Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến 10-6-2018)

TCCSĐT - Ngày 10-6, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18 đã bế mạc sau 2 ngày họp tại thành phố Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong), miền Đông Trung Quốc với việc thông qua Tuyên bố Thanh Đảo cùng 17 văn kiện hợp tác, tiếp tục khẳng định vai trò là một tổ chức hoạt động hiệu quả.

SCO ngày càng khẳng định vai trò là một tổ chức hoạt động hiệu quả

Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18. Ảnh: AP

Đây là Hội nghị Thượng đỉnh SCO đầu tiên có sự tham gia của Ấn Độ và Pakistan, hai nước đã được chấp thuận làm thành viên đầy đủ của tổ chức này tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần thứ 17 diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan) hồi tháng 6-2017.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước thành viên “cùng nhau xây dựng một cộng đồng SCO cùng chung tương lai”. Theo đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi các nước thành viên SCO củng cố sự đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, đồng thời củng cố nền móng cho hòa bình và an ninh chung thông qua việc tích cực thực hiện chương trình hợp tác chống khủng bố, cực đoan và ly khai, tăng cường hợp tác về an ninh - quốc phòng.

Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã kêu gọi tôn trọng chủ quyền, tăng trưởng kinh tế, kết nối và đoàn kết trong các thành viên SCO. Đề cập tới tầm quan trọng của việc kết nối khu vực qua các hành lang vận tải, ông N. Modi cho rằng, kết nối không chỉ có nghĩa là kết nối về mặt địa lý mà còn phải bảo đảm cho việc giao lưu nhân dân. Ông khẳng định: “Ấn Độ hoan nghênh bất kỳ dự án nào mang tính toàn diện, bền vững và minh bạch, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên”. Ông nêu rõ kết nối là chìa khóa để phát triển kinh tế của khu vực.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo SCO đã ra Tuyên bố Thanh Đảo nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn mạnh của tổ chức này với việc bổ sung thêm 2 thành viên là Ấn Độ và Pakistan. Các quốc gia thành viên SCO cũng đã thông qua 17 văn kiện và ký một quyết định phê duyệt Chiến lược Chống ma túy SCO và Chương trình Hành động thực thi chiến lược này.

Có thể khẳng định, sự “đồng lòng” được lãnh đạo 8 nước thành viên SCO thể hiện trong tuyên bố chung, là minh chứng rõ rệt cho thấy, SCO đã và đang trở thành một tổ chức khu vực hoạt động hiệu quả dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tin cậy và cùng có lợi, đồng thời đây cũng là nền tảng vững chắc để SCO thúc đẩy lòng tin chiến lược, hướng tới thời kỳ hợp tác mới vì an ninh và thịnh vượng chung.

Là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của SCO sau khi kết nạp thêm 2 thành viên Ấn Độ và Pakistan hồi tháng 6-2017, hội nghị này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một mặt, Hội nghị được xem là diễn đàn để SCO khẳng định vai trò là một tổ chức liên lục địa có tầm ảnh hưởng và quyền lực to lớn sau khi mở rộng thành viên. Với 8 nước thành viên hiện nay, cùng 4 nước quan sát viên và 6 nước đối tác đối thoại, là một tổ chức toàn diện, bao quát nhiều vấn đề quan trọng từ chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại đến các vấn đề quốc tế, từng bước trở thành một nhân tố ngày càng có sức nặng không chỉ ở khu vực Á - Âu mà còn vươn tầm ra quốc tế.

Mặt khác, Hội nghị cũng được xem là phép thử của SCO trong quá trình phát triển, bởi trên thực tế, giữa một số nước thành viên tổ chức từ lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất đồng dai dẳng khó giải quyết, như vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hay sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Trung Quốc tại khu vực Trung Á. Dung hòa lợi ích giữa các nước thành viên để có thể tạm gác bất đồng, tìm được tiếng nói chung trong SCO là điều không dễ dàng.

Trong bối cảnh đó, kết quả hội nghị mang tính xây dựng của SCO trong các vấn đề quốc tế đã thể hiện vị thế và uy tín của tổ chức này đối với khu vực và thế giới.

Nước Nga sẵn sàng đón ngày hội bóng đá thế giới

Ảnh minh họa. Ảnh: vtv.vn

Từ ngày 14-6 đến 15-7-2018, với 64 trận bóng đá, Giải vô địch Bóng đá thế giới - FIFA World Cup lần thứ 21 sẽ diễn ra tại Nga. Đây là lần đầu tiên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức tại một quốc gia thuộc Đông Âu và cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Giải đấu sẽ bao gồm 32 đội tuyển quốc gia, trong đó có nước chủ nhà Nga.

Người Nga vốn xem việc giành quyền đăng cai World Cup như một cơ hội để quảng bá về đất nước của mình. Chính vì vậy, việc chuẩn bị cho World Cup đã được nước chủ nhà triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

Nếu như nhìn vào con số đầu tư của Nga - 14 tỷ USD (khoảng 1% GDP) cho mùa World Cup 2018 này thì người hâm mộ có quyền mong đợi vào một kỳ World Cup sôi động. Ngoài ra, sự kiện thể thao này cũng đang được kỳ vọng tạo cú hích cho nền kinh tế Nga, không chỉ cho năm diễn ra World Cup mà còn đóng góp ít nhất cho nền kinh tế Nga trong 5 năm tiếp theo.

Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hạ tầng giao thông, kết nối giữa các thành phố diễn ra các trận đấu đã sẵn sàng để chào đón lượng lớn các tuyển thủ và fan hâm mộ trên khắp thế giới. Theo các quy định của FIFA, mỗi sân vận động của World Cup 2018 đều phải đạt được chứng chỉ thể hiện độ bảo đảm về tính bền vững. Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng, tu sửa 12 sân vận động ở 11 thành phố tổ chức các trận đấu, các cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bao gồm các sân bay, các tuyến đường ô tô và đường sắt đã sẵn sàng.

Là nước chủ nhà của World Cup 2018, Nga và các cơ quan chức năng coi an toàn và an ninh là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, Tổng thống Nga V. Putin đã quyết định giao trách nhiệm cho Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) phụ trách an ninh cho World Cup. Trong thời gian diễn ra Vòng chung kết World Cup 2018, những biện pháp an ninh chặt chẽ được tăng cường ở 11 thành phố trên nước Nga. Nước chủ nhà đã thiết lập 41 khu vực hạn chế bay phía trên địa điểm lưu trú và luyện tập của các đội bóng. Trên mặt đất, hệ thống tên lửa phòng không S-400 luôn ở chế độ chờ với khả năng tấn công mục tiêu cách xa 400km và ở độ cao 30km. Lực lượng đặc nhiệm xử lý bom mìn cũng sẽ có mặt ở các sân vận động. Hệ thống camera an ninh được lắp đặt ở nhiều nơi để bảo đảm không xảy ra tình trạng bạo lực trong thời gian diễn ra sự kiện.

Từ ngày 01-6, Nga sẽ cấm một phần các chuyến xe bus đi vào thành phố - nơi diễn ra các trận đấu World Cup 2018. Chỉ các chuyến xe bus có hệ thống định vị vệ tinh được cài đặt ERA-GLONASS và xe đã nhận được giấy phép từ Bộ Nội vụ Nga được phép hoạt động.

Còn nhiều bất đồng giữa Mỹ và các nước tại Hội nghị Thượng đỉnh G7

Các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Canada. Ảnh: express.co.uk

Sau hai ngày tiến hành nhiều phiên thảo luận về các chủ đề khác nhau, ngày 10-6, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tổ chức tại Quebe (Canada) đã chính thức khép lại.

Hội nghị đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề cập hàng loạt vấn đề cấp bách của thế giới như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu và quan hệ giữa phương Tây với Nga. Tuy nhiên, ngay sau khi rời Hội nghị, Tổng thống Mỹ D. Trump đã bất ngờ cho biết, ông yêu cầu các đại diện của Mỹ không tán thành Tuyên bố chung của Hội nghị G7 với lý do “không hài lòng” với “tuyên bố” của Thủ tướng nước chủ nhà J. Trudeau trong cuộc họp báo sau Hội nghị. Tổng thống D. Trump chỉ trích việc Thủ tướng Canada gọi "thuế của Mỹ như một sự xúc phạm". Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo thêm rằng, việc đánh thuế là đòn đáp trả mức thuế 270% mà Canada áp vào mặt hàng bơ sữa.

Ngay trước thềm Hội nghị diễn ra, dù rất kỳ vọng vào một Tuyên bố chung được tất cả các nước tham gia đồng thuận sau khi kết thúc hội nghị, nhưng cũng không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về việc các bên khó lòng tìm được tiếng nói chung giữa những cách biệt lớn về quan điểm. Và thực tế là Tuyên bố chung của Hội nghị G7 lần này đã không nhận được sự công nhận của Tổng thống Mỹ D. Trump.

Các nhà phân tích cho rằng, dù gây bất ngờ, song kết quả của Hội nghị G7 lần này đã phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra trong mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ với các nước còn lại trong G7. Tuyên bố chung mà các nhà lãnh đạo G7 dự định công bố đã phần nào cho thấy sự miễn cưỡng của các nước thành viên khi bắt đầu bằng việc nhấn mạnh “vai trò tối quan trọng của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên luật lệ” cũng như cam kết “tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ”. Tuy nhiên, G7 cũng cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - thiết chế vốn bị Tổng thống Mỹ cáo buộc là “thảm họa” cho đất nước.

Những bất đồng còn thể hiện ở phát biểu của các nhà lãnh đạo G7 về Tuyên bố chung dự định công bố trước đó. Trong khi Thủ tướng Đức A. Merkel cho biết, dù có những nguyên tắc chung nhưng “những khó khăn không ngờ tới vẫn nằm ở các chi tiết”, còn Tổng thống Pháp E. Macron thừa nhận một bản tuyên bố chung không thể bao gồm tất cả mọi vấn đề và các nước G7 sẽ tiếp tục làm việc với nhau “trong những tuần, những tháng tới”.

Tuy nhiên, bên cạnh bất đồng, thành công đạt được tại Hội nghị lần này là việc trong khuôn khổ của G7, 4 nước thành viên G7 gồm Canada, Đức, Nhật Bản, Anh, cùng Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một cam kết lịch sử về đầu tư cho giáo dục với số tiền lên tới 3,8 tỷ USD dành cho phụ nữ và trẻ em ở các vùng có khủng hoảng và xung đột. Trong số đó, riêng nước chủ nhà Canada là 400 triệu CAD (308 triệu USD) và WB là 2 tỷ USD trong vòng 5 năm. Đây là mức cam kết kỷ lục của G7 nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái, qua đó góp phần tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của hàng triệu người ở những vùng khó khăn và dễ bị tổn thương.

Nhật - Mỹ khẳng định quan hệ đồng minh bền chặt

Thủ tướng Nhật Bản S. Abe và Tổng thống Mỹ D. Trump tại buổi họp báo. Ảnh: abcnews.go.com

Ngày 07-6, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe thực hiện chuyến thăm chính thức Mỹ lần thứ ba kể từ khi Tổng thống D. Trump nhậm chức hồi tháng 01-2017. Chuyến thăm nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời khẳng định vai trò cũng như tiếng nói của Tokyo trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Washington ngày 07-6, Thủ tướng S. Abe và Tổng thống D. Trump đã thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương, chủ đề an ninh, bất đồng thương mại và vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng S. Abe được đặc biệt chú ý khi diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Bởi vậy, chuyến thăm được xem là bước đi kế tiếp khẳng định vai trò của Tokyo trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Không những vậy, việc nhà lãnh đạo Nhật Bản trở lại Mỹ chỉ chưa đầy 2 tháng sau chuyến công du mới nhất hồi giữa tháng 4 vừa qua tới bang Florida để thảo luận với Tổng thống D. Trump về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và thương mại, cho thấy Tokyo luôn xem mối quan hệ đặc biệt với Washington là bằng chứng cho sức mạnh liên minh Nhật - Mỹ.

Với Mỹ, Nhật Bản luôn là một trong những đồng minh chủ chốt ở châu Á. Tuy nhiên, việc Thủ tướng S. Abe phải liên tục tới Mỹ gặp Tổng thống D. Trump trong chưa đầy hai tháng để bàn về vấn đề Triều Tiên và thương mại, cũng khiến dư luận nghi ngờ rằng dường như quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đang “ngoài ấm trong lạnh”. Những chính sách ngoại giao cũng như kinh tế thay đổi nhanh chóng của Tổng thống D. Trump khiến Nhật Bản cảm thấy bất an. Dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ kinh tế, thương mại và cả an ninh giữa hai đồng minh cũng đã xuất hiện sau những tuyên bố hay hành động cứng rắn của ông D. Trump.

Việc Nhật Bản là đồng minh lớn duy nhất bất ngờ bị Mỹ bỏ ngoài danh sách các quốc gia được tạm miễn trừ hàng rào thuế quan mới đối với thép và nhôm sau quyết định áp mức thuế mới với hai nguyên liệu này của Tổng thống D. Trump, là đòn giáng mạnh vào quan hệ thương mại song phương. Sự “phớt lờ” này của Mỹ có thể là một chiến thuật để buộc Tokyo phải bước vào đàm phán thỏa thuận tự do thương mại với Washington, bởi trong lịch sử 30 năm qua, Nhật Bản luôn bị coi là một “đối thủ” của Mỹ trong các cuộc chiến thương mại. Chính vì vậy, việc Thủ tướng S. Abe và Tổng thống D. Trump nhất trí chuẩn bị tổ chức cuộc đàm phán thương mại đầu tiên vào tháng 7 tới trong chuyến thăm này đã cho thấy khả năng tiến tới thỏa thuận thương mại tự do song phương Mỹ - Nhật.

Xoay quanh vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản đã nỗ lực để bảo đảm rằng, Tokyo sẽ không phải “đứng ngoài” trong “ván cờ” hạt nhân Đông Bắc Á. Tuy nhiên, những diễn biến ngoại giao dồn dập thời gian gần đây liên quan vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra, một lần nữa khiến Tokyo lo lắng bởi vai trò của Nhật Bản dường như đang bị bỏ qua.

Thực tế cho thấy, lâu nay, vấn đề hạt nhân Triều Tiên luôn là nội dung quan trọng trong chính sách của Nhật Bản, bởi lẽ, cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản là nước chịu tác động trực tiếp của những chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Chính vì vậy, việc Tổng thống D. Trump chia sẻ chung quan điểm với Thủ tướng S. Abe trong việc duy trì sức ép tối đa đối với Triều Tiên cho tới khi quốc gia này thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn đã khiến Tokyo “nhẹ lòng”.

Sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng S. Abe, phần lớn các tờ báo lớn của Mỹ như New York Times và Washington Post đều đánh giá nhà lãnh đạo Nhật Bản đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình nhằm giải quyết những bất đồng thương mại giữa hai nước cũng như tái khẳng định vai trò của Tokyo trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Điều này đã khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật bền chặt.

Xung quanh chuyến thăm Áo của Tổng thống Nga

Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen duyệt đội danh dự tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Vienna (Áo). Ảnh: cnn.com

Ngày 05-6, Tổng thống Nga V. Putin kết thúc chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Áo với mục tiêu là nhằm củng cố các mối quan hệ với Áo nói riêng và EU nói chung.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống V. Putin đã có các cuộc gặp và hội đàm với Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen và Thủ tướng S. Kutz để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có việc cải thiện quan hệ giữa Nga với EU.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau khi hội đàm với Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen, Tổng thống V. Putin khẳng định các lệnh trừng phạt áp đặt vì các lý do chính trị không thể giải quyết các vấn đề chính trị. Các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho tất cả các bên, kể cả bên áp đặt và bên hứng chịu. Theo ông V. Putin, các bên đều mong muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này và Moscow cũng vậy. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời khẳng định nước này đã vượt qua những khó khăn do tác động của các biện pháp trừng phạt của EU.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Áo S. Kurz, Tổng thống V. Putin cho biết, Nga và Áo vẫn tiếp tục hợp tác ngay cả trong những giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, Thủ tướng Áo S. Kurz vẫn khẳng định, Áo sẽ vẫn duy trì các quyết định của EU, trong đó có các biện pháp trừng phạt, khi nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU nhiệm kỳ 6 tháng bắt đầu từ ngày 01-7 tới.

Chuyến thăm Áo của Tổng thống V. Putin diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và EU đã trở nên căng thẳng kể từ sau vụ điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ông này bị đầu độc tại Anh hồi tháng 3-2018 vừa qua. Trước đó, mối quan hệ giữa Nga và EU cũng đã ở trong tình trạng đối đầu sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình và xung đột quân sự bùng phát tại miền Đông Ukraine (năm 2014).

Trong bối cảnh đó, trước thềm chuyến thăm Áo lần này, Tổng thống V. Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các mối quan hệ với Áo và EU. Tổng thống V. Putin khẳng định, Nga “có lợi ích trong một EU thống nhất và thịnh vượng bởi EU là đối tác thương mại và kinh tế quan trọng nhất” của Nga. Tổng thống V. Putin cũng cho rằng, “EU càng gặp phải nhiều vấn đề thì Nga càng phải đối mặt với nhiều rủi ro và vấn đề”, do vậy, Nga cần hợp tác với EU. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Nga “không có mục đích chia rẽ bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai trong EU”.

Trong khi đó, Áo lại là một trong số ít nước thành viên EU không trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ông này bị đầu độc tại Anh. Điều này cho thấy, mối quan hệ thân thiết hơn giữa Nga và Áo. Trong lịch sử, Áo cũng là quốc gia đầu tiên ở Tây Âu ký hợp đồng khí đốt với Liên Xô (cũ). Hợp đồng này đã được hai nước ký mới, theo đó kéo dài thỏa thuận hợp tác về khí đốt giữa hai nước đến năm 2040. Và chuyến thăm của Tổng thống V. Putin đến Áo lần này cũng nằm trong Chương trình kỷ niệm 50 năm ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt giữa 2 công ty năng lượng OMV (Áo) và Gazprom (Nga). Năm 2017 đã chứng kiến tăng tưởng về trao đổi hàng hóa đạt hơn 40%, đầu tư của Nga vào nền kinh tế Áo đạt 23 tỷ USD, còn đầu tư của Áo trong nền kinh tế Nga là 5 tỷ USD.

Như vậy có thể thấy, bất chấp những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và EU, hợp tác thương mại giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực khí đốt vẫn là điều được hai bên coi trọng. Gạt qua những mâu thuẫn chính trị, việc tăng cường hợp tác năng lượng giữa Nga và EU được cho là sẽ giúp châu Âu có nguồn cung năng lượng lâu dài với mức giá hợp lý hơn, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực.

Không những thế, trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu với EU đối với mặt hàng thép và nhôm khiến quan hệ Mỹ - EU căng thẳng, các nhà phân tích cho rằng, đây còn là cơ hội tốt để Nga tăng cường mối quan hệ với EU. Hiện nay, bất chấp sự phản đối của Mỹ, dự án xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2) (hay dự án Dòng chảy phương Bắc mở rộng) dẫn khí đốt từ Nga đến các bạn hàng Tây Âu vẫn đang tiến triển. Dự kiến dự án có thể được hoàn thành vào cuối năm 2019./.

Minh Châu (tổng hợp)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/51173/nhung-su-kien-quoc-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay.aspx