Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 1/3 - 6/3

OPEC+ giữ nguyên sản lượng tháng 4; Venezuela xem xét cải cách luật dầu mỏ; Chevron xây dựng nhà máy năng lượng sinh học 'âm carbon'; Iran khánh thành ba dự án năng lượng mới... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.

1. OPEC+ bất ngờ quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác trong tháng 4, bao gồm cả phần cắt giảm bổ sung 1 triệu thùng/ngày của Ả Rập Xê-út.

Trong khi đó, Nga vẫn được phép tăng sản lượng thêm 130.000 thùng/ngày trong tháng Tư tới, còn Kazakhstan cũng được chấp thuận nâng sản lượng thêm 20.000 thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu nội địa.

2. Tổng thống Nicolas Maduro cho biết, Quốc hội Venezuela sẽ xem xét các cải cách đối với luật dầu mỏ của nước này, nhằm mở ra cánh cửa cho các mô hình kinh doanh mới.

Tuyên bố này dường như là nỗ lực mới nhất của chính phủ Venezuela nhằm đảo ngược sự suy thoái trong ngành dầu mỏ của đất nước, do hậu quả của nhiều năm không đầu tư, quản lý yếu kém và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

3. Chevron sẽ hợp tác với hãng dịch vụ mỏ dầu khổng lồ Schlumberger, cũng như với Microsoft và công ty tư nhân Clean Energy Systems, để xây dựng một nhà máy năng lượng sinh học với công nghệ thu giữ carbon sẽ tạo ra năng lượng "âm carbon" ở Mendota, California.

Gần 100% carbon từ quy trình thu giữ và cô lập carbon (BECCS) dự kiến sẽ được thu giữ để lưu trữ vĩnh viễn bằng cách bơm carbon dioxide (CO2) dưới lòng đất vào các thành tạo địa chất sâu gần đó, Chevron cho biết.

4. Hãng thông tấn IRNA đưa tin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa khánh thánh ba dự án năng lượng mới trị giá 5,6 tỷ USD, dù nền kinh tế nước này đang phải chịu lệnh cấm vận của Mỹ.

Mỏ dầu Azar là một trong ba dự án mới công bố, được phát triển với vốn đầu tư gần 1,7 tỷ USD và nằm gần biên giới tây nam với Iraq. Trong khi đó, tổ hợp lọc hóa dầu Kangan là dự án thứ hai, cung cấp hóa dầu lớn nhất Iran và dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận 1 tỷ USD/năm. Công ty Hóa dầu Kian ở quận Asaluyeh tại miền nam Iran là dự án thứ ba mà Tổng thống Rouhani khánh thành hồi đầu tuần này

5. Ấn Độ đang kêu gọi liên minh OPEC+ tăng cường sản xuất từ tháng 4, vì nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới không hài lòng với đợt tăng giá dầu trong năm nay.

Ấn Độ, quốc gia mà nhập khẩu chiếm khoảng 80% lượng dầu tiêu thụ của mình, đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng trong năm nay với cách mà nhóm OPEC+ đang tìm cách thắt chặt thị trường, dẫn đến giá dầu tăng đột biến.

6. Nhóm các nhà sản xuất OPEC + đã tuân thủ cắt giảm sản lượng dầu trong tháng Giêng ở mức 103%, cao hơn mức tuân thủ ước tính vào tháng 12 là 101%, Argus Media báo cáo.

Nguồn tin cho biết, trong tháng 1 năm 2021, mười thành viên OPEC bị ràng buộc bởi hiệp ước đã đạt được 108% mức tuân thủ, trong khi nhóm các nhà sản xuất ngoài OPEC, dẫn đầu là Nga, tuân thủ ở mức 95%, tăng từ 93% trong tháng 12.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tu-13-63-602782.html