Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16 đến 22-4-2018)

Ngày 19-4, Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba khóa IX thông báo kết quả bỏ phiếu kín các ví trị chủ chốt trong ban lãnh đạo nhiệm kỳ 5 năm tới. Theo đó, đồng chí Miguel Diaz-Canel Bermudez đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, cùng 30 thành viên của Hội đồng. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Cách mạng Cuba khi những định hướng chính sách của Hội đồng Nhà nước mới sẽ dẫn dắt Cuba tiếp tục con đường cách mạng đã chọn.

Dấu mốc quan trọng trong lịch sử Cách mạng Cuba

Chủ tịch Raul Castro chúc mừng tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Miguel Diaz-Canel Bermudez. Ảnh: Cubanews.acn.cu

Với kết quả này, đồng chí Miguel Diaz-Canel Bermudez là người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro lãnh đạo đất nước Cuba, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Cách mạng Cuba và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế đã đề ra. Phát biểu trước các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Diaz-Canel khẳng định sẽ làm tròn trọng trách mà nhân dân Cuba tin tưởng giao phó, tiếp tục cùng người dân đảo quốc này trung thành với di sản của cố Tổng Tư lệnh Fidel Castro và nối tiếp tấm gương của lãnh đạo Raul Castro. Chủ tịch Diaz-Canel khẳng định, tình đoàn kết của người dân Cuba là sức mạnh quý giá nhất của Cách mạng Cuba và tinh thần này đã được Đảng Cộng sản Cuba bảo đảm.

Trong thời gian qua, cuộc bầu cử Quốc hội Cuba khóa IX đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các phương tiện truyền thông quốc tế bởi đây là lần đầu tiên, thế hệ lãnh đạo lịch sử của cuộc Cách mạng 1959 mà đứng đầu là Chủ tịch Raul Castro sẽ không còn đảm nhiệm những cương vị cao nhất trong Hội đồng Nhà nước do đã đủ 2 nhiệm kỳ như quy định của Hiến pháp Cuba.

Trên thực tế, quá trình chuẩn bị các thế hệ lãnh đạo cách mạng kế cận tại Cuba đã diễn ra từ nhiều năm qua và theo một cách có hệ thống. Chính quyền cách mạng Cuba, bên cạnh truyền thống trân trọng đóng góp và kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo đi trước, cũng đồng thời rất mạnh dạn trong việc khuyến khích và sử dụng cán bộ trẻ, có năng lực. Theo nhiều nhận định, sự tương đồng tâm lý của đội ngũ lãnh đạo Cuba hiện nay là rất cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại, như nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, định hình khuôn khổ hoạt động cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, chậm trễ trong thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao sản lượng lương thực thông qua tận dụng tốt hơn đất nông nghiệp nhàn rỗi, các vấn đề già hóa dân số, điều chỉnh hệ thống đào tạo để thích hợp hơn với nhu cầu lao động, nâng cấp điều kiện hoạt động của các bệnh viện, nhà dưỡng lão... Bên cạnh đó, môi trường quốc tế cũng ít thuận lợi hơn khi nhiều chính phủ cánh tả thân thiện tại Mỹ Latinh đang gặp khủng hoảng hoặc đã mãn nhiệm. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump cũng đã đảo chiều chính sách “phá băng” quan hệ với Cuba của người tiền nhiệm B. Obama. Có thể nói, con đường đã được vạch ra nhưng sẽ có nhiều thách thức không kém chặng đường mà cách mạng Cuba đã đi qua và nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước nhiệm kỳ tới sẽ không hề dễ dàng. Việc bầu chọn ra một Hội đồng Nhà nước với các cương vị lãnh đạo mới có ý nghĩa quan trọng khi sẽ đưa nhân dân Cuba viết tiếp trang vàng lịch sử của đất nước, của ý chí bất khuất và những kỳ tích đầy giá trị nhân văn đã khơi nguồn cảm hứng và lòng ngưỡng mộ của nhiều thế hệ theo đuổi tư tưởng tiến bộ trên khắp thế giới.

Các nước châu Mỹ nỗ lực giải quyết các thách thức

Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) lần thứ 8 được tổ chức tại thủ đô Lima (Peru). Ảnh: epa.eu

Với chủ đề “Sự lãnh đạo dân chủ chống lại nạn tham nhũng”, Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) lần thứ 8 được tổ chức tại thủ đô Lima (Peru) vào trung tuần tháng 4-2018 đã thông qua Tuyên bố Lima về chống tham nhũng.

Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ L. Almagro, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, cũng như quan chức cấp cao của 35 nước thành viên, cùng nhiều khách mời quốc tế đã tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng, một trong những nguyên nhân hàng đầu không chỉ ngăn cản nguồn lực đầu tư và phát triển kinh tế mà còn gây ra hàng loạt các cuộc khủng hoảng chính trị ở nhiều nước trong khu vực trong những năm gần đây. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà M. Vizcarra đánh giá tham nhũng là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của các nước. Lãnh đạo các nước đều cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng cần tới nỗ lực tập thể bởi vấn nạn này đã gây ảnh hưởng tới tất cả các nước, thể chế và công dân ở châu Mỹ. Hội nghị kêu gọi các nước cần phải hợp tác trên cơ sở những giá trị chung để đối phó với vấn đề cấp bách này.

Một trong những chủ đề lớn khác cũng được đề cập tại Hội nghị là vấn đề thương mại và phát triển kinh tế của khu vực trong bối cảnh nguy cơ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ vẫn hiện hữu có thể gây tác động tiêu cực tới sự phát triển của các nước trong khu vực.

Tuy vậy tại Hội nghị, các nước thành viên vẫn còn tồn tại những bất đồng trong một số vấn đề khác như vấn đề Venezuela, tiến trình tái đàm phán Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) hay ý định của Mỹ xây dựng bức tường ở biên giới với Mexico. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng bày tỏ lo ngại về cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Syria, kêu gọi các bên kiềm chế tránh leo thang xung đột và ưu tiên các giải pháp chính trị trên con đường tìm kiếm hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

Là một trong những diễn đàn được chú ý nhất của khu vực những năm gần đây, song Hội nghị OAS 2018 lại bị bao trùm bởi nhiều vấn đề phức tạp. Đầu tiên phải kể đến là sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ D. Trump với lý do tập trung giải quyết tình hình tại Syria. Việc Tổng thống Mỹ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh OAS lần này cũng là điều chưa từng có tiền lệ, bởi Mỹ là quốc gia khởi xướng thành lập. Hội nghị cũng không có sự tham dự của Tổng thống Venezuela N. Maduro do ông cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh lần này là “lãng phí thời gian” khi chương trình nghị sự không bao gồm “các vấn đề hữu ích cho cuộc sống của người dân và đưa ra những quyết định thật sự có lợi cho khu vực”. Hiện Venezuela đang bị Mỹ và một số nước chỉ trích gay gắt vì tiến trình bầu cử tổng thống được cho là không dân chủ. Trong khi đó về vấn đề NAFTA, trong bối cảnh tình hình khu vực diễn biến phức tạp với nhiều vấn đề cần giải quyết, Washington từng hy vọng cuộc đàm phán nhằm nâng cấp NAFTA với Mexico và Canada sẽ đạt được những bước tiến mới để có thể thông báo một thỏa thuận sơ bộ tại OAS 2018. Thế nhưng, trên thực tế, giữa 3 nước vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất đồng khiến NAFTA đã “lỡ hẹn” tại Hội nghị.

Dẫu còn nhiều bất đồng là vậy, nhưng trước những thách thức về vấn nạn tham nhũng, việc các nước châu Mỹ đạt được sự đồng thuận trong chủ đề chính liên quan đến vấn đề chống tham nhũng được coi là thành công lớn của Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Cộng đồng quốc tế quyết tâm theo đuổi mục tiêu bảo vệ Trái Đất

Chung tay bảo vệ Trái đất. Ảnh: generationawakening.wordpress.com

Ngày 22-4-2016, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), đại diện của 175 quốc gia đã tham gia lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đây được xem là một sự kiện đáng nhớ của ngành ngoại giao quốc tế bởi đã quy tụ được cùng lúc nhiều quốc gia ký kết một hiệp định. Tuy nhiên, hai năm trôi qua, để đạt được mục tiêu chung về chống biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế sẽ phải cùng nhau có nhiều nỗ lực hơn nữa.

Thế giới đang trong giai đoạn nóng nhất kể từ Kỷ Băng hà cuối cùng, và nhiệt độ vẫn tiếp tục gia tăng. Theo xu hướng này, các chuyên gia cho rằng, đến năm 2100, địa cầu sẽ chứng kiến mốc nhiệt độ chưa từng có kể từ giai đoạn bình minh của nền văn minh nhân loại. Theo đó, biến đổi khí hậu đã và đang làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trên Trái đất và tác động trực tiếp đời sống hằng ngày của con người. Biến đổi khí hậu khiến các hệ sinh thái bị phá hủy, làm mất đa dạng sinh học. Nhiệt độ Trái đất hiện nay đang làm cho các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân của chiến tranh và xung đột. Có thể thấy, hiện nay trên thế giới, lương thực và nước ngọt đang ngày càng khan hiếm, đất đai cũng dần biến mất nhưng dân số cứ tiếp tục tăng. Đây là những yếu tố gây xung đột và chiến tranh giữa các nước và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng gây ra những tác hại về kinh tế. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, tiêu phí nhiều tỷ USD. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm thâm hụt các nền kinh tế.

Có thể thấy, những hậu quả từ biến đổi khí hậu đang được nhìn thấy rõ. Theo ước tính của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, sẽ có khoảng 150 triệu người phải rời bỏ nơi sinh sống vì các hiện tượng thời tiết cực đoan kéo theo tình trạng di cư cao, ảnh hưởng đến an ninh của nhiều nước. Khả năng tranh chấp, chiến tranh và sự chênh lệch giàu nghèo như một hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới gặp nhiều bất ổn. Nhưng trên hết, các loại dịch bệnh đang tăng theo nhiệt độ của trái đất và biến đổi theo hướng nguy hiểm hơn đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người.

Vì thế, việc ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra đang là thách thức cho tất cả các quốc gia. Kèm theo đó, việc hợp tác để cùng nhau hạn chế sự thay đổi của thời tiết cũng như tác động của nó đến đời sống con người phải là một ưu tiên mang tính sống còn.

Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab: Đoàn kết để xây dựng tương lai tốt hơn

Hội nghị Thượng đỉnh Arab (AL) lần thứ 29 tại thành phố Dhahran (Saudi Arabia). Ảnh: arabianbusiness.com

Hội nghị Thượng đỉnh Arab (AL) lần thứ 29 tại thành phố Dhahran (Saudi Arabia) đã kết thúc thành công với tuyên bố chung 29 điểm.

Được tổ chức vào trung tuần tháng 4-2018, Hội nghị AL 29 có sự tham dự của các nhà lãnh đạo tới từ 22 quốc gia thành viên và những người đứng đầu các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi M. Faki. Hội nghị đã tập trung bàn thảo về các vấn đề: cuộc xung đột giữa Palestine và Israel; cuộc khủng hoảng tại Syria, đặc biệt sau cáo buộc tấn công hóa học và các cuộc không kích của Mỹ; cuộc nội chiến tại Yemen cũng như cuộc chiến chống khủng bố.

Hội nghị lần này đã trở thành diễn đàn thế giới Arab thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Palestine của Tổng thống M. Abbas. Phát biểu tại phiên khai mạc, Quốc vương Salman của Saudi Arabia nêu rõ: “Tôi đặt tên hội nghị tổ chức ở Dhahran này là Hội nghị thượng đỉnh Jerusalem để toàn thế giới biết rằng, Palestine và người dân của họ luôn là trọng tâm quan tâm của thế giới Arab”.

Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung 29 điểm, nêu rõ: đứng trước các nguy cơ, âm mưu can thiệp từ bên ngoài càng làm cho các nước Arab thống nhất hơn, đồng thuận và quyết tâm xây dựng một tương lai tốt hơn đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc và các quốc gia Arab. Tuyên bố khẳng định từ những kinh nghiệm của quá khứ và hiện tại càng hội tụ đủ điều kiện để xây dựng tương lai tốt hơn.

Trong tuyên bố chung kết thúc Hội nghị, AL nhấn mạnh cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên qua giữa Palestine và Israel là “vấn đề cốt lõi” gây quan ngại cho toàn bộ thế giới Arab. Tuyên bố nêu rõ các nghị quyết của Liên hợp quốc sẽ là những quy tắc duy nhất trong đàm phán về xung đột và các hành động đơn phương của Israel có thể sẽ chỉ làm rối loạn sự việc và gây tổn hại tiến trình hòa bình.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Yemen, AL cho việc Iran hậu thuẫn lực lượng phiến quân Houthi là vi phạm nghị quyết 2216 của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Hội nghị cũng tái khẳng định giải pháp chính trị là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Hội nghị AL 29 diễn ra trong bối cảnh khu vực vẫn đang chìm trong hỗn loạn cũng như đối mặt với các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, đặc biệt sau khi Mỹ cùng với Anh và Pháp tiến hành cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Syria. Ngoài ra, các cuộc xung đột tại Syria, Iraq, Lybia và Yemen tiếp tục cướp đi mạng sống của nhiều người, kéo theo tình hình kinh tế - xã hội xấu đi nghiêm trọng. Những thách thức này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải phối hợp nỗ lực chung, và cho thấy vai trò trong việc đóng góp tích cực vì hòa bình của các cấu trúc đa phương như AL.

Mỹ xem xét lại việc tham gia TPP?

Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: CNBC

Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 12-4 tuyên bố, Washington có thể quay trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu nước này có thể đạt được một thỏa thuận “tốt hơn”. Theo giới phân tích, tuyên bố này nhiều khả năng đánh dấu sự thay đổi bất ngờ quan điểm của Tổng thống D. Trump, người từng kêu gọi phản đối hiệp định này và đã nhanh chóng rút Mỹ ra khỏi hiệp định sau khi lên nắm quyền vào năm 2017.

TPP tưởng chừng không tồn tại khi Tổng thống D. Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này hồi đầu năm 2017. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại đã tìm cách cứu vãn tình hình và bảo toàn phần lớn nội dung của thỏa thuận. Phiên bản mới với tên gọi Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết vào ngày 08-3-2018 tại thành phố Santiago (Chile). Sự thành công của CPTPP đã cho thấy, các nước khác có thể và sẽ bước vào để lấp chỗ trống và giành vai trò lãnh đạo về thương mại từ Mỹ.

Theo kế hoạch, 11 quốc gia tham gia đàm phán CPTPP sẽ hình thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới, chiếm gần 13,5% GDP toàn cầu. Tờ New York Times của Mỹ cho rằng CPTPP, hay còn gọi là TPP-11, sẽ tượng trưng cho tầm nhìn mới về thương mại toàn cầu. CPTPP giảm mạnh thuế quan và ấn định những quy định thương mại mới tại các thị trường chiếm 1/7 nền kinh tế thế giới. Hiệp định này mở ra nhiều thị trường hơn nữa cho tự do giao dịch nông sản và các dịch vụ số trên toàn khu vực. Theo phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một khi có hiệu lực, hiệp định này có khả năng giúp thu nhập toàn cầu tăng thêm 147 tỷ USD. Ngoài ra, những người ủng hộ hiệp định này cũng kỳ vọng CPTPP sẽ củng cố việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và có thể buộc các nước thành viên phải cải thiện điều kiện lao động.

CPTPP cũng là minh chứng mới nhất cho thấy, các quốc gia khác đang đẩy nhanh những nỗ lực ký kết các thỏa thuận thương mại. Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết một hiệp định thương mại khổng lồ - chủ yếu dựa trên các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản như một phần của TPP. EU cũng ký kết một thỏa thuận mới với Canada và đang tìm cách nâng cấp thỏa thuận với Mexico. Trung Quốc cùng 15 nền kinh tế khác của châu Á đang tiếp tục đàm phán một hiệp định khu vực quan trọng. Trong khi đó, các quốc gia hầu như không nhiệt tình đàm phán những thỏa thuận thương mại mới với Mỹ.

Có ý kiến cho rằng, việc tham gia TPP có thể giúp củng cố vị thế của Mỹ trong cuộc xung đột thương mại hiện nay với Trung Quốc, nước vốn không là thành viên của TPP. Việc Mỹ rút lui khỏi TPP giúp Trung Quốc tăng cường vai trò thống lĩnh quan hệ thương mại trong khu vực khi lấp chỗ trống Mỹ bỏ lại. Mạng tin Bloomberg nhận định rằng, những quan ngại về vị thế chi phối địa - chính trị của Trung Quốc tại châu Á sẽ là nhân tố chính mà Mỹ tính đến nếu cân nhắc việc quay lại TPP. Nếu thiếu sự lãnh đạo của Mỹ, Trung Quốc có thể ấn định những quy định thương mại toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương, ngược lại vị thế của Mỹ bị sụt giảm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tiêu chuẩn và quy định thương mại quốc tế toàn cầu có thể bị định hình lại theo hướng có lợi cho các công ty Trung Quốc hơn là cho các công ty Mỹ. Đó là lý do khiến Nhật Bản quyết liệt trong việc duy trì TPP dù không có Mỹ. Trong khi đó, tờ New York Times dẫn lời bà W. Cutler, từng là nhà thương thuyết thương mại của Mỹ tham gia tiến trình đàm phán TPP, nhận định Mỹ khó có thể phớt lời những quy định mà tất cả những nước khác đã nhất trí và sẽ phải xem xét kỹ lưỡng những quy định này. Bà dự đoán theo thời gian, có lẽ Mỹ sẽ muốn xem xét lại việc tham gia TPP./.

Trung Kiên (tổng hợp)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/50498/nhung-su-kien-quoc-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay.aspx