Những phiên chợ quê

Với sự phát triển như vũ bão của thời đại ngày nay, những phiên chợ quê ngày xưa đã lùi xa vào dĩ vãng.

Ngày xưa, tôi rất thích được đi những phiên chợ quê. Mẹ kể, lúc tôi còn bé, mỗi khi mẹ ra chợ bán hàng lặt vặt là bỏ tôi vào trong thúng gánh ra chợ. Một đầu thúng mẹ để khoai hoặc bắp, hay những thứ gì cha trồng được trong mảnh đất vườn nhà, đầu kia tôi ngồi ngăn nắp vào đấy. Ra chợ ấp, mẹ bày hàng ra bán, còn tôi vẫn “yên vị” trong thúng. Đi chợ ấp toàn là người quen, thấy tôi họ nựng gò má, mắng yêu mấy câu. Người cho vắt xôi, người cho cái bánh.

Khoảng chừng lên 6 lên 7, tôi vẫn theo mẹ ra chợ. Mẹ gánh hàng đi phía trước, tôi chạy theo phía sau. Mẹ tôi quen “cuốc bộ” nên đi rất nhanh, tôi chạy theo mà mệt đừ. Đến chợ mẹ bày hàng ra bán, còn tôi ngồi… thở dốc. Tuổi này thấy gì cũng đòi ăn. Mẹ chưa bán hàng được nào, mà tôi cứ miệng đòi ăn bánh này bánh nọ. Mẹ bực mình mắng, nếu tôi còn “lải nhải”, lần sau mẹ cho ở nhà. Lúc này, tôi mới chịu ngồi im cho mẹ bán hàng.

Tôi ngồi ngoài đầu chợ, có khi gặp bà con dòng họ vuốt đầu khen lớn, cho vài đồng bạc lẻ. Thế là, tôi mừng húm chạy đi mua bánh, miệng nhai, lòng vui như Tết. Có lần, tôi thấy bà bán tàu hủ chiên sẵn, để người ta mua về rồi chế biến. Tôi tưởng bánh, sấn lại mua hai cái rồi quýnh quáng chạy đi. Chạy dăm bước đưa lên miệng cắn. Lạt nhách, tôi phun phèo phèo. Quay lại bà bán bánh xin nước đường, bà bán bánh cười nói, tàu hủ làm gì có nước đường.

Chợ ấp đi hoài cũng chán, vì quanh đi quanh lại cũng bấy nhiêu món hàng và bấy nhiêu người quen. Thế là, trong tôi có ước ao được đi chợ xã hoặc chợ huyện. Mà hồi xưa, mẹ tôi lâu đi chợ huyện một lần, còn chợ xã rất ít đi vì… nghịch đường (chợ xã nếu xa hơn chợ huyện chừng 2 cây số).

Mẹ đi chợ huyện tôi cũng xin đi theo, huyện tôi hồi đó còn là huyện “vùng sâu, vùng xa” nên còn khá nghèo về cơ sở vật chất nhưng với một thằng con trai nhà quê như tôi thì chợ huyện cũng là xa lạ. Chợ huyện tôi có một cây cầu bắc ngang qua sông, cây cầu có vài miếng ván hư nên rớt mất chừa mấy lổ hỏng nhìn thấy dòng nước dưới sông chảy cuồn cuộn. Đi ngang mấy lổ hỏng đó tôi sợ sẩy chân rớt dép xuống sông. Sau này, lớn lên học cấp 3 tôi thường xuyên đi ngang cây cầu ấy và nghĩ lại nỗi sợ của bản thân mình ngày xưa, thật là buồn cười.

So với chợ ấp, chợ huyện bán rất nhiều hàng hóa. Với nhu cầu thực tế của người dân hồi ấy, họ thường bảo nhau, ra chợ huyện “mua gì cũng có”. Mà đúng như vậy, hồi ấy dân quê đa số còn nghèo, ra chợ huyện họ chỉ mua các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, còn những mặt hàng khác xem như là “xa xí phẩm”.

Tôi long nhong theo mẹ, từ đầu chợ ra cuối chợ, chủ yếu xem cái này cái kia cho thỏa thích. Mẹ dẫn tôi lại, chỗ bà bán sương sáo, mua cho một chén. Sương sáo chan nước đường, thêm tí nước cốt dừa. Tôi ngồi xì xụp húp, tí xíu hết veo. Trả lại chén cho bà bán sương sáo, hai mẹ con lại đi tiếp. Có khi gặp người quen cũ, mẹ đứng lại “tán dóc” một hồi, còn tôi đi lòng vòng gần đó hoặc ngồi chồm hổm chờ.

Hết buổi chợ, hai mẹ con chẳng được những thứ gì đắt giá, ngoài những thứ cha dặn: cái lưỡi cuốc, lưỡi hái, vài mét lưới dùng giăng bắt cá và một số đồ lặt vặt khác. Và dĩ nhiên, về nhà mẹ sẽ cho cả nhà thưởng thức một nồi canh chua thật ngon, với đủ các loại rau nấu cùng mớ cá đồng có sẵn ở nhà.

Càng lớn lên tôi lại càng ít đi chợ (tỉ lệ nghịch với lúc nhỏ), bây giờ chợ với tôi cũng tương đối xa lạ (vì ít đi chợ nên tôi không biết chỗ bán cái này chỗ bán cái kia). Có khi, muốn tìm lại cảm giác đi chợ thuở bé, tôi cũng thử đi chợ. Nhưng cảm giác khác xưa hoàn toàn. Và khi đó, trong đầu tôi lại nhớ đến một câu nói của một nhà triết học cổ đại: “Tất cả mọi vật đều thay đổi, chúng ta không thể tắm hai lần trên một khúc sông”.

TRẦN NHẬT HẠ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/nhung-phien-cho-que-34267.html