên gia Vũ Nam Sơn, nếu thành công trong việc này chúng ta có thể tái tạo lại mô hình công trường xưa để phục vụ trực quan cho du khách đến thăm Thành Nhà Hồ hiểu nhiều hơn về công trình đá đặc biệt này.

Ghi chép của NGUYỄN ANH TUẤN

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/nhung-phat-hien-moi-tai-thanh-nha-ho/100576.htm