Những sai lầm khi sơ cấp cứu người bị điện giật

Khi gặp người bị điện giật, lưu ý không bế đi cấp cứu ngay bởi có thể gây ức chế thần kinh, tuần hoàn.

Đau lòng vụ 6 học sinh bị điện giật khi vừa ra cổng trường, 2 em tử vong

Chiều 13/10, nhóm học sinh lớp 6 trường THCS An Lục Long (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) tan trường. Khi các em vừa ra khỏi cổng trường, bất ngờ đường dây điện trung thế đứt, rơi trúng nhóm học sinh khiến 2 em tử vong tại chỗ, 4 em khác bị thương nặng.

Nhiều người dân cho biết họ chứng kiến vụ việc kéo dài hơn 10 phút, thấy nhóm học sinh nằm bất động trước cổng trường nhưng mọi người đành bất lực.

“Có người gào khóc hô hoán mọi người lao vào cứu nhưng không ai dám vì là điện trung thế. Thấy các cháu chết ngay trước mắt mình nhưng chúng tôi không thể cứu. Tôi chạy đi tìm cây khô nhưng không có. Đau xót quá”, một người dân đau đớn kể lại.

Cần tránh những sai lầm khi sơ cứu người bị điện giật (Ảnh minh họa)

Cần tránh những sai lầm khi sơ cứu người bị điện giật (Ảnh minh họa)

Bị điện giật có thể khiến nạn nhân bị bỏng, thậm chí tử vong do ngừng hô hấp và tuần hoàn. Kỹ năng sơ cứu ngay khi sự cố xảy ra là việc rất quan trọng để cứu sống nạn nhân, nhất thiết cần tránh những sai lầm tai hại này khi sơ cấp cứu người bị nạn.

1. Không xem xét nguồn điện đã ngắt hay chưa

Đó là sai lầm lớn nhất và cũng nguy hiểm nhất. Người cứu quá vội vàng, mất bình tĩnh dùng tay kéo nạn nhân khỏi nguồn điện. Nhưng nếu nguồn điện chưa ngắt, người cứu cũng bị điện giật do cơ thể nạn nhân dẫn điện.

2. Vội vàng đưa nạn nhân đi cấp cứu

Lúc này, người cứu đã bỏ lỡ mất 3 phút ép tim, thổi ngạt để cứu sống nạn nhân. Thống kê cho thấy, hô hấp nhân tạo kịp thời, đúng cách ở những phút đầu tiên có khả năng 98% cứu được nạn nhân bị ngưng thở khi điện giật. Ngược lại, nếu không được hô hấp nhân tạo kịp thời, nạn nhân có thể chết trên đường đi cấp cứu.

3. Đổ nước muối vào người, hoặc chôn nạn nhân dưới đất

Hiện vẫn còn một số người cho rằng, bị điện giật là tích lũy điện trong người, nên cần phải đổ nước muối vào người hoặc chôn nạn nhân dưới đất thì dòng điện sẽ chạy qua người xuống đất. Phương pháp này không những không hiệu quả mà cũng bỏ lỡ mất 3 phút ép tim thổi ngạt quan trọng, đồng thời làm hạ thân nhiệt gây nguy hiểm cho tính mạng nạn nhân.

4. Để nạn nhân nằm nguyên tư thế khi thấy có dấu hiệu tỉnh lại

Lúc đó, người cấp cứu cần phải chuyển nạn nhân sang tư thế hồi phục (nằm nghiêng sang phải), giúp nạn nhân dễ thở, không gây chèn ép tim phổi hay hít phải dịch nôn của chính họ. Mắc sai lầm này sẽ dẫn đến hậu quả nạn nhân có thể chết trong khi chờ xe cấp cứu.

5. Hô hấp nhân tạo sai kỹ thuật

Nếu đặt tay sai vị trí, có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân. Ví dụ, tay đặt không đúng vị trí tim để ép lồng ngực mà đặt lệch xuống phần bụng. Lúc này, mỗi khi ép xuống sẽ đẩy hơi lên tim, gây nguy hiểm cho nạn nhân. Bên cạnh đó, nếu ép không đủ độ sâu và tốc độ (5 cm đối với người lớn, với tốc độ 100 nhịp/phút), cũng không có tác dụng cứu sống nạn nhân.

Theo Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), hàng năm, cả nước xảy ra từ 400-500 vụ tai nạn điện, chủ yếu do bất cẩn và thiếu kiến thức trong sử dụng điện. Chính vì vậy, việc sơ cứu đúng cách có ý nghĩa rất lớn trong việc cứu sống nạn nhân.

Video: Những sai lầm khi cấp cứu người bị điện giật (Nguồn: VTC14)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nhung-sai-lam-khi-so-cap-cuu-nguoi-bi-dien-giat-d134556.html