Những 'quái thú' bảo vệ nhà thờ Đức Bà Paris suốt nhiều thập kỷ

Những bức tượng Gargoyles thực chất là các máng dẫn nước, được chạm khắc đầu quái thú nhưng chúng được đồn là có nhiệm vụ bảo vệ nhà thờ khỏi những linh hồn độc ác.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà thờ Đức Bà Paris vào chiều tối 15/4 đã gây thiệt hại đáng kể về cấu trúc. Ngọn lửa cháy trong 12 giờ khiến mái vòm và tháp nhọn đổ sập, gây thiệt hại đáng kể cho nội thất cũng như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác.

Tuy nhiên, khi “địa ngục” quét ngang qua nhà thờ Đức Bà, nhiều bảo vật vẫn còn nguyên vẹn, trong đó có những bức tượng sinh vật kỳ lạ Gargoyle - một trong những nét đặc trưng của Nhà thờ Đức Bà Paris. Những bức tượng “quái thú” bằng đá này được đồn là có nhiệm vụ bảo vệ nhà thờ khỏi những linh hồn độc ác.

Bức tượng “quái thú” bằng đá bên ngoài nhà thờ Đức Bà Paris.

Những bức tượng Gargoyles thực chất là các máng dẫn nước, được chạm khắc đầu quái thú. Chúng có chức năng phân chia dòng nước đổ ra từ mái nhà sau cơn mưa và chuyển hướng nước khỏi các trụ, tường và cửa sổ càng xa càng tốt.

Những bức tượng này được lấy cảm hứng từ những tạo tác lâu đời được tìm thấy trong các ngôi đền thờ ở Ai Cập, Rome và Hy Lạp. Tuy nhiên, để phù hợp với văn hóa Pháp, các kiến trúc sư đã biến đổi hình ảnh quái thú dựa trên những câu chuyện dân gian Pháp.

Cụ thể là câu chuyện từ thế kỷ VII về Thánh Romain và Gargouille, một con rồng thét ra lửa với đôi cánh giống như con dơi và cổ dài. Truyền thuyết kể lại rằng Romain đã thu phục sinh vật này bằng cây thánh giá rồi thiêu chết trước khi đóng đinh đầu nó một bức tường của nhà thờ mới xây dựng để bảo vệ nhà thờ, xua đuổi tà ma và ác quỷ.

Những bức tượng Gargoyles thực chất là các máng dẫn nước, được chạm khắc đầu quái thú.

Năm 1345, nhà thờ Đức Bà hoàn thành và hàng chục máng nước đá vôi Gargoyle đã được thêm vào trên các bức tường trang trí của công trình. Những bức tượng này mang vẻ ngoài khác biệt gồm phần thân rỗng dẫn nước, cổ dài và một chiếc đầu giống động vật.

Tuy nhiên, những bước tượng này đã xuống cấp vào thế kỷ 19 và 20 do ô nhiễm không khí gia tăng ở Paris, từ đó đẩy nhanh sự xói mòn của các bức tượng và làm phai màu của đá. Vào cuối những năm 1980, một số máng xối đã rơi ra hoặc trở nên quá lỏng lẻo để giữ nguyên vị trí.

Sau đó, các kiến trúc sư nhận ra rằng nếu dùng đúng với chức năng thoát nước, các bức tượng Gargoyle có tuổi thọ không quá cao nên những bức tượng sau đó đã được thiết kế để phục vụ như một phần trang trí của kiến trúc.

Kể từ đó, các bức tượng kỳ quái Gargoyle đã trở thành một trong những đặc điểm nổi bất của kiến trúc nhà thờ Đức Bà. Nổi tiếng nhất trong số các bức tượng Gargoyle của nhà thờ Đức Bà là bức tượng 'Stryge', nằm trên đỉnh của nhà thờ.

Phương An

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/nhung-quai-thu-bao-ve-nha-tho-duc-ba-paris-suot-nhieu-thap-ky-4988863.html