Những phụ nữ say mê khoa học

Giải thưởng Kovalevskaia 2018 vừa được trao trong tháng 3/2019, một nhà khoa học nữ và một tập thể nữ có nhiều sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực xử lý môi trường và nông nghiệp đã được vinh danh. Những người phụ nữ nhìn tưởng chừng như mảnh dẻ và yếu đuối ấy đã đại diện cho nhiều phụ nữ Việt viết nên kỳ tích, khi nỗ lực làm tròn, làm tốt trọng trách của họ cả ở gia đình và trong sự nghiệp.

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân đoạt giải. (Ảnh: Phạm Quang Vinh).

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân đoạt giải. (Ảnh: Phạm Quang Vinh).

1. Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 ở hạng mục cá nhân đã gọi tên GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Là nhà khoa học nữ trong lĩnh vực thú y, GS.TS. Nguyễn Thị Lan được vinh danh nhờ thành tích nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật: Chị từng chủ trì và tham gia 22 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp Nhà nước đến cấp Bộ, có 105 bài báo khoa học trong và ngoài nước, trong đó 29 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI. Người phụ nữ sinh năm 1974 này được biết đến là nữ giáo sư trẻ nhất ngành Thú y, giáo sư danh dự Đại học Yamaguchi Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh lý Thú y châu Á. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của GS.TS. Nguyễn Thị Lan được công nhận và chuyển giao thành công như Kit chuẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản, hay bệnh tai xanh ở lợn, vaccine phòng bệnh Care (bệnh sài sốt) ở chó, chế phẩm vi sinh vật sử dụng trong chăn nuôi… Chị cũng là đồng tác giả của 2 quy trình quan trọng là Quy trình chẩn đoán bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà và Quy trình phòng, điều trị bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà.

Mới đây nhất, ngay đầu năm 2019, GS.TS. Nguyễn Thị Lan cùng các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã giám sát, khống chế thành công virus gây dịch tả lợn châu Phi, tạo đột phá quan trọng trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh, nghiên cứu vaccine phòng dịch tả nguy hiểm này. Đó là những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật mà GS.TS. Nguyễn Thị Lan và các đồng nghiệp đã phải dày công thực hiện tại phòng thí nghiệm trọng điểm, tạo ra được vaccine phòng bệnh, mở ra các hướng nghiên cứu mới các bệnh truyền nhiễm trên động vật, tiến tới thanh toán dịch bệnh, giảm thiệt hại về kinh tế cho người nông dân.

Với cương vị là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, GS.TS. Nguyễn Thị Lan tham gia tích cực vào các hoạt động góp ý, thảo luận và xây dựng, hoàn thiện một số luật; xây dựng đề án phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Còn trên cương vị người đứng đầu Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thị Lan luôn luôn nhiệt huyết tham gia định hướng chiến lược, định hướng nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu mạnh về vaccine động vật. Nhờ đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với trên 200 doanh nghiệp và hầu hết các tỉnh, thành phố nhằm tạo điều kiện thực tập thực tế cho sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể kết hợp được lý thuyết với thực tiễn sản xuất. Chị cũng hướng dẫn nhiều tiến sĩ, thạc sĩ và sinh viên; biên soạn sách, giáo trình, đóng góp vào đổi mới chương trình và cải tiến phương pháp giảng dạy trong nhà trường.

Là cá nhân trẻ tuổi nhất từng được nhận Giải thưởng Kovalevskaia, GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho rằng, nghiên cứu khoa học là con đường vinh quang nhưng đầy chông gai, nếu không có đam mê thực sự sẽ khó lòng vượt qua được. Các nhà khoa học thường phải thức đến 1-2 giờ sáng để phân tích kết quả là chuyện bình thường. Nhưng điều đáng nói, đó là với những phụ nữ vừa làm khoa học và vừa quản lý, phải làm sao để cân bằng trong cuộc sống, phân bổ thời gian hợp lý cho gia đình, công việc và các mối quan hệ khác. GS.TS. Nguyễn Thị Lan khẳng định: phụ nữ Việt Nam dù bất kỳ ở cương vị nào cũng đều phát huy được vai trò, sức mạnh, sự khéo léo vốn có của mình để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước!

Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam trao giải cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Phạm Quang Vinh).

2. Ở hạng mục giải tập thể, các nữ cán bộ Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội được nhận Giải thưởng Kovalevskaia nhờ những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học với lĩnh vực nghiên cứu chính gồm: công nghệ xử lý và tận dụng chất thải; phân tích và đánh giá chất lượng môi trường. Trong đó, với hướng nghiên cứu về công nghệ xử lý, tận dụng chất thải đã triển khai áp dụng thử nghiệm thực tế một số mô hình xử lý nước thải sản xuất công nghiệp và cải thiện môi trường nước mặt với các đề tài: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm; Nghiên cứu chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước ngầm có hàm lượng asen cao; xử lý nước thải với nồng độ chất hữu cơ cao; chế tạo vật liệu xử lý ô nhiễm từ các chất thải… Bên cạnh đó, một số đề tài nghiên cứu nổi bật trong hướng nghiên cứu về phân tích đánh giá môi trường gồm: Nghiên cứu về asen và các hợp chất nitơ trong nước ngầm; Bộ kít thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống… Các nghiên cứu đều thể hiện tính tiên tiến và định hướng ứng dụng cao.

3. Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: Bình đẳng giới trong khoa học công nghệ không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Ở Việt Nam, bên cạnh việc phải đối mặt với những khó khăn chung như: một số cơ chế chính sách còn thiếu nhạy cảm giới; cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa học còn chưa hiện đại, đầy đủ; đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học nữ còn đứng trước không ít thách thức khá đặc thù. Quan niệm mang tính định kiến về trách nhiệm của phụ nữ đối với công việc gia đình là rào cản khiến không ít các chị em phải nỗ lực gấp bội nếu muốn dành thời gian tương tự như nam giới cho công việc, cho niềm say mê nghiên cứu, phát minh, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, ngoài sự nỗ lực tự thân của các nhà khoa học nữ, rất cần sự thay đổi trong nhận thức và ghi nhận của xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của các chị em. Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định: trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có các chính sách, quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học nói riêng tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, không ngừng cống hiến, đóng góp cho sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ.

Triết Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nhung-phu-nu-say-me-khoa-hoc-tintuc432626