Những phong tục lạ đón năm mới

Trên khắp thế giới, các nền văn hóa chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới bằng những món ăn đặc biệt, nhiều ý nghĩa cùng những phong tục độc đáo, đôi khi là khó tin.

Biểu tượng may mắn trong ẩm thực

12 quả nho, hay 12 thìa đậu lăng vào mỗi tiếng chuông điểm Giao thừa là phong tục độc đáo tại một số quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước Mỹ Latin như Colombia. Mỗi quả nho tượng trưng cho sự may mắn trong một tháng của năm mới.

Bánh Oliebollen phủ đường mừng năm mới của người Hà Lan.

Theo phong tục truyền thống đêm Giao thừa, người dân Tây Ban Nha, nhất là tại các thành phố lớn như Madrid và Barcelona, thường tập trung tại các quảng trường để cùng nhau chờ đón khoảnh khắc tháp chuông rung lên 12 lần. Khi thời khắc Giao thừa tới, chuông sẽ rung 4 hồi nhanh liên tiếp, sau đó ngưng lại và rung tiếp 12 tiếng tượng trưng cho 12 tháng.

Khi tiếng chuông đầu tiên vang lên, mọi người tung một quả nho và hứng bằng miệng, rồi tiếp tục làm như vậy khi những tiếng chuông tiếp theo vang lên. Người Tây Ban Nha quan niệm rằng, nếu có thể ăn hết 12 quả nho đến tiếng chuông cuối cùng, họ sẽ gặp may mắn trong cả năm tới. Đây là truyền thống quen thuộc nhưng nguồn gốc lại gây nhiều tranh cãi và một trong số đó được cho là bắt nguồn từ khoảng những năm 1900, khi các nhà sản xuất rượu vang ở thành phố Alicante bội thu vụ nho nhưng người dân không thể bán hết số nho khi đó.

Tại Mỹ Latin, món bánh Bunuelos khá phổ biến trong các dịp năm mới, Giáng sinh và các ngày lễ khác như lễ Phục sinh và Ngày các Thánh. Bunuelos trông giống bánh rán nhưng lại có độ tơi xốp với lớp vỏ chiên xù cùng ít vỏ chanh. Bánh thường được ăn với kem, kem sữa trứng hoặc mứt quả. Những chiếc bánh còn có thể tùy ý tạo hình khác nhau.

Người Hà Lan cũng có món bánh mừng năm mới là Oliebollen, loại bánh rán phủ đường nhỏ. “Oliebollen” có nghĩa là "old and new" (cũ và mới), tượng trưng cho sự chuyển giao năm cũ và năm mới trong đêm Giao thừa, với ý nghĩa hướng đến những điều mới mẻ. Món ăn này có hương vị gần giống bánh donut, thường gồm bột mì nhào với nho khô, táo, rán vàng giòn và lăn qua bột đường. Theo truyền thuyết, các bộ lạc người Đức đã ăn món bánh này để tránh khỏi tai họa từ Nữ thần Perchta, người sẵn sàng mổ bụng tất cả những ai đi ngang qua bà. Các bộ lạc tin rằng, dầu rán bánh sẽ dính vào dạ dày của họ, khiến lưỡi kiếm của Perchta trượt khỏi cơ thể của bất kỳ ai đã ăn chúng.

Cuba và Áo, lợn sữa nướng chậm trên bếp lửa là món ăn truyền thống lâu đời để chào mừng năm mới. Người ta tin rằng lợn là loài động vật thường vùi mõm xuống đất và tiến về phía trước khi muốn kiếm ăn, do đó hành động của loài động vật này được coi là dấu hiệu của sự tiến bộ và thịnh vượng trong năm mới. Ngoài ra, thịt lợn giàu mỡ, tượng trưng cho sự thịnh vượng, giàu có và phát đạt. Người Đức cũng thích bánh hạnh nhân có hình con lợn để cầu may.

Món ăn có tên gọi khá thú vị, Hoppin' John gồm cơm và đậu mắt đen là món ăn may mắn trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Món ăn này được cho là xuất hiện từ giữa những năm 1800 ở South Carolina (Mỹ), khi những người nô lệ mang theo những hạt đậu Tây Phi và gieo trồng trên đất Mỹ. Đậu mắt đen thường được dùng làm lễ vật dâng lên các vị thần trong một số tôn giáo châu Phi. Món Hoppin' John cũng có thể được gia giảm thêm ớt đỏ và thịt lợn muối.

Trong khi canh bánh gạo Tteokguk là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm năm mới tại Hàn Quốc, với nước dùng được hầm từ thịt, với bánh gạo nấu chín (tteok), một chút trứng thái sợi, rong biển hoặc hành lá, tượng trưng cho sự thanh khiết thì tại Nhật Bản, người dân đón năm mới bằng món mì soba, loại mì làm từ bột kiều mạch. Mì soba thường được phục vụ với nước dùng, với các loại đồ ăn kèm như rau, thịt hoặc cá, hoặc được dùng lạnh với nước chấm. Mì soba rất dễ cắt nên người Nhật Bản cho rằng việc ăn loại mì này vào thời điểm chuyển giao có thể cắt đứt mọi tai ương và cực khổ của năm cũ, đón chào một năm mới với nhiều vận may.

Đón năm mới theo những cách riêng

Ở phần lớn các nước châu Âu nói tiếng Đức, cũng như Phần Lan, Bulgaria, Cộng hòa Séc và cả Thổ Nhĩ Kỳ, người ta có phong tục đun nóng những miếng chì nhỏ, sau đó nhúng vào nước lạnh và đưa ra dự đoán cho năm mới dựa trên những hình dạng đó. Người dân tại đây quan niệm hình ảnh một quả bóng hình tròn là báo hiệu vận may sẽ đến, trong khi nếu thành phẩm thu về có hình trái tim hoặc chiếc nhẫn có nghĩa là một đám cưới, nếu là hình con tàu sẽ mang đến niềm hy vọng về những chuyến đi.

Lễ hội Hogmanay đón năm mới của người Scotland.

Người Scotland đón năm mới với lễ hội Hogmanay từ ngày 30/12 đến ngày 2/1, với các nghi lễ đốt lửa trại, nơi mọi người diễu hành và vung những quả cầu lửa khổng lồ tượng trưng cho mặt trời. Theo tiếng chuông, người dân bắt đầu một đám rước dài, mang theo những quả cầu lửa, nhân vật chính của màn trình diễn rực rỡ, sau đó ném chúng xuống bến cảng. Stonehaven và Edinburgh là hai thành phố nổi tiếng với lễ hội quy mô và sôi động nhất. Tại Scotland, “bước chân đầu tiên” cũng là một phong tục thú vị khi người ta quan niệm vị khách đầu tiên bước qua ngưỡng cửa nhà trong năm mới sẽ mang theo một món quà để cầu may. Tại một số nơi, người dân tập trung hát “Auld Lang Syne” cùng nhau và vào ngày đầu năm mới, những bữa tiệc thường kết thúc bằng những màn bơi lội trong làn nước lạnh.

Người Ireland lại có một số truyền thống đón năm mới kỳ lạ hơn như dùng bánh mì đập vào tường bên ngoài ngôi nhà để xua đuổi những điều xui xẻo và linh hồn ma quỷ. Đặc biệt hơn, tại những gia đình có người thân vừa qua đời trong năm trước, một chiếc đĩa sẽ được bày thêm lên bàn ăn để tưởng nhớ người đã mất.

Một cành cây nặng trĩu quả lựu ở Hy Lạp tượng trưng cho khả năng sinh sản và sự dồi dào. Trước ngày lễ, các gia đình sẽ treo những chùm quả lựu ngay trước cửa nhà. Đêm Giao thừa, mọi người sẽ tắt đèn và ra khỏi nhà để người được cho là may mắn nhất sẽ bước chân phải vào nhà đầu tiên để cầu chúc may mắn cho gia đình trong năm mới. Sau đó, người thứ hai sẽ cầm quả lựu trên tay phải đập mạnh vào cửa để xem may mắn có thể đến mức nào - những hạt rơi ra càng mọng nước thì năm mới của họ sẽ càng gặp nhiều may mắn.

Người Italy và người Tây Ban Nha ưa thích mặc đồ lót màu đỏ, nếu là đồ mới thì càng tốt, để cầu may. Nhiều quốc gia Trung và Nam Mỹ khác như Ecuador, Bolivia và Venezuela cũng cho rằng, mặc đồ lót đặc biệt vào đêm Giao thừa là điều may mắn. Màu sắc phổ biến nhất là màu đỏ, được cho là mang lại tình yêu trong năm mới và màu vàng, được cho là mang lại tiền bạc. Trong khi đó, mặc đồ trắng vào đêm Giao thừa từ lâu đã là một truyền thống của Brazil để tôn vinh nữ thần biển cả (Lemanjá). Đám đông mặc đồ trắng sẽ hò reo và chạy xuống nước ngay lúc nửa đêm để nhảy qua 7 con sóng, thể hiện quyết tâm và hy vọng cho năm mới.

Ở Cuba, những xô nước lại là thứ tượng trưng cho những linh hồn xấu xa và năng lượng tiêu cực trong 365 ngày năm cũ. Sẽ không quá lạ lẫm nếu người ta thấy ở cửa nhà người dân Cuba là những xô nước được đổ ra khỏi cửa vào thời khắc đếm ngược sang năm mới!

Ngày đầu năm mới của Ecuador diễn ra đặc biệt khi người dân ăn mừng bằng cách đốt hình nộm của các chính trị gia và nhân vật công chúng, với ý nghĩa dọn dẹp đất nước khỏi những tiêu cực và mang lại may mắn trong năm tới.

Trong khi đó, người Philippines đặc biệt ưa thích những thứ hình tròn cho năm mới. Tại quốc gia Đông Nam Á này, người ta có thể tìm thấy rất nhiều đồ vật và trang trí hình tròn như đồng xu để tượng trưng cho sự thịnh vượng. Nhiều người còn mặc đồ chấm bi để cầu may. Ngoài ra, việc ăn các loại trái cây hình tròn như cam, dưa hấu, nhãn, nho và bưởi cũng được coi là đem lại điềm lành.

Tại xứ Wales, từ bình minh cho đến khoảng trưa ngày đầu năm mới, trẻ em sẽ đến từng nhà và trêu đùa mọi người bằng một trò chơi tương tự “Trick or Treat” (Cho kẹo hay bị ghẹo), chúng thường hát các bài hát có vần điệu để chờ người ta tặng lại những đồng xu hoặc kẹo. Đám trẻ em cũng mang theo “calennig”, thường là một quả táo hoặc quả cam xiên đinh hương và trái cây khô, biểu tượng của sự may mắn.

Điều tuyệt vời nhất về các lễ hội hay những truyền thống, tập quán là chúng muôn hình vạn trạng. Nếu nghĩ rằng, cách duy nhất để chào đón năm mới là các bữa tiệc thâu đêm tới bình minh, người ta sẽ phải ngạc nhiên với những gì người dân trên thế giới làm vào thời khắc Giao thừa!

Dương Anh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/nhung-phong-tuc-la-don-nam-moi-i720928/