Những sai phạm nghiêm trọng tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (NĐTB 2) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 1.200 MW, gồm hai tổ máy, tổng mức đầu tư (điều chỉnh lần 1) hơn 34.295 tỷ đồng, điều chỉnh lần 2 lên đến hơn 43.156 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm tra, phát hiện dự án có nhiều sai phạm trong thanh toán, quyết toán, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sau nhiều năm thi công vẫn dang dở, đến nay chưa có tổ máy nào đi vào hoạt động.

Đây là dự án điển hình của việc sử dụng vốn sai mục đích của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), trong đó, có trách nhiệm rất lớn của ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.

Nhiều chiêu “rút ruột”

Ngày 4-9-2009, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN (lúc đó là ông Đinh La Thăng) đã ban hành quyết định chấp thuận cho nhà thầu PVC miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng gói thầu EPC, chưa tuân thủ quy định tại Điều 55, Luật Đấu thầu. Một số hạng mục thực hiện trong nước nhưng chào thầu, dự thầu và ký hợp đồng bằng ngoại tệ, chưa đúng quy định về đồng tiền dự thầu bằng tiền đồng Việt Nam, dẫn đến phát sinh chênh lệch tỷ giá giữa thời điểm ký hợp đồng với thời điểm thanh toán. Quá trình triển khai, PVC không trực tiếp thực hiện gói thầu EPC mà ký hợp đồng thầu phụ với các công ty khác và công ty con, giao phần lớn công việc của hợp đồng (giá trị giao lại thời điểm tháng 8-2015 là 28.422 tỷ đồng).

Giai đoạn chủ đầu tư NĐTB 2 là PVPower, PVC (đơn vị nội bộ ngành dầu khí) đã được chỉ định thầu thực hiện gói thầu EPC với giá trị hợp đồng 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư đã không lập hồ sơ yêu cầu (HSYC) và Tổng thầu PVC cũng không nộp hồ sơ đề xuất (HSĐX) cho chủ đầu tư. Như vậy, chủ đầu tư đã chấp thuận chỉ định thầu cho PVC thực hiện gói thầu có giá trị lớn, mà không lập HSYC, không có HSĐX để xét chọn nhà thầu, vi phạm nghiêm trọng Điều 41, Nghị định 85/2009/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng. Khi chuyển chủ đầu tư về PVN, khi xem xét HSYC, HSĐX, mặc dù biết rõ sai phạm, song tổ chuyên gia đấu thầu vẫn chấm cho PVC trúng thầu.

Tại dự án này, chủ đầu tư PVN đã buông lỏng quản lý tài chính, kế toán. Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 (BQLDA) đã tiến hành ký hợp đồng tư vấn thu xếp vốn với Tổng công ty cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) với giá trị hợp đồng gần 69 tỷ đồng, giải ngân gần 61,3 tỷ đồng. Đối với dự án NĐTB 2, quy định phí thu xếp vốn không quá 0,5% tổng số vốn thu xếp thành công. Dự án NĐTB 2 đã sử dụng khoản kinh phí lớn để thanh toán cho nhà thầu tư vấn thu xếp vốn. Nghiêm trọng hơn, BQLDA đã tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng (tương đương 1.447,5 tỷ đồng, bằng gần 6% giá trị hợp đồng), gây thiệt hại cho Nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11-10-2011) hơn 51,7 tỷ đồng và hơn 66 nghìn USD tiền lãi.

Trong khi căn cứ việc tạm ứng được quy định tại hợp đồng như sau: “Chủ đầu tư sẽ tạm ứng cho Tổng thầu một khoản tương đương 6% giá trị hợp đồng. Khoản tạm ứng sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 14 và Phụ lục 2 của hợp đồng”. Tuy nhiên, trong hợp đồng chỉ có đến Điều 10 và thực tế hợp đồng cũng không có Phụ lục 2 làm cơ sở cho việc chuyển tạm ứng. Như vậy, BQLDA đã chuyển tạm ứng giá trị lớn cho PVC nhưng các căn cứ cơ sở không rõ ràng, không quản lý được việc sử dụng vốn tạm ứng cho nhà thầu.

Thực tế, PVC đã chi chưa đúng mục đích tiền tạm ứng. Theo báo cáo của PVC gửi BQLDA, giá trị tạm ứng của hợp đồng EPC tại dự án đã được sử dụng vào các mục đích khác khoảng 576 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa thu hồi được hết. Theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi nhận khoản tiền tạm ứng lớn này, lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Vũ Đức Thuận, Tổng Giám đốc đã chi 1.080 tỷ đồng để thanh toán 425 tỷ đồng nợ gốc vay ngân hàng, 55 tỷ đồng trả lãi vay ủy thác của PVN, 74 tỷ đồng hỗ trợ Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh), hỗ trợ vốn các công trình khác 156 tỷ đồng. Số tiền gần 300 tỷ đồng còn lại, PVC cũng không sử dụng vào triển khai NĐTB 2 mà chuyển vào năm đơn vị khác do PVC góp vốn. Đến nay, có ba công ty thua lỗ, không thu hồi được vốn, PVC phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.

“Đội vốn”, chậm tiến độ

Những sai phạm về chỉ định thầu cho đơn vị nội bộ không đủ năng lực và buông lỏng quản lý tài chính, kế toán,... đã khiến dự án NĐTB 2 lâm vào tình trạng đội vốn, chậm tiến độ. Tại Văn bản số 302/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 25-9-2009 thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng, tiến độ phát điện của nhà máy dự kiến vào năm 2013 hoặc 2014. Cuối năm 2013, Thủ tướng có quyết định điều chỉnh việc đưa tổ máy 1 và tổ máy 2 của công trình vào vận hành năm 2016. Mặc dù được coi là dự án cấp bách trong Tổng sơ đồ điện VI và từng được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia mỗi năm 7,2 tỷ kW giờ, song đến nay dự án vẫn dang dở và chậm so kế hoạch hơn ba năm.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu PVN đẩy nhanh tiến độ, đưa các tổ máy vào vận hành trong tháng 9-2017 và tháng 3-2018. Tuy nhiên, trên thực tế, sau một loạt biến cố xảy ra đối với dự án, nhà máy gần như “chết lâm sàng”. Hiện chưa có tổ máy nào được đưa vào vận hành. Phần thiết bị tua-bin, máy phát và thiết bị phụ, theo danh sách chính thức các nhà thầu phụ và nhà cung cấp được ký giữa chủ đầu tư và PVC, hạng mục tua-bin máy phát điện quy định nhà cung cấp là Toshiba, xuất xứ Nhật Bản. Tuy nhiên, giấy chứng nhận xuất xứ (CO) lại thể hiện phần enclosure của tua-bin máy phát điện có xuất xứ từ Trung Quốc.

Mới đây, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát các vấn đề liên quan những “lùm xùm” về quá trình đấu thầu gói thầu bảo ôn cách nhiệt tại dự án NĐTB 2. Gói thầu san lấp mặt bằng Trung tâm Điện lực Thái Bình, chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu do chênh lệch đơn giá và tính sai đơn giá gần 64 tỷ đồng, chưa tiến hành thu hồi được. Quá trình thực hiện dự án kéo dài, làm tăng kinh phí do các yếu tố trượt giá, chi phí lãi vay, kinh phí quản lý dự án,… đã khiến tổng mức đầu tư dự án tăng từ 34.295 tỷ đồng lên 43.156 tỷ đồng.

Công tác lập dự án đầu tư, đơn vị chưa có báo cáo cụ thể về khả năng cung cấp than cám 5, khiến dự án phải hiệu chỉnh nhiều lần, làm tăng chi phí lập dự án lên hơn 10 tỷ đồng. Theo quy hoạch, NĐTB 2 được thiết kế sử dụng công nghệ lò PC, sử dụng than cám 5 trong nước do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp. Tuy nhiên, sau đó, TKV khẳng định không thể cung cấp than cám 5 mà chỉ có thể cung cấp than cám 6b. Do đó, NĐTB 2 phải hiệu chỉnh (lần 1) sang sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn (CFB), sử dụng than 6b. Để tối ưu hóa tính kinh tế - kỹ thuật và giảm phát thải, PVN hiệu chỉnh (lần 2) từ lò CFB sử dụng than 6b sang lò PC sử dụng than 6a. Sau khi được Bộ Công thương góp ý, PVN lại phải hiệu chỉnh (lần 3) từ lò PC sử dụng than 6a sang sử dụng than cám 5 tuyển từ than 6b. Do việc thay đổi phương án công nghệ, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán của gói thầu EPC thay đổi, làm tăng chi phí lập thiết kế kỹ thuật.

Dự án NĐTB 2 đến nay đã nhiều lần bị lùi tiến độ, nếu để kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch rút vốn các khoản vay và phải gia hạn thời gian rút vốn. Trường hợp thời gian xây dựng dự án kéo dài, PVN sẽ phải trả nợ gốc một số khoản ngay trong giai đoạn thi công, ảnh hưởng đến việc cân đối ngoại tệ và hiệu quả dự án. Theo hợp đồng mua bán than giữa TKV và PVN, sau giai đoạn chạy thử và 5 năm đầu, lượng than cung cấp tiếp theo sẽ do TKV sản xuất hoặc nhập khẩu theo khả năng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu chủ động nguồn than và giá than nhập khẩu, ảnh hưởng quá trình hoạt động và hiệu quả dự án.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/34958302-nhung-sai-pham-nghiem-trong-tai-du-an-nha-may-nhiet-dien-thai-binh-2.html