Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23 đến 29-7-2018)

TCCSĐT - Afghanistan đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ giữa lực lượng Taliban và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Việc các tay súng Taliban, IS tăng cường mở rộng các vụ tấn công thời gian gần đây đã đẩy tình trạng bạo lực tại quốc gia Nam Á này leo thang nghiêm trọng.

Afghanistan đối mặt với thách thức kép từ IS và Taliban

Afganistan đối mặt với thách thức đe dọa từ IS và Taliban. Ảnh: vov.vn

IS đã mở rộng sự hiện diện tại Afghanistan từ đầu năm 2015 khi mất đi các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria. Từ một thành trì nhỏ ở tỉnh Nangarhar, IS đã thâm nhập và tiến hành những vụ tiến công cư dân ở nhiều địa phương của Afghanistan. Hiện nay, IS cùng với Taliban và Al Qaeda… đang kiểm soát thực tế tới 3/4 lãnh thổ Afghanistan, đe dọa nghiêm trọng an ninh của đất nước và an toàn cuộc sống của người dân Afghanistan.

Vốn theo đuổi những dòng tư tưởng Hồi giáo khác nhau nên giữa Taliban và IS thường xuyên xảy ra những cuộc chạm trán. Tuy nhiên, sự bành trướng và các phương thức chiêu binh mới của IS tại Afghanistan đang đặt ra những thách thức với lực lượng Taliban. Thời gian qua, IS đã phát động các đợt tuyển dụng sâu vào vùng lãnh thổ do Taliban kiểm soát. Hiện các chiến binh IS đã gia tăng hoạt động tại 9/34 tỉnh thành của Afghanistan. Các nhà phân tích cho rằng, những vụ tấn công của IS nhằm vào Taliban thời gian gần đây như một thông điệp mà IS gửi đến Taliban rằng, IS đã thay thế Taliban kiểm soát một số vùng đất ở Afghanistan. Bối cảnh trên cho thấy, chính quyền Afghanistan đang đứng trước “thách thức kép”, vừa phải đối phó với Taliban, vừa lo ngăn cản sự thâm nhập và bành trướng của các phần tử khủng bố IS trong khu vực.

Để đối phó với tình hình bất ổn, các lực lượng an ninh Afghanistan cùng liên quân do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ và không kích nhằm vào Taliban cũng như các lực lượng khủng bố và cực đoan trên khắp nước này. Tuy nhiên, sự đối phó kém hiệu quả của chính quyền Kabul đang khiến Afghanistan trở thành nơi tranh giành lãnh thổ của các nhóm vũ trang cực đoan. Trong nỗ lực nhằm khuyến khích phiến quân Taliban ủng hộ tiến trình hòa giải dân tộc, ngày 12-6 vừa qua, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani đã tuyên bố ngừng bắn 7 ngày với Taliban, còn Taliban tuyên bố ngừng bắn trong 3 ngày với Afghanistan. Sau đó, Tổng thống A. Ghani còn tiếp tục gia hạn lệnh ngừng bắn của chính phủ thêm 10 ngày và đề nghị Taliban hợp tác. Tuy nhiên, Taliban đã từ chối và mở lại các cuộc tấn công lực lượng an ninh ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều này khiến Tổng thống A. Ghani ngày 30-6 đã tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn của chính phủ với Taliban và yêu cầu các lực lượng an ninh tiếp tục những chiến dịch chống phiến quân tại nước này.

Những động thái trên đã khiến tiến trình hòa bình ở Afghanistan càng xa vời. Và các vụ tấn công vào dân thường và lực lượng an ninh Afghanistan do Taliban và IS thực hiện vẫn tiếp diễn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của những người dân Afghanistan. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tính đến tháng 6-2018, số dân thường thiệt mạng đã tăng 1% so với cùng thời điểm năm 2017, lên con số 1.692 người. Đây được cho là con số cao kỷ lục, trong đó khoảng 52% số thương vong là do IS gây ra, và khoảng 40% là do các cuộc tấn công của Taliban.

Nấc thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran

Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Iran H. Rouhani. Ảnh: DailyBeast

Những ngày qua, mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã bị đẩy lên một nấc thang mới khi nhà lãnh đạo hai nước có những lời chỉ trích lẫn nhau. Trong khi Tổng thống Iran H. Rouhani cảnh báo nguy cơ chiến tranh kinh tế với Mỹ thì Tổng thống Mỹ D. Trump cũng cảnh báo Iran sẽ phải đối mặt với những hậu quả “ít ai từng thấy trong lịch sử” nếu nước này đe dọa Mỹ.

Cuộc khẩu chiến giữa hai nước bắt đầu bùng phát khi mới đây hàng loạt cựu quan chức và quan chức đương nhiệm Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống D. Trump đang tiến hành một chiến dịch nhằm làm xói mòn sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo Iran, kích động sự bất ổn và gây sức ép buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân.

Trong bối cảnh đó, ngày 22-7, Tổng thống Iran H. Rouhani đã cảnh báo Mỹ đang bị cô lập trong thế đối đầu với toàn bộ các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với Nhóm P5+1 (JCPOA). Phản ứng lại, ngày 23-7, Tổng thống Mỹ D. Trump nhấn mạnh, Tehran sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu một lần nữa đe dọa nước Mỹ. Đáp lại những lời đe dọa từ Mỹ, trong tuyên bố mới nhất ngày 24-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran B. Qassemi tuyên bố Tehran sẽ có các biện pháp trả đũa tương xứng nếu Mỹ cố tình cấm vận hoạt động xuất khẩu dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đồng thời, ông B. Qassemi cũng cho rằng, những lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ thực chất chỉ là “chiến tranh tâm lý”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran A. Araqchi khẳng định, Iran có “nhiều phương án” chống lại những sức ép từ Mỹ nhằm cắt nguồn thu từ dầu mỏ của Iran. Theo ông, việc phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển trọng yếu các nguồn cung dầu của quốc tế, không phải là lựa chọn duy nhất của Iran.

Kể từ sau tuyên bố rút khỏi JCPOA, Mỹ đã liên tiếp đe dọa trừng phạt Iran với mục tiêu đưa doanh thu từ xuất khẩu dầu của Iran về 0%. Đồng thời, Nhà Trắng quyết định khôi phục các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhằm vào Iran. Những quyết định đơn phương của Tổng thống D. Trump đã vấp phải sự phản đối và quan ngại sâu sắc của các bên tham gia ký kết JCPOA. Song trước những chiến lược cứng rắn và khó dự đoán mà chính quyền của Tổng thống D. Trump đã áp dụng trong thời gian qua, các nước châu Âu cũng đang rơi vào “thế bí” trong quan hệ với Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, cả châu Âu và Iran đều hiểu rằng việc đi ngược lại, hay vô hiệu hóa các biện pháp cấm vận của Mỹ là hoàn toàn không dễ dàng. Trong bối cảnh đó, nếu các cuộc đàm phán tới đây nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại, việc nối lại hoạt động làm giàu urani của Iran được cho là “gần như chắc chắn” và sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ “cảnh báo”. Những động thái này khiến những nỗ lực nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa khu vực Trung Đông cũng như ngăn chặn việc phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt “đi vào ngõ cụt”.

Tổng thống Philippines cam kết thực hiện các vấn đề cốt lõi của đất nước

Tổng thống Philippines R. Duterte. Ảnh: TTXVN

Ngày 23-7, Tổng thống Philippines R. Duterte đã trình bày bản thông điệp quốc gia thường niên trước các thành viên Quốc hội nước này. Đây là bản thông điệp quốc gia thứ ba của ông R. Duterte kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 6-2016.

Trong bản thông điệp quốc gia, Tổng thống R. Duterte đã tập trung vào các vấn đề cốt lõi của đất nước như cải cách hiến pháp, cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm ma túy, hạn chế tác động của ngành khai thác mỏ đối với môi trường, bảo vệ lợi ích của hàng triệu lao động Phillippines ở nước ngoài và các mối quan hệ đối ngoại.

Về các vấn đề đối nội, một trong những cam kết trọng tâm của Tổng thống R. Duterte là đưa Philippines theo hướng chính phủ liên bang - nhiệm vụ cần tới một cuộc cải tổ toàn diện Hiến pháp nước này. Mục đích của sửa đổi Hiến pháp là để chuyển sang hệ thống chính quyền liên bang, với quyền hành tăng thêm cho tổng thống, nhưng cũng trao quyền tự trị nhiều hơn cho người Hồi giáo ở miền Nam. Trong bản thông điệp, Tổng thống R. Duterte khẳng định, ông sẵn sàng phê chuẩn Luật cơ bản về Bangsamoro (BBL), theo đó thay thế Vùng tự trị ở khu vực Mindanao Hồi giáo (ARMM) thành lập năm 1989 bằng Vùng Bangsamoro mới ở miền Nam Philippines, nếu luật được quốc hội thông qua.

Liên quan đến tình hình đảo Mindanao, Tổng thống R. Duterte cho biết sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh cho quân đội và cảnh sát trong chiến dịch chống lại các phần tử cực đoan trên đảo Mindanao, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm ổn định khu vực này.

Về kinh tế, Tổng thống R. Duterte cũng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện nhiều chính sách kinh tế khác. Mục tiêu lớn nhất là nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Philippines.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, Tổng thống R. Duterte một lần nữa khẳng định quyết tâm dẹp bỏ nạn tham nhũng vốn từng làm cạn kiệt ngân quỹ quốc gia. Tổng thống R. Duterte cho biết ông đã sa thải một số quan chức cấp cao bị cáo buộc tham nhũng và sẽ tiếp tục duy trì động lực này. Cùng với cuộc chiến chống tham nhũng, Tổng thống R. Duterte cam kết theo đuổi đến cùng cuộc chiến chống ma túy. Được khởi động cách đây 2 năm, cuộc chiến chống ma túy mà Tổng thống R. Duterte phát động đến nay đã giúp loại bỏ nhiều loại ma túy nguy hiểm từng hoành hành ở thủ đô Manila cùng nhiều vùng khác. Trong bản thông điệp quốc gia thứ ba, Tổng thống R. Duterte cũng nhắc lại chính phủ sẽ đưa ra luật mới đối với lĩnh vực khai khoáng và cân nhắc chấm dứt xuất khẩu khoáng sản. Ông khẳng định ngành khai thác mỏ không thể hủy hoại môi trường và bán rẻ tài nguyên của đất nước.

Về quan hệ quốc tế, Tổng thống R. Duterte cho biết, Philippines thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, trong đó lấy mục tiêu phát triển quốc gia lâu dài và mục tiêu an ninh quốc gia làm đầu. Hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được Tổng thống Philippines quan tâm thúc đẩy nhằm bảo đảm an ninh khu vực.

Bản thông điệp quốc gia của Tổng thống R. Duterte đã nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận trong nước. Nhiều người dân Philippines cho biết, họ hài lòng với sự điều hành đất nước của nhà lãnh đạo R. Duterte và Philippines được lợi từ chính sách ngoại giao độc lập của Tổng thống.

Xây dựng lòng tin: Yếu tố then chốt trong mục tiêu phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên

Bãi thử tên lửa Sohae. Ảnh: TTXVN

Trong một động thái được cho là tích cực nhằm thể hiện việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6-2018, CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu tháo dỡ bãi thử tên lửa Sohae, một trong những bãi thử tên lửa quan trọng của Triều Tiên. Động thái này đã được Hàn Quốc và Mỹ lên tiếng hoan nghênh. Điều này cho thấy quyết tâm của Triều Tiên trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ nhằm tập trung nguồn lực để phát triển đất nước.

Trung tâm phóng vệ tinh Sohae là khu vực chuyên phóng vệ tinh của Triều Tiên từ năm 2012 đến nay. Đặc biệt, Trung tâm này đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng. Do đó, các nhà phân tích nhận định, việc dỡ bỏ bãi thử Sohae cho thấy những nỗ lực của chính quyền Bình Nhưỡng trong việc phá bỏ Trung tâm phóng vệ tinh Sohae có ảnh hưởng tích cực tới việc xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa Triều Tiên và Mỹ.

Phản ứng trước động thái tích cực trên, ngày 24-7, giới chức cấp cao Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh và cho rằng, đây là một bước tiến tới hoạt động phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Nam Gwan-pyo đánh giá động thái tháo dỡ tại bãi thử Sohae của Triều Tiên “sẽ có tác động tốt đến tiến trình phi hạt nhân hóa”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ D. Trump cũng lên tiếng hoan nghênh các thông tin cho rằng, Triều Tiên đã bắt đầu dỡ bỏ một cơ sở vốn được xem là bãi thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Có thể khẳng định, vấn đề phi hạt nhân hóa luôn là mục tiêu chính được đặt ra trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, phi hạt nhân hóa hoàn toàn để hướng tới hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên cũng là mục đích của các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên với sự tham gia của Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, vốn đã bị ngừng trệ từ cuối năm 2008. Mặc dù mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên luôn gắn liền, thậm chí quyết định việc thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên nhưng những cam kết để thực hiện mục tiêu này được đánh giá là khó thực hiện và thực sự là một tiến trình vô cùng gian nan. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nếu không có quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên thì việc thảo luận phương án thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng sẽ là phi thực tế.

Triển vọng để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã được mở ra sau hàng loạt động thái tích cực giữa hai miền Triều Tiên kể từ đầu năm 2018 đến nay. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều (tháng 4-2018) thành công khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí hướng tới chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trong năm 2018. Tiếp đó là những thành công của Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều (tháng 6-2018) với việc Tổng thống Mỹ D. Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký kết một văn kiện chung, trong đó Triều Tiên cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên” và Mỹ cũng cam kết về các “bảo đảm an ninh” với Triều Tiên. Để hiện thực hóa những cam kết của mình, thời gian qua, Triều Tiên và Hàn Quốc cũng tích cực xây dựng lòng tin.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù những động thái này của Triều Tiên không làm yếu đi thực chất về năng lực hạt nhân và lực lượng quân sự thông thường của Bình Nhưỡng, tuy nhiên, nỗ lực của Triều Tiên đã phát đi những tín hiệu hữu nghị. Rõ ràng, từ những diễn biến tích cực kể trên, một điều dễ nhận thấy là việc xây dựng lòng tin là một yếu tố then chốt giúp dần xóa bỏ sự hoài nghi đã kéo dài hàng thập niên, đồng thời mang lại những tiến triển trong mục tiêu phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Giải quyết căng thẳng thương mại toàn cầu còn nhiều gian nan

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 3. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 3 tổ chức tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) diễn ra trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại về sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Hội nghị đã tập trung vào các chủ đề nổi bật và cấp thiết nhất của nền kinh tế toàn cầu.

Tại Hội nghị với sự có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C. Lagarde và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, các nhà lãnh đạo tài chính đã chia sẻ quan ngại về tình hình xung đột thương mại toàn cầu leo thang xuất phát từ các biện pháp bảo hộ của Mỹ. Hội nghị cũng đề cập tới các vần đề như công nghệ trong lĩnh vực tài chính, hệ thống thuế và tài chính bao trùm, tương lai của việc làm, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã lên tiếng chỉ trích các động thái của Mỹ gần đây khi tăng thuế đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu. Ông nhấn mạnh, các chính sách hướng nội không mang lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào, đồng thời kêu gọi duy trì đà tăng trưởng kinh tế thông qua “thương mại dựa trên các quy tắc tự do và công bằng”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nêu điều kiện các cuộc đối thoại thương mại giữa Mỹ và EU sẽ chỉ bắt đầu một khi Washington dỡ bỏ các mức thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu và từ bỏ kế hoạch áp thuế đối với ô tô của khối này.

Cùng quan điểm phản đối các biện pháp thuế trả đũa, Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde cho rằng, xung đột thương mại có thể giải quyết thông qua hợp tác quốc tế mà không cần đến bất kỳ biện pháp đặc biệt nào. Trước chỉ trích của các nước thành viên G20 về chính sách thuế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S. Mnuchin cho biết, lập trường thương mại của Tổng thống D. Trump không phải là chính sách bảo hộ, song ông chủ Nhà Trắng muốn một nền thương mại tự do và công bằng cho Mỹ. Đối với Trung Quốc, Bộ trưởng S. Mnuchin cũng để ngỏ khả năng lời đe dọa của Tổng thống D. Trump áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị lên tới 500 tỷ USD sẽ được hiện thực hóa. Cho dù còn nhiều bất đồng, nhưng các nhà lãnh đạo G20 đã cùng nhất trí kêu gọi thúc đẩy đối thoại nhằm ngăn chặn sự gia tăng căng thẳng thương mại và địa - chính trị đe dọa đến tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc giải quyết các xung đột thương mại liên quan đến chính sách thuế của Mỹ.

Có thể thấy, tuy nhìn nhận ra những nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu, song Hội nghị G20 chỉ dừng lại việc bày tỏ quan ngại mà chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức giải quyết căng thẳng thương mại liên quan đến chính sách thuế của Mỹ. Hội nghị G20 lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác đã tạo ra một chuỗi liên hoàn các biện pháp đối kháng. Do vậy, việc các nhà lãnh đạo tài chính G20 bất đồng về thương mại cho thấy việc giải quyết những căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và EU cũng như ngăn chặn nguy cơ về một cuộc chiến thương mại toàn cầu còn nhiều gian nan./.

Trung Kiên (tổng hợp)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/51732/nhung-su-kien-quoc-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay.aspx