Những tai nạn tàu hỏa thảm khốc trên thế giới và số phận 'tư lệnh ngành'

Ấn Độ, Ai Cập là những quốc gia xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trong ngành đường sắt nhất trên thế giới, với hàng ngàn người thiệt mạng mỗi năm. Sau đó, các Bộ trưởng của họ đều tự đưa ra quyết định cho số phận của mình.

Ấn Độ: Bộ trưởng Đường sắt từ chức vì tai nạn đường sắt

Tại Ấn Độ, đường sắt là phương thức giao thông phổ biến nhất, phần lớn do công ty quốc doanh Indian Railways vận hành. Tổng chiều dài đường sắt Ấn Độ lên tới 63.140km, vận chuyển hơn 5 tỷ lượt khách cùng 350 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Do đó, đây là một trong những mạng lưới đường sắt bận rộn nhất trên thế giới.

Đường sắt Ấn Độ là một trong những mạng lưới giao thông bận rộn nhất thế giới.

Đường sắt Ấn Độ là một trong những mạng lưới giao thông bận rộn nhất thế giới.

Đi cùng những con số “khủng” trên là những vụ tai nạn thương tâm liên quan tới ngành đường sắt nước này.

Trung bình mỗi năm có khoảng 27,5 nghìn người thiệt mạng ở Ấn Độ liên quan tới đường sắt. Nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng kém chất lượng (nứt đường ray, hiện tượng mất kẹp, thanh nối ray), cùng với đó là do ý thức hành khách.

Hồi năm ngoái, vào ngày 23/8, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã diễn ra tại bang Uttar Pradesh của Ấn Độ khiến hơn 70 người bị thương. Trước đó 4 ngày, một vụ việc khác cũng xảy ra tại bang này khiến một đoàn tàu cao tốc trật đường ray lao vào khu dân cư khiến 23 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương.

Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại bang Uttar Pradesh.

Đây chỉ là hai trong số những vụ tai nạn cực nghiêm trọng xảy ra đối với ngành đường sắt Ấn Độ trong thời gian vừa qua. Sau những vụ việc này, hai lãnh đạo ngành đường sắt Ấn Độ là Bộ trưởng đường sắt Suresh Prabhu và Chủ tịch Ban đường sắt AK Mittal đã đồng loạt từ chức.

“Tôi rất đau lòng trước các vụ tai nạn không may cùng với những thương tổn của hành khách và sự mất mát những sinh mạng quý giá. Điều đó khiến tôi đau đớn vô cùng. Tôi đã gặp Thủ tướng Narendra Modi để nhận hoàn toàn trách nhiệm” – ông Prabhu cho hay.

Trước tình trạng tai nạn đường sắt ở mức đáng báo động, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã đưa ra nhiều chính sách cải thiện chất lượng và hạ tầng ở cả đường sắt và nhà ga. Chính phủ ông Modi công bố nhiệm vụ “không tai nạn” để giảm thiểu tối đa số vụ tai nạn nhất có thể từ năm 2015 và tiếp tục duy trì mục tiêu này trong năm 2018.

Để cải thiện đường ray, các hệ thống đường sắt đang dần được thay thế bằng các đường ray mới. Trong trường hợp, có đoạn đường ray nào chưa được làm mới đúng hạn vì nhiều lý do như hết kinh phí, thiếu vật liệu… cơ quan chức năng sẽ kịp thời áp các hạn chế tốc độ phù hợp để đảm bảo an toàn cho tàu chạy trên đoạn đường này.

Trong ngân sách 2017-2018, Chính phủ phê duyệt một quỹ đặc biệt được gọi là "Rashtriya Rail Sanraksha Kosh" (RRSK) trị giá 15 tỉ USD trong vòng 5 năm để tăng cường các công việc liên quan tới an toàn trong ngành Đường sắt, qua đó giúp cải thiện an toàn đường ray, phát triển các công nghệ an toàn khác và đào tạo nhân sự.

Chính phủ Ấn Độ khá tự tin nhiệm vụ “không tai nạn đường sắt” sẽ thành hiện thực bởi theo số liệu thống kê, trong 3 năm vừa qua, số vụ tai nạn đường sắt Ấn Độ đã giảm từ 135 vụ trong giai đoạn từ 2014-2015 xuống 107 vụ trong giai đoạn từ 2015-2016 và tiếp tục giảm 3 vụ trong năm 2016-2017.

Mặc dù số vụ tai nạn vẫn còn cao nhưng cũng thể hiện tín hiệu tích cực về kéo giảm tai nạn đường sắt.

Ai Cập: Từ chức và những bản án

Ai Cập cũng là một quốc gia chứng kiến nhiều vụ tai nạn liên quan tới ngành đường sắt. Mới đây nhất, vào ngày 28/2 vừa qua, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra khi chiếc tàu chở khách va chạm với một đoàn tàu chở hàng gần làng Abou-Khawi của tỉnh Beheira, Ai Cập.

Vụ việc khiến ít nhất 16 người đã thiệt mạng và 40 người khác bị thương.

Vụ tai nạn đường sắt ở tỉnh Beheira, Ai Cập.

Trước đó, hồi tháng 8/2017, tại Alexandria, một vụ tai nạn kinh hoàng cũng đã xảy ra khiến 41 người thiệt mạng và 179 người bị thương. Sau vụ việc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ai Cập Hisham Arafat đã xin từ chức.

Nhiều người dân Ai Cập cho rằng việc từ chức của vị Bộ trưởng này là cần thiết, bởi trong nhiều năm qua, hệ thống đường sắt nước này không được bảo dưỡng và nâng cấp, cũng như công tác quản lý của nhân viên ngành này là yếu kém.

Những điều tra ban đầu từ xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy hai lái tàu và phụ lái có sử dụng ma túy.

Sau đó, tòa án ở tỉnh Alexandria đã tuyên phạt tổng cộng 5 nhân viên phục vụ trên tàu với các mức án tù khác nhau. Năm người này, gồm 2 lái tàu, 1 phụ lái, 1 người điều vận và 1 trưởng ga, bị kết án từ 15, 18 và 20 năm tù giam về tội sơ suất và ngộ sát, còn người soát vé được tha bổng.

Trong vài năm qua, các vụ tai nạn tàu hỏa đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương tại Ai Cập. Vụ tai nạn tồi tệ nhất xảy ra vào năm 2002 khi hỏa hoạn trên một con tàu xuất phát từ vùng Thượng Ai Cập đã khiến 350 hành khách thiệt mạng.

Hồi tháng 11/2012, một đoàn tàu đã tông vào một chiếc xe buýt chở học sinh tại đường giao cắt ở tỉnh Assiut, vùng Thượng Ai Cập, cướp đi sinh mạng của trên 50 học sinh.

Đầu tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Ai Cập Hesham Arafat thông báo nước này đang triển khai dự án nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống đường sắt cũ kỹ với vốn đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD, dự kiến hoàn tất vào năm 2022.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nhung-tai-nan-tau-hoa-tham-khoc-va-so-phan-tu-lenh-nganh-a371562.html