Những 'sứ giả' mang tiếng Việt đến với nước Ý

'Tôi loay hoay, trăn trở đi khắp các vùng của nước Ý để gây dựng phong trào học, gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt và cổ vũ các bạn sinh viên Ý yêu mến Việt Nam học tiếng Việt. Trời không phụ lòng người, cuối cùng sau gần một thập kỷ, tôi cũng đã làm được chút ít để góp phần phát triển phong trào học tiếng Việt, gìn giữ hồn cốt văn hóa Việt ở Ý. Cô giáo Lê Thị Bích Hường xúc động chia sẻ.

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên và sinh viên Việt- Ý.

Đi không quá nhiều nước nhưng với chúng tôi, đến với nước Ý xinh đẹp trong chuyến công tác vừa qua thật sự xúc động khi được mục sở thị, cảm nhận được tấm lòng lớn lao của những “sứ giả” với sứ mệnh truyền bá văn hóa Việt ở Ý. Đó là những tấm gương của những người thày, những sinh viên Việt tận tâm gây dựng văn hóa Việt, gieo những con chữ để phát triển tiếng Việt, góp phần gây dựng cầu nối hữu nghị, phát triển bền vững quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ý trong hiện tại và tương lai.

Đến với Trường Đại học Ca’ Foscari, chúng tôi đã trực tiếp gặp được những “sứ giả” của tình hữu nghị Việt- Ý , những con người thật sự tâm huyết, ngày đêm đau đáu với sự nghiệp dạy tiếng Việt ở Ý như thế. Đó là các tấm gương như Giáo sư Richard Trần Quang Anh, cô giáo Lê Thị Bích Hường, và một số sinh viên mới từ Việt Nam sang học tại Italia. Trong đó, có lẽ xúc động nhất là tấm gương của cô giáo Lê Thị Bích Hường. Cô giáo Lê Thị Bích Hường quê ở Việt Trì, Phú Thọ, nhưng lại chủ yếu sống ở Sen Hồ, Việt Yên, Bắc Giang từ khi còn nhỏ. Đó là quê hương của một trong 49 làng quan họ cổ.

Có lẽ vì thế mà những làn điệu dân ca quan họ tự thân đã ngấm vào huyết mạch từ bé, nên sang Ý, cô như một “ca sĩ”, luôn biết uyển chuyển lồng ghép, vừa dậy tiếng Việt vừa dậy hát, đem các làn điệu dân ca quan họ đến với các sinh viên và những học giả, những người bạn Ý yêu quý Việt Nam. Và trân quý hơn, cô giáo Lê Thị Bích Hường luôn tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp truyền bá tiếng Việt. Sẵn sàng dạy thêm giờ miễn phí khi có sự kiện và dồn tất cả công sức, tiền của cá nhân để tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam tại đây…

Các em sinh viên Ý khi đăng ký vào học ở bộ môn tiếng Việt đều mong muốn được biết về văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, so với các trường đại học ở Ý có môn tiếng Việt, Đại học Ca’ Foscari là nơi duy nhất cung cấp cho các em sinh viên những kiến thức cả về lịch sử, văn học, kinh tế, địa chính trị, nghệ thuật và mọi khía của văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, số giờ học tiếng Việt chưa được nhiều như các bộ môn khác. Một tuần học 2 buổi (lý thuyết và thực hành), mỗi buổi 2 tiếng với tổng số là 60 giờ cho một học kỳ và 120 giờ cho cả năm, tương đương với 1 tháng rưỡi nếu học 1 tuần năm ngày và 4 giờ trong 1 ngày. Học sinh học hai tiếng chính đó là tiếng Thái và tiếng Việt với số giờ tương đương như nhau nhưng số học sinh được sang Thái Lan thực tập gấp 5 lần số học sinh được sang Việt Nam thực tập.

Từ đặc thù đó, chúng tôi mang đến cho sinh viên nhiều hình thức truyền tải để có thể vừa dễ học tiếng Việt, vừa dễ cảm thụ nét đặc sắc văn hóa Việt qua các thể loại dân ca, sân khấu cổ truyền Việt Nam như quan họ, chèo, cải lương, tuồng cổ, múa rối nước. Hoặc qua các tác phẩm thơ của các nhà thơ nổi tiếng mà thế giới biết đến như Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương và đặc biệt là Truyện Kiều của Đại văn hào Nguyễn Du…

Và gieo mầm rồi cũng ngày hái quả. Cô giáo Hường phấn khởi cho biết: Các em sinh viên Ý rất hiếu học và thể hiện tình cảm yêu quý Việt Nam bằng cách đón nhận và tham gia tích cực các hoạt động văn hóa ngoại khóa do tôi khởi xướng. Đặc biệt thông qua học hát các làn điệu dân ca Việt Nam, các em đã tham gia với niềm đam mê và trách nhiệm rất cao.

Tôi đặc biệt xúc động về thành quả học tiếng Việt và du nhập văn hóa Việt của các sinh viên Ý. Chính các em với vốn tiếng Việt và văn hóa Việt đã làm rạng rỡ chương trình “Hồn Việt” được tổ chức cách đây một năm.

Sinh viên Tommaso Becchi, tâm sự: Khi em chọn học tiếng Việt ở tuổi mười tám, đó là vì nhiều lý do. Trước hết, em bị thu hút bởi lịch sử đất nước của Bác Hồ: biết ngôn ngữ là cần thiết để thâm nhập văn hóa của một quốc gia, đặc biệt là một quốc gia cổ xưa như Việt Nam. Về điều này, em mừng là chỉ sau vài tháng, em đã có cái nhìn bao quát hơn về nhiều sự kiện lịch sử.

Tuy nhiên, khi em chọn con đường đại học này, không chỉ để có cái nhìn đầy đủ hơn về quá khứ, mà còn là cơ hội để trải nghiệm hiện tại và tương lai. Ngày nay, bất kỳ ai biết tiếng Việt đều được kết nối với đất nước 100 triệu dân và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

Em rất hài lòng với sự lựa chọn học tiếng Việt của mình. Bây giờ, em rất nóng lòng được đến Việt Nam để đi dạo quanh Phố cổ Hà Nội và ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời của thành phố Hồ Chí Minh!

Những điều mà các bạn sinh viên tâm sự hoàn toàn đúng thực tế. Trực tiếp trao đổi với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu, các phát biểu của lãnh đạo trường Đại học Ca’ Foscari tại Venice đều khẳng định, bộ môn tiếng Việt đã, đang phát triển tốt. Nhà trường sẽ toàn tâm, toàn ý ủng hộ duy trì và phát triển bộ môn tiếng Việt tại đây. Các sinh viên theo học tiếng Việt rất yêu quý Việt Nam nên rất chăm chú học và miệt mài tìm hiểu văn hóa Việt.

Cô Lê Thị Bích Hường tự hào, chia sẻ thêm: chúng tôi rất vui mừng vì đã duy trì và phát triển lớp tiếng Việt trong 4 năm qua. Và chúng tôi rất vui mừng khi bộ môn năm 2022 đã có những cử nhân tiếng Việt đầu tiên tốt nghiệp. Những thành công của chúng tôi mới chỉ là bước đầu. Có được thành công đó là công lao của cả một tập thể. Đó là những đóng góp quan trọng của thầy trưởng khoa Marco Ceresa, của thày Trần Quang Anh đã tạo dựng bộ môn.

Theo ĐCSVN

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/403917/nhung-su-gia-mang-tieng-viet-den-voi-nuoc-y.html