Những sân bóng ở nông thôn

Những năm gần đây, nhu cầu vui chơi thể thao của thanh thiếu niên là người dân tộc Mông ở các xã Cư Pui và Cư Đrăm (Krông Bông, Đắk Lắk) được mở rộng. Ngoài những sân chơi thể thao của xã, thôn, thanh thiếu niên ở các thôn đồng bào Mông còn tận dụng phần đất trống của gia đình để làm sân bóng chuyền, sân bóng đá mi ni, lôi cuốn nhiều thanh thiếu niên đến tham gia.

Nhiều thanh niên thôn Ea Bar và các thôn khác tham gia đá bóng.

5 thôn đồng bào Mông của xã Cư Pui là Ea Bar, Ea Lang, Cư Rang, Ea Uôl và Cư Tê có số lượng thanh thiếu niên khá đông. Trước đây do không có phong trào thể dục thể thao, thiếu sân chơi nên đa số thanh thiếu niên thường tập trung ở các quán game, hoặc tụ tập ở các hàng quán. Thế nhưng thời gian vừa qua, trong các thôn đồng bào Mông ở xã Cư Pui đã xuất hiện nhiều sân bóng chuyền, bóng đá mi ni lôi cuốn nhiều thanh thiếu niên, kể cả chị em phụ nữ trong các thôn tham gia sau giờ làm, giờ học.

Chị Ma Thị Gái,thôn Cư Rang chia sẻ: “Trước đây chị em phụ nữ trong thôn sau khi xong hết việc nhà rảnh rỗi chẳng biết làm gì. 2 năm vừa qua, chị em trong xóm mượn phần đất trống của 2 gia đình làm sân bóng chuyền. Từ khi có sân bóng, chiều nào chị em cũng rủ nhau chơi bóng vừa vui, lại giúp cho chị em tăng cường sức khỏe”.

Còn anh Tráng Văn Thái ở thôn Ea Bar (Cư Pui) sẵn có đất của gia đình, anh đã vay mượn thêm đầu tư 270 triệu đồng để làm sân bóng đá mi ni bằng cỏ nhân tạo. Kể từ khi sân hoàn thành, mỗi chiều có rất nhiều thanh thiếu niên ở các thôn đồng bào Mông trong xã đăng kí tham gia đá bóng, đông nhất là vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Do điều kiện kinh tế của người dân ở đây còn gặp khó khăn nên anh Tráng vừa kinh doanh thu tiền nhưng cũng tạo điều kiện cho những em học sinh khó khăn vào chơi bằng cách giảm giá hết mức.

Xã Cư Đrăm có 5 thôn đồng bào dân tộc Mông. Những năm vừa qua, phong trào thể dục- thể thao ở các thôn này cũng khá phát triển. Nhiều sân bóng đá, bóng chuyền được xây dựng từ quỹ đất của thôn hoặc đất của các gia đình. Đầu năm 2019, anh Dương Văn Sình ở thôn Yang Hăn và anh Giàng Seo Sà ở thôn Ea Hăn đã cùng góp vốn làm sân bóng mini. Do đã có sẵn diện tích đất mặt sân của gia đình nên hai anh chỉ phải đầu tư 310 triệu đồng. Ban ngày các anh thu mỗi giờ 70 ngàn, chiều 100 ngàn và buổi tối 150 ngàn đồng. Có lúc hạ giá, miễn phí cho các em nhỏ. Sân bóng hàng ngày có rất nhiều thanh thiếu niên vào đăng ký chơi bóng nhất là vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và dịp hè. Thỉnh thoảng chủ sân còn tổ chức một số giải mời các đội bóng ở các địa phương khác đến giao lưu.

Ông Sùng Minh Hoàng, trưởng thôn Ea Hăn phấn khởi cho biết: “Từ khi có sân bóng đá mini, thanh thiếu niên ở đây giảm hẳn việc tụ tập ở các quán game. Những hoạt động thể thao như thế này chính là để giúp các cháu rèn luyện sức khỏe, học tập tốt hơn, tránh xa được các tệ nạn xã hội.

Tùng Lâm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-noi-co-so/nhung-san-bong-o-nong-thon-tintuc453497