Những tấm lòng vàng đến từ ánh bình minh

Trong vùng lãnh thổ 3 nước Đông Dương, Việt Nam nằm ở hướng mặt trời mọc. Có lẽ vì thế nên năm xưa khi nói về chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam, người dân Lào và Campuchia vẫn thường gọi đó là những chiến binh đến từ ánh bình minh. Bình minh là nơi bắt đầu một ngày mới và trên bình diện nào đó cũng chính là điểm khởi đầu cho cuộc sống mới sau những biến cố cuộc đời. Ngày hôm nay, dưới sắc áo Biên phòng (BP), những con người đến từ ánh bình minh vẫn miệt mài bước chân cống hiến, thắp sáng lên những khoảng trời mơ ước...

BĐBP Gia Lai trao quà trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” cho các cháu học sinh Campuchia trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Thái Kim Nga

Những "chuyến đò" chắp cánh ước mơ

Nằm ở vùng cực Nam Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông có đường biên giới khoảng 141km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Đây có thể nói là địa bàn xa xôi hẻo lánh, khi phía đối diện hiện chỉ có 4 xã thuộc 2 huyện Pechreada và Ou Reang (tỉnh Mondulkiri), với sự phân bố dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, đời sống của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến thực trạng trẻ em nghèo không có nhiều cơ hội được cắp sách đến trường.

Năm 2016, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai, các đồn BP trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh công tác đối ngoại, phối hợp với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn số trẻ em trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tiếp sức, nâng bước các em tới trường.

Kể từ đó đến nay, đều đặn hàng năm, những người lính BP nơi vùng cực Nam Tây Nguyên đã đồng hành với 12 cháu học sinh nghèo bên kia biên giới, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/cháu. Cứ như vậy, hết lớp này đến lớp khác (khi các cháu học hết lớp 5 là bàn giao cho gia đình để tiếp sức cho cháu khác), những “chuyến đò” chắp cánh ước mơ vẫn miệt mài đón đưa trẻ em nghèo vượt qua “khúc sông” đầu tiên của tuổi học trò.

Thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, không trực tiếp sang tận trường, xuống tận nhà để gặp gỡ, động viên, trao quà cho từng cháu, những người lính BP trên quê hương Anh hùng N’Trang Lơng vẫn đều đặn kết nối bằng những cuộc gặp gỡ nhỏ lẻ ngay tại đường biên, cột mốc hoặc thông qua các đồng nghiệp bên kia biên giới để trao gửi yêu thương. Sau 7 năm tiếp sức, nâng bước em tới trường, đã có nhiều cháu học đến bậc trung học phổ thông, với thành tích học tập đạt loại giỏi và khá, trong đó có 1 cháu đang theo học tại Trường Đại học Hun Sen. Kết quả rất đáng khích lệ này chính là niềm vui, nguồn động lực to lớn để BĐBP Đắk Nông tiếp tục cống hiến vì biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện. Đây cũng là minh chứng cho thấy Chương trình “Nâng bước em tới trường” do những người lính BP Việt Nam khởi xướng vừa mang giá trị nhân văn cao đẹp, vừa đề cao tính hiệu quả trong công tác khuyến học, với sức lan tỏa không biên giới.

Thượng tá Hoàng Văn Hiểu, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Đắk Nông chia sẻ: “Tính hiệu quả của chương trình là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục đồng hành với trẻ em nghèo trên biên giới, trong đó có các cháu bên đất bạn Campuchia. Với tấm lòng tương thân tương ái, chúng tôi sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nước bạn trong khả năng của mình. Điều này cũng cho thấy tính đa dạng trong công tác đối ngoại của BĐBP Đắk Nông, nhằm từng bước hiện thực hóa quan điểm, chủ trương về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...”.

Chờ người đến từ ánh bình minh

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp bước vào năm học mới (học sinh Campuchia khai giảng năm học mới vào tháng 12 hàng năm), các đồn BP trên tuyến biên giới Tây Nam nói chung, địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói riêng lại tổ chức sang thăm, trao quà “Nâng bước em tới trường” cho học sinh nghèo bên đất bạn.

Cháu Rơ Lan H’Phyit (đứng giữa) nhận quà từ Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Đồn BP Ia Pnôn, BĐBP Gia Lai. Ảnh: Thái Kim Nga

Do những yếu tố dịch bệnh nên trong 3 năm trở lại đây, hoạt động trao quà cho các cháu diễn ra rất đơn giản, gọn nhẹ. Các đồn BP chủ yếu thông qua hình thức “gặp hẹp” với đồng nghiệp bên kia biên giới để gửi gắm tình cảm đến với các cháu. Mặc dù vậy, cuộc gặp gỡ giữa những người không cùng quốc tịch, nhưng chung ước mơ luôn diễn ra vô cùng trang trọng ý nghĩa, với nụ cười luôn nở rộ trên môi. Năm nay, đại dịch Covid-19 đã được khống chế, các hoạt động qua lại thăm thân, gặp gỡ hội đàm giữa hai bên được nối lại bình thường và những cô, cậu học trò nghèo bên đất bạn lại có những khoảnh khắc đợi chờ người lính BP đến từ ánh bình minh.

Ông Rơ Chăm H’Dul, ở làng Choong, xã Nhang, huyện Đul Mia, tỉnh Rattanakiri, Campuchia - bố đẻ của cháu Rơ Lan Khan (được Đồn BP Hồ Le, BĐBP Kon Tum đỡ đầu) không giấu được niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi: “Kinh tế gia đình mình rất khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ của BĐBP Việt Nam thì con mình sẽ không thể đi học tiếp được. Mình xin cảm ơn tình cảm của BĐBP Việt Nam đã cho con mình cơ hội được đến trường...”.

Niềm vui của ông Rơ Chăm H’Dul cũng chính là tâm trạng chung của những người có mặt chứng kiến buổi gặp mặt, trao quà Chương trình “Nâng bước em tới trường” dành cho các cháu học sinh ở ngoại biên được tổ chức trước thềm năm học mới. Để có được không gian yên ả, thanh bình và chất chứa tình người như thế, bên cạnh tấm lòng sẻ chia của người lính BĐBP Việt Nam, còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các đồng nghiệp bên kia biên giới. Thông qua công tác đối ngoại, họ đã vận động, kết nối chặt chẽ với nhau để tạo thêm niềm vui, chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo hiếu học. Những cái bắt tay siết chặt tình đoàn kết, những nụ cười chân chất của chủ nhân đất rừng biên giới hôm nay rất có thể là ánh bình minh khởi đầu cho một tương lai tươi sáng ở phía trước.

Chung tâm trạng như ông Rơ Chăm H’Dul, ở một góc nhỏ của làng Đo Nhỏ, xã Oza Tung, cô bé Rơ Lan H’Phyit (17 tuổi) cũng đang ngóng đợi bóng dáng người lính đến từ ánh bình minh. Mặc dù đã là năm thứ 7 được đồng hành với Đồn BP Ia Pnôn (BĐBP Gia Lai) nhưng Rơ Chăm H’Phyit vẫn không giấu được niềm xúc động khi đón nhận những món quà từ tay người lính BP Việt Nam. Có lẽ, ở độ tuổi này, cô học trò Trường phổ thông Xara Pahxa Xongxa của huyện Ozadao, tỉnh Rattanakiri đã cảm nhận được giá trị của món quà chất chứa sự kỳ vọng và niềm yêu thương ấy. “Năm nay đã vào lớp 9, cháu hứa sẽ nỗ lực vượt khó, cố gắng học tập giỏi hơn nữa để không phụ lòng tốt của các chú BĐBP Việt Nam” - thông qua người phiên dịch, Rơ Lan H’Phyit chia sẻ như thế.

Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được, từ năm 2016 đến nay, bên cạnh cô học Rơ Lan H’Phyit, BĐBP Gia Lai còn đồng hành hỗ trợ 3 cháu là Kpuih Kênh, ở làng Bó Lớn; Rơ Lan Phước, làng Lâm Mới, xã Bó Nhầy và Rơ Lan Nâng, làng Phí, xã Sê San, huyện Ozadao, tỉnh Rattanakiri. Tại đây, các cháu không chỉ được hỗ trợ về vật chất, vững vàng bước chân trên con đường đến trường, mà còn được trải nghiệm những tình cảm, sự động viên, khích lệ về mặt tinh thần từ BĐBP Việt Nam để bùng lên “ngọn lửa” hiếu học tưởng có lúc đã lụy tàn trước những khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống.

Được trải nghiệm khoảnh khắc đợi chờ người lính BP đến từ ánh bình minh, chúng tôi đã chợt nhận ra có một nét đẹp tình người lướt qua thật nhẹ nhàng, nhưng đang tỏa sáng giữa đại ngàn biên giới.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tam-long-vang-den-tu-anh-binh-minh-post469680.html