Những sự thật thú vị về giun nhung

Giun nhung là sinh vật bí ẩn với cấu tạo đặc biệt, tổ chức bầy đàn đáng kinh ngạc và hành vi sinh sản kỳ lạ, sinh sống ở vùng nhiệt đới thuộc bán cầu nam. Khác với cái tên vô hại của nó, giun nhung chính là cơn ác mộng đối với nhiều động vật.

1. Kẻ săn mồi bằng vũ khí hóa học

Giun nhung có cách săn mồi cổ điển giống như những cảnh vẫn xuất hiện trong phim viễn tưởng. Bên trong cơ thể chúng có hai tuyến dịch chiếm khoảng 10% trọng lượng cơ thể. Khi cơ co thắt, dịch nhờn sẽ phụt ra qua lỗ nhỏ ở hai chân trước. Chúng có thể phóng dịch tới vị trí cách mình 30 cm, khống chế con mồi. Đây là cách săn mồi rất hiệu quả bởi sau khi rời khỏi cơ thể giun, dịch nhầy nhanh chóng khô và co lại, đồng thời độ kết dính cũng giảm khiến con mồi không thể di chuyển.

2. Chân không có khớp

Giun nhung. Ảnh: Listverse

Giun nhung là một loài hết sức kỳ lạ. Từng bộ phận trên cơ thể chúng dường như được sinh ra để thích nghi với môi trường sống. Chúng có hai hàng chân giống với loài rết, nhưng nếu kiểm tra kỹ hơn thì thấy chân chúng không có khớp, cấu tạo đơn giản, chứa đầy dịch lỏng kiểm soát bởi nguyên lý thủy tĩnh, có thể uốn cong và nén theo nhiều hướng giúp cơ thể di chuyển linh hoạt trên các loại địa hình. Bên cạnh đó, mỗi chân đều hơi lõm và có gai nhọn, cho phép chúng bám chặt trên bề mặt.

3. Răng nanh bén nhọn

Răng nanh cứng và sắc. Ảnh: Listverse

Giun nhung xé thức ăn bằng những chiếc răng nanh cong và nhọn hình thành từ chất chitin cùng thành phần sinh hóa như phenol và chinon. Ngoại trừ chiếc răng ngoài cùng, các răng nanh bên trong đều có nhiều răng cưa, giúp chúng dễ dàng chinh phục và xử lý con mồi hiệu quả. Giấu vũ khí bí mật này trong phần miệng mềm, giun nhung có thể gây ra một vết thương khá đau cho những người bất cẩn khi động vào chúng.

4. Săn mồi theo nhóm

Hai con giun nhung phối hợp săn mồi. Ảnh: Listverse

Giun nhung sống theo đàn với một tổ chức xã hội và hệ thống phân cấp nhóm phức tạp, đứng đầu là một con cái và kết hợp với nhau để săn mồi. Sau khi kết thúc chuyến săn, những con to khỏe trong đàn sẽ độc chiếm con mồi đến khi chúng ăn no, sau đó mới đến lượt những con khác. Đây là một đặc điểm hiếm xảy ra ở động vật thân đốt. Khi tiến hành thí nhiệm với một đàn giun nhung gồm 15 con, các nhà khoa học còn phát hiện, chúng có một số cách tổ chức bầy đàn rất giống với con người.

5. Râu “ăng ten” nhạy bén

Giun nhung thực sự là một kẻ săn mồi nguy hiểm với hai chiếc râu trên đầu giúp chúng phát hiện con mồi cũng như đánh giá kích thước, giá trị dinh dưỡng và nguy hiểm tiềm ẩn. Sau khi xác định con mồi, giun nhung sẽ dùng dịch nhầy để cố định. Tuy nhiên, để sản sinh ra dịch nhầy, nó cần một khoảng thời gian nhất định, vậy nên chúng phải xem xét kỹ lưỡng trước khi bắt mồi.

6. Hình thức sinh sản kỳ lạ

Ảnh: Listverse

Không chỉ đặc biệt về cách săn mồi, loài vật này có phương thức sinh sản cũng hết sức kỳ quái. Thay vì thụ tinh, con đực gửi gói tinh trùng trên da của con cái, con cái sẽ sản sinh ra một loại enzim hòa tan cả gói tinh trùng và da của mình, sau đó hấp thụ tinh trùng qua vết thương qua đường máu. Một số tinh trùng đi thẳng vào túi chứa, số khác đến đích theo nhiều đường khác nhau. Một chuyên gia nghiên cứu về giun nhung thuộc Đại học Macquarie đã phát hiện ra rằng, nhiều con đực còn có cơ quan sinh sản trên đầu có thể tương thích với bộ phận sinh dục của con cái. Bên cạnh đó, một con cái có thể sinh sản theo cả 2 phương thức giao phối và hấp thụ tinh trùng qua da.

7. Hóa thạch sống

Ảnh: Listverse

Với hơn 110 loài, cấu tạo cơ thể đặc biệt và lịch sử tiến hóa dài hàng trăm triệu năm, giun nhung trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Mặc dù loài giun nhung hiện đại sống trên cạn nhưng giới chuyên môn nhận định, tổ tiên của loài này có liên quan đến những sinh vật sống dưới nước, một số hóa thạch của chúng có độ tuổi ước tính khoảng 300-500 triệu năm.

Giới khoa học tin rằng, giun nhung là điểm kết nối trong lịch sử tiến hóa của nhiều loài giun và động vật thân đốt. Dù chưa có kết luận chính xác nhưng dường như giun nhung có quan hệ gần với động vật thân đốt hơn là loài giun.

8. Enzim tiêu hóa

Quá trình tiêu hóa của giun nhung là một quy trình lý hóa phức tạp và khó quan sát. Sau khi tấn công con mồi bằng dịch nhầy, chúng sử dụng răng để xé thức ăn trước khi tiết một loại enzym vào đó qua lỗ xé. Khi con mồi hóa lỏng, con giun sẽ từ từ hưởng thụ bữa ăn.

9. Da không thấm nước

Da giun nhung mềm mại và không thấm nước. Ảnh: Listverse

Đúng với cái tên của chúng, giun nhung có một lớp da mềm như nhung và kỵ nước giúp chúng tồn tại trong môi trường ẩm ướt. Loài sinh vật kỳ lạ này hô hấp qua lỗ khí quản trên da. Những lỗ khí này không bao giờ đóng khiến cơ thể bị khô, do đó, chúng phải sống trong môi trường có độ ẩm cao. Để tránh hiện tượng thừa nước, giun nhung phát triển một lớp vẩy rất nhỏ trên da giúp cản nước dư thừa.

10. Hệ tuần hoàn khác biệt

Ở người và nhiều loài động vật, chức năng chính của tuần hoàn máu là phân phối oxy đến các cơ quan, mô và tế bào. Tuy nhiên, ở giun nhung, hệ thống tuần hoàn lại không giống như thế. Vì không có động mạch và tĩnh mạch nên máu sẽ nằm trong một khoang chứa bao quanh cơ quan nội tạng, cung cấp chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải nhờ một quả tim hình ống. Đặc biệt, oxy không tới các tế bào theo đường máu mà theo hệ thống phân phối trực tiếp qua lỗ thở nối với ống khí..

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Thế giới

Vũ Ánh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nhung-su-that-thu-vi-ve-giun-nhung-mung-1-tet-d39364.html