Những sản phẩm đan móc độc đáo và trái tim nhân hậu của chị Linh

Không chỉ kiếm được thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm đan móc bằng tay 100%, chị Linh còn giúp tạo ra thu nhập cho nhiều người lớn tuổi, nội trợ.

Căn phòng nhỏ tại quận 7, TP.HCM của chị Khả Linh (43 tuổi) chất đầy những con thú và búp bê dễ thương được móc nối thủ công. Không những tạo ra thu nhập cho bản thân, chị còn giúp một số chị em phụ nữ nhận hàng về làm để trang trải cuộc sống.

Chọn nghề khiến mình hạnh phúc

Chị Khả Linh cho biết, hiện nay, nghề đan móc đang được nhiều người đón nhận, đặc biệt là giới trẻ. Chị thường làm ra các sản phẩm như móc khóa, đồ lưu niệm để bán tại các điểm du lịch hay tặng nhau vào các dịp lễ ở TP.HCM và Đà Lạt. Ngoài ra chị cũng có nhiều khách hàng đến từ Úc, Mỹ, Nhật, Canada... đặt các sản phẩm thú, búp bê.

Trung bình một tháng, trừ các chi phí nguyên liệu, nhân công, chị có thể kiếm được 50 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm đan móc và quan trọng là chị cảm thấy rất yêu công việc.

Khả Linh sắp xếp lại những con búp bê dễ thương nhiều màu sắc được móc nối thủ công. Ảnh: VT

Khả Linh sắp xếp lại những con búp bê dễ thương nhiều màu sắc được móc nối thủ công. Ảnh: VT

Chị kể ngay từ khi còn đi học, được giáo viên dạy móc cơ bản, chị cảm thấy rất hứng thú với môn này. “Vì yêu thích quá nên mình chọn đan móc len làm nghề chính chứ không quan trọng thu nhập bao nhiêu. Chỉ cần làm công việc mình thích là đủ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc rồi” – chị Linh cười nói.

Nhờ tình yêu với đan móc sợi, chị Linh không ngừng tìm hiểu và sáng tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm độc đáo. Ban đầu, chị tự tay mày mò, lên ý tưởng thiết kế các sản phẩm. Dần dần chị bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về các mẫu mới ở nước ngoài. Khi tìm thấy một mẫu đẹp, vừa ý, chị sẵn sàng chi tiền mua lại thiết kế của tác giả để làm đa dạng sản phẩm của mình.

“Công đoạn của móc sợi nhìn đơn giản nhưng cần sự cẩn thận và tỉ mỉ. Theo quy trình, sau khi móc sẽ tiến hành nhồi bông, móc gắn các bộ phận lại với nhau rồi thực hiện thêu mắt mũi, đánh má hồng… Công đoạn khó nhất và tốn thời gian nhất có lẽ là nhồi bông, phải cân đối, hợp lý thì mới ra được hình dạng mong muốn” – chị nói trong khi tay thoăn thoắt nhồi bông vào chú heo mới móc xong.

Chị Linh không ngừng tìm hiểu và sáng tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm độc đáo.

Do được móc 100% bằng tay, công phu và tốn thời gian hơn đan nên giá thành sản phẩm của chị rất phong phú từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng. Sau một thời gian mày mò, sưu tập, hiện tại chị đã có thể làm ra được những sản phẩm đa dạng như: những con thú, búp bê, thảm trải sàn, gối tựa, chụp đèn, túi xách, cây đấm lưng, dep. Bên cạnh đó, chị còn thiết kế ra những bức tranh hoa, con thú đơn giản để các bé có thể vừa học móc vừa chơi.

“Có nhiều bạn thích làm nhưng lại ngại không có hoa tay, không khéo léo. Thực ra chỉ cần có đam mê, chịu khó, học hỏi, nắm vững kỹ thuật là hoàn toàn làm được. Khi làm ra được rồi sẽ càng làm càng thích, càng đam mê thì càng sáng tạo ra nhiều cái nữa”- chị cười nói.

Chị kể nhiều lần làm việc say sưa đến nổi quên ăn trưa, có hôm ngồi cả ngày không di chuyển tối về mới thấy đau lưng, mỏi tay nhưng khi sống với đam mê thì khó khăn mấy cũng là niềm vui.

Một đôi dép được móc bằng sợi. Ảnh: VT

Chị Linh cho biết chị đang ấp ủ mở một lớp workshop để các em nhỏ và gia đình cùng làm các sản phẩm, tranh móc đơn giản vào dịp cuối tuần. Đây không chỉ là cơ hội để gắn kết gia đình mà còn kích thích trí sáng tạo giúp các bé linh hoạt và khéo léo hơn.

Những chiếc chụp đèn được móc bằng sợi thích hợp để trang trí. Ảnh: VT

Tạo việc làm thêm cho người lớn tuổi

Khi được hỏi về những người thợ, chị tự hào khoe mình có một đội ngũ độc đáo, có cả những luật sư, giảng viên, kế toán…, đặc biệt nhất là có một hội các cô lớn tuổi từ 50-70 tuổi nhận đan móc tại nhà.

“Các cô lớn tuổi nhưng tiếp thu rất nhanh, móc rất đẹp nên mình cố gắng hỗ trợ họ vừa kiếm thêm thu nhập vừa trông nhà cửa, trông con cháu. Công việc đan móc khá nhẹ nhàng, tận dụng thời gian rảnh để làm nên không áp lực mà còn giúp người lớn tuổi linh hoạt, minh mẫn hơn” – chị Linh chia sẻ.

Chị Linh sắp xếp lại những chiếc áo quần búp bê vừa nhận được từ những người thợ lớn tuổi. Ảnh: VT

Không chỉ tạo việc làm cho người lớn tuổi, chị còn giúp đỡ, hỗ trợ cho các sinh viên mới ra trường, những bạn có đam mê khởi nghiệp từ đan móc một cách nhiệt tình mà không sợ bị “cướp nghề”.

“Những bạn sinh viên mới ra trường đa phần chưa có vốn nhiều nên khi đến đây mình sẵn sàng lấy giá sỉ cho các bạn, chia sẻ kinh nghiệm móc, sửa các lỗi móc và hỗ trợ phần nào đó để các bạn khởi nghiệp dễ dàng hơn” - chị nói và cho biết có hai bạn đến học việc sau đó đã có thể tự mở cửa hàng riêng.

Chị cho biết con cù lần trên tay chị, người thạo làm một cái đầu đã mất ba tiếng, trung bình một ngày làm được một con. Ảnh: VT

Qua chia sẻ, chị cho biết trước đây khi còn là người thợ, một số nơi đưa giá gia công cho chị rất thấp không xứng đáng với công sức bỏ ra. Một sản phẩm có thể bán 700 ngàn đến 1 triệu đồng nhưng thợ chỉ nhận vài chục ngàn. Đó cũng là lý do chị quyết tâm mở tiệm riêng để trả công cho nhân viên mình cao nhất có thể.

“Mặc dù họ đam mê thật nhưng nếu không trả công đúng với công sức họ bỏ ra thì lâu dần cũng bào mòn sự đam mê của họ. Đặc biệt khi tạo công việc người lớn tuổi, họ sẽ thêm yêu đời, minh mẫn thì mình cũng thấy hạnh phúc” – chị Linh chia sẻ.

Bà Trần Ngọc Thúy (63 tuổi) cho biết nhờ việc nhận hàng về làm tại nhà mà trung bình một ngày bà có thể kiếm được khoảng 300 ngàn đồng.

“Với mức thu nhập trên, đủ để tôi trang trải chi tiêu sinh hoạt mà không cần con cái chu cấp. Bên cạnh đó, vừa đan móc vừa tiện trông coi nhà cửa, trông cháu, tôi còn thấy vui khỏe hơn là ngồi không” – bà Thúy nói. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 ở Sài Gòn bùng phát dữ dội, nhờ nhận hàng của chị Linh về làm tại nhà mà bà Thúy mà có thêm đồng ra đồng vào, trang trải những ngày khó khăn.

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-san-pham-dan-moc-doc-dao-va-trai-tim-nhan-hau-cua-chi-linh-post722102.html