Những sai lầm của Hitler khiến quân Đức bị đánh bại ở Stalingrad

Tại sao quân đội Đức bị đánh bại trong trận Stalingrad? Theo các nhà sử học hậu thế, chính những sai lầm của Hitler, đã khiến quân Đức bỏ lỡ cơ hội tốt nhất.

Thành phố Stalingrad nằm trên một hòn đảo phù sa ở hợp lưu của sông Tsaritsyn và sông Volga, ban đầu có tên là Tsaritsyn. Thành phố được xây dựng vào năm 1589. Đầu thế kỷ 17, sau một trận hỏa hoạn, Tsaritsyn bị phá hủy, đến năm 1615, thành phố Tsaritsin được xây dựng lại ở hữu ngạn sông Volga.

Cuối thế kỷ 19, Tsaritsyn trở thành trung tâm công nghiệp và thương mại quan trọng của nước Nga Sa hoàng ở phía nam. Trong Nội chiến Nga, Stalin chỉ huy Trận chiến Tsaritsyn và đánh bại lực lượng Bạch vệ Cossack. Năm 1925, Tsaritsyn được đổi tên thành Stalingrad. Năm 1961, Khrushchev đổi tên nó thành Volgograd.

Stalingrad có một trung tâm đường sắt và một cảng trên sông Volga. Ngũ cốc từ Bắc Caucasus, dầu từ Baku và bông từ Trung Á có thể cần được vận chuyển đến trung tâm Liên Xô thông qua Stalingrad.

Thành phố Stalingrad không chỉ là trung tâm công nghiệp nặng của Liên Xô, mà còn là khu vực sản xuất ngũ cốc, dầu mỏ và than đá chính và có giá trị chiến lược quan trọng.

Sau thất bại của quân Đức trong trận Moscow, Hitler tập hợp thêm 150 sư đoàn khác và mở cuộc tấn công theo hướng Stalingrad. Hitler dự định chiếm Stalingrad, cắt đứt sông Volga, kiểm soát Caucasus, rồi tấn công Moscow.

Năm 1942, quân Đức ở mặt trận phía nam vừa quét sạch 300.000 quân Liên Xô ở Kharkov. Hitler lạc quan tin rằng, quân Đức sẽ hoàn thành xuất sắc hai mục tiêu là đánh chiếm Stalingrad và Caucasus.

Tập đoàn quân số 6 của Đức và Tập đoàn quân thiết giáp số 4 của tướng Hult, đã tiêu diệt thành công quân đội Liên Xô trên phòng tuyến Don-Stalingrad. Tuy nhiên, Hitler bất ngờ ra lệnh chuyển Tập đoàn quân thiết giáp số 4 từ Tập đoàn quân B sang Tập đoàn quân A, để phối hợp với lực lượng xe tăng của Kleist, bao vây Quân đội Liên Xô tại khu vực Rostov.

Mặc dù Cụm tập đoàn quân A đã mở một lối đi qua Kavkaz, nhưng Cụm tập đoàn quân B của Đức đã bỏ lỡ kế hoạch chiếm Stalingrad trước. Hitler điều chuyển Tập đoàn quân thiết giáp số 4, điều này không chỉ làm giảm sức mạnh của quân Đức đang tấn công Stalingrad, mà còn khiến quân Đức mất khả năng cơ động.

Vào ngày 13/7, Bock, Tư lệnh Cụm tập đoàn quân B, đã gửi một bức điện cho Hitler, chỉ ra rằng điều này sẽ gây ra rủi ro rất lớn cho lực lượng Đức ở mặt trận phía Nam. Hitler vô cùng tức giận và ra lệnh buộc Bock bị cách chức và thay thế bằng tướng Weicks.

Tướng Hott dẫn đầu Quân đoàn thiết giáp số 4 tiến về phía nam, đồng thời cũng làm tan rã một quân đoàn của Tập đoàn quân số 6 của Quân đội Liên Xô. Phương diện quân Nam của Liên Xô buộc phải rút lui khỏi Rostov và quân Đức chiếm đóng Rostov, mở lối đi đến Kavkaz.

Sau những thất bại liên tiếp trước quân Đức, lúc này Stalin mới chú ý lắng nghe các ý kiến tham mưu và ông quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng để bảo vệ Stalingrad, và một số lượng lớn quân Liên Xô với trang bị hạng nặng, đang tập trung về hướng Stalingrad.

Nếu quân Đức muốn đảm bảo an toàn cho hai bên sườn của Cụm tập đoàn quân A thì trước tiên phải chiếm Stalingrad; nếu không, một cuộc tấn công đơn lẻ của tập đoàn quân hạng nặng Liên Xô, có thể cắt đứt đường tiếp tế của Cụm tập đoàn quân A, khiến quân Đức mắc kẹt ở Caucasus.

Hitler cũng hiểu tầm quan trọng của việc chiếm Stalingrad, và ông ta ra lệnh cho lực lượng phía trước lên đường chiếm Stalingrad càng sớm càng tốt. Hitle điều Tập đoàn quân thứ hai của Cụm tập đoàn quân B và Tập đoàn quân thứ hai của Hungary, được triển khai ở mặt trận phía bắc, để chống đỡ bên cánh phải của Phương diện quân Bryansk của Liên Xô và Phương diện quân Voronezh.

Do lực lượng bị phân tán, nên lúc này chỉ có Tập đoàn quân 6 của Thống chế Paulus mới có thể tham gia cuộc tấn công vào Stalingrad. Để chớp thời cơ, ngày 22/7/1942, Tập đoàn quân 6 của Đức mở cuộc tấn công vào Stalingrad. Trận Stalingrad bắt đầu.

Lúc này, Thống chế Paulus có 360.000 quân gồm 2 sư đoàn thiết giáp và 2 sư đoàn cơ giới, cùng 290 xe tăng. Tổng quân số mà Quân đội Liên Xô triển khai tại Stalingrad lên tới 540.000 người, Tập đoàn quân 6 của Đức không có ưu thế về sức mạnh và hỏa lực, khó có thể chiếm được Stalingrad.

Paulus quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng cơ động của mình, và sáu sư đoàn bộ binh mở cuộc tấn công dữ dội chống lại các Tập đoàn quân 62 và 64 của Liên Xô, làm 2 tập đoàn quân này bị thương vong nặng nề; nhưng họ không bị bao vây và tiêu diệt, mà rút lui theo hướng Stalingrad.

Ngày 26/7, Quân đội Liên Xô mở cuộc phản công toàn diện, nhằm vào Tập đoàn quân 6 của Paulus với các Tập đoàn quân xe tăng 1, 4 và một phần của các Tập đoàn quân 21, 62 và 64. Quân đội Liên Xô tập trung hơn 550 xe tăng lần này, vượt xa con số 290 xe tăng của Paulus.

Cuộc phản công của Liên Xô đã ngăn cản Paulus chiếm đầu cầu ở Karachi trước. Quân đội Liên Xô đã sử dụng thời gian này để huy động lực lượng triển khai các lực lượng phòng thủ. Có thể nói, kể từ thời điểm này, thất bại của quân Đức ở Stalingrad đã hiện ra.

Sau những trận đánh ác liệt, ngày 7/8, Tập đoàn quân 6 của Đức cuối cùng đã giành được đầu cầu Karachi, nhưng đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để tấn công Stalingrad; sau đó, Tập đoàn quân 6 và Quân đội Liên Xô đã đánh những trận chiến đường phố ác liệt ở Stalingrad.

Sau hơn 6 tháng giao tranh đẫm máu, quân đội Liên Xô đã chặn đứng cuộc tấn công của quân Đức, tiêu diệt Tập đoàn quân 6 của Đức và giành thắng lợi cuối cùng trong trận Stalingrad. Ảnh: Tù binh Đức, Ý, Romania và Hungary bị bắt trong trận Stalingrad; nguồn Wikipedia.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nhung-sai-lam-cua-hitler-khien-quan-duc-bi-danh-bai-o-stalingrad-1703959.html