Những tấm lòng bác ái

36 năm nay, các thành viên trong Ban Chung sự Hiếu đạo Giáo xứ chính tòa Phủ Cam (Tổng giáo phận Huế), vẫn âm thầm thực hiện những nghĩa cử cao đẹp tại khắp các ngõ ngách trên địa bàn TP Huế, để chia sẻ gánh nặng cho những gia đình gặp cảnh tang sầu tử biệt.

Chia sẻ với người nghèo khó

Trời mưa xối xả. Tin chị Lan qua đời khiến mọi người xót xa cảm thấy những giọt mưa như rơi chậm lại. Tin phát đi chưa chưa đầy 30 phút, một số các thành viên trong Ban tẩn liệm Chung sự Hiếu đạo Giáo xứ chính tòa Phủ Cam (Ban chung sự Hiếu đạo) đã có mặt đông đủ. Trong căn nhà tuềnh toàng nơi cuối con hẻm sâu hun hút của phường An Tây (TP Huế), dáng người chồng khắc khổ và đứa con trai độc nhất đang ngơ ngác bên thi hài chị Hồ Thị Lan.

Chị Lan mất tại bệnh viện, vừa được đưa về nhà. Vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi chị Lan trên đường đi phụ thợ may ở chợ Đông Ba trở về nhà. Oái oăm, thân nhân của chị Lan cũng như gia đình người gây tai nạn đều có kinh tế rất khó khăn. Anh em Ban chung sự Hiếu đạo người giúp dựng rạp đám, người đi mua nợ cỗ quan tài, đồ đạc khâm liệm, người lại đi kêu gọi bạn bè giúp đỡ về mặt tài chính để gia đình nạn nhân lo hậu sự cho người thân tươm tất theo đúng phong tục truyền thống…

Cảm động trước việc làm chân thành xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái của anh em Ban chung sự Hiếu đạo, cộng với những lời động viên chia sẻ của vị linh mục Chánh xứ chính tòa Phủ Cam mà gia đình chị Hồ Thị Lan đã có đơn bãi nại, gửi cơ quan chức năng về việc xin giảm, miễn hình phạt cho người gây tai nạn.

Ban chung sự Hiếu đạo phiên 7 chuẩn bị cho một lễ tang.

Ban chung sự Hiếu đạo phiên 7 chuẩn bị cho một lễ tang.

6 giờ 30 sáng 1-10, điện thoại của ông Phạm Văn Kết, Trưởng Ban chung sự Hiếu đạo nhận thông tin từ người thân vừa qua đời ở phường Phước Vĩnh, TP Huế muốn cậy nhờ Ban chung sự Hiếu đạo giúp đỡ. Ông Kết đồng ý và thông báo ngay cho phụ trách một phiên khác trong Ban tập hợp anh em giúp đỡ.

Được biết, Ban chung sự Hiếu đạo hiện có trên 400 thành viên, được chia làm 6 phiên, mỗi phiên có 60-70 người chuyên lo hậu sự cho người quá cố trong giáo xứ. Riêng phiên 7 có khoảng 64 người, là những thành viên của các phiên kia tình nguyện tham gia. Phiên 7 này chuyên lo việc phục vụ tống táng cho những gia đình lương dân hoặc cả những gia đình cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên-Huế. Có những gia đình lương dân cũng thấy được việc làm đầy tinh thần trách nhiệm và đầy nhiệt thành của Ban chung sự Hiếu đạo nên đã xin tham gia.

Ban chung sự Hiếu đạo phiên 7 đưa linh cữu ra nghĩa trang.

Bên cạnh đó, Ban chung sự Hiếu đạo Giáo xứ chính tòa Phủ Cam còn có những Tiểu ban Y tang do các Mẹ phụ trách, chuyên lo việc giặt giũ áo quần, giày dép và khâu vá. Tiểu ban che rạp do những anh em Hướng đạo sinh phụ trách, chuyên lo việc dựng rạp giúp tang gia lo tang sự khi trời mưa nắng. Tiểu ban kỹ thuật lo việc bảo quản dụng cụ và xe tang, máy móc và cả việc lái xe tang.

Hầu hết các thành viên đều là những lao động chính trong gia đình, họ làm những công việc nặng nhọc như xe thồ, kéo xe ba gác, làm thuê song họ vẫn thầm lặng sống và làm việc theo châm ngôn: “Biết khóc với người khóc, chia sẻ gánh nặng cho những gia đình gặp cảnh tang sầu tử biệt”.

Ban chung sự HIếu đạo không chỉ phục vụ cho các gia đình công giáo, mà cho cả gia đình lương giáo có hoàn cảnh khó khăn.

Lan tỏa yêu thương

Năm 1982, khi đất nước đang còn nhiều khó khăn, nền kinh tế đang dần được phục hồi sau nhiều năm chiến tranh liên miên. Những người dân nghèo phải lao đao vất vả hơn khi trong gia đình có người qua đời, họ phải tốn kém rất nhiều khoản chi như: âm công, quan tài, xe tang...

Cố linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính, Tổng đại diện Tổng Giáo phận Huế, Quản xứ Chính tòa Phủ Cam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ, đã nhận thấy được những khó khăn đó. Nghĩ là làm, linh mục Nguyễn Kim Bính đã cùng với Hội đồng Giáo xứ bàn bạc và quyết định thành lập Ban chung sự Hiếu đạo, chuyên lo việc khâm liệm và chôn cất người chết vô vị lợi, không nhận tiền công hay bất cứ một khoản bồi dưỡng nào, cho dù đó là những phần ăn sáng để lấy sức gánh đám.

Không những thế, Giáo xứ chính tòa Phủ Cam còn kêu gọi mỗi gia đình trong giáo xứ đóng góp 2.000 đồng khi có người chết, để giúp cho mỗi tang gia 2 triệu đồng. Vào thời điểm đó, số tiền ấy đủ để mua được quan tài, giải quyết khó khăn cho tang gia.

Ban giám khảo chấm điểm cho các thành viên mới tham gia Ban Chung sự Hiếu đạo tại buổi tập huấn.

Theo lời kể của cụ Mathêô Nguyễn Đình Lục, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Phủ Cam, cũng là người thuộc nhóm thành viên đầu tiên của Ban chung sự Hiếu đạo, mỗi khi có đám tang, thường từ 3 giờ sáng, anh em Chung sự viên đã gọi nhau dậy để đi phục vụ, mỗi người sử dụng một cây đuốc bằng lốp xe đạp cũ để soi đường. Có những đám tang nằm sâu trong các hẻm nhỏ, việc gánh quan tài gặp phải nhiều trở ngại.

Có những lúc phục vụ những đám tang vừa phải đi xa, đường đi lại rất khó, thế nhưng anh em Chung sự đều vượt qua rất dễ dàng không một lời than trách trước sự khâm phục và đầy tình cảm của những tang gia. Nhất là những lúc trời mưa bão, đường sá trơn trượt, lại phải leo dốc. Mọi người đều vui vẻ động viên nhau. Tất cả mọi việc phục vụ vất vả như vậy nhưng không bao giờ màng đến tiền công hay bồi dưỡng, mà chỉ biết rằng mình đã giúp được một gia đình gặp cảnh tang sầu tử biệt…

Linh mục Nguyễn Văn Tuyến (áo đen ngồi giữa) cùng các Chung sự viên phiên 6 thuộc Ban Chung sự Hiếu đạo tập huấn cho các thành viên mới thao tác cần thiết trong việc phục vụ đám tang.

Hiện Ban chung sự Hiếu đạo thiết kế một chiếc xe đẩy để di chuyển quan tài qua những con đường hẹp. Dần dần, thấy việc làm của Ban chung sự có nhiều ý nghĩa, giúp đỡ được tất cả mọi gia đình nghèo khổ mà hầu như không có gia đình nào có thể tránh được một vài lần trong đời, thế là ngày càng có nhiều người tham gia.

Vào ngày Chủ nhật đầu tháng 11 hàng năm, tháng Giáo hội Công giáo dành đặc biệt cho việc cầu nguyện những người đã khuất, Ban chung sự Hiếu đạo lại long trọng cử hành lễ Bổn mạng và tập huấn cho các thành viên mới các thao tác cần thiết trong việc phục vụ tang đám.

Dịp này, các Chung sự viên của 7 phiên cùng nhau ngồi lại gặp mặt, tổng kết một năm hoạt động của phiên mình, cùng nhau đánh giá công tác gánh đám, nhất là thẳng thắn nêu lên những thiếu sót để tìm cách khắc phục sửa chữa trong năm tới và củng cố tinh thần phục vụ.

Năm 2012, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Ban chung sự Hiếu đạo, một ân nhân tại Huế đã dâng cúng cho Ban chung sự Hiếu đạo Giáo xứ chính tòa Phủ Cam một chiếc xe tải mới để thiết kế phù hợp thành chiếc xe tang. Nhờ có chiếc xe này mà một số gia đình nghèo đỡ phải lo lắng việc thuê xe tang.

Đặc biệt dịp lễ bổn mạng 2018, một ân nhân không cùng tôn giáo mãi tận TPHCM hay tin đã lập tức trao tặng Ban chung sự Hiếu đạo giáo xứ chính tòa Phủ Cam 401 đôi giày để các thành viên trong ban vững vàng đi trên con đường chia sẻ gánh nặng với những gia đình gặp cảnh tang gia.

Linh mục An tôn Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ: “Tuy hoàn cảnh cuộc sống đồng bào công giáo ở Giáo xứ chính tòa Phủ Cam còn nhiều khó khăn, song tất cả mọi người đều nỗ lực sống đạo giữa đời. Công việc phục vụ thiện nguyện của anh em Chung sự hiếu đạo Giáo xứ Phủ Cam cũng chỉ ước mong được sẻ chia phần nào nỗi khổ của bà con lương giáo bạn nhằm xây dựng tình đoàn kết tốt đời, đẹp đạo trên đất Huế còn nghèo của quê hương Việt Nam thân yêu”.

VĂN THẮNG

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/nhung-tam-long-bac-ai-63277.html