Những phiền toái từ hội chứng tự sinh rượu trong cơ thể

Hội chứng tự sinh rượu (ABS) còn được gọi là lên men ruột, là tình trạng bạn có thể say rượu sau khi ăn, hay phát hiện rượu trong nước tiểu... mà không hề uống rượu.

Những rắc rối từ ABS

Bị bắt vì có nồng độ cồn cao trong máu

Năm ngoái, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Richmond, New York đã báo cáo về trường hợp một người đàn ông 46 tuổi phàn nàn về mất trí nhớ, trầm cảm và các triệu chứng tâm thần khác trong hơn 6 năm. Cuối cùng, anh ta bị bắt vì lái xe khi say rượu với các xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn trong máu vượt quá giới hạn pháp lý. Khi người đàn ông nói mình không uống rượu, lúc đầu, các bác sĩ và cảnh sát đã không tin cho đến khi phát hiện người đàn ông này mắc chứng ABS và thuốc kháng sinh là thủ phạm.

Các triệu chứng của người đàn ông bắt đầu sau một quá trình dài dùng các loại thuốc diệt vi khuẩn. TS. Fahad Malik - một trong những bác sĩ đã điều trị cho ông tiết lộ. Thuốc kháng sinh đã phá vỡ cấu trúc vi khuẩn bình thường trong ruột của người đàn ông, cho phép nấm men sản xuất rượu phát triển mạnh.

TS. Fahad Malik cho biết, tại thời điểm này, nhóm nghiên cứu đã gặp 15 bệnh nhân mắc bệnh ABS và phần lớn có nguyên nhân là do sử dụng kháng sinh kéo dài.

Vi khuẩn ruột ở một số người có thể sản xuất ethanol gấp 4-6 lần so với bình thường gây ra hội chứng tự sinh rượu.

Vi khuẩn ruột ở một số người có thể sản xuất ethanol gấp 4-6 lần so với bình thường gây ra hội chứng tự sinh rượu.

Bị từ chối ghép gan vì nhầm tưởng bệnh nhân uống rượu

Một bệnh nhân nữ 61 tuổi và bị xơ gan, không có biểu hiện triệu chứng nhiễm độc. Nhưng xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân nhiều lần thấy dương tính với rượu đã khiến cô không được đưa vào danh sách chờ để ghép gan. Các bác sĩ tại trung tâm cấy ghép ban đầu của cô nói rằng, cô sẽ phải trải qua điều trị lạm dụng rượu, nhưng cô phủ nhận điều này vì mình chưa từng uống rượu. Vì vậy, cô đã tìm đến Đại học Pittsburgh. Ban đầu, các bác sĩ ở đây cũng nghĩ là họ đang bị cô nói dối, cho đến khi họ nhận thấy một điều kỳ lạ, đó là khi xét nghiệm nước tiểu của cô dương tính với rượu, nhưng xét nghiệm máu của cô thì lại không. TS. Kenichi Tamama - một nhà nghiên cứu bệnh học tại Pitt cho biết.

Theo Tamama, với trường hợp này, nguyên do là bệnh nhân bị tiểu đường nhưng kiểm soát đường huyết kém (đây là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gan). Khi lượng đường trong máu cao mạn tính đã lan tỏa vào nước tiểu và có khả năng thúc đẩy sự phát triển quá mức của men trong bàng quang của người phụ nữ này. Cụ thể, cô có rất nhiều Candida glabrata, có liên quan mật thiết đến men bia. Vì vậy, các vi khuẩn bắt đầu chuyển đổi đường trong bàng quang của bệnh nhân thành rượu. Sau đó, cô đã được xem xét lại để ghép gan sau khi chẩn đoán ABS

Theo các nhà khoa học, với ABS “truyền thống” khiến rượu trong máu tăng đột biến cùng với các triệu chứng như chóng mặt, mất phương hướng, các vấn đề phối hợp và thay đổi tâm trạng, nhưng với biến thể mới này - điều mà nhóm các bác sĩ tại Đại học Pittsburgh gọi là ABS tiết niệu - không ảnh hưởng đến rượu trong máu mà thay vào đó, nấm men trong bàng quang tạo ra rượu trong nước tiểu.

Đi tìm thủ phạm

ABS đã được báo cáo lẻ tẻ trong những năm qua, xảy ra khi nấm men tích tụ trong ruột và chuyển đổi đường từ thức ăn thành rượu. Theo GS. Cordell tại Panola College, Texas, ABS có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh, nhưng dường như phổ biến hơn ở những người có điều kiện y tế phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn đường ruột - như bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh Crohn và hội chứng ruột ngắn.

Theo các nhà khoa học, ABS xảy ra khi một tác nhân nào đó trong đường tiêu hóa biến carbohydrate thành ethanol và một số chủng vi khuẩn đường ruột được cho là có liên quan. Một số ít người mắc ABS thể hiện những triệu chứng say sau khi ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột như cơm gạo. Dù không uống bất kể một giọt rượu nào, những người mắc ABS cũng sẽ bị ảnh hưởng như uống rượu. Đa số những người mang vi khuẩn sinh rượu trong ruột không biết về tình trạng của mình.

Các chuyên gia khuyên, mua máy thở để kiểm tra nồng độ cồn trong máu của bạn trước và sau khi ăn một bữa ăn có chứa carb. Nếu carbs kích hoạt kết quả dương tính với rượu, hãy đi khám bác sĩ.

Về việc điều trị, thuốc chống nấm có thể hữu ích, mặc dù một số người chỉ đáp ứng với chế độ ăn kiêng low-carb. Một số bác sĩ cũng thử dùng men vi sinh cho tình trạng này - GS. Cordell chia sẻ.

Phúc Lâm

((Theo Drugs))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-phien-toai-tu-hoi-chung-tu-sinh-ruou-trong-co-the-n170261.html