Những thách thức lớn với chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của EU

EU đã đưa ra chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của riêng mình vào thời điểm đưa chưa bao giờ tốt hơn thế. Nhưng nếu không có nguồn tài trợ dài hạn, chiến lược có nguy cơ thất bại.

EU đang nỗ lực chuyển từ các phản ứng khẩn cấp ban đầu trước cuộc xung đột Nga - Ukraine sang cải thiện sự sẵn sàng của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu trong dài hạn. Ảnh: Sputnik

Khi tình hình ở Ukraine xấu đi và cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, châu Âu phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc cải thiện thế trận quân sự của mình. Gần đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố chiến lược công nghiệp quốc phòng đầu tiên của EU. Đây là nỗ lực của EU nhằm chuyển từ các phản ứng khẩn cấp ban đầu trước cuộc xung đột Nga - Ukraine sang cải thiện sự sẵn sàng của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu trong dài hạn.

Chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của châu Âu nhằm mục đích tăng cường sự sẵn sàng của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua hợp tác đầu tư, nghiên cứu, phát triển, sản xuất, mua sắm và sở hữu dựa trên EU. Nhìn chung, EC muốn các quốc gia thành viên cùng nhau mua vũ khí và mua chúng ở châu Âu.

Hơn 3/4 số thương vụ mua sắm quốc phòng của các quốc gia thành viên EU từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra đến tháng 6/2023 được thực hiện từ bên ngoài EU, trong đó riêng Mỹ chiếm 63%. Chiến lược này xác định đến năm 2030, ít nhất 50% ngân sách mua sắm của các quốc gia thành viên (60% vào năm 2035) sẽ được chuyển cho các nhà cung cấp có trụ sở tại EU và ít nhất 40% thiết bị quốc phòng sẽ được mua sắm theo phương thức hợp tác.

Cụ thể, EC muốn các quốc gia thành viên xác định các dự án quốc phòng châu Âu có lợi ích chung và nỗ lực sản xuất chúng ở châu Âu. Những dự án này có thể lấp đầy những khoảng trống về năng lực trong hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của châu Âu, nhận thức về miền không gian, phòng thủ mạng hoặc an ninh hàng hải.

Để đạt được mục tiêu đó, EC đề xuất một cơ chế bán hàng quân sự mới táo bạo của châu Âu, lấy cảm hứng từ mô hình bán thiết bị quân sự ra nước ngoài của Mỹ, trong đó Washington ký hợp đồng trực tiếp với các chính phủ khác. EC muốn hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng kho dự trữ các thiết bị quốc phòng quan trọng, duy trì một “danh mục” tổng quan tập trung về các thiết bị quốc phòng do EU sản xuất và thay đổi các quy định mua sắm để giúp các nước tham gia giao dịch dễ dàng hơn.

Tất cả các biện pháp này đều nhằm mục đích khuyến khích các chính phủ châu Âu hợp tác - và ngăn họ mua vũ khí bên ngoài EU. Hiện nay, các chính phủ châu Âu mua thiết bị có sẵn từ Mỹ vì điều này được coi là nhanh hơn và dễ dự đoán hơn so với việc dựa vào hợp tác quốc phòng của châu Âu và là cách tốt để đảm bảo lợi ích của Mỹ đối với an ninh châu Âu.

Nổi lên như một cơ quan quản lý khủng hoảng có năng lực sau đại dịch COVID-19, EC tiếp tục thể hiện sự mạnh mẽ trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nhận ra mức độ dễ bị tổn thương trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của họ. Tuy nhiên, thành công là chưa chắc chắn: ngay cả khi các quốc gia có thể đồng ý với chính sách công nghiệp do EC đề xuất mà không có nguồn tài trợ dài hạn đảm bảo, chiến lược này nguy cơ thất bại.

Chi tiêu quốc phòng của EU đạt mức kỷ lục 270 tỷ euro (295 tỷ USD) vào năm 2023, tuy nhiên vẫn còn những khoảng cách đáng kể về năng lực - chẳng hạn như châu Âu thiếu nguồn cung cấp đạn dược và khả năng tình báo, giám sát và trinh sát. Các nhà kinh tế và nhà hoạch định quốc phòng từ lâu đã ủng hộ việc các chính phủ và công ty quốc phòng châu Âu hợp tác nhiều hơn.

Về lý thuyết, hợp tác mang lại lợi ích kinh tế như giảm sự trùng lặp thiết bị, tăng sản lượng và giảm chi phí. Trên thực tế, lợi ích quốc gia và chủ nghĩa bảo hộ, cùng với sự kém hiệu quả trong hoạt động và vấn đề quan liêu, đã cản trở sự hợp tác hiệu quả trong lịch sử. Từ năm 2021 đến năm 2022, chỉ có 18% tổng đầu tư thiết bị ở châu Âu là hợp tác.

Các hiệp ước của EU cũng ngăn cản việc sử dụng ngân quỹ của mình cho chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu thuộc phạm vi quản lý của EC. Trước đây, EC đã cố gắng điều tiết thị trường thiết bị quốc phòng và giảm thiểu sự kém hiệu quả của quốc gia nhưng những nỗ lực đó phần lớn không thành công. Những lo ngại về việc "sao chép" NATO và sự từ chối của các quốc gia thành viên trong việc ủy quyền ra quyết định về các vấn đề quốc phòng có nghĩa là EC chưa bao giờ được phép thực thi bất kỳ quyền lực có ý nghĩa nào đối với chính sách công nghiệp quốc phòng.

Các nhà kinh tế và nhà hoạch định quốc phòng từ lâu đã ủng hộ việc các chính phủ và công ty quốc phòng châu Âu hợp tác nhiều hơn. Ảnh: Sputnik

Nhưng khi xung đột ở Ukraine nổ ra và các nước châu Âu muốn gửi viện trợ quân sự đã phải đối mặt với tình trạng kho đạn dược và thiết bị cạn kiệt cũng như thời gian sản xuất kéo dài, EC đã nhìn thấy cơ hội để can thiệp.

Để ứng phó sớm với một cuộc chiến tranh tiềm tàng, các sáng kiến của EU tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua sắm chung và bổ sung thêm nguồn dự trữ cho châu Âu với hai điểm nổi bật: Đạo luật tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua mua sắm chung (EDIRPA), nhằm tìm cách giúp lấp đầy khoảng trống về năng lực bằng cách sử dụng các ưu đãi tài chính của EU (300 triệu euro trong hai năm) để bù đắp những rủi ro liên quan đến mua sắm chung. Và trong bối cảnh nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine, Đạo luật Hỗ trợ Sản xuất Đạn dược sử dụng nguồn tài trợ của EU (500 triệu euro trong hai năm) để tăng cường sản xuất đạn dược.

Tuy nhiên, EC không thể làm gì nhiều trước thực tế là các nước châu Âu vẫn trông cậy vào "chiếc ô" an ninh của Mỹ. Mặc dù chiến lược mới chỉ ra sự mong manh của vấn đề phụ thuộc này, nhưng chính sự mong manh đó thậm chí có thể là lý do lớn hơn để một số nước EU tìm cách lấy lòng Washington. Mặc dù vậy, EC có thể nỗ lực tăng cường độ tin cậy của chuỗi cung ứng quốc phòng châu Âu.

Giờ đây, xung đột đã quay trở lại lục địa, các nhà hoạch định quốc phòng châu Âu muốn đảm bảo quân đội của họ có quyền tiếp cận tất cả các thiết bị phòng thủ cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng. Về phần mình, EC mong muốn thiết lập nguồn cung của châu Âu với thương mại quốc phòng trong nội bộ EU chiếm ít nhất 1/3 giá trị của thị trường quốc phòng EU.

Để đạt được mục tiêu đó, EC muốn lập bản đồ các nhà cung cấp và chuỗi cung ứng sản xuất quốc phòng chính ở EU – điều này đã gây tranh cãi khá nhiều vì đòi hỏi quyền tiếp cận vào thông tin nhạy cảm từ các quốc gia thành viên và các công ty quốc phòng. Để ngăn chặn tình trạng thiếu nguồn cung, EC cũng đề xuất sử dụng quỹ của EU để dự trữ các trang thiết bị quan trọng, như linh kiện điện tử và nguyên liệu thô dùng trong hệ thống phòng thủ. Chiến lược mới thậm chí còn đưa ra khả năng đặt hàng được xếp hạng ưu tiên, cho phép các quốc gia thành viên và EC chuyển hướng sản xuất để ưu tiên giao hàng quân sự hơn giao hàng dân sự trong thời kỳ khủng hoảng.

Tóm lại, chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của EU vạch ra một con đường đầy tham vọng hướng tới hội nhập và hợp tác lớn hơn trong mua sắm quốc phòng và chính sách công nghiệp, với mục tiêu biến cuộc khủng hoảng quốc phòng của châu Âu thành cơ hội tăng cường an ninh tập thể và khả năng phục hồi. Tuy nhiên, thành công của chiến lược sẽ phụ thuộc vào việc khắc phục các vấn đề lâu dài về chủ quyền quốc gia, nguồn tài trợ và cân bằng các ưu tiên chiến lược.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo carnegieendowment.org)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-thach-thuc-lon-voi-chien-luoc-cong-nghiep-quoc-phong-moi-cua-eu-20240313150113086.htm