Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19 đến 25-11-2018)

Ngày 19-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga V. Putin đã tham dự khánh thành tuyến đường ống dưới biển thuộc dự án đường ống khí đốt tự nhiên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream). Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ giữa hai nước, mà còn được dư luận đánh giá như một sự bảo đảm cho an ninh năng lượng của cả châu Âu.

Bước tiến mới trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại lễ khánh thành. Ảnh: TTXVN

Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được Nga công bố hồi tháng 12-2014. Đây là dự án được ra đời thay thế cho Dự án Dòng chảy phương Nam (South Stream) đi qua Bulgaria đột ngột bị đình lại, còn Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) gặp quá nhiều cản trở. Dự án này cho phép bỏ qua “cửa ngõ” Ukraine, mở những tuyến đường ống mới giúp đưa nguồn nhiên liệu khí đốt từ Nga vượt qua Biển Đen, cung cấp sang đầu cầu Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó vận chuyển tới các quốc gia phương Tây.

Việc khánh thành tuyến đường ống khí đốt dưới biển thuộc dự án TurkStream là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự cải thiện trong hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi trước đó, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau sự kiện ngày 24-11-2015, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay phản lực Su-24 của Nga trên vùng trời khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ bị đình lại.

Tuy nhiên, sau thỏa thuận hòa giải năm 2016, quan hệ giữa hai bên cải thiện đáng kể với việc hai nhà lãnh đạo V. Putin và T. Erdogan hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Syria, Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không do Nga chế tạo trong khi Nga hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự cải thiện quan hệ hai nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dự án mang tầm cỡ châu lục này được triển khai.

Trong phát biểu tại lễ khánh thành tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống T. Erdogan đã ca ngợi dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là “một bước tiến mới” trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Tổng thống V. Putin bày tỏ tin tưởng hai dự án TurkStream và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu sẽ trở thành “biểu tượng rõ rệt” cho quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa hai nước. Trong đó, dự án TurkStream sẽ biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm quan trọng về khí đốt của châu Âu cũng như nâng cao vị thế địa chính trị của nước này.

Một tín hiệu tích cực nữa trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là cũng tại buổi lễ, lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD, tương đương với kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc.

Cuộc chiến pháp lý tại Mỹ về người nhập cư

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Sau khi Tổng thống D. Trump ký sắc lệnh về hạn chế dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico xin tị nạn tại Mỹ, Tòa án Mỹ đã ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh này. Diễn biến này một lần nữa làm nóng lên cuộc chiến pháp lý về vấn đề nhập cư tại Mỹ.

Với Tổng thống D. Trump và đảng Cộng hòa, việc thực hiện các biện pháp cứng rắn với người nhập cư nằm trong chính sách trọng tâm được cam kết mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra khi tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Kể từ khi lên nắm quyền, Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, vấn đề nhập cư bất hợp pháp hiện là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và những nguy cơ đó đang dần hiện hữu, như khủng bố và tội phạm.

Trước sắc lệnh mới về hạn chế người nhập cư của Tổng thống D. Trump, các nhóm hoạt động vì quyền dân sự tại Mỹ đã chỉ trích sắc lệnh này là vi phạm luật nhập cư và hành chính. Quỹ tài trợ quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU) dẫn Luật Di trú và Quốc tịch Mỹ, cho biết người di cư được phép xin tị nạn ở Mỹ tại ngay cửa khẩu cho dù có vào lãnh thổ Mỹ qua cửa khẩu hợp pháp hay không. Vì vậy, các cơ quan chính phủ can thiệp hay sử dụng sắc lệnh tổng thống để can thiệp đều là trái phép. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, sắc lệnh nhập cư về quy chế tị nạn của Tổng thống D. Trump được cho là sẽ sớm phải đối mặt với các vụ kiện tại tòa án Mỹ vì gây ra nhiều tranh cãi.

Ngày 20-11, Thẩm phán J. Tigar của Tòa án liên bang San Francisco ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh mới của Tổng thống D. Trump về hạn chế dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico xin tị nạn tại Mỹ. Trong phán quyết, Thẩm phán J. Tigar cho biết Quốc hội Mỹ quy định rõ ràng, người nhập cư có thể nộp đơn xin tị nạn bất kể họ vào Mỹ bằng cách nào. Phán quyết của Thẩm phán J. Tigar có hiệu lực ngay lập tức trên toàn quốc cho đến ít nhất là ngày 19-12, khi ông dự kiến tổ chức một phiên tòa cân nhắc một lệnh đình chỉ kéo dài hơn. Cũng với phán quyết này của Tòa án, dường như vấn đề nhập cư đã khiến nước Mỹ trở nên phức tạp hơn thời hậu bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Mỹ - Saudi Arabia: Lợi ích ràng buộc

Nhà báo J. Khashoggi. Ảnh: TTXVN

Bất chấp những hoài nghi từ Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) về việc liên quan của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong vụ sát hại nhà báo J. Khashoggi, Tổng thống Mỹ D. Trump vẫn tuyên bố bảo vệ và duy trì quan hệ đối tác vững chắc với Saudi Arabia.

Những lợi ích ràng buộc với đồng minh chiến lược dường như đã khiến người đứng đầu Nhà trắng không thể “mạnh tay” đối với Saudi Arabia cho dù nước này đang đứng trước sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 22-11 một lần nữa bảo vệ giới lãnh đạo Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo J. Khashoggi, cho rằng toàn thế giới cần phải chịu trách nhiệm cho vụ sát hại nhà báo này. Trên thực tế, Tổng thống D. Trump đang chịu sức ép từ cả trong và ngoài nước. Tại Mỹ, nhiều nghị sĩ yêu cầu Tổng thống D. Trump phải hủy các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia sau vụ nhà báo J. Khashoggi bị sát hại. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét ban hành một lệnh cấm vận vũ khí đối với Saudi Arabia. Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc về vấn đề này.

Là quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất ở châu Âu trước vụ việc, Chính phủ Đức đình chỉ mọi hoạt động bán vũ khí cho Saudi Arabia, kể cả các đơn hàng đã được phê duyệt, cho tới khi nguyên nhân cái chết của nhà báo J. Khashoggi được làm rõ. Đức cũng cấm nhập cảnh đối với 18 quan chức nhà nước Saudi Arabia. Cùng với Đức, một số nước châu Âu khác như Áo, Thụy Sĩ cũng ngừng xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia. Tương tự như động thái của các đối tác châu Âu, Pháp tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt, trong đó có lệnh cấm đi lại, đối với 18 công dân Saudi Arabia có liên quan tới vụ sát hại nhà báo J. Khashoggi, đồng thời cảnh báo có thể tiếp tục đưa ra thêm nhiều hành động, phụ thuộc vào kết quả cuộc điều tra hiện tại.

Trước sức ép cả trong và ngoài nước, Tổng thống Trump cũng đã chỉ trích Saudi Arabia về cách thức xử lý vụ việc, đồng thời bày tỏ mong muốn biết toàn bộ sự thật về cái chết của nhà báo J. Khashoggi. Tuy nhiên, việc khẳng định quyết tâm duy trì quan hệ đối tác vững chắc với Saudi Arabia cho thấy, Tổng thống D. Trump không muốn sự việc đẩy ông vào thế khó xử trong quan hệ với đồng minh lợi ích.

Theo giới phân tích, việc Tổng thống D. Trump tuyên bố tiếp tục đề cao quan hệ với Saudi Arabia cũng là điều dễ hiểu. Ðối với Mỹ, Saudi Arabia không chỉ là khách hàng lớn mua vũ khí mà còn đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của Washington. Cần biết rằng nhu cầu năng lượng của Mỹ là rất lớn và nhập khẩu, chế biến dầu tiếp tục là một ngành công nghiệp lớn chi phối nền kinh tế Mỹ. Thêm vào đó, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục đối đầu với Iran, Saudi Arabia là một đối tác quan trọng giúp Mỹ kiềm chế vai trò của Iran ở Trung Ðông, cũng như thực hiện các chính sách duy trì ảnh hưởng của Washington ở khu vực có vị trí địa - chính trị chiến lược này. Với Saudi Arabia, chừng nào còn là “vương quốc dầu mỏ” và duy trì vị thế trung tâm tại Trung Đông, nước này sẽ còn nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ. Riyadh mới đây cũng tuyên bố, Mỹ sẽ vẫn là “phần then chốt” của nền kinh tế Saudi Arabia.

Rõ ràng, quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia bao trùm cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự. Do vậy, cả Washington và Riyadh đều không mong muốn những lợi ích song phương bị tổn hại.

Chương mới trong quan hệ Trung Quốc - Philippines

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines R. Duterte. Ảnh: TTXVN

Trong hai ngày 20 và 21-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Philippines. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Philippines trong vòng 13 năm qua và được xem là mốc quan trọng trong quan hệ song phương, vốn được khôi phục sau khi Tổng thống R. Duterte lên nắm quyền hồi năm 2016. Chuyến thăm được đánh dấu bằng việc hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên tầm hợp tác chiến lược toàn diện.

Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Manila, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines R. Duterte đã thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương, đặc biệt là quan hệ thương mại và đầu tư đang ngày một phát triển giữa hai nước, cũng như việc Trung Quốc tham gia vào dự án quy hoạch cơ sở hạ tầng mang tên “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” trị giá lên tới 180 tỷ USD mà ông R. Duterte đang thúc đẩy. Hai nhà lãnh đạo cũng đã chứng kiến lễ ký kết 29 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, văn hóa và phát triển khu công nghiệp nhằm cùng thúc đẩy cơ sở hạ tầng cũng như các hợp tác xã nông nghiệp.

Quan hệ Trung Quốc và Philippines đã rơi xuống mức thấp nhất sau khi Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) hồi năm 2013 liên quan đến yêu sách phi lý của Bắc Kinh về “đường 9 đoạn” tại Biển Đông. Sau gần 4 năm kiên trì đấu tranh bằng con đường pháp lý, Tòa Trọng tài ở La Haye đã ra phán quyết khẳng định yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử”" đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Cũng trong gần 4 năm theo đuổi vụ kiện, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Những biện pháp trừng phạt kinh tế không công bố từ Bắc Kinh đã khiến Manila thiệt hại khá nhiều.

Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền năm 2016, Tổng thống R. Duterte đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt đối với Philippines. Nổi bật trong đó là xoay trục chính sách ngoại giao hướng đến Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, để đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế và thương mại. Quan hệ Trung Quốc - Philippines đã khôi phục mạnh mẽ, hợp tác kinh tế được mở rộng, căng thẳng chính trị trước đó dần được xóa đi.

Do vậy, chuyến công du Philippines đầu tiên sau 13 năm của một lãnh đạo Trung Quốc và gặp gỡ Tổng thống R. Duterte là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời được cho là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Philippines bằng việc mở rộng đầu tư và hợp tác. Với hàng loạt thỏa thuận được ký kết cùng việc nhất trí nâng cấp quan hệ lên tầm hợp tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo ra bước ngoặt lớn, đồng thời mở ra triển vọng phát triển quan hệ giữa hai nước.

Kiểm soát súng đạn: Câu chuyện cấp bách ở Mỹ

Hiện trường vụ xả súng tại bệnh viện Mercy, thành phố Chicago, Illinois, Mỹ ngày 19-11. Ảnh: ABC7 Chicago/TTXVN

Chỉ trong ngày 19-11, nước Mỹ đã liên tiếp xảy ra 2 vụ xả súng. Đây là những vụ xả súng mới nhất ở Mỹ, xảy ra chỉ chưa đầy 2 tuần sau vụ một tay súng đã sát hại 12 người ở California. Sự kiện mới này tiếp tục làm dấy lên làn sóng phẫn nộ, phản đối trong dân chúng Mỹ về việc kiểm soát súng đạn.

Ngày 19-11, cảnh sát thành phố Chicago cho hay một tay súng đã nổ súng tại một bệnh viện ở thành phố thuộc bang Illinois (Mỹ). Vụ việc khiến 4 người thiệt mạng (kể cả hung thủ) và 2 người bị thương, đồng thời khiến nhiều người có mặt tại hiện trường hoảng loạn. Cũng trong ngày 19-11, nước Mỹ còn ghi nhận một vụ xả súng khác khi có 4 người bị bắn ở gần khu vực Coors Field, thành phố Denver, thuộc bang Colorado. Trước đó chưa đầy 2 tuần, vào tối 07-11, một tay súng đã lao vào xả súng tại quán bar ở California, Mỹ khiến ít nhất 12 người, bao gồm một sĩ quan cảnh sát, thiệt mạng và khoảng 15 người bị thương. Ngày 27-10, một vụ xả súng nhằm vào cộng đồng người Do Thái đã xảy ra tại giáo đường Do Thái Tree of Life ở đồi Squirrel của thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, đã làm 11 người chết và 6 người bị thương.

Các vụ xả súng xảy ra liên tục trên cho thấy tần suất các vụ xả súng xảy ra ngày càng nhiều ở Mỹ. Theo thống kê, tình trạng bạo lực súng đạn ở Mỹ trong khoảng 8 tháng năm 2018 đưa ra một con số đáng báo động với 262 vụ xả súng hàng loạt. Thuật ngữ “xả súng hàng loạt” được quy định rõ khi có trên 4 người chết hoặc bị thương bởi một vụ xả súng mà không bao gồm kẻ tấn công. Tính tổng cộng kể từ năm 2013 đến nay, đã có hơn 1.800 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ. Trong đó, riêng năm 2015 có hơn 330 vụ; năm 2016 có hơn 380 vụ; và năm 2017 có hơn 340 vụ… Như vậy, tính trung bình, gần như ngày nào ở Mỹ cũng có một vụ xả súng hàng loạt kể từ năm 2015 đến nay. Ước tính mỗi ngày có tới khoảng 90 người Mỹ thiệt mạng vì bạo lực súng đạn.

Theo Liên hợp quốc, không một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải đối mặt với mức độ bạo lực súng đạn cao như Mỹ. Tỷ lệ này cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thụy Điển và gần 16 lần so với Đức. Đây cũng là lý do chính khiến Mỹ có tỷ lệ người bị sát hại, trong đó có cả những người bị giết không phải vì súng, cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác.

Một số liệu thống kê quan trọng khác cho thấy tính tới tháng 10-2018, Mỹ là nước có tỷ lệ sở hữu súng tư nhân cao nhất thế giới. Năm 2017, số lượng súng dân dụng ước tính ở Mỹ là 120,5 khẩu súng/100 người. Tuy dân số Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới, song tổng sản lượng súng đạn của người dân nước này sở hữu lại lên tới gần 50% tổng sản lượng súng đạn của toàn thế giới. Điều này cho thấy, tình trạng sở hữu súng đạn tràn lan và phổ biến tại Mỹ. Đây được xem là những con số báo động cho thấy sự cần thiết phải thông qua luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Thời gian qua, người Mỹ vẫn thường xuyên lên tiếng kêu gọi một cơ chế quản lý súng đạn chặt chẽ, trong đó có việc xác định nhân thân người mua. Song điều này lại gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hiệp hội Súng đạn Mỹ (NRA), nơi tập hợp những ông lớn trong ngành công nghiệp súng đạn. Thực tế, việc buôn bán vũ khí đã đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ, các vụ bắn giết càng nhiều, số lượng súng đạn bán ra cũng theo đó mà tăng lên. Nếu quản lý súng sẽ đồng nghĩa với việc sụt giảm doanh thu, điều mà ngành công nghiệp súng đạn Mỹ hoàn toàn không mong muốn.

Bởi vậy cho đến nay, việc quản lý sử dụng súng vẫn luôn là đề tài nóng, gây nhiều tranh cãi tại Quốc hội và chính trường Mỹ. Trong nhiều năm trở lại đây, luật sở hữu súng tư nhân vẫn được xem là một “chủ đề nhạy cảm” đối với nước Mỹ khi giới Cộng hòa bảo thủ và NRA - nhóm vận động hành lang đầy quyền lực thường lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình. Và vì vậy, sau mỗi lần xảy ra các vụ xả súng đẫm máu ở Mỹ, tuy các chính trị gia của nước này đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ về bạo lực súng đạn, song nó mới chỉ dừng ở những lời tuyên bố. Trong khi người dân Mỹ thì vẫn đang trông chờ chính quyền phải thể hiện ở những hành động cụ thể hơn là lời nói, để các vụ xả súng đẫm máu không được phép tiếp diễn./.

Trung Kiên (tổng hợp)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/53265/nhung-su-kien-quoc-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay.aspx