Những sự kiện y tế nổi bật nhất năm 2019

Năm 2019 sắp qua đi, với nhiều dấu ấn thành tựu y tế nhưng cũng không ít 'sóng gió' vì những tai biến y khoa. Cùng điểm lại sự kiện y tế nóng hổi năm qua.

Nhiều trẻ gặp phản ứng sau khi tiêm vắc-xin ComBe Five

Đầu tháng 1/2019, vắc xin ComBe Five mới đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng vừa qua khiến nhiều trẻ bị phản ứng sau tiêm như: sốt cao, khóc, khó thở... Đặc biệt có 3 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin ComBE Five khiến nhiều bà mẹ lo lắng.

Tuy nhiên, thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, với trường hợp trẻ tử vong, có thể giải thích là do trùng hợp với một số bệnh lý ngẫu nhiên hoặc nhiều nguyên nhân như ngạt thở, sặc sữa, nằm nghiêng gây ngạt, suy hô hấp…hoặc do cơ địa trẻ mẫn cảm, phản ứng mạnh hơn với kháng nguyên có trong vắc xin ComBE Five.

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng, trẻ có phản ứng sau tiêm song gia đình chưa phát hiện kịp thời, hoặc trẻ không được xử lý sốc phản vệ nhanh nhất. Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục tiêm loại vắc xin này trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Whitmore ăn mòn cơ thể tái xuất khiến nhiều trẻ tử vong thương tâm

Trong năm 2019, rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì bị vi khuẩn whitmore ăn mòn cơ thể tấn công. Chỉ trong tháng 8/2019, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai đã tiếp nhận 12 ca mắc Whitmore (tên người tìm ra bệnh), trong đó có 4 ca đã tử vong.

Đặc biệt, tháng 11/2019, một gia đình ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã mất 3 người con từ 1 đến 7 tuổi, trong đó xác định 2 cháu trai 2 và 5 tuổi tử vong do mắc vi khuẩn Whitmore.

Theo kết luận của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, 3 trường hợp tử vong trong cùng một gia đình đều có biểu hiện sốt cao, diễn tiến tử vong nhanh. Trong đó có hai bé được khẳng định mắc bệnh Whitmore.

PGS.TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, môi trường sống của gia đình 3 trẻ không có gì khác biệt với những gia đình xung quanh về đất, nước (nước giếng khoan).

Bệnh Whitmore cũng là bệnh nhiễm trùng thông thường đã có từ hàng trăm năm nay, nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, bệnh đã có phác đồ điều trị. Đây không phải là bệnh lạ, bệnh mới hay tái nổi.

Thêm một vắc xin 5 trong 1 mới được đưa vào tiêm chủng mở rộng

Ngày 25/5, Bộ Y tế chính thức đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng thêm một loại vắc xin 5 trong 1, sử dụng song song với vắc xin ComBe Five.

Vắc xin DPT-VGB-Hib do Viện huyết thanh Ấn độ (SII) sản xuất với thành phần, lịch tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh tương đương như vắc xin ComBE Five, đã được cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 9 năm 2018.

Vắc xin 5 trong 1 do SII sản xuất đã được cấp phép lưu hành và sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2010. Đến nay, vắc xin đã được sử dụng trên 600 triệu liều tại 79 quốc gia, trong đó có Ấn Độ.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho phép cung ứng đồng thời 2 loại vắc xin 5 trong 1 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng là vắc xin ComBE Five và vắc xin DPT-VGB-Hib do SII sản xuất.

Miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Ngày 22/11, Quốc hội chính thức bỏ phiếu miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Mặc dù có những đồn đoán về trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế trong một số vụ việc như VN Pharma nhưng việc Quốc hội xem xét miễn nhiệm chức danh bộ trưởng y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhưng thực tế bắt nguồn từ quy định về tuổi nghỉ công tác quản lý theo pháp luật và quy định của Đảng.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, suốt 8 năm qua, trên cương bị Bộ trưởng, bà nhận thấy, ngành y tế được Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ chính sách rất nhiều.

Bên cạnh đó, các nhân sự toàn ngành cũng quyết liệt và sáng tạo, vận dụng các chính sách hội nhập quốc tế nhưng có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Ngoài ra, nữ Bộ trưởng cũng cho hay, trong thời gian của nhiệm kỳ của mình,bà luôn xác định nỗ lực hết sức, phải có những sản phẩm dù bé nhỏ nhưng có ích, chứ mình không buông trôi, cũng đấu tranh, cũng áp lực, cũng làm việc, phải hy sinh – nhưng mà đó là cuộc đời.

Liên tiếp các vụ tai biến sản khoa khiến sản phụ tử vong

Trong tháng 10 và 11/2019, tại Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng đã xảy ra 3 vụ tai biến sản khoa nghiêm trọng khiến 2 sản phụ tử vong là Lê Huỳnh Phương Triều, Lê Huỳnh Phương Triều. 1 sản phụ nguy kịch là chị Nguyễn Thị Huyền.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành y tế cùng lực lượng chức năng đã tiến hành vào cuộc điều tra. Ngày 17/12, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, Hội đồng chuyên môn đã có kết luận về các vụ tai biến sản khoa này.

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine với chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc gây tê và tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê.

Hàng loạt ca hôn mê, tử vong do thẩm mỹ

Tháng 10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM tiếp nhận cấp cứu một phụ nữ 65 tuổi bị biến chứng nặng và tử vong sau khi xăm chân mày làm đẹp thẩm mỹ.

Đây là ca tử vong thứ 3 sau thẩm mỹ làm đẹp trên địa bàn TP chỉ trong vòng hai tuần gần đây, 2 phụ nữ tử vong trước đó bị tai biến sau làm đẹp căng da mặt và nâng ngực.

Ngày 12/10, các bác sĩ BV Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân từ Trung tâm cấp cứu 115 chuyển qua do căng da mặt tại BV Kangnam.

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, ngưng tim ngoại viện rồi tử vong sau 3 ngày điều trị.

Tại Hà Nội, tháng 4/2019, nữ bệnh nhân 25 tuổi tử vong sau khi hút mỡ bụng tại Bệnh viện An Việt. Người phụ nữ này được chẩn đoán tử vong khi hôn mê sâu, tổn thương thiếu máu não diện nặng, phù não nặng sau ngừng tuần hoàn…

Tai biến nghiêm trọng nhất liên quan đến thẩm mỹ là 3 trường hợp tử vong sau căng da mặt, nâng ngực và xăm chân mày tại các bệnh viện thẩm mỹ ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra thêm một trường hợp ngừng tim sau vài phút tiêm thuốc tiền mê, may mắn được cấp cứu kịp thời.

Tại Hà Nội, chiều 27/12, một nam trung niên tử vong khi đi hút mỡ bụng tại cơ sở thẩm mỹ viện tư nhân.

Trước tình trạng nhiều vụ tai biến phẫu thuật thẩm mỹ liên tiếp xảy ra, các cơ quan ban ngành tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động dịch vụ thẩm mỹ, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bê bối cắt đôi test xét nghiệm HIV tại BV Xanh Pôn

Sự việc này gây xôn xao dư luận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). 3 cán bộ y tế bị đình chỉ, Bệnh viện lên tiếng xin lỗi vì để xảy ra sai sót này. Thanh tra Sở Y tế vào cuộc, Bộ Y tế cũng ra văn bản chấn chỉnh hoạt động xét nghiệm.

Mọi việc bắt đầu từ phóng sự điều tra của VTV24 về việc hàng ngàn que thử HIV, Viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội bị cắt đôi trước khi được xét nghiệm. Ngoài ra, hàng trăm bệnh nhân bị trộn chung mẫu máu trong quy trình xét nghiệm HIV bán tự động cũng rất nguy hiểm. Thay vì mỗi mẫu máu được xét nghiệm riêng biệt, kỹ thuật viên khoa Vi sinh (Bệnh viện Xanh Pôn) đã trộn 4 mẫu máu trong một giếng chứa hóa chất.

Sự việc khiến nhiều người dân thậm giới bác sĩ không khỏi sửng sốt. Theo giới chuyên môn, cách xét nghiệm này có thể bỏ sót nhiều trường hợp đã mắc bệnh trong khi kết quả trả lại là âm tính.

Bệnh viện Xanh Pôn đã họp khẩn, đình chỉ 3 cán bộ liên quan. Giám đốc Bệnh viện lý giải việc cắt đôi test này chỉ là “thử nghiệm” và chỉ có khoảng 40 test. Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra làm rõ sự việc trên.

Cảm động rơi nước mắt hành trình người mẹ ung thư giai đoạn cuối sinh con

Khoảnh khắc người mẹ với cái đầu trọc, yếu ớt trong tư thế mổ đẻ ngồi hẳn ám ảnh nhiều người bởi tình mẫu tử vượt qua cả nỗi sợ hãi về cái chết, để chị Nguyễn Thị Liên sinh được cậu con trai Bình An.

Ca mổ chiều 22/5/2019 là ca mổ đặc biệt nhất tại BV K trong năm. Các bác sĩ không mổ điều trị cho một ca ung thư, mà mổ lấy thai cho sản phụ 28 tuổi bị ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn.

Ở tư thế mổ ngồi trên bàn mổ, sản phụ đầu trọc lóc, thở oxy vẫn cố thều thào hỏi bác sĩ, “Con em có khỏe mạnh không”? “Con em được bao nhiêu cân”? Sau ca mổ, những bước chân rầm rập của ekip mổ chạy dọc hành lang dài đưa em bé sinh non 31 tuần tuổi lên xe cấp cứu đưa thẳng đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, còn người mẹ bước vào giai đoạn hồi sức đặc biệt vì đã ung thư vú giai đoạn cuối.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ đây là ca mổ đẻ đặc biệt nhất ông từng thực hiện. Sản phụ thay vì nằm mổ thì phải duy trì tư thế "nửa nằm nửa ngồi" vì tình trạng bệnh diễn biến nặng.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, sản phụ Liên được phát hiện ung thư vú khi đang mang thai được 4 tháng. Khi bác sĩ phân tích nếu giữ thai nguy cơ cho cả mẹ, cả con, nhưng cả hai vợ chồng đều quyết giữ con. "Cô ấy khao khát giữ con, cố gắng cầm cự để giữ con được thêm ngày nào hay ngày đó", chồng bệnh nhân chia sẻ.

Hai mẹ con chị Liên đã trải qua những giây phút sinh – tử, hai mẹ con nằm hai viện, con được điều trị tại BV Phụ sản Trung ương, mẹ chiến đấu với bệnh trọng tại BV K với nhiều lần chết đi sống lại.

Nhưng nhờ nghị lực của người bệnh, nỗ lực hết mình của các y, bác sĩ, tháng 7/1019 mẹ con Bình An được xuất viện về nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình cũng như các y bác sĩ. Bình An đang lớn lên từng ngày, chị Liên cũng đỏ da thắm thịt nhờ kiểm soát tốt căn bệnh ung thư.

Một năm thành công với kỷ lục hiến - ghép tạng

Năm 2019 ghi dấu ấn bởi những câu chuyện cho đi là còn mãi. Mỗi một trường hợp hiến tạng sau khi chết não với những câu chuyện nhân văn sau đó khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt. Nhiều người ngày càng có cái nhìn cởi mở hơn về hiến tạng, sẵn sàng đăng kí hiến tạng sau khi qua đời.

Từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, từ nguồn tạng hiến được tiếp nhận từ 2 trường hợp chết não sau tai nạn, đều là những người còn rất trẻ ở Hải Dương, Thanh Hóa, các chuyên gia của bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công 15 ca ghép tạng chỉ trong vòng 1 tuần.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV, nguồn tạng hiến từ người cho chết não luôn rất quý báu để cứu sinh mạng những người bệnh khác.

Các bác sĩ mong muốn sẽ có thêm nhiều người dân, xã hội biết nhiều hơn đến những trường hợp với nghĩa cử cao đẹp đã hiến tạng để cứu sống những người bệnh khác. Vì “Cứu một người còn hơn xây 9 tòa tháp”, nếu không may mất đi, trái tim, lá gan, thận của mình để lại sẽ mang lại cuộc sống cho những người bệnh khác. Tại Việt Nam, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới.

Hạo Nhiên (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongvietnam.vn/nhung-su-kien-y-te-noi-bat-nhat-nam-2019-81614-9.html