Những sự kiện nổi bật trong tuần từ 23 đến 29/3/2010

Trong 2 ngày 23 và 24/3/2010 tại Hà Nội, Hội thảo và Triển lãm quốc gia về An ninh Bảo mật lần thứ 5 (Vietnam Security World 2010) đã được Bộ Công an, Bộ TTTT và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) tổ chức. Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Tin học Nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần Bộ Công an nhận định: Khi CNTT phát triển, chúng ta phải đứng trước những thách thức trong không gian ảo là vấn nạn về tin tặc. Năm 2010 được dự báo là Việt Nam sẽ tiếp tục nóng bỏng và phức tạp về an ninh mạng. Ông Vũ Quốc Khánh – giám đốc Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Quốc gia (VNCERT) cho biết, số lượng các vụ việc mất an toàn thông tin trong 3 năm vừa qua mà VNCERT nắm được đã tăng theo cấp số nhân, năm sau gấp đôi năm trước. Đây là tình trạng đáng báo động vì Việt Nam mới chỉ bước đầu ứng dụng mạng cũng như triển khai Chính phủ Điện tử. Ông Trần Nguyên Vũ, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính đề cập, trong tổng đầu tư CNTT hàng năm, các doanh nghiệp cần đầu tư cho an ninh bảo mật thấp nhất 5% – 7%, cao nhất vào khoảng 15% – 20% và nên tuân thủ các hướng dẫn của bộ tiêu chuẩn 27001 – 27002. Cùng với những đầu tư đó, cần phải có một đề án tổng quát và cụ thể, đưa ra các chính sách từ mức cao đến mức chi tiết, từ đó sẽ xây dựng được những kiến trúc tổng thể.

Ngày 23/3/2010, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT, tạo thuận lợi về thủ tục thuế. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết một trong những nội dung quan trọng là việc đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thuế. Theo ông, đội ngũ cán bộ ngành thuế có thể dễ dàng trong việc ứng dụng CNTT nhưng với cộng đồng DN đông đảo thì việc họ có được những kiến thức về tin học để có thể thực hiện kê khai thuế qua mạng với cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn. Cùng ngày, hội thảo "Các tương lai của giáo dục" đã được Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội tổ chức với sự trình bày của TS Michael Jackson, Chủ tịch Tập đoàn Shaping Tomorrow. Tại đây, các phân tích, đánh giá về môi trường, về các xu hướng tự nhiên, xã hội và khoa học kỹ thuật đã được đưa ra như một tiền đề cho các nghiên cứu về tương lai nói chung và tương lai giáo dục nói riêng. Theo TS Micheal Jackson, sự tăng tốc cấp số mũ của kiến thức hiện nay dẫn đến sự chuyên môn hóa hầu hết ở các nghề nghiệp. Những lĩnh vực nổi bật trong tương lai sẽ là sức khỏe, y tế; các khoa học sinh học, nano và não; năng lượng sạch; robotics; bảo hiểm; giáo dục… Chìa khóa dẫn đến sự thành công của giáo dục sẽ là một nền sư phạm tập trung vào người học; nghệ thuật sử dụng các chiến lược dạy học và kỹ năng... TS Jackson đặc biệt nhấn mạnh đến hình thức học tập điện tử với kết luận từ một nghiên cứu: Nhìn tổng thể, người học qua mạng có kết quả tốt hơn những người học trực tiếp trên lớp. Ngày 25/3/2010, tại Hà Nội, Trung tâm Tin học Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội thảo “Di sản văn hóa và giải pháp số hóa không gian di tích” với sự tham gia của đông đảo các nhà sử học, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa. Đây là xu thế bảo tồn di tích của nhiều nước trên thế giới nhưng tại Việt Nam, công việc này mới chỉ đang bắt đầu. Nhiều ý kiến cho rằng cách làm này sẽ chỉ tốn kinh phí không quá lớn so và quan trọng là nhờ đó tạo được môi trường tương tác với người xem. Cuộc hội thảo này cũng là sự khởi động cho dự án “Hệ thống thông tin điện tử văn hóa – xã hội” của Bộ VH-TT-DL nhằm cung cấp các nội dung khoa học cơ bản về di sản văn hóa và cơ chế thực thi số hóa theo các tiêu chí đặt ra. Khó khăn lớn nhất để hoàn thành dự án, theo tiến sĩ Lê Quang Minh (Viện CNTT – ĐHQG Hà Nội) là thiếu nhân lực. Việc số hóa một di tích lịch sử văn hóa lớn đòi hỏi rất nhiều nhân lực trình độ cao, trong khi đó Viện CNTT chỉ có thể cung cấp về mặt công nghệ, tham gia vào một số khâu như tư vấn, giám sát. Việc triển khai thực sẽ cần sự hợp tác với nhiều cơ quan khác. Thiếu kỹ thuật, thiết bị tiên tiến cũng là một trở ngại không nhỏ. Ngày 25/3/2010, mạng di động Viettel đã khai trương công nghệ 3G của mình với 3 dịch vụ chính: Video Call (điện thoại có hình); dịch vụ truy cập Internet băng rộng tốc độ cao Mobile Internet (dành cho điện thoại di động); D-com 3G (dành cho máy tính) và 7 dịch vụ GTGT khác: MobiTV, Imuzik 3G, Mclip, Vmail, Websurf, Mstore, Game được tích hợp trên Wapsite 3G. Sau đó 1 ngày, Viettel, và Vinaphone đã chính thức bán dòng máy iPhone ra thị trường. Ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc Vinaphone cho biết, giá máy của Vinaphone là giá gốc, do vậy, chắc chắn rẻ hơn các máy nhập lậu. Tuy nhiên, cái lợi lớn nhất là khách hàng hoàn toàn yên tâm khi mua sản phẩm vì đó là máy chính hãng, phiên bản quốc tế, không khóa mạng, được bảo hành theo tiêu chuẩn của Apple. Đây là điều mà tất cả khách hàng yêu thích iPhone đã chờ đợi từ nhiều năm nay. Tính đến cuối ngày 26/3/2010, Vinaphone đã bán được khoảng hơn 400 máy, đạt khoảng 40% con số mà nhà mạng này kỳ vọng trong ngày ra mắt. Các gói cước mà khách hàng đăng ký hầu hết là trả sau. Trong khi đó phía Viettel chỉ cho biết chung chung: số iPhone bán ra “đạt dự kiến”. Mặc dù lượng khách đến với các điểm phân phối iPhone của Viettel và Vinaphone tại Hà Nội đông gấp cả chục lần so với ngày thường song phần lớn mới dừng ở mức tìm hiểu về các gói cước cũng như giá bán. Một khách hàng cho biết lý do mua iPhone vì đây là một chiếc điện thoại đẹp và thời thượng. Có lẽ họ cũng chỉ dùng để nghe và gọi thôi nhưng vẫn thích iPhone. Chiều 26/3/2010, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số (NISCI) đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả dự án hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Sau hai năm hoạt động, NISCI đã triển khai thành công hai dự án iDragon - Rồng và Mây Việt Nam và “Mạng liên kết mọi nơi” (UAP) với Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng đánh giá, 2 dự án sẽ là cơ hội tốt để NISCI nói riêng, các doanh nghiệp CNTT nói chung của Việt Nam tăng cường hợp tác với các đối tác của Nhật Bản, giúp ngành CNTT Việt Nam sớm tiếp cận được các công nghệ tiên tiến nhất, kết hợp việc đào tạo đội ngũ kỹ sư phần mềm, kỹ sư thiết kế phần cứng và phát triển dịch vụ CNTT với hợp tác chuyển giao công nghệ. TS Hoàng Lê Minh, Viện trưởng NISCI cho biết, dự án iDragon - Rồng và Mây Việt Nam là một kế hoạch nghiên cứu và phát triển phần mềm và dịch vụ nội dung số dài hạn, đồng thời cũng là một dự án có mục tiêu thiết kế, phát triển phần cứng, phần mềm nhúng và dịch vụ tích hợp tại Việt Nam, do NISCI phối hợp với Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện. Cuối cùng phải đề cập đến buổi đối thoại trực tuyến "Bill Gates Việt Nam: Giấc mơ sẽ thành hiện thực?" được Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã tổ chức sáng 28/3/2010 với 2 vị khách mời là TS Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ BCVT và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT. Theo TS Mai Liêm Trực, các bạn trẻ nên tìm cơ hội chứ không nên thụ động khi có tài năng. Ông đề cập, trong bóng đá thực sự phải tài năng vì nó có điều kiện chứng minh, còn trao giải thưởng trong các lĩnh vực mà ông có tham gia chấm giải nhiều nhưng đúng là chưa có cơ hội để kiểm chứng thực sự. Nhiều giải thưởng hiện nay giải nhất chưa chắc đã nhất, chưa được kiểm chứng công khai minh bạch. Còn ông Trương Gia Bình thì bày tỏ mong muốn bắt đầu bằng khát vọng của Việt Nam và thanh niên Việt Nam. Hãy khổ luyện để tiến đến việc mà mình muốn. Ông mong muốn đào tạo tiếng Anh, đào tạo các kỹ năng mềm, đào tạo CNTT đến với lớp trẻ. Singapore đã đưa việc giáo dục này vào cuộc sống từ lâu…

Nguồn PC World: http://pcworld.com.vn/articles/tin-tuc/diem-bao/2010/03/1218525/nhung-su-kien-noi-bat-trong-tuan-tu-23-den-29-3-2010/