Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2018

Thế giới 2018: Xu thế hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc… nằm trong số những sự kiện nổi bật nhất năm.

Báo VietNamNet xin điểm lại 10 sự kiện lớn nhất của năm 2018 như sau:

1. Hòa giải trên bán đảo Triều Tiên

Năm 2018 chứng kiến những chuyển biến ngoạn mục trên bán đảo Triều Tiên. Khởi đầu là các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được nối lại sau hơn một thập niên căng thẳng. Tiếp đó là cuộc gặp mặt chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra ở Singapore ngày 12/6.

Ông Donald Trump bắt tay ông Kim Jong Un tại Singapore. Ảnh: Reuters

Ông Donald Trump bắt tay ông Kim Jong Un tại Singapore. Ảnh: Reuters

Cuộc gặp mang tính lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đã tạo nên bước ngoặt lớn cho khu vực vốn được xem là “chảo lửa” ở Đông Bắc Á. Hàng loạt hoạt động ngoại giao tiếp sau các sự kiện trên đã từng bước tháo gỡ căng thẳng, đưa các bên tránh xa bờ vực chiến tranh và hướng tới một tương lai đầy hy vọng.

"Hai nhà lãnh đạo long trọng tuyên bố... sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu" - Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4.

2. “Cuộc chiến đảng phái” cam go ở Mỹ

Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ ngày 6/11 đã mang lại chiến thắng cho đảng Dân chủ ở Hạ viện. Đây là cú giáng lớn đối với Tổng thống Donald Trump, bởi cuộc bầu cử giữa kỳ được coi là một cuộc trưng cầu dân ý đối với năng lực lãnh đạo của ông trong 2 năm qua.

Cử tri Mỹ bỏ phiếu giữa kỳ ở Norwalk thuộc bang California. Ảnh: Reuters

Đảng Cộng hòa vẫn giữ thế đa số ở Thượng viện, nhưng việc để mất quyền kiểm soát Hạ viện sẽ giúp các đối thủ của ông Trump có thể vô hiệu hóa các dự luật mà Tổng thống đề xuất. Sự thay đổi cán cân quyền lực có thể sẽ khiến Quốc hội Mỹ trong 2 năm tới rơi vào bế tắc lập pháp, nhất là khi hai bên cùng tranh chiếc ghế Tổng thống năm 2020.

"Nếu những người Dân chủ nghĩ họ có thể lãng phí tiền thuế vào việc điều tra chúng tôi ở cấp Hạ viện, chúng tôi cũng sẽ buộc phải cân nhắc điều tra họ vì tất cả các hành động làm rò rỉ thông tin mật và nhiều thứ hơn nữa ở cấp Thượng viện. Hai bên có thể chơi cùng một trò" - Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 7/11.

3. Mỹ - Trung Quốc “so găng” thương mại

Năm 2018 ghi dấu căng thẳng bùng phát thành chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington đã nổ phát súng đầu tiên vào ngày 6/7, khi áp thuế nhập khẩu 25% đối với 818 mặt hàng Trung Quốc, trị giá 34 tỉ USD. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng động thái tương tự. Hai bên sau đó liên tục đe dọa và có động thái "ăn miếng, trả miếng".

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc khiến thế giới quan ngại.

Mặc dù nguyên thủ hai nước ngày 1/12 đã đạt thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày nhằm dàn xếp các bất đồng, nhưng vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu tại Canada theo yêu cầu của Washington đang cản trở tiến trình đàm phán giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

"Khi các đối tượng hoặc quốc gia nào đó tới và cướp đi sự giàu có của Mỹ, tôi muốn họ phải trả phí cho đặc ân được làm việc ấy. Mỹ hiện đang lấy lại hàng tỉ USD bằng các biện pháp đánh thuế ... Chúng ta sẽ có một thỏa thuận thực sự với Trung Quốc hoặc sẽ chẳng có thỏa thuận nào hết và khi đó, chúng ta sẽ áp các gói thuế lớn chống lại các sản phẩm Trung Quốc vận chuyển sang Mỹ" - ông Trump viết trên Twitter ngày 4/12.

4. Rạn nứt và đối đầu giữa các cường quốc

Thế giới năm 2018 chứng kiến sự rạn nứt và đối đầu giữa các nước lớn. Không chỉ châm ngòi chiến tranh thương mại, Mỹ còn tỏ thái độ và có hành động mạnh mẽ phản đối tham vọng của Trung Quốc ở các vùng biển. Trong khi, quan hệ giữa Nga với phương Tây bị kéo căng vì nhiều vấn đề như vụ cựu điệp viên Sergei Skripal, cuộc chiến ở Syria…

Bức ảnh bên lề hội nghị G7 hồi tháng 6/2018 lột tả hoàn hảo thái độ của ông Trump trước lãnh đạo các cường quốc khác. Ảnh: Chính phủ Đức.

Ngay cả quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu cũng "cơm không lành, canh chẳng ngọt" sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, có dấu hiệu nương tay với Ảrập Xêút trong vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi và gần đây nhất là quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan.

"Thế giới hiện đang trải qua những biến đổi lớn. Trong khi xu hướng toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục mạnh mẽ, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy đang phủ bóng lên sự phát triển của thế giới... Lịch sử cho thấy, sự đối đầu, dù dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, đều sẽ không tạo ra bên thắng cuộc" - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ở Papua New Guinea ngày 17/11.

5. Nghẹt thở giải cứu đội bóng Thái Lan

Ngày 23/6, đội bóng Lợn hoang gồm 12 thiếu niên cùng huấn luyện viên Ekkapol Chantawong đi vào hang Tham Luang để khám phá và tổ chức mừng sinh nhật một cầu thủ. Mưa lớn ập xuống, chặn lối ra khiến họ mắc kẹt bên trong. Một chiến dịch tìm kiếm đã được triển khai cùng với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài.

Đội bóng Thái Lan trước khi bị mắc kẹt trong hang sâu.

Tới ngày 2/7, các thợ lặn quốc tế đã tìm thấy đội bóng đang mắc kẹt trong hang. Việc đưa các cầu thủ đội bóng và huấn luyện viên ra khỏi hang là cuộc chạy đua cấp tốc với thời gian. Cuộc giải cứu nghẹt thở đội bóng Thái Lan được chia thành ba đợt. Và đến ngày 10/7, toàn bộ đội bóng mắc kẹt được cứu thành công.

"Đó là hành trình nguy hiểm kể cả với những thợ lặn giàu kinh nghiệm" - một thợ lặn tham gia giải cứu đội bóng Thái Lan trong hang Tham Luang nói.

6. Chiến thắng ngoạn mục của ông Putin và ông Tập

Hồi tháng 3, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cùng tái đắc cử. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử với số phiếu ủng hộ áp đảo là 76%. Đây là nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông. Ở Trung Quốc, quốc hội nước này đã nhất trí bầu ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ 2 với số phiếu ủng hộ tuyệt đối.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Điểm đáng chú ý là, trước khi bầu cử diễn ra, hiến pháp của Nga và Trung Quốc đã có những sửa đổi quan trọng. Theo đó, ở Trung Quốc, hiến pháp mới không còn quy định nhiệm kỳ của Chủ tịch nước không được vượt quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tại Nga, hiến pháp sửa đổi cũng kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 lên 6 năm.

"Kết quả này phản ánh niềm tin và hy vọng của nhân dân. Việc duy trì sự đoàn kết này là điều rất quan trọng. Chúng ta hãy cùng nghĩ về tương lai của tổ quốc vĩ đại" - Tổng thống Putin phát biểu sau khi nhận kết quả bầu cử sơ bộ.

7. Tai nạn máy bay thảm khốc ở Indonesia, Cuba

Năm 2018, thế giới đã chứng kiến hai tai nạn hàng không thảm khốc, gây mất mát rất lớn về người. Ngày 18/5, một máy bay chở khách Boeing 737 đã đâm xuống đất gần thủ đô Havana, Cuba đã khiến 110 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Trong khi tiếp đất, chiếc Boeing 737 này đâm phải đường dây điện.

Hình ảnh hiện trường máy bay Cuba gặp nạn. Ảnh: EPA

Sáng 29/10, một chiếc Boeing 737 Max-8, mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng Lion Air (Indonesia) đã bị rơi ngoài biển sau 13 phút cất cánh từ Jakarta. Không ai trong số 189 người trên máy bay sống sót. Hiện các nhà chức trách đã khôi phục được dữ liệu trong hộp đen và nguyên nhân gây tai nạn đang dần được hé mở.

"Tôi thấy hàng loạt tin tức nói rằng, họ đã mất liên lạc và chiếc máy bay đã chìm xuống độ sâu 30-35m. Khi đó tôi thốt lên 'ôi Chúa ơi', tim tôi thắt lại và không thể nào nấu ăn tiếp. Tôi đã mất con trai mình rồi" - bà Nunik Hest (53 tuổi) có con trai đi trên chuyến bay xấu số của hãng Lion Air nói với CNN.

8. Mỹ chuyển sứ quán về Jerusalem

Ngày 14/5, Mỹ chính thức khai trương sứ quán tại Jerusalem, bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới. Việc Washington quyết định chuyển sứ quán tới Jerusalem đã khiến người Palestine vô cùng tức giận. Họ coi hành động này là cổ súy cho sự kiểm soát của Israel đối với toàn bộ thành phố.

Ivanka Trump, con gái Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự lễ khánh thành sứ quán Mỹ tại Jerusalem. Ảnh: EPA

Ngay trong ngày 14/5, các cuộc đụng độ giữa người Palestine và lực lượng Israel đã khiến hơn 40 người chết, 1.800 người bị thương. Jerusalem là vùng đất linh thiêng đối với cả người Do Thái, người Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

"Tôi sẽ nói với các bạn rằng, nếu chúng ta có thể làm gì cho hòa bình giữa người Israel và Palestine thì (việc chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem) sẽ là điều tuyệt vời nhất trên thế giới" - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố.

9. Sự thoái trào của nhóm khủng bố IS

Năm 2018 chứng kiến sự thoái trào của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trước đó, tháng 12/2017, Nga nói hoàn thành sứ mệnh đánh bại IS ở Syria. Vài ngày sau, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống IS ở nước này. Theo giới phân tích, IS sẽ rút vào bí mật hoặc liên kết với al-Qaeda.

IS được cho là vẫn hiện diện đông ở Iraq và Syria. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, trong năm 2018, IS nhiều lần thừa nhận đứng sau các hoạt động khủng bố trên thế giới, nhưng nhiều vụ sau đó được xác định không hề liên quan tới nhóm này. Hôm 19/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố đã đánh bại IS ở Syria và sẽ rút quân khỏi khu vực này.

"Chúng ta đã thắng IS. Chúng ta đã đánh bại chúng và lấy lại những nơi chúng kiểm soát. Đã tới lúc quân đội của chúng ta trở về nhà" - Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 19/12.

10. Biểu tình dữ dội ở thủ đô nước Pháp

Cuối 2018, nước Pháp phải đối mặt với những cuộc biểu tình dữ dội của phong trào Áo vàng. Phong trào này diễn ra vào thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 17/11, nhằm yêu cầu chính phủ hủy bỏ chính sách tăng thuế xăng dầu và cải thiện đời sống người dân.

Biểu tình Áo vàng ở Pháp. Ảnh: RT

Biểu tình Áo vàng được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Tổng thống Emmanuel Macron phải đối diện trong nhiệm kỳ của mình. Ông đã tuyên bố hàng loạt biện pháp nhượng bộ như bãi bỏ tăng thuế nhiên liệu, tăng lương cơ bản nhằm xoa dịu người biểu tình. Tuy nhiên, biểu tình vẫn diễn ra và còn lan rộng sang nhiều nước khác…

"Đây là sự bùng phát của 40 năm bất mãn. Sự bất mãn của những người lao động không còn tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội. Sự bất mãn của những địa phương, những ngôi làng, những khu phố chứng kiến các dịch vụ công bị cắt giảm và điều kiện sống biến mất. Sự bất mãn với nền dân chủ khi người dân cảm thấy không còn được lắng nghe. Sự bất mãn với những thay đổi trong xã hội, với những cách sống tạo nên các hàng rào ngăn cách. Tất cả những điều này đều đã có từ lâu, và giờ đang diễn ra. Tôi nhận phần trách nhiệm của mình. Tôi biết nhiều người có cảm giác tôi không lắng nghe vì còn ưu tiên việc khác. Tôi biết rằng đôi khi mình đã làm tổn thương nhiều người với các tuyên bố của mình" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tối 10/12.

Báo VietNamNet

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/nhung-su-kien-noi-bat-cua-the-gioi-nam-2018-496833.html