Những quốc gia nào người dân có thể sống sót nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân?

Với kho dự trữ toàn cầu khoảng 13.000 đầu đạn hạt nhân, tất cả chúng ta đều biết rằng hậu quả một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ rất thảm khốc. Mặc dù không ai muốn xảy ra ngày tận thế đó, nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra quốc gia nào là nơi tốt nhất để sinh tồn.

Theo dự báo, một cuộc xung đột hạt nhân sẽ dẫn đến những hậu quả tàn khốc, từ chết chóc ban đầu trong các vụ nổ trực tiếp đến những tác động kéo dài của bức xạ.

Hơn 5 tỷ người, bằng khoảng 63% dân số thế giới sẽ chết vì nạn đói sau một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, theo một nghiên cứu của Đại học Rutgers

Thảm họa đó cũng sẽ khiến sản lượng lương thực giảm 97% ở Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn có thể có những người sống sót trên khắp thế giới, ngay cả trong những tình huống khắc nghiệt nhất.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Phân tích rủi ro, có một số nơi trên Trái đất tiếp tục sản xuất đủ lương thực để nuôi sống người dân sau một “thảm họa giảm ánh sáng mặt trời đột ngột” như chiến tranh hạt nhân, siêu núi lửa hoặc bị một tiểu hành tinh tấn công.

Nghiên cứu đã so sánh 38 quốc đảo về 13 yếu tố mà họ cho rằng có thể là nơi nhiều người có thể sống sót sau tận thế.

Các yếu tố quan trọng bao gồm sản xuất lương thực, tự cung cấp năng lượng, sản xuất và ảnh hưởng của thảm họa đối với khí hậu, cùng nhiều điểm khác.

Đứng cuối danh sách những quốc gia sống sót tốt nhất sau chiến tranh hạt nhân là các quốc đảo Philippines, Mauritius và Indonesia.

Đây là các quần đảo với một số hòn đảo có khả năng tự cung tự cấp riêng lẻ. Thêm vào đó, còn có tiềm năng duy trì thương mại khu vực giữa Indonesia và Philippines.

Nhìn vào châu Đại Dương, cư dân trên các quốc đảo nhỏ như Quần đảo Solomon và Vanuatu chắc chắn sẽ sống sót. Điều này phần lớn nhờ vào vị trí địa lý nhiệt đới và sản lượng lương thực dồi dào trong thời kỳ bình thường.

Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều thiếu nền kinh tế tri thức và sản xuất công nghệ cao, điều này sẽ khiến họ khó có thể đứng vững trở lại. Nhưng họ có thể tham gia thương mại với các quốc gia lân cận còn sống sót khác.

Iceland, quốc gia duy nhất ở Bắc bán cầu trong nghiên cứu, cũng là một trong những vùng an toàn nhất sau chiến tranh hạt nhân. Điều này phần lớn là do sự xa xôi của nó.

Tuy nhiên, với nền kinh tế nhỏ, Iceland có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa nhập khẩu và cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Dù vậy, Iceland có thể tiếp cận Bắc Mỹ và châu Âu nếu một số quốc gia ở các lục địa này không bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh, nạn đói và/hoặc sụp đổ xã hội.

New Zealand đứng ở vị trí thứ hai nhờ khoảng cách từ các mục tiêu hạt nhân và tình trạng phi hạt nhân lâu đời.

New Zealand có khả năng phục hồi tốt trong trường hợp nhiệt độ toàn cầu giảm đột ngột do mọi nơi ở New Zealand đều tương đối gần biển, giúp nó tránh được nhiệt độ khắc nghiệt.

Ngoài ra, New Zealand có nền nông nghiệp hiệu quả. Theo nghiên cứu, ngay cả trong trường hợp mùa màng giảm 61% trong mùa đông kéo dài, người dân New Zealand vẫn đủ ăn.

Đứng đầu danh sách chính là Australia. Là một nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu, nghiên cứu cho thấy nguồn cung cấp thực phẩm của Australia rất lớn, có tiềm năng nuôi sống thêm hàng chục triệu người.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn năng lượng dồi dào, an ninh y tế cao và ngân sách quốc phòng của Australia đều giúp nước này đứng đầu danh sách.

Nhưng theo nghiên cứu, Australia có một yếu tố chính cản trở: mối quan hệ quân sự tương đối chặt chẽ với Anh và Mỹ khiến nước này có nhiều khả năng trở thành mục tiêu trong cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại Nga.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-quoc-gia-nao-nguoi-dan-co-the-song-sot-neu-xay-ra-chien-tranh-hat-nhan-post567505.antd