Những suất ăn nghĩa tình

Gần 23 năm qua, ở TP Đà Nẵng, mô hình "nồi cháo tình thương, nồi cơm tình nghĩa" đã phát triển thành phong trào rộng khắp, lan tỏa thông điệp đầy ắp sự sẻ chia và tình yêu thương. Đây là phong trào thể hiện sâu sắc đạo lý thương người như thể thương thân của dân tộc và cũng là nét đẹp văn hóa rất riêng của người Đà Nẵng. Bằng tấm lòng thiện nguyện, thông qua chương trình "nồi cháo tình thương, nồi cơm tình nghĩa" của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em (TT&BVQTE) TP Đà Nẵng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đồng bào theo đạo, các chị em tiểu thương ở các chợ trên địa bàn thành phố tự nguyện thành lập các Chi hội nồi cháo trực thuộc Thành hội. Phong trào lan tỏa khắp các bệnh viện, Trung tâm bảo trợ xã hội trong và ngoài TP Đà Nẵng với những bát cháo, hộp cơm, ổ bánh mì, hộp sữa, tô mì Quảng... cho các bệnh nhân nghèo, những mảnh đời bất hạnh có được những bữa ăn ấm lòng trong hoàn cảnh hết sức chật vật do ốm đau, bệnh tật, thiếu thốn. Nhiều gia đình nghèo khó, bệnh tật kéo dài, bất đắt dĩ phải ở trong bệnh viện lâu ngày, các khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày phải hạn chế tối đa , thậm chí bữa trưa, bữa tối chỉ mua ổ bánh mì ăn cho qua cơn đói, vì họ cần tiết kiệm hết sức để trang trải viện phí cho người thân. Vì vậy, với những bệnh nhân nghèo, những bát cháo, hộp cơm bình thường đã trở thành cứu cánh cho họ đi qua chặng đường khó khăn.

Các bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đón nhận các suất ăn từ thiện.

Các bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đón nhận các suất ăn từ thiện.

Ai một lần đến thăm các Khoa Ung bướu, Thần kinh, chạy thận nhân tạo... ở Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, sẽ cảm nhận và thấm thía nỗi đau, sự cơ cực của bệnh nhân và người nhà của họ khi đang cận kề giữa cái sống và chết. Hình ảnh những đứa trẻ còn quá ngây thơ lại mang trong mình căn bệnh vô phương cứu chữa, đang thoi thóp trong cơn đau bệnh tật, vật lộn với đớn đau để giành giật sự sống cho mình dù rất mong manh, chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh ấy không ai không rơi lệ. Chính điều đó đã thôi thúc các Mạnh Thường Quân, những tấm lòng nhân ái mở rộng vòng tay, chia sẻ những suất ăn ấm lòng để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo vượt qua khó khăn. Chú Trần Hữu Phúc (trú Quế Sơn, Quảng Nam), bị bệnh thận điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng hơn 10 năm nay, chia sẻ: "Tôi bị bệnh thận, phải điều trị tại bệnh viện rất lâu, gia đình tôi khó khăn và ở xa nên chi phí vô cùng chật vật. Những bát cháo, hộp cơm, bịch sữa tình thương đối với những trường hợp như tôi là vô cùng quý giá. Được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để có cơ hội vượt qua bệnh tật, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến quý Mạnh Thường quân...".

"Của cho không bằng cách cho", đối với những tấm lòng thiện nguyện, niềm vui và hạnh phúc chính là sự sẻ chia. Anh Phạm Phú Tiến, phụ trách "nồi cơm từ thiện 98 Lê Độ" (P.Chính Gián, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tâm sự: "Cơ duyên đưa đẩy tôi đến với những bệnh nhân nghèo khi con gái tôi bị đau nằm bệnh viện, những ngày chăm con ốm tôi thấy cứ đến giờ ăn trưa hay tối thì người nhà bệnh nhân kéo nhau chạy, tới lúc về thở hổn hển bảo, đã cố chạy thật nhanh cho kịp nhưng vẫn không xin được cơm vì người bệnh xin cơm từ thiện đông quá. Thấy vậy, tôi về bàn với vợ nấu cơm thiện nguyện để giúp đỡ bệnh nhân và người nhà của họ. Ban đầu vợ chồng tôi nấu được mỗi ngày tầm 100 suất cơm, dần dần được sự hỗ trợ của các anh chị em trong gia đình, số lượng cơm tăng lên khoảng 2.000 suất mỗi tuần. Từ nấu cơm giúp đỡ bệnh nhân nghèo rồi lan ra dần nấu cơm giúp đỡ những người lao động nghèo... Chúng tôi luôn đặt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu, thực phẩm phải tự tay chọn mua tôi mới an tâm. Bếp ăn đã hoạt động được 9 năm, mỗi suất ăn trao đi đều gửi gắm tình thương và sự sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh...". Phong trào "nồi cháo tình thương, nồi cơm tình nghĩa" tại TP Đà Nẵng ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, thực phẩm đa dạng và lan tỏa ở tất cả các bênh viện trong thành phố, ngoài ra còn tham gia từ thiện ở các bệnh viện tại các tỉnh lân cận, không chỉ là cháo, cơm, mà còn có cả mỳ, bún, phở, bánh mỳ, sữa... và tăng dần theo từng giai đoạn, từ 51 nồi của giai đoạn 2005-2010 tăng lên 93 nồi giai đoạn 2015-2017.

Ban Giám đốc của các bệnh viện cũng đã hỗ trợ, bố trí địa điểm, tổ chức phát phiếu cấp phát cơm, cháo cho bệnh nhân và người nhà, giúp chương trình "nồi cháo tình thương, nồi cơm tình nghĩa" đi vào nề nếp, đảm bảo mỹ quan, trật tự và an toàn thực phẩm nơi cấp phát. Không quản ngại mưa, nắng, gió bão, gần 2 ngàn tấm lòng thiện nguyện hàng ngày từ sớm tinh mơ đã có mặt ở hầu hết các bệnh viện để kịp trao cho bệnh nhân những bát cháo nóng, thiết thực giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. Dần trở thành thói quen, cứ tầm giờ ăn trong ngày, người nhà bệnh nhân đã có mặt đúng địa điểm bố trí của bệnh viện để nhận những suất ăn nóng hổi. Chúng tôi thật sự thán phục CLB Nhân Ái, Q.Liên Chiểu, mọi người trong nhóm đã góp công, góp của cùng nhau nấu cháo phát cho bệnh nhân ở Bệnh viện Lao Đà Nẵng. Cứ đến 3 giờ sáng là các cô, các chị đã nhóm bếp nấu cháo, đến 5 giờ 30 phút chở cháo vào bệnh viện phát cho bệnh nhân đều đặn 100 bát cháo mỗi ngày mà không ngại bị lây bệnh. Tiếng lành đồn xa, dần dần được nhiều nhà hảo tâm biết đến và ủng hộ... Hay như "Bếp ăn từ thiện" của Hội TT&BVQTE TP Đà Nẵng, tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, phục vụ miễn phí mỗi ngày 2 suất ăn cho 40 bệnh nhân nghèo đang điều trị ở đây. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo điều kiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh có được bữa cơm ấm lòng mỗi ngày trong thời gian dài nằm điều trị bệnh tại các bệnh viện...

Thanh Hoa

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/74_195850_.aspx