Những quan niệm sai lầm về đường

Chúng ta đã đọc qua những tài liệu đáng báo động, tham gia những lớp học về sức khỏe và tận mắt chứng kiến sự gia tăng về các căn bệnh tim mạch, tiểu đường hay nạn béo phì. Phải chăng đường là nguyên nhân chính?

Tuy hấp thụ quá nhiều đường trong việc ăn uống thật sự là tác nhân gây ra béo phì và nhiều bệnh tim mạch, nhưng có nhiều quan niệm với hàng loạt những thông tin sai lạc đã khiến người ta ăn ít đường một cách quá mức. Tuy vậy, chúng ta thật sự cần tới đường để bảo đảm cuộc sống.

Tiến sĩ Jennifer Haythe, thuộc Khoa tim mạch, Bệnh viện Columbia Presbyterian tại New York trả lời báo INSIDER: “Con người cần đường - đường là dưỡng chất cơ bản cần thiết trong những hoạt động cơ thể. Tuy vậy, tôi vẫn khuyến khích các bệnh nhân của tôi ăn hoa quả và protein hơn là hấp thụ đường cùng với những chế phẩm dùng trong các thức ăn ngọt bây giờ”.

Quan niệm: Có những loại đường tốt hơn loại đường khác

Đường nâu, đường trắng, mật ong... tất cả như nhau. (Dokmaihaeng/ Shutterstock)

Sự thật: Tất cả các “loại” đường đều có chung hiệu quả lên cơ thể

Tiến sĩ Haythe cho biết: “Nhiều người lầm tưởng rằng đường có nhiều loại đường khác nhau. Đường nâu, đường trắng, mật ong … tất cả đều là glucose. Tất cả mọi loại đường đều có thể được sử dụng như glucose".

Quan niệm: Đường làm trẻ con tăng động

Đừng đổ lỗi cho bánh, kẹo về các cơn tăng động của con bạn. (Tongsai/ Shutterstock)

Sự thật: Không có thứ gọi là “say” đường

Tiến sĩ Haythe cho biết: “Đường làm trẻ tăng động là một trong những điều buồn cười nhất”. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học qua các năm đã xác nhận rằng không có một mối liên hệ trực tiếp nào giữa ăn đường và tăng động.

Công trình nghiên cứu xuất bản bởi tiến sĩ Mark WOlraich, trưởng khoa Phát triển và Hành vi Nhi khoa của trung tâm Khoa học Sức khỏe đại học Oklahoma có kết luận rằng: “Đường không có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ".

Quan niệm: Đường có thể gây nghiện

Đường có gây nghiện hay không? Đây là một chủ đề phức tạp. (Vladimir VK/ Shutterstock)

Sự thật: Không có bằng chứng xác thực nào xác nhận đường có thể gây nghiện

Tiến sĩ Haythe cho biết: “Không có bằng chứng nào về việc đường có hiệu ứng như thuốc phiện. Người ta không thể “phê” đường, và không có bằng chứng nào về việc đường gây nghiện".

Tuy vậy vẫn có nhiều nghiên cứu trái chiều về tính gây nghiện của đường. Một nghiên cứu của Pháp năm 2013 cho rằng việc thèm đồ ngọt có liên hệ tới vùng “thưởng” trong não, nơi cùng chịu kích thích từ chất gây nghiện. Họ kết luận đường có thể gây nghiện mạnh hơn cả cocaine. Các nhà nghiên cứu khác vẫn đang bác bỏ nghiên cứu trên, tuyên bố rằng hiện tượng trên chỉ được quan sát thấy ở các loài gặm nhấm khi chúng chỉ có thể ăn đường vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Khi chúng được ăn đường mọi lúc chúng muốn, như con người, hiện tượng nghiện đã biến mất.

Quan niệm: Ăn quá nhiều đường dẫn đến tiểu đường

Một bà mẹ kiểm tra lượng đường trong máu của con gái mình. (Evgeniy pavlovski/ Shutterstock)

Sự thật: Cả hai dạng tiểu đường đều là kết quả của di truyền và tác nhân môi trường, ăn đường không bao giờ là tác nhân duy nhất gây ra bệnh tiểu đường

Tiến sĩ Haythe nói: “Ăn đường không gây tiểu đường. Đó là một vấn đề phức tạp liên quan đến trao đổi chất và tuyến tụy của bạn. Khi bị tiểu đường, cơ thể không có đủ insulin. Insulin giúp hấp thụ glucose và máu và thận làm năng lượng". Sự thật thì việc thừa cân dễ dẫn đến tiểu đường hơn, vì thừa mỡ có thể dẫn đến hiện tượng kháng insulin, theo như nghiên cứu của Trung tâm Bệnh Tiểu đường và Bệnh về tiêu hóa thận Quốc gia Mỹ. Việc ăn nhiều đường chỉ là tác nhân không trực tiếp của bệnh tiểu đường.

Quan niệm: Chất ngọt nhân tạo tốt hơn đường

Các loại thức uống không đường cũng có hàng tá các vấn đề. (Sheila Fitzgerald/ Shutterstock)

Sự thật: Một số chất ngọt nhân tạo có hại y hệt đường

Dù các chất ngọt nhân tạo như Stevia, Truvia và đường hóa học (có trong nước ngọt không đường) có ít calo hơn đường, nghiên cứu cho thấy những người dùng các loại nước ngọt không đường có tỷ lệ béo phì cao gấp đôi những người không dùng. Một nghiên cứu tại Thư viện Y khoa Quốc gia của Mỹ cho thấy saccharine – một loại chất ngọt nhân tạo – gây nghiện mạnh hơn cả cocaine. Một nghiên cứu khác thuộc hội Tiểu đường Mỹ cho thất người dùng nước ngọt không đường có tỷ lệ mắc tiểu đường nhiều hơn người khác đến 67%.

Quan niệm: Đường gây sâu răng

Các bệnh về răng có thể không phải do tiêu thụ quá nhiều đường gây ra. (Moody Air Force Base)

Sự thật: Sâu răng là do các thức ăn và thức uống có tính a-xít ăn mòn lớp men răng

Tiến sĩ Mark Burhenne cho biết trên cộng đồng online “Ask a Dentist”: “Đường không phải tác nhân ăn mòn men răng. Thức ăn gây sâu răng nhiều nhất là bánh quy và bánh mỳ, không phải kẹo. Khi bạn ăn đồ có đường, các vi khuẩn tự nhiên trong miệng cũng hấp thụ đường. Sau đó chúng thải ra a-xít, và chất a-xít này mới là thứ ăn mòn men răng".

Quan niệm: Bạn nên loại bỏ hoàn toàn đường khỏi chế độ ăn uống

Sự thật: Con người cần glucose để tồn tại

Tiến sĩ Haythe nói: “Ý kiến cho rằng đường là chất có hại thật sai lầm. Con người cần có đường, đó là chất cơ bản cho các chức năng cơ thể". Tuy vậy, đây cũng là một góc nhìn gây tranh cãi trong cộng đồng y khoa. Một nghiên cứu năm 2015 của tiến sĩ Robert Lustig – người từng dành cả sự nghiệp bác bỏ quan niệm “chất béo là chất độc” – kết luận rằng “đường là chất độc” ở mọi dạng, bất kể hàm lượng calo hay khối lượng.

Việc loại bỏ hoàn toàn đường khỏi chế độ ăn uống cũng là việc bất khả thi. Các loại thức ăn như trái cây, khoai tây … đều có chỉ số glycemic cao.

Quan niệm: Đường là gốc rễ của mọi vấn đề sức khỏe

Nếu bạn bị quá cân, bạn đừng đổ lỗi hết cho đường. (Pixabay)

Sự thật: Đường hiếm khi là tác nhân duy nhất gây béo phì và tiểu đường

Đường là một trong những tác nhân gây béo phì, nhưng không phải là tác nhân duy nhất. Tiến sĩ Haythe cho biết: “Thức ăn có đường thường chứa nhiều calo, và thường là loại thức ăn sử dụng nhiều chế phẩm. Nếu ăn nhiều calo, bạn sẽ tăng cân".

THANH TRÚC - HÀ MY
Theo: BI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34177802-nhung-quan-niem-sai-lam-ve-duong.html