Những quan niệm sai lầm về 'kiêng kỵ' trong tháng Ngâu

Trong dân gian, nhiều người vẫn giữ quan niệm tháng 7 Âm lịch không làm các việc quan trọng như khởi công, động thổ, về nhà mới... Nhưng điều này có đúng?

Kiêng kỵ tháng 7

Tháng 7 Âm lịch trong văn hóa phương Đông có nhiều khác biệt với các tháng còn lại trong năm.

Với Đạo giáo, một năm thường có 3 lễ quan trọng. Rằm tháng Giêng lễ ngài Thượng Nguyên ban phúc Thiên quan xin lộc tài, ứng vào câu “lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng. Rằm tháng 7 lễ ngài Trung Nguyên đại xá Thiên quan và xin xá tội cho các chân linh, vong linh. Rằm tháng 10 lễ xin ngài Hạ Nguyên giải ách Thiên quan xin sám hối những lỗi lầm phạm phải và giải trừ tai ách, họa trong năm tới.

Theo Phật giáo, tháng 7 Âm lịch là tháng lễ Vu Lan, báo hiếu. Còn trong quan niệm dân gian, tháng này là tháng xá tội vong nhân. Ngoài ra, một tích khác là câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ (còn gọi là ông Ngâu, bà Ngâu) cũng có tác động nhiều đến tâm lý mọi người. Về cơ bản, trong tháng 7 Âm lịch, người ta ít khi làm các việc trọng đại vì sợ gặp phải điều xui xẻo, không may. Tâm lý này đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người.

Cũng bởi các quan niệm trên, nhiều người thường dành thời gian của tháng 7 cho việc tâm linh lễ bái, báo hiếu gia tiên, tụng kinh, niệm phật, làm việc thiện.

Góc nhìn phong thủy

Ở một góc nhìn khác, câu chuyện kiêng khem trong tháng 7 Âm lịch cũng có đôi điều thú vị cần được bàn luận.

Một số điều kiêng kỵ phổ biến nhất trong tháng 7 Âm lịch là khởi công, động thổ, làm nhà, về nhà mới… Tuy nhiên, theo kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, phong thủy là một bộ môn khoa học, dựa trên nền tảng toán học và ứng dụng trên toán cơ số 2, số 5, số 8, số 9, số 10, số 12. Do đó, nếu nhìn nhận ở góc độ phong thủy, thì khởi sự tốt hay xấu phải được tính toán trên các khoa thuật của bộ môn phong thủy.

Chính vì vậy, về mặt phong thủy, việc động thổ, xây nhà, bàn giao nhà vào năm nào, tháng nào không bị ảnh hưởng có phải là tháng 7 hay không. Để xem ngày động thổ hay nhập trạch thì đầu tiên phải xem ngày đó đẹp hay không, tức là ngày đó không có các sao Kình dương, bạch hổ, tai sát, kiếp sát, cô thần quả tú…, và có các sao lộc, phúc tinh và các sao quý nhân…

Tiếp nữa, phải đối chiếu theo phong thủy nhà có thế và hướng được thời vận hay không, một ngày đẹp nhưng không phải là đẹp với tất cả phương vị, rồi xem tới người đứng ra làm có đẹp hay không. Có nghĩa là phải xem đủ 3 yếu tố Thiên - Địa - Nhân, phong thủy của một ngôi nhà tốt phụ thuộc vào thời vận, thế hướng, phương vị, tuổi của gia chủ. Đây là những yếu tố quan trọng nhất.

Còn về mặt tâm linh, tháng 7 là tháng xá tội vong nhân, Vu Lan báo hiếu, nên nếu là khởi công, hay nhập trạch thì đương nhiên phải làm lễ, và có nhiều chân linh dự lễ hơn so với các tháng khác, thì phải làm thật chuẩn chỉ, nếu có sai sót thì sẽ bị trách phạt nhiều hơn, còn làm đủ đầy và chu đáo thì sẽ được nhiều phần âm chứng cho hơn.

Do hiện nay đa số người dân không thạo về việc lễ bái, nên có nhiều sự thiếu sót, hơn nữa tháng 7 là tháng làm việc hiếu là việc chung mà chẳng làm hay làm không chu toàn, mà lại chỉ lo mỗi việc cá nhân là động thổ, nhập trạch thì bị quở trách nhiều là đương nhiên. Cho nên nhiều người tránh trong tháng 7 cho an toàn và an tâm.

Theo chuyên gia Hoàng Trà, nếu là việc khởi công xây dựng theo tiến độ phải làm thì vẫn làm bình thường, không sợ xấu theo phong thủy, chỉ lưu ý phần lễ lạt, các thủ tục như nhập trạch, sắp đặt ban thờ để phần âm không chê trách và hoan hỉ thì mọi việc sẽ tốt, thậm chí còn tốt hơn bình thường.

Cũng theo chuyên gia Hoàng Trà, còn trường hợp chuyển từ nhà này sang nhà khác thì không nên, vì việc chuyển nhà đương nhiên là chuyển cả nơi thờ tự, trong tháng 7 thì phần âm các cụ đi về nhà cũ lại không thấy nơi thờ tự đâu lại trách phạt.

Nhưng nếu nhà cũ phá ra và đã xây từ trước, khi xem ngày theo phong thủy mà tốt và đến tháng 7 âm nhập trạch càng tốt, vì người dương có nhà mới, nhưng phần âm có nơi thờ tự mới để ngự đúng dịp tháng 7 âm thì đương nhiên phần âm hoan hỉ rồi. Do đó, việc phá nhà cũ để xây nhà mới trong tháng 7 Âm lịch là điều nên tránh.

Từ góc nhìn tâm linh

Tháng 7 Âm lịch, theo góc nhìn tâm linh là tháng mở cửa ngục, tháng mà các vong hồn có thể tự do đi lại và tương tác nhiều nhất với việc dương trần. Do đó, các trường hợp khởi công, động thổ, về nhà mới nếu được thực hiện thì sẽ có sự tham dự nhiều hơn của cha ông, tiên tổ, thần linh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu làm tốt thì sẽ được chứng, được phù hộ, độ trì, còn nếu làm dở thì hay bị quở trách.

Một điểm nữa, theo Kiến trúc sư Hoàng Trà, cũng cần có cái nhìn đúng đắn về sự siêu thoát. Chúng ta phải hiểu rằng, niết bàn, thiên đường không ở tít trên cao và địa ngục không phải ở sâu 18 tầng dưới đất; mà niết bàn, thiên đường, địa ngục ở ngay tại xung quanh ta và song hành cùng cõi trần.

Con người ta bị đọa vào địa ngục bởi chính tâm của họ bám víu, cố chấp, bảo thủ, bị tam độc (tham - sân - si) và thất tình, lục dục chi phối. Chính tư tưởng này tạo thành bầu không khí, tầng năng lượng bao bọc lấy linh hồn và tâm của họ. Từ đó, các cảnh ngạ quỷ, cõi địa ngục tự khởi lên và tạo tác thành.

Do đó, siêu thoát chính là việc buông bỏ, giải thoát khỏi sự ràng buộc của tham sân si và thất tình lục dục… thì linh hồn sẽ thanh nhẹ hơn và lên tầng năng lượng cao hơn và tâm họ có bầu không khí thanh thoát hơn…

Việc cúng bái, lễ lạt trong tháng 7 trọng về cầu cho người thân đã mất, các vong linh được siêu thoát, khi họ siêu thoát thì không còn quấy phá nữa và chuyển sang độ cho người trần. Hơn nữa, cũng là giúp giải quyết tâm lý cho chính người sống, giúp người sống sám hối và tri ân người đã khuất, từ đó được cảm giác yên tâm, an lòng.

Đây cũng là một phần trong quá trình giải thoát cho mỗi con người, chúng ta tu học - tu hành - học đạo - tu đạo để có trí tuệ thì dần mới đạt được niết bàn ngay tại trần gian này.

Theo Thành Nguyễn Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/phongthuy-kientruc/nhung-quan-niem-sai-lam-ve-kieng-ky-trong-thang-ngau-239944.html