Những thân phận bị đánh tráo

(VOV) - Chỉ vì một sự cách tân cẩu thả của những người biên soạn SGK mà cô Tấm bỗng trở thành "hotgirl" trên các diễn đàn báo chí.

Bỏ truyện Tấm Cám ra khỏi SGK sẽ là điều rất đáng tiếc

Những cuộc tranh luận tưng bừng của cả giới học thuật lẫn độc giả bình dân thời gian qua cho thấy, cuộc tranh luận này sẽ chẳng đi đến đâu, bởi cổ tích vẫn sẽ là cổ tích, song sự biến đoạn kết Tấm Cám sẽ có ích nếu như đây là cái cớ để chúng ta nhìn nhận lại những khái niệm bị đánh tráo trong giáo dục hiện nay.

Cô Tấm băm xác kẻ ác để làm mắm, hay chỉ dội nước sôi cho đến chết? Dẫu cái kết câu chuyện dân gian này như thế nào thì cũng không thể thay đổi bản chất của quan niệm “ác giả ác báo” trong tâm trạng xã hội.

Giữ nguyên để “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa/ Mẹ thường hay kể” như ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm mà nhiều người viện dẫn, hay “vận động theo chiều hướng tích cực” như quan điểm của nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn, sẽ mãi là cuộc tranh luận không có hồi kết. Đoạn kết của câu chuyện Tấm Cám, hay bất cứ câu chuyện dân gian nào khác đều được giữ nguyên hay biến đổi mà không phụ thuộc vào ý chí của giới học thuật.

Văn học dân gian có đời sống riêng của nó, luôn có những dị bản xuất hiện cùng với sự đổi thay của tâm trạng xã hội. Khi đi ngược với mong muốn, với tâm trạng xã hội, nó sẽ tự thay đổi, hoặc bị đào thải. Vì vậy, từ ngày xửa ngày xưa cho đến lúc này, có lẽ chẳng một dân tộc nào lại mang văn học dân gian ra phán xét như chúng ta hiện nay.

Tại sao đoạn kết của chuyện Tấm Cám lại bị phán xét, vì sao cô Tấm sinh ra trước cả Bộ luật Hồng Đức lại bị kết án bằng Điều 93 của Bộ luật Hình sự hiện hành? Đó là một câu hỏi cắc cớ, song điều gì cũng có những lý do của nó. Nếu như cô Tấm cứ mãi là cổ tích, được các bà mẹ kể, và dẫn giải cho con nghe hàng đêm, lũ trẻ sẽ lớn lên với ý nghĩ “Cô Tấm ở hiền, Cám ở ác”, sẽ chẳng có ai phải lo hành động của cô Tấm làm lũ trẻ trở nên ác độc. Nhưng cô Tấm lại bị thời đại xô đẩy bước vào sách giáo khoa để trở thành một tấm gương về lẽ sống cho những đứa trẻ được sinh ra sau cô cả ngàn năm?!

Các bà mẹ kể chuyện cổ tích luôn có cách để những đứa con của mình lớn lên với những ý niệm trong lành từ văn học. Đó là điều không bao giờ có được từ những bài văn mẫu trong sách giáo khoa. Khi mà các nhân vật văn học bị buộc trở thành các hình mẫu cho đạo đức, lối sống thì cô Tấm sẽ không phải nạn nhân cuối cùng của các cuộc tranh luận xuyên thời gian.

Giá trị của văn học nghệ thuật nằm chính ở sự tồn tại của tác phẩm. Nhân vật văn học sống trong sự tồn tại của tác phẩm bằng thân phận của chúng, chứ không phải bởi mong muốn của người đọc. Và, khi mà trong các chương trình giảng dạy, người ta cứ gán cho tác phẩm những giá trị bên ngoài loại hình của nó thì sự nhầm lẫn về thân phận cô Tấm không phải là câu chuyện cá biệt.

Các nhân vật văn học nghệ thuật được sinh ra bởi quan điểm cá nhân và sự sáng tạo của tác giả. Nội dung các tác phẩm cũng phản ánh tâm trạng, suy nghĩ, và góc nhìn cá nhân của mỗi tác giả. Và tất cả đều không phải hình mẫu chung, là chân lý mà tất cả xã hội phải học tập, theo đuổi để rồi lên án khi điều đó không giống với cách nghĩ của đám đông. Vì vậy, nếu thực sự lo trẻ em bị lệch lạc bởi các tác phẩm văn học nghệ thuật, thay vì lên án, thay vì bắt tác phẩm phải thay đổi cho phù hợp, hãy dạy cho chúng biết văn học nghệ thuật là văn học nghệ thuật chứ không phải là những bài học khô cứng./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/nhung-than-phan-bi-danh-trao/201111/191847.vov