Những tấm lòng thơm thảo với quê hương

Phải xa quê hương vì nhiều lý do nhưng người Hải Dương đang sinh sống và làm việc trên mọi miền Tổ quốc luôn nhớ về nơi 'chôn nhau, cắt rốn'. Nhiều người trong số họ tích cực hướng về xây đắp quê hương, tri ân nơi mình đã sinh ra.

"Cho quê mình rạng rỡ"

Mùa xuân này, xã Thái Tân (Nam Sách) như khoác lên mình tấm áo mới. Trụ sở làm việc, các công trình điện, đường, trường, trạm… đều đã được đầu tư đồng bộ, khang trang. Nhiều người dân trong xã bảo có nằm mơ cũng không nghĩ quê mình thay đổi nhanh đến thế. 8 năm trước, nói đến Thái Tân là người ta nghĩ ngay về một xã nghèo nhất huyện với những tuyến đường đất chật hẹp, lầy lội, trường học toàn nhà cấp 4… Nhưng địa phương đã “lột xác” đầy ngoạn mục, là một trong những xã đầu tiên của huyện Nam Sách về đích nông thôn mới nâng cao từ năm 2021. “Thành quả này là kết tinh của sự đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới trong nhân dân và cán bộ địa phương, sự hỗ trợ kịp thời từ cấp trên nhưng cũng không thể không kể đến những người con xa quê. Họ đã hướng về quê hương bằng tất cả trách nhiệm để góp phần làm nên diện mạo mới hôm nay”, ông Đinh Ngọc Dậu, Chủ tịch UBND xã Thái Tân nhận định.

Vợ chồng anh Hoàng Kim Khánh và chị Phan Thị Mai thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ xã Thái Tân (Nam Sách)

Vợ chồng anh Hoàng Kim Khánh và chị Phan Thị Mai thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ xã Thái Tân (Nam Sách)

Chỉ tay về phía nghĩa trang liệt sĩ xã vừa mới cải tạo và tuyến kênh mương gần đó đang được nạo vét, kè lại bờ bằng bê tông, ông Dậu cho biết tất cả kinh phí đều do con em quê hương ủng hộ. Tiêu biểu là vợ chồng anh Hoàng Kim Khánh và chị Phan Thị Mai (Giám đốc Hệ thống thẩm mỹ viện Mailisa, sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh). Không chỉ đầu tư cải tạo toàn bộ nghĩa trang liệt sĩ, vợ chồng anh Khánh còn đầu tư xây dựng hẳn một tuyến đường ở thôn Đình, giờ lại đang cải tạo lại ngôi đình của thôn đã xuống cấp... “Tính nhẩm chắc vợ chồng anh này cũng phải tài trợ cho xã gần 20 tỷ đồng”, ông Dậu thông tin.

Tôi bất ngờ khi ông Dậu thông tin tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của xã lên tới hơn 100 tỷ đồng, trong đó con em xa quê ủng hộ gần 50%. Ở Thái Tân, có nhiều người xa quê thành đạt, ai cũng một lòng hướng về quê hương. Địa phương có việc gì cần đến là họ tham gia rất nhiệt tình. Bà con ở đây có câu “nhất Khánh, nhì Tuân”, tức là ngoài vợ chồng anh Khánh thì còn có anh Vương Văn Tuân, một người con xa quê làm kinh doanh ở tỉnh Bình Dương, cũng luôn ủng hộ quê hương bằng tinh thần cao nhất. Anh Tuân khiêm tốn không muốn nói ra số tiền mình đã ủng hộ nhưng lãnh đạo địa phương khẳng định “không có việc gì là anh ấy không góp sức”. Anh Tuân chia sẻ: “Hồi bé nhà tôi nghèo lắm. Sau này khi xuất ngũ tôi phải lặn lội vào miền trong tìm việc. Có được thành công như hôm nay cũng là nhờ cha mẹ sinh ra, quê hương đùm bọc thuở thiếu thời. Thấy quê mình khó khăn mình không thể khoanh tay đứng nhìn. Chỉ mong với sự góp sức của tất cả mọi người sẽ làm cho quê mình ngày càng rạng rỡ”.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Sự thay đổi nhanh chóng của khu dân cư Ngà, thị trấn Gia Lộc (trước là thôn Ngà, xã Phương Hưng) cũng có đóng góp quan trọng của con em xa quê. “Thôn Ngà biết ơn gia đình anh ấy”, ông Đỗ Bá Tòng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư chia sẻ cảm nhận khi nói về những đóng góp của anh Đỗ Duy Hưng (sinh năm 1971) - một người con quê hương thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông đang sinh sống ở Hà Nội.

Trước đây, khu dân cư Ngà có nhiều khó khăn, đường chật hẹp, hễ cứ mưa lớn là ngập. Nhiều công trình văn hóa xuống cấp nhưng huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân để cải tạo cũng khó vì điều kiện kinh tế của bà con đa phần chưa dư dả… Giờ thì khu dân cư này có cổng to nhất nhì khu vực, 6 km đường rộng rãi có cả hệ thống thoát nước hai bên, mưa chẳng sợ lụt. Đường ống nước sạch dẫn đến từng hộ nhưng nhân dân chẳng phải bỏ ra một đồng nào lắp đặt… Tất cả đều do gia đình anh Hưng ủng hộ.

Mấy người dân trong khu dân cư bảo đình, chùa của khu dân cư này cũng đều do anh Hưng công đức tu sửa khang trang. Anh còn tài trợ xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa cho hộ nghèo trong họ. Năm nào các hộ nghèo trong xã cũng được anh tặng quà Tết. Học sinh trong họ đỗ đại học đều được tặng một chiếc máy vi tính. Con em quê hương tốt nghiệp đại học thì được anh tạo việc làm… “Không thể kể hết được việc anh ấy đã làm cho thôn và địa phương. Nếu nói bằng tiền thì cũng vài chục tỷ đồng rồi. Nhưng đó là một con người rất khiêm tốn, luôn sống trọn nghĩa, vẹn tình với quê hương”, cụ Đỗ Thế Cường, một người dân ở khu dân cư Ngà nói.

Đình Tiên Nha ở khu dân cư Ngà, thị trấn Gia Lộc xây từ năm 2012 do gia đình anh Đỗ Duy Hưng công đức toàn bộ kinh phí

Cụ Đỗ Hoàng Phong, bố của anh Hưng, tự hào nhận xét con trai là người có trái tim nhân hậu, luôn biết sống cho đi để đem lại niềm vui với mọi người. “Trước tôi vẫn luôn dặn cháu là khi đã thành đạt thì hãy hướng về nguồn cội, về quê hương. Bởi đó không chỉ là tình cảm mà còn là đạo đức, nhân cách một con người”, cụ Phong nói.

Khó có thể kể hết những người con tuy đi xa vẫn nhớ Hải Dương, hướng về quê hương bằng tấm lòng thơm thảo. Viết về họ, tôi nhớ tới một đoạn trong ca khúc “Hát về Hải Dương” của nhạc sĩ Trần Minh: Đi trong gian nan mịt mùng khói lửa/ Vẫn sáng tâm hồn đất mẹ Hải Dương/ Nghe thiết tha quê hương vẫy gọi hiến trọn cuộc đời/ Cho quê mình rạng rỡ tương lai...

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/viec-tu-te/nhung-tam-long-thom-thao-voi-que-huong-224053