Những phiên điều trần công khai tại Quốc hội Mỹ

Những phiên điều trần công khai tại Quốc hội Mỹ đã bước sang tuần thứ hai với liên tiếp những chấn động từ Nhà Trắng và người đứng đầu nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump không theo dõi các phiên điều trần luận tội công khai đầu tiên, nơi người ta công bố cuộc điện thoại giữa ông và Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland. Thế nhưng, có vẻ như ông Trump đã theo sát phiên điều trần công khai thứ hai.

Ngày 15-11, Tổng thống Trump đã gay gắt tấn công cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch ngay khi bà đang có mặt trong phiên điều trần công khai đầu tiên trước Quốc hội nước này. Suốt một giờ đồng hồ, bà Yovanovitch ngồi làm chứng và trả lời các câu hỏi, ông Trump đã đăng tải hàng loạt dòng trạng thái trên Twitter. Ông chủ Nhà Trắng đặt nghi vấn về năng lực của cựu Đại sứ Yovanovitch, nói rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có những nhận định bất lợi về bà và tuyên bố rằng ông có quyền sa thải các nhà ngoại giao theo ý muốn.

Tổng thống Trump đang bị đảng Dân chủ tấn công dữ dội . Ảnh tư liệu

Tổng thống Trump đang bị đảng Dân chủ tấn công dữ dội . Ảnh tư liệu

Một khoảnh khắc có thể đi vào lịch sử nước Mỹ là khi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cho phép Yovanovitch cơ hội để bác bỏ các dòng tweet của Tổng thống Trump gần như trong thời gian thực. Đảng Dân chủ mô tả hành vi của Tổng thống là một hình thức “uy hiếp nhân chứng” và cho rằng đây là cuộc tấn công mới nhất của Tổng thống chống lại một trong những nhân viên chính phủ của mình.

Đảng Cộng hòa, vốn được biết là có chiến lược tránh trực tiếp làm mất danh tiếng của một nhà ngoại giao lâu năm và được kính trọng, lại đang phải chứng kiến một tổng thống của đảng mình đảo lộn các quy tắc. Nữ Nghị sĩ đảng Cộng hòa Elise Stefank trao đổi với PV trong giờ nghỉ giữa các phiên điều trần: “Tôi không đồng ý với các dòng tweet. Tôi nghĩ Đại sứ Yovanovitch là một công chức, giống như nhiều công chức khác cống hiến cho Mỹ ở nước ngoài”.

Một thành viên đảng Cộng hòa, quan chức thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Conaway nhấn mạnh những dòng tweet của Tổng thống Trump “không phải là điều tôi sẽ làm”. Trên thực tế, những bình luận của Tổng thống Trump đã trở thành chủ đề quan tâm lớn của phiên điều trần công khai thứ hai và càng nhấn mạnh tuyên bố của bà Yovanovitch rằng chính tổng thống là nguyên nhân khiến bà bị sa thải.

Mọi chuyện chưa dừng ở đó. Ngày 17-11, Tổng thống Trump lại tiếp tục đả kích một nhân chứng khác tham gia phiên điều trần trước Quốc hội, cho rằng trợ lý phụ trách chính sách đối ngoại Jennifer Williams của Phó Tổng thống Mike Pence “chưa bao giờ là người ủng hộ” tổng thống và đáng bị chỉ trích. Trên trang Twitter cá nhân, nhà lãnh đạo Mỹ dùng những lời lẽ đầy khinh bỉ để nói về bà Jennifer, người trong phiên điều trần hồi đầu tháng từng cho rằng, một số bình luận của Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine vào mùa hè 2018 là “không phù hợp”. Nội dung phiên điều trần của bà Jennifer vừa được công bố hôm 16-11. Theo kế hoạch, bà sẽ có phiên điều trần tiếp theo vào ngày 19-11 trong chuỗi các phiên điều trần công khai liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump mà đảng Dân chủ dẫn dắt.

Bà Jennifer, người cũng được nghe cuộc điện đàm của ông Trump và Tổng thống Volodymyr Zelensky, điều trần rằng việc người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh yêu cầu Ukraine tiến hành các cuộc điều tra có tính nhạy cảm về mặt chính trị “khiến tôi cảm thấy bất bình thường và thiếu hợp lý”. Theo bà, cuộc thảo luận giữa Tổng thống Trump và ông Zelensky mang tính chính trị nhiều hơn những cuộc điện đàm thông thường của Tổng thống Mỹ với các lãnh đạo nước ngoài khác và cuộc trao đổi này bao gồm cả những gì mà bà xem là phản ánh rõ mục tiêu chính trị cá nhân của ông Trump.

Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích các quan chức chính phủ tham gia điều trần. Cũng trên trang Twitter, Tổng thống Trump từng gọi các nhân chứng khác như Trung tá Alexander Vindman cùng các nhà ngoại giao William Taylor và George Kent là những người "Never Trumper", một thuật ngữ lần đầu được sử dụng trong chiến dịch tranh cử năm 2016 để chỉ những cá nhân không ủng hộ Trump, đặc biệt là các thành viên đảng Cộng hòa. Trong phiên điều trần công khai hồi tuần trước, cả ông Taylor và ông Kent đều phủ nhận “danh xưng” bị gán này. Ông Kent nhấn mạnh: “Tôi là một công chức chuyên nghiệp và phi đảng phái, tôi chỉ phục vụ tổng thống, cho dù đó là ai”.

Theo hãng tin AP, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vừa ngỏ lời mời Tổng thống Trump tới điều trần trước các nhà điều tra của Hạ viện. Phản bác những cáo buộc từ nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng tiến trình điều tra là nhằm bôi nhọ ông, bà Pelosi nói rằng ông hoàn toàn được hoan nghênh tại các phiên điều trần để trực tiếp trả lời chất vấn hoặc bằng văn bản, tùy ông chọn. Chia sẻ trong chương trình “Face the Nation” trên kênh truyền hình CBS ngày 17-11, bà nói: “Nếu ông ấy có những thông tin mang tính bào chữa… chúng tôi rất mong được biết. Trump nên xuất hiện trước ủy ban để nói chuyện, để trao đổi về những sự thật mà ông ấy muốn biết nếu ông muốn”.

Nhà lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cũng nhắc lại đề xuất này. Ông nói: “Nếu Donald Trump không đồng tình và không thích với những gì được nghe, ông ấy cũng không nên tweet. Ông ấy có thể tham gia và điều trần sau khi đưa ra lời thề”. Theo ông Schumer, việc Nhà Trắng liên tục tìm cách cản trở các nhân chứng hợp tác với quá trình điều tra càng làm nổi rõ câu hỏi rằng “Tổng thống Trump đang che giấu điều gì?”.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-phien-dieu-tran-cong-khai-tai-quoc-hoi-my-170410.html