Những sai phạm nào làm lãnh đạo PVTEX bị khởi tố?

Lãnh đạo PVTEX không tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt đấu thầu, có dấu hiệu làm trái quy định khi ký kết thực hiện hợp đồng với nhà thầu, gây thất thoát vốn nhà nước.

Ngày 19/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án xơ sợi polyester Đình Vũ. Cơ quan công an cũng khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với 5 người liên quan, trong đó có ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTEX – chủ đầu tư dự án bị cơ quan chức năng kết luận có nhiều sai phạm.

Ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc PVTEX . Ảnh: PVTEX.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự án Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) hợp tác đầu tư có giá trị nghiệm thu tại thời điểm thanh tra gần 365 triệu USD. Sau 2 năm đi vào hoạt động, dự án đã để thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.

Nguyên nhân được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là PVN, Vinatex và các đơn vị, cá nhân liên quan vi phạm các quy định khi thực hiện đầu tư, xây dựng dự án.

Cụ thể, Vinatex được xác định thiếu trách trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ, không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án.

PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại PVTEX nhưng quá trình điều hành, giám sát còn nhiều vi phạm. Việc nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng công ty Cổ phần Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến phải chịu toàn bộ khoản lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.

Vẫn theo kết luận thanh tra, PVN liên quan đến tất cả sai phạm của chủ đầu tư PVTEX trong quá trình quyết định dự án đầu tư, phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, nội dung hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu gói thầu EPC.

Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy xơ sợi Đình Vũ thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng. Ảnh: Lương Bằng.

Ngoài ra, việc chỉ đạo điều hành thông qua kiểm tra, đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTEX trong việc thực hiện dự án còn thiếu thường xuyên, dẫn đến quá trình thực hiện có nhiều sai phạm, dự án không hiệu quả.

Đặc biệt, HĐQT và Tổng giám đốc PVTEX không tổ chức thẩm định khi phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng mức đầu tư, dẫn đến nội dung dự án không phù hợp, không đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể; phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chi phí vốn lưu động, tăng sai một số khoản chi phí trị giá gần 39 triệu USD. Trách nhiệm liên quan trực tiếp đến các vi phạm trên thuộc Tổng giám đốc, HĐQT PVTEX.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ còn cho thấy HĐQT và Tổng giám đốc PVTEX không tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phân chia dự án thành các gói thầu thiếu cơ sở, sơ tuyển nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt và trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu không yêu cầu các tiêu chuẩn cơ bản về năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm trong xây dựng Nhà máy xơ sợi đối với nhà thầu…

Ngoài ra, HĐQT và Tổng giám đốc PVTEX phê duyệt hồ sơ mời thầu nhưng không tổ chức thẩm định và có báo cáo thẩm định; thư mời thầu thiếu thông báo thời điểm đóng thầu và mở thầu; nội dung hồ sơ mời thầu chưa phù hợp quy định; các chi phí trong nước không sử dụng bằng đồng tiền Việt Nam làm tăng chi phí chênh lệch tỷ giá ngoại tệ gần 47 tỷ đồng khi thanh toán; nghiệm thu tăng sai, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ hoàn công một số hạng mục công trình với giá trị hơn 23.000 USD và 8 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu PVN đánh giá toàn diện thực trạng dự án, đề xuất phương án xử lý phù hợp báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Về xử lý trách nhiệm hành chính, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo và thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN, Vinatex thuộc thẩm quyền có liên quan.

Trước dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí lớn vốn đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ đóng tại Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán của PVTEX, dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8/2013, dự kiến hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng. Do lỗ nặng, nhà máy chạy phập phù, đến cuối năm 2015 đã dừng hoạt động.

Vào cuộc điều tra, Bộ Công an khởi tố 5 bị can liên quan gồm ông Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX; ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTEX; ông Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTEX; ông Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX và ông Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC.KBC.

Tùng Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/du-an-xo-soi-polyester-dinh-vu-co-nhung-sai-pham-nao-post756246.html