Những sự kiện khoa học công nghệ nổi bật của thế giới năm 2019

Tờ Science News mới đây đã công bố bình chọn của mình về 10 sự kiện khoa học – công nghệ - môi trường nổi bật của thế giới trong năm 2019.

1. Bức ảnh đầu tiên chụp một lỗ đen

Các nhà khoa học chụp được hình ảnh đầu tiên về lỗ đen siêu lớn ở trung tâm thiên hà M87.

Các nhà khoa học chụp được hình ảnh đầu tiên về lỗ đen siêu lớn ở trung tâm thiên hà M87.

Hố đen là những “con quái vật khổng lồ” ở trung tâm các thiên hà vốn nặng gấp hàng triệu đến hàng tỷ lần khối lượng mặt trời, nó điều khiển số phận của mọi thứ xung quanh, kể cả ánh sáng. Mặc dù có ảnh hưởng to lớn như vậy đối với các thiên hà vốn nhà của chúng, các lỗ đen không bao giờ lộ mặt.

Cho đến năm 2019, sau hơn một thập kỷ từ khi bắt đầu làm việc, kết quả từ Kính viễn vọng Event Horizon, hay EHT, đã làm choáng váng thế giới trong năm nay với hình ảnh trực tiếp đầu tiên rìa một lỗ đen (được gọi là event horizon – vành bao quanh một lỗ đen), khu vực mà bất kỳ một loại vật chất nào cả ánh sáng không thể vượt qua để thoát ra ngoài.

Để tạo ra hình ảnh đáng chú ý này, các nhà khoa học đã tạo một công cụ có kích thước tương đương trái đất bằng cách kết nối bảy đài quan sát trên khắp thế giới để tạo một chiếc kính viễn vọng khổng lồ. Kết quả là một hình ảnh về hình bóng tròn của một lỗ đen trên nền hình tròn của đĩa bồi tụ phát sáng rực rỡ, nơi khí và các vật liệu khác bị hút vào bởi lực hấp dẫn khổng lồ của lỗ đen.

Các hình ảnh ban đầu chụp lỗ đen công bố vào tháng tư, tập trung vào một thiên hà xa xôi, có tên M87, nặng gấp khoảng 4 triệu lần khối lượng mặt trời.

2. Bệnh sởi vẫn chưa biến mất

Nửa đầu năm 2019 có nhiều trường hợp mắc sởi được báo cáo trên toàn cầu nhiều hơn so với bất kỳ năm nào kể từ năm 2006. Em bé này ở Philippines bị sốt phát ban.

Năm 2019, bệnh sởi đã hoành hành ở Mỹ hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 1992. Tính đến ngày 5-12, đã có 1.276 bệnh được báo cáo ở 31 tiểu bang. Hai vụ dịch ở New York chiếm phần lớn nhất: hơn 75% các các ca mắc bệnh.

Sự bùng phát ở New York, bắt đầu vào mùa thu năm 2018, đã phá bỏ mọi công sức loại trừ bệnh sởi của Mỹ từng đạt được vào năm 2000. Để nhận được chứng nhận đó từ Tổ chức Y tế Thế giới, một quốc gia phải có một năm không có bệnh lây lan liên tục.

Từ năm 1978, Hoa Kỳ bắt tay vào nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để loại bỏ bệnh sởi. Chương trình tiêm chủng ở nước này yêu cầu trẻ em phải được tiêm chủng mới được đến trường. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ đã trì hoãn hoặc bỏ tiêm chủng cho con cái họ, khiến cộng đồng nơi họ sống dễ bị tổn thương. Khoảng 90% các trường hợp bị sởi tại Mỹ vào năm 2019 là những người chưa được tiêm vắc-xin hoặc không rõ liệu họ đã tiêm chủng hay chưa.

Nhiều người không biết về thiệt hại mà bệnh sởi có thể gây ra. Có những đứa trẻ bị sởi phát triển thành viêm phổi và viêm não, sưng não nguy hiểm. Và bệnh sởi có thể xóa sạch bộ nhớ miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Nhiều quốc gia khác đã phải vật lộn với dịch sởi trong năm 2019. Tính đến ngày 17-11-2019, Congo đã có đợt bùng phát lớn nhất, với ước tính 250.000 ca mắc sởi và hơn 5.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em dưới 5. Samoa, với tỷ lệ tiêm chủng thấp tới 31%, đã bị ảnh hưởng nặng nề vào cuối năm 2019, với hơn 3.700 trường hợp và hàng chục người chết.

3. Nắng nóng kỷ lục thúc đẩy phong trào hành động vì biến đổi khí hậu

Greta Thunberg (ngồi hàng trên thứ hai từ trái sang) và các nhà hoạt động trẻ khác đã đệ đơn khiếu nại lên Liên hợp quốc vào tháng 9 về biến đổi khí hậu.

Năm nay là một năm nắng nóng, nhiệt độ mùa hè đã phá vỡ hàng trăm kỷ lục mọi thời đại, mang lại sự tan chảy chưa từng thấy ở khu vực Greenland và tình trạng nóng đổ dầu vào lửa bùng phát dữ dội khắp Bắc Cực vào đầu tháng 6. Báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã cảnh báo về một tương lai ảm đạm cho các đại dương và khu vực đóng băng của trái đất khi hành tinh nóng lên.

Từ tháng 5 đến tháng 8, gần 400 kỷ lục nhiệt độ cao mọi thời đại đã được thiết lập ở 29 quốc gia ở Bắc bán cầu. Châu Âu bị “nướng” dưới hai đợt nắng nóng vào tháng 6 và tháng 7. Biến đổi khí hậu do con người gây ra làm nóng ngột ngạt từ 10 đến 100 lần như ở Pháp, theo một báo cáo của World Weather Attribution Network.

Nhiệt độ tại sân bay quốc tế Anchorage ở Alaska tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay là 32°C vào ngày 4-7. Ấn Độ và Pakistan bị cuốn theo một đợt nắng nóng kéo dài vào tháng 6, trùng hợp với khô hạn và thiếu nước kéo dài. Tại Nhật Bản, một đợt nắng nóng chết người đã quét qua đất nước này vào cuối tháng 7, làm hơn 18.000 người phải nhập bệnh viện trong một tuần. Trên phạm vi toàn cầu, tháng 7 là tháng nóng nhất trong 140 năm giữ kỷ lục, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ.

Sức nóng dữ dội của năm nay, cùng với cháy rừng, bão di chuyển chậm và gây chết người và các sự kiện khí hậu khắc nghiệt khác - có thể đã giúp con người thấy rõ thực tế về biến đổi khí hậu.

Nhưng các nhà khoa học khí hậu cho rằng, đó không phải là điều diễn ra duy nhất năm 2019. Năm nay cũng chứng kiến những làn sóng hoạt động chống biến đổi khí hậu kỷ lục. Một làn sóng phản đối biến đổi khí hậu do của những người trẻ tổ chức trong dịp Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu tháng 9 có hàng triệu người tham gia.

4. Những nguy cơ từ việc sử dụng thuốc lá điện tử

Nhà sản xuất Juul, loại thuốc lá điện tử phổ biến nhất, đã tuyên bố vào mùa thu rằng họ sẽ ngừng bán các loại vỏ có nhiều hương vị như xoài, dưa chuột và bạc hà.

Bệnh phổi và những cái chết có liên quan đến thuốc lá điện từ làm nổi bật sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử khi việc sử dụng ở tuổi teen tiếp tục gia tăng.

Thuốc lá điện tử được cho là tương đối vô hại, ít nhất là trong cộng đồng. Nhưng điều đó đã bắt đầu thay đổi vào năm 2019, khi những báo cáo đầu tiên về tổn thương phối và tử vong liên quan đến vaping đã cung cấp một sự điều chỉnh rõ ràng. Tính đến ngày 10-12, tổng cộng 2.409 người từ khắp nước Mỹ, nhiều người trong số họ còn trẻ và khỏe mạnh, đã phải nhập viện, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ. Và 52 người, trong đó có một người 17 tuổi, đã chết.

Các quan chức y tế liên bang đã công bố thủ phạm là vitamin E acetate, được bổ sung chủ yếu như một chất làm đặc trong các sản phẩm tinh dầu có chứa THC, hay tetrahydrocannabinol, hợp chất tạo ra từ cần sa. Người sử dụng thuốc lá điện từ nên tránh THC trong khi những cuộc điều tra đang diễn ra, và các bệnh có thể đến từ các thành phần trong tinh dầu thuốc lá điện từ khác.

Để tránh khả năng mắc bệnh cho những trẻ vị thành niên, một số bang của Mỹ đã cấm một số hương vị của thuốc lá điện tử.

5. Tiết lộ mới từ người cổ đại Denisovan

Một phần hàm người cổ đại được khai quật trên cao nguyên Tây Tạng được báo cáo vào năm 2019.

Hóa thạch và AND của người cổ đại Denisovan tìm thấy trong năm nay cho thấy sự phức tạp của họ vượn người bí ẩn và là một trong những gốc rễ của con người ngày nay.

“Gia tộc người” bí ẩn đã nổi lên trong một thập kỷ trước, khi một chút xương hồng của một cô gái, được tìm thấy trong hang động Denisova của Siberia (Nga), có AND không khớp với bất kỳ người vượn nào được biết đến. Một vài hóa thạch nữa là ba chiếc răng và một mảnh chi, cộng với các phân tích di truyền chỉ ra rằng người cổ đại Denisovan là họ hàng gần và là đối tác giao phối thỉnh thoảng với người cổ đại Neandertal và với cả Homo sapien (người thông minh thuộc chi người Homo) cách đây hàng chục nghìn năm. Nhưng có quá ít bằng chứng để hình dung về người Denisovan.

Những khám phá được báo cáo vào năm 2019 đã đưa người Denisovan vào trọng tâm - nhưng vẫn còn nhiều chỗ phải giải thích. Khi những hóa thạch thu gom được, các nhà điều tra sự ảnh hưởng của bộ xương người Denisovan đến cấu trúc xương của các đối tác giao phối của nó trong chi người Homo.

Bằng chứng ADN cổ xưa được báo cáo trong năm nay cho thấy rằng người Denisovan đã chia tách thành ba dòng riêng biệt về mặt di truyền do giao phối với các nhóm người khác nhau ở châu Á. Phát hiện đó đã đóng vai trò trong một quan điểm mới nổi lên về sự tiến hóa của loài người, như một dòng suối nhiều nhánh, với các loài liên quan chặt chẽ đến việc vào và ra khỏi các trao đổi di truyền.

Năm nay cũng mang lại bằng chứng cho thấy người Denisovan đã đi xa hơn hang động Siberia. Dân số định kỳ cư ngụ trong hang động từ gần 300.000 đến khoảng 50.000 năm trước, theo các nghiên cứu trầm tích. Nhưng trên cao nguyên Tây Tạng xa xôi, các nhà nghiên cứu đã xác định được hàm dưới của người Denisovan, có niên đại ít nhất 160.000 năm trước. Sự xuất hiện của người Denisovan ở đó phù hợp với bằng chứng trước đây cho thấy người Tây Tạng ngày nay được thừa hưởng một gen của người Denisovan giúp hỗ trợ sinh tồn ở độ cao lớn.

Người Denisovan cũng có thể đã chia sẻ khả năng tư duy tinh vi với các quần thể người hiện đại Homo thời kỳ đồ đá khác. Những mảnh khắc trên xương động vật được tìm thấy ở Trung Quốc, có thể được khắc bởi người Denisova, tăng khả năng rằng những người vượn tạo ra các đối tượng này với ý nghĩa tượng trung. Có lẽ hấp dẫn nhất là báo cáo rằng ít nhất ba quần thể người Denisova khác biệt về mặt di truyền đã tách ra khỏi cùng một quần thể Siberia và giao phối với người cổ đại ở những nơi khác ở châu Á. Nhiều người hiện đang sống ở các vùng của Đông Á, Indonesia và Papua New Guinea có tổ tiên từ ba dòng họ của người Denisova.

Những khám phá trong năm nay đã củng cố vị thế của người Denisova với tư cách là mấu chốt quan trọng của câu chuyện tiến hóa dài và quanh co của loài người.

6. Lần đầu tiên thử nghiệm trên người phương pháp chỉnh sửa gen CRISPR

CRISPR / Cas9 là một công cụ chỉnh sửa gen mà nhiều người hy vọng sẽ điều chỉnh các bệnh di truyền.

Khi được công bố vào năm 2012, các nhà khoa học đã hy vọng rất lớn rằng việc chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 có thể điều trị hoặc thậm chí chữa khỏi hàng trăm đến hàng nghìn bệnh di truyền. Năm nay, các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm soạn thảo gen ở người, bước đầu tiên quan trọng trong việc xác định liệu công nghệ này có thể thực hiện được những hứa hẹn y tế hay không.

Những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên này đang thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả của CRISPR/Cas9 đối với bệnh ung thư, rối loạn máu và một dạng mù lòa di truyền ở những người đã mắc bệnh.

Kết quả được báo cáo từ thử nghiệm của các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, cho thấy phương pháp điều trị CRISPR được thiết kế để tăng sức mạnh chống ung thư của các tế bào miễn dịch gọi là tế bào T là an toàn. Kết quả là từ ba bệnh nhân - hai người mắc bệnh đa u tủy xương và một người mắc bệnh sarcoma - có tế bào T được loại bỏ và chỉnh sửa trong phòng thí nghiệm. CRISPR đã vô hiệu hóa ba gen trong các tế bào T. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã trang bị cho các tế bào một một gen để các tế bào này hướng đến các tế bào khối u vốn có một loại protein cụ thể trên bề mặt của chúng. Trong khi các tế bào miễn dịch được thiết kế để chống lại ung thư, được gọi là tế bào CAR-T, đã được sử dụng ở bệnh nhân trong nhiều năm, việc cải thiện các tế bào T với sự trợ giúp của CRISPR là một cải tiến mới.

Các phát hiện, được trình bày vào ngày 7-12 tại cuộc họp của Hiệp hội huyết học Hoa Kỳ tại Florida, cho thấy các tế bào T được chỉnh sửa CRISPR đã giữ và tái tạo ở bệnh nhân ung thư. Không ai trong ba người có bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan đến các tế bào.

Liệu CRISPR có sớm trở thành một liệu pháp được chấp nhận hay không và chính phủ Hoa Kỳ điều chỉnh công nghệ như thế nào, tất cả có thể phụ thuộc một phần vào các thử nghiệm ban đầu này.

7. Google tuyên bố đạt ưu thế lượng tử gây ra nhiều tranh cãi

Các máy tính lượng tử của Google Sycamore đã thực hiện một phép tính mà một siêu máy tính thông thường phải mất hàng nghìn năm.

Vào tháng 10-2019, các nhà nghiên cứu từ Google tuyên bố đã đạt được một cột mốc được gọi là ưu thế lượng tử. Họ đã tạo ra máy tính lượng tử đầu tiên có thể thực hiện phép tính không thể đối với một máy tính tiêu chuẩn. Nhưng các nhà nghiên cứu của IBM phản bác rằng Google đã không làm gì đặc biệt. Cuộc đụng độ làm nổi bật mối quan tâm thương mại mãnh liệt trong điện toán lượng tử, khi các công ty cạnh tranh cho vị trí đi đầu trong lĩnh vực này.

Chẳng hạn, IBM đã tạo ra một tập hợp gồm 14 máy tính lượng tử có thể truy cập qua điện toán đám mây. Phiên bản lượng tử của các bit được tìm thấy trong các máy tính hàng ngày lớn nhất đạt 53 qubit. Máy tính lượng tử mới nhất của Google, Sycamore, cũng có 53 qubit. Trong số những đối thủ khác chạy đua cho một phần của hành động lượng tử là Intel, Microsoft và các công ty Trung Quốc là Alibaba và Yahoo.

Các nhà nghiên cứu của Google đã báo cáo về cuộc trình diễn về sức mạnh của điện toán lượng tử trên tạp chí Nature ngày 24-10. Máy tính lượng tử của họ, Sycamore, chỉ mất 200 giây để thực hiện một phép tính mà các nhà nghiên cứu ước tính một siêu máy tính tối tân sẽ mất 10.000 năm để tính toán. Nhưng IBM đã phản bác bằng một bài báo cho thấy một kỹ thuật siêu máy tính được cải tiến, về mặt lý thuyết có thể thực hiện nhiệm vụ này chỉ trong 2,5 ngày. Đấy vẫn thực sự là một vấn đề không thể đùa về thời gian tính toán trên máy tính mạnh nhất thế giới, nhưng không phải là không thể đạt được.

Vì vậy, ưu thế lượng tử đã được so sánh với chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright tại Kitty Hawk, NC, vào năm 1903. Khi đó, máy bay đã trở thành hiện thực nhưng trên thực tế nó không hữu ích - tuy nhiên, đây là một cột mốc lịch sử. Cũng như thế, máy tính lượng tử hiện nay chưa đạt được tiềm năng cách mạng của chúng. Ưu thế điện tử không thể thay đổi thế giới trong một đêm nhưng đây là cột mốc lịch sử trong phát triển điện toán.

8. Những con số làm thế giới giật mình khi nói về thiên nhiên

Một vụ hỏa hoạn xảy ra ở khu vực Amazon của Brazil vào ngày 25-8-2019.

Những con số lớn từ thiên nhiên vào năm 2019 đã tạo ra tin tức đủ sốc để cảnh báo về sự suy giảm đa dạng sinh học của thực vật, động vật và cuộc sống khác trên trái đất.

Rừng Amazon diễn ra các vụ cháy rừng phá kỷ lục làm khơi lại những lo lắng về một trong những nguồn dự trữ đa dạng sinh học giàu có nhất trên trái đất.

Dọn rừng để trồng đậu nành hoặc chăn thả gia súc là một ví dụ điển hình trong báo cáo của Liên hợp quốc năm 2019 cho thấy mối đe dọa chính đối với tự nhiên chính là do con người đang chiếm dụng những nơi hoang dã. Báo cáo nói rằng khoảng một triệu loài thực vật và động vật trên toàn cầu, chiếm khoảng 1/8 số các loài động thực vật, hiện có phải đối mặt với sự tuyệt chủng nhanh chóng, trừ khi môi trường sống bị hư hại được phục hồi.

Con số 3 tỷ cũng khiến mọi người giật mình, gợi lên những câu chuyện đã từng diễn ra. Đó là tổng số lượng chim giảm đi tại Mỹ và Canada kể từ năm 1970. Nhóm nghiên cứu ước tính, nhìn chung, số lượng chim đang bay ở Bắc Mỹ ngày nay ít hơn 29% so với 50 năm trước.

Biến đổi khí hậu là một trong năm mối đe dọa hàng đầu của báo cáo của Liên Hợp Quốc đối với đa dạng sinh học, và để chống lại nó bằng cách trồng cây để bẫy khí nhà kính tạo ra cuộc đối thoại trong năm nay. Văn phòng thủ tướng của Ethiopia đã tweet rằng quốc gia này đã trồng hơn 353 triệu cây giống vào tháng Bảy và tuyên bố kỳ tích này là một kỷ lục thế giới.

Nhà nghiên cứu sinh thái Tom Crowther của ETH Zurich và các đồng nghiệp trong một bài báo gây tranh cãi được công bố trên tạp chí Khoa học ngày 5-7, tuyên bố rằng Trái đất có khoảng 0,9 tỷ ha thích hợp để trồng nhiều cây hơn, theo lý thuyết là đủ để thu được khoảng 205 Giga tấn carbon. Nhưng nhiều nhà khoa học đã gọi những con số đó là sự đánh giá quá cao.

9. Trung Quốc đổ bộ thành công lên mặt trăng, một số nước khác không thành công

Một vài cơ quan vũ trụ đã cố gắng hạ cánh tàu thăm dò trên mặt trăng trong năm nay, nhưng chỉ có một tàu hạ cánh thành công.

Năm mươi năm sau khi tàu Apollo 11 hạ cánh thành công lên Mặt trăng, các cơ quan vũ trụ trên thế giới lại lên kế hoạch chinh phục vũ trụ.

Sau nhiều thập kỷ gần như không đi lại tới mặt trăng, các cơ quan vũ trụ đã kêu gọi phóng tàu vũ trụ tới người hàng xóm gần nhất của trái đất vào năm 2019. Trong khi Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đổ bộ tàu vũ trụ đầu tiên trên mặt trăng, các nhiệm vụ khác đã gặp những kết thúc không đạt được như ý. Hai tàu thăm dò, được điều khiển bởi tổ chức phi lợi nhuận SpaceIL của Israel và Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ, đã rơi xuống mặt trăng và không liên lạc được kể từ đó.

Sự khôi phục các vụ phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng chỉ mới bắt đầu. Trung Quốc có kế hoạch ra mắt một tàu đổ bộ mặt trăng khác vào năm tới. Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang thực hiện một loạt các nhiệm vụ hạ cánh trên mặt trăng với cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos. Còn NASA hy vọng sẽ sử dụng một số chuyến đi lên mặt trăng vào những năm 2020 làm bàn đạp để đưa các phi hành gia lên sao Hỏa.

Những tiến bộ trong công nghệ dẫn đường và tự động hóa, cùng với chi phí phóng thấp hơn, có các công ty tư nhân cũng lên kế hoạch cho các chuyến đi của riêng họ.

Các vụ đổ bộ của Israel và Ấn Độ là những lời nhắc nhở khắc nghiệt về việc có những sai đến mức nào. Vào tháng Tư, SpaceIL đã mất liên lạc với tàu đổ bộ Mặt trăng Beresheet của mình, chỉ vài phút trước khi tàu vũ trụ được cho là hạ cánh. Tương tự như vậy, Ấn Độ đã mất liên lạc với tàu đổ bộ Vikram ngay trước khi tàu thăm dò bị rơi trên bề mặt mặt trăng vào tháng 9. Vikram được cho là tiến gần đến cực nam của mặt trăng hơn bất kỳ tàu đổ bộ khác, nơi các các tầu trên quỹ đạo đã phát hiện ra băng nước.

Để kiểm kê tài nguyên nước, NASA có kế hoạch gửi xe tự hành có tên VIPER đến cực nam mặt trăng vào năm 2022. Trung Quốc cũng có một tàu đổ bộ đến cực nam vào năm 2023. Các nhóm Israel và Ấn Độ thì không công bố kế hoạch hạ cánh xuống mặt trăng mới.

Bằng cách gửi tàu vũ trụ đến các địa điểm chưa từng đến được trước đây, NASA và các nhiệm vụ hạ cánh mặt trăng khác có thể giúp tạo ra một hồ sơ tổng thể hơn về mặt trăng.

10. Thuốc chống trầm cảm dựa trên ketamine làm dấy lên hy vọng

Spravato chống trầm cảm chỉ có thể được thực hiện tại các phòng khám y tế được chứng nhận để theo dõi bệnh nhân chặt chẽ.

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, một loại thuốc mới về cơ bản đã có sẵn cho những người bị trầm cảm nặng. Một loại thuốc xịt mũi có tên Spravato cung cấp một lựa chọn mới để điều trị cho những người bị trầm cảm không đáp ứng với các phương pháp khác. Nhưng vẫn còn những câu hỏi lớn về hiệu quả và độ an toàn của thuốc.

Vào tháng 3, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ FDA đã phê duyệt Spravato. Thuốc có chứa esketamine, một dẫn xuất của ketamine vốn được phát triển từ nhiều thập kỷ trước như một loại thuốc gây mê mạnh mẽ, ketamine cũng là một chất gây ảo giác và có khả năng gây nghiện.

Vào ngày 9-9, công ty dược phẩm Janssen Pharmaceuticals đã báo cáo kết quả hỗn hợp từ hai thử nghiệm thuốc liên quan đến 456 người muốn tự tử và nhập viện trong tình trạng trầm cảm nặng. Tất cả những người tham gia đều được chăm sóc tiêu chuẩn, bao gồm điều trị bằng thuốc chống trầm cảm tiêu chuẩn. Trên hết, một số người cũng nhận được Spravato, trong khi những người khác dùng giả dược.

24 giờ sau khi bắt đầu điều trị, những người dùng Spravato ghi nhận giá trị trung bình thấp hơn gần bốn điểm theo thang điểm trầm cảm 60 điểm so với những người dùng giả dược - một sự khác biệt nhỏ nhưng nhất quán. Tuy nhiên, hành vi tự tử không khác nhau giữa những người dùng Spravato và những người dùng giả dược; cả hai nhóm đều được cải thiện.

Spravato đi kèm với một danh sách dài các tác dụng phụ: buồn ngủ, chóng mặt, lo lắng và cảm giác mất kết nối, nôn mửa, tăng huyết áp và các vấn đề về bàng quang. Và giống như ketamine, Spravato có thể bị lạm dụng. Vì những lý do này, FDA yêu cầu thuốc chỉ được sử dụng trong phòng khám y tế được chứng nhận để bệnh nhân được theo dõi trong vài giờ sau khi sử dụng.

Các nhà nghiên cứu đang đẩy mạnh về các nhánh ketamine khác. Các nghiên cứu ban đầu trên động vật thí nghiệm cho thấy arketamine, một dẫn xuất của esketamine và các sản phẩm phân hủy của ketamine có thể được biến thành thuốc có hiệu quả và có ít tác dụng phụ hơn ketamine hoặc esketamine.

HOÀNG DƯƠNG

Theo Science News

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/42776802-nhung-su-kien-khoa-hoc-cong-nghe-noi-bat-cua-the-gioi-nam-2019.html