Những tấm gương tự học và đọc sách

Đúng vào ngày 02/02/2020, trong không khí náo nức cả nước mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi nhận được cuốn sách mới in, quà Tết của nữ Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà: Những tấm gương đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh (in lần thứ ba có chỉnh lý, bổ sung, NXB Lao Động, tháng 12/2019).

Tấm gương tiêu biểu hơn cả không thể ai khác là Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Cuốn sách dày 230 khổ vừa, in trên giấy đẹp, nội dung gồm hai phần.

Phần I: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sách báo và đọc sách báo, chiếm gần một nửa số trang, nghiên cứu công phu tấm gương của Bác Hồ trong lĩnh vực này, và hiệu quả của việc đọc sách báo và tự học đối với sự nghiệp Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định tại Lời giới thiệu in đầu cuốn sách: “Hiếu học và ham đọc sách là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay truyền thống tốt đẹp đó đã góp phần hình thành trí tuệ, tâm hồn, nhân cách và phong thái của con người Việt Nam… Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp đó”.

Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà giới thiệu và phân tích sâu 12 vấn đề cụ thể trong sự tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa nói trên của Hồ Chí Minh, mở đầu bằng “Sách báo – Người bạn đường tri kỷ của Hồ Chủ tịch, Quan điểm của Hồ Chủ tịch về vai trò, tác dụng của sách báo” đến “Bác Hồ với việc học viết báo, Bác Hồ với việc tự học ngoại ngữ…” - một bức tranh toàn cánh bổ ích đối với những ai tự nguyện hiến dâng cuộc đời của mình cho sự nghiệp cao quý làm báo, viết văn.

Vũ Dương Thúy Ngà quả quyết: “Trong vô vàn những di sản Bác Hồ để lại cho đời sau, chúng ta không thể không kể đến khoảng hai nghìn bài báo được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau… Bác Hồ thấy rõ vai trò của báo chí và Bác luôn sử dụng nó như một vũ khí sắc bén. Hồ Chủ tịch đã có công lao đóng góp to lớn sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam”.

Hồ Chủ tịch là tấm gương tự học ít ai sánh bằng. Tại bài nói trước Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1/9/1961, Người tâm sự: “Về văn hóa rôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông, 17 tuổi tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu”. Vậy mà mấy chục năm sau, khi Người dã đi xa, nhà nghiên cứu Vassiliev trân trọng khẳng định: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời” (Sách Về cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học xã hội, 1990).

Qua những mẩu chuyện cụ thể, trích dẫn từ nhiều nguồn, tác giả cuốn sách làm người đọc thích thú, say mê theo dõi, từ đó tiếp thu được nhiều điều bổ ích qua một chủ đề thoạt nghe tưởng là kinh điển, e khó tránh khỏi khô khan, nhưng thực tế lại gồm những câu chuyện đời thường cuốn hút, ai xong cuốn sách đều có thể gật gù tự mình nhắn nhủ với mình: “Chỉ cần có quyết tâm cao, rồi đây ta cũng có thể tự học được nhiều điều bổ ích, noi gương Bác Hồ kính yêu đã làm trong suốt cuộc đời cách mạng lắm gian truân của Bác”.

Phần II cuốn sách: Một số tấm gương ham đọc sách và tự học của những người lỗi lạc trong thời đại Hồ Chí Minh, tác giả phác họa chân dung chín nhân vật, từ các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước ta như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến các nhà khoa học chuyên ngành toán, vật lý, công nghệ, y khoa, nông nghiệp, văn hóa lỗi lạc đã có nhiều cống hiến cho dân tộc: Tạ Quang Bửu, một thiên huyền thoại của về tự học và ham đọc sách (đầu đề của tác giả cuốn sách) - người con Xứ Nghệ địa linh nhân kiệt; Tấm gương hiếu học, yêu đọc sách của ông vua vũ khí Trần Đại Nghĩa - người quê tỉnh Vĩnh Long; Nhà bác học không ngừng học Lương Định Của - tỉnh Sóc Trang; Cánh chim Tinh Vệ trước bể học không cùng - nhà văn hóa Đào Duy Anh người gốc Xứ Thanh; Đường vào khoa học và đường đến thành công của Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng - xuất thân Hoàng tộc; Con đường dẫn đến thành công của nhà toán học Hoàng Tụy - người con Đất Quảng; Việc đọc và tự học trong cuộc đời làm báo, viết văn của Phan Quang, đứa con của Quảng Trị kiên cường.

Một người một ngành, mỗi người mỗi vẻ, con đường đi đến thành công chẳng ai giống ai, cống hiến lớn nhỏ có khác biệt nhưng chung quy có điểm tương đồng là: muốn đi đến thành công không nên quá tự tin vào cái vốn tri thức tiếp nhận được tại học đường, cho dù cái vốn ấy dày hay mỏng, được đào tạo bài bản hay thô sơ, mà còn cần một nghị lực không ngừng vươn lên nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình vì lợi ích của nhân dân, qua đó cống hiến được ít nhiều việc có ích cho nước cho dân.

Tác giả Vũ Dương Thúy Ngà không bằng lòng với công phu tra cứu, tìm tư liệu qua sách báo, đặc biệt qua các công trình, sáng tạo của những người trong cuộc, mà còn cố gắng tiếp cận nhân vật hoặc người thân của họ (trong trường hợp vị ấy không còn tại thể) để nghe tự tai, tận mắt thấy rồi thuật lại với độc giả nhiều chi tiết sinh động ít người biết. Như trường hợp Giáo sư Tạ Quang Bửu chẳng hạn, tác giả nhắc lại lời Giáo sư Lê Văn Thiêm, ông cũng là một nhà khoa học hàng đầu nước Việt Nam đương đại: “…Năm 1951 đến thăm anh Tạ Quang Bửu tại một ngôi nhà lá giữa rừng Tuyên Quang, tôi kinh ngạc và rất thú vị khi thấy, tuy chìm ngập trong công việc, anh vẫn dành thời gian đọc các sách báo toán nổi tiếng qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức…”.

Giáo sư Nguyễn Văn Đạo cho biết: “Tốc độ đọc sách của Giáo sư Tạ Quang Bửu ít có người vượt qua, đặc biệt trong toán học, vật lý và các khoa học về quản lý”. Bà Hoàng Kim Oanh góa phụ của Giáo sư Tạ Quang Bửu: “Lúc nào ông ấy cũng đọc sách. Phòng làm việc của ông rộng 40m2, ông cho bày ra mười bốn cái giá sách (để thuận tay khi cần tìm đọc), sau khi ông ấy mất tôi dồn lại còn sáu giá kia”.

Tác giả kể lại kỷ niệm bà gặp Giáo sư Hoàng Tụy lần cuối: “Tôi đến nhà Hoàng Tụy khi ông đang gấp rút hoàn thiện bản thảo cuốn Convex Analysis and Global Optimization (Giải tích lồi và tối ưu toàn cục) để nhà xuất bản Springer tái bản vào cuối năm 2015. Ông vẫn miệt mài trong thư viện tại gia. Tự tay ông vẫn viết và đánh máy vi tính. Trò chuyện với ông ba tiếng đồng hồ, nhìn đầu bạc trắng và thăm hai phòng thư viện với hàng ngàn tài liệu của ông, tôi hiểu thêm về nguồn cội sức mạnh nội tại nơi ông - một nhà khoa học đã gần 90 tuổi nhưng nhiệt huyết và khả năng sáng tạo vẫn tràn trề và tươi trẻ…”.

Không thể kể nhiều hơn nữa qua một bài điểm sách ngắn những mẩu chuyện quý hiếm và tình tiết xúc động đại thể như trên về các nhân vật trong sách, mỗi người một vẻ, một phong cách, và đều đi đến thành công theo con đường đã chọn, người điểm sách đành trích dẫn ý của tác giả Vũ Dương Thúy Ngà. Mong muốn của bà là cuốn “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” sẽ giúp bạn đọc, đặc biệt các cháu học sinh, sinh viên, ra sức học tập và làm theo những tấm gương ấy, nhằm cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc, góp phần đưa dân tộc ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như Bác Hồ hằng mong muốn khi Người còn tại thế.

Hoàng Xá

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/nhung-tam-guong-tu-hoc-va-doc-sach-n17578.html