Những rủi ro ẩn chứa đằng sau dòng vốn đầu tư nước ngoài (Phần 2)

Các nhà hoạt động môi trường cũng nêu lên quan ngại về những tác động của việc nạo vét theo yêu cầu của dự án xây dựng Port City tại Sri Lanka.

Ý tưởng phát triển khu tài chính của Colombo trên phần đất mở rộng ra biển đã lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2004. Thành phố này nằm trên một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất trên thế giới và cũng là trung tâm trao đổi thương mại của Ấn Độ Dương trong hơn 2.000 năm.

Tuy nhiên, một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 25 năm đã nổ ra khiến hàng nghìn người thiệt mạng mỗi năm. Vào thời gian các nhà chức trách đang cân nhắc về một phiên bản đầu tiên của Port City, Colombo bị tấn công bởi vụ đánh bom tự sát đầu tiên kể từ năm 2001. Các kế hoạch đã bị hoãn lại trong 5 năm.

Sau năm 2009 - khi cuộc nội chiến kết thúc, Tổng thống Mahinda Rajapaksa (cầm quyền giai đoạn 2005-2015) tuyên bố Sri Lanka mở cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài. Dù vậy, những gì đã qua vẫn còn khiến hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài dè chừng.

Tuy nhiên, có một cường quốc sẵn sàng cung cấp các khoản vay khổng lồ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tái thiết Sri Lanka, đó là Trung Quốc. Dushni Weerakoon, giám đốc điều hành tại Viện Nghiên cứu chính sách ở Colombo cho biết Bắc Kinh đã đề nghị một sự bảo trợ cho Sri Lanka vào cuối cuộc chiến và bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn trên mặt trận kinh tế.

Dự án Port City trị giá 1,4 tỷ USD trên ban đầu được khởi công hồi tháng 9/2014, nhưng đến tháng 3/2015 đã bị Chính phủ của Tổng thống Maithripala Sirisena vừa nhậm chức khi đó cho dừng lại vì những quan ngại về vấn đề môi trường.

Các nhà hoạt động môi trường cũng nêu lên quan ngại về những tác động của việc nạo vét theo yêu cầu của dự án. W Jude Namal Fernando, ngư dân và là một thành viên của công đoàn thương mại tại Negombo, phía Bắc Colombo, cho biết việc khai thác cát dọc theo bờ biển đang phá hủy hệ sinh thái thủy sinh và ảnh hưởng đến sinh kế của khoảng 8.000 người kiếm sống bằng nghề đánh bắt hải sản.

Theo Trung tâm Công lý vì Môi trường (Centre for Environmental Justice - CJE) tại Colombo, việc xây dựng thành phố mới sẽ đòi hỏi nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn hơn những gì mà Sri Lanka có thể cung cấp một cách bền vững.

Số lượng cát cần để bồi đắp cho Port City có thể nhanh chóng vượt quá mức 100 triệu m3, gây ra mối đe dọa không nhỏ cho hệ sinh thái biển mong manh và sinh kế của 15.000 ngư dân làm việc trong ngành thủy sản.

CJE nhận định giá trị của cát phải sử dụng lên đến 3,2 tỷ USD, vượt quá cả con số 1,4 tỷ USD vốn đầu tư mà China Harbour bỏ ra để xây dựng thành phố.

Bên cạnh đó, CJE cũng cảnh báo việc xuất hiện hơn 300.000 lượt di chuyển bằng ô tô mỗi ngày tại trung tâm tài chính mới sẽ làm tăng lượng khí thải tại một thành phố mà mức ô nhiễm không khí đã vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, đến tháng 3/2016, dự án Port City đã được chính phủ cho phép tiếp tục. CCCC tuyên bố đã thiệt hại 380.000 USD mỗi ngày khi dự án bị đình hoãn và đang đe dọa sẽ kiện đòi bồi thường. Chính phủ Sri Lanka cho biết hợp đồng sửa đổi giữa nước này với công ty Trung Quốc bao gồm các biện pháp bảo vệ môi trường mới, song không công khai những thỏa thuận này.

Chỉ trong vòng hai năm, hoạt động xây dựng Port City đã trở lại đúng tiến độ với việc cải tạo đất dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và các tòa nhà đầu tiên dự kiến sẽ xuất hiện trong vòng bốn năm tới. Dù vậy, những câu hỏi quan trọng về việc cơ chế dành cho chủ đầu tư Port City sẽ hoạt động như thế nào cũng như cách xử lý các vấn đề môi trường liên quan vẫn chưa có câu trả lời.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhung-rui-ro-an-chua-dang-sau-dong-von-dau-tu-nuoc-ngoai-phan-2-/96160.html