Những tấm lòng son sắt

Trong không khí thấm đẫm tri ân hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, chúng tôi vô cùng xúc động khi được CBCS Biên phòng Quảng Trị kể về tấm gương anh dũng của liệt sĩ Hồ Sỹ Cước, Chuẩn úy CAND vũ trang Quảng Trị đã hy sinh bên bờ bắc sông giới tuyến - Bến Hải vào năm 1967. Đặc biệt gắn với mất mát đau thương ấy là câu chuyện son sắt của người vợ thủy chung, kiên cường mà đến khi được gặp, chứng kiến những giọt nhớ thương vẫn lưng tròng mắt mẹ, chúng tôi càng thấm thía bao nhiêu niềm thiêng liêng hòa bình, hạnh phúc đang có.

Mẹ Phùng Thị Huê rưng rưng khi nhắc đến người chồng đã hy sinh trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.

Mẹ Phùng Thị Huê rưng rưng khi nhắc đến người chồng đã hy sinh trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.

Mẹ Phùng Thị Huê (vợ liệt sĩ Hồ Sỹ Cước), hiện đang sống tại TT Hồ Xá, H.Vĩnh Linh nay đã ở gần tuổi 80. Thế nhưng, hỏi mẹ về năm tháng tham gia chiến đấu bên bờ sông giới tuyến những năm kháng chiến chống Mỹ, mẹ vẫn nhớ như in. Mẹ sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Giang, gần cuối dòng sông Bến Hải, trở thành du kích chiến đấu tại quê nhà. Cũng chính tại đây, mẹ đã gặp chuẩn úy Hồ Sỹ Cước, trinh sát CAND vũ trang anh dũng kiên cường. Cùng chung lý tưởng và cảm phục nhau, người lính quê hương bên bờ sông Hiếu (nay là P.Đông Thanh, TP Đông Hà) ấy đã ngỏ lời thương yêu cô gái Vĩnh Giang có cái tên rất đẹp ấy. Tháng Chạp 1964 (đầu năm 1965), tình yêu của họ đã đi đến đám cưới cổ tích trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, mưa bom bão đạn. "Cả đám hỏi, đám cưới chỉ vỏn vẹn 10 ngày, sau đó ông nhà tôi lại lên đường chiến đấu", mẹ Huê tràn ký ức ngày tiễn chồng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Còn bà, nén nỗi nhớ vào trong, vững chắc tay súng, bám trụ giữ xóm làng. Đến tháng Tư âm lịch năm 1965, người vợ trẻ vui mừng khi chồng về thăm. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng đong đầy niềm tin, hạnh phúc, mong chờ ngày hạnh ngộ tiếp theo. Nhất là không lâu sau đó, bà biết mình mang thai, hạnh phúc thiêng liêng càng nhân lên theo sự ngóng đợi. Đến ngày bà sinh con trai khỏe mạnh, đặt tên là Hồ Sỹ Hùng, lúc đó, ông Cước vẫn chưa về thăm vợ con lần nào. Có lần ông gửi tin từ miền Nam ra, cho hay vô cùng nhớ nhung và khao khát được ẵm bồng đứa con bé bỏng đến chừng nào...

Khánh Huyền ẵm con nhỏ, cùng bà nội và người bà con trong gia đình.

Năm 1967, Vĩnh Linh bị dội bom, tàn phá ác liệt, nhiều hầm, địa đạo bị đánh sập, số người dân thiệt mạng tăng lên, có gần lên đến gần 70 người chủ yếu phụ nữ, trẻ em. Trước sự khốc liệt của chiến tranh, chiến dịch K8 tổ chức sơ tán người dân Vĩnh Linh ra các tỉnh phía Bắc bắt đầu từ tháng 8 - 1966 càng được triển khai gấp rút. Bà Huê cùng con trai đã tham gia vào cuộc trường chinh sơ tán này và đến tại Tân Kỳ, Nghệ An. Gần cuối năm 1967, bà được cán bộ đến thông báo chồng đã hy sinh. Đó là vào ngày 10 - 9 - 1967, chuẩn úy Hồ Sỹ Cước sau khi bí mật trở ra bắc giới tuyến, tiến hành họp bàn tác chiến với 3 đồng chí thuộc Quân khu 4 tại hầm chữ A tại xã Vĩnh Hòa (H.Vĩnh Linh) thì bị bom Mỹ dội sập. Cả 4 người đều đã hy sinh. Vượt qua biến cố nghiệt ngã, bà Huê cũng như những người vợ, những người mẹ anh hùng của đất nước Việt Nam kiên cường tiếp tục đóng góp cho cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, nuôi con khôn lớn giữa bộn bề khó khăn.

Thượng tá Hồ Sỹ Hùng trong chỉ đạo phá chuyên án truy xét nhóm đối tượng gây hàng loạt vụ trộm táo tợn trên địa bàn.

"Năm 1973, khi trở lại Vĩnh Linh, tôi và người nhà mới bắt đầu đi tìm hài cốt ông ấy, được các đồng đội an táng tại xã Vĩnh Hòa rồi đưa về yên nghỉ ở NTLS xã Vĩnh Giang", mẹ Huê nghẹn ngào. Cũng khi quê hương được giải phóng, nam - bắc sum họp một nhà, bà mới có điều kiện đưa con vào tìm gặp người thân quê nội. Khắc sâu tình yêu với chồng đã ngã xuống vì quê hương, bà dồn tâm huyết nuôi dạy con lớn khôn. Và đứa con duy nhất của mẹ đã không phụ lòng mong mỏi, hy vọng. Tiếp bước truyền thống vẻ vang của gia đình, của quê hương, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hồ Sỹ Hùng chọn ngành CA để cống hiến. Đó là vào năm 1984. Là một sỹ quan CA đầy năng lực, tận tụy, được đồng đội tin yêu, cấp trên tín nhiệm, anh Hùng đảm trách nhiều vị trí công tác, hiện là Thượng tá, Phó trưởng CAH Vĩnh Linh, Phó thủ trưởng CQĐT. Dấu ấn của Thượng tá Hùng thực sự đậm sâu qua chỉ đạo phá hàng loạt chuyên án hình sự, triệt phá nhiều nhóm, đường dây phạm tội quy mô, chuyên nghiệp, mang lại bình yên cho nhân dân. Điều khiến mẹ Huê ấm lòng hơn là gia đình anh Hùng hạnh phúc, 2 đứa cháu nội cũng nối bước cha ông phấn đấu để trở thành chiến sĩ CA. Cháu gái Hồ Thị Khánh Hiền hiện đang công tác tại Đội Cảnh sát Kinh tế, CAH Vĩnh Linh, cấp bậc trung úy. Em trai Huyền là Hồ Sỹ Tài, thượng sĩ, hiện công tác tại CAQ Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Sự hiếu thảo của con cháu đã phần nào xoa dịu bớt nỗi đau trong mẹ, cũng là sự tri ân đền đáp đến cha ông cùng những người con ưu tú đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì nền độc lập, hòa bình của quê hương, đất nước hôm nay.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_202396_nhung-tam-long-son-sat.aspx