Những thanh âm nguồn cội

Với bề dày văn hóa lịch sử, đất cội nguồn Phú Thọ có nhiều làn điệu dân ca các dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, gắn liền với đời sống sinh hoạt và góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách, bản sắc các dân tộc. Những làn điệu ấy còn là công cụ tinh thần hữu hiệu, tạo hiệu ứng kết nối, vượt mọi khuôn khổ không gian, thời gian và khoảng cách địa lý.

Trình diễn Hát Xoan tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa, Du lịch Đất Tổ năm 2023.

Âm hưởng từ ngàn năm

Phú Thọ là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt Cổ thời các Vua Hùng dựng nước. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử đã để lại cho mỗi dân tộc trong tỉnh những nét tinh hoa riêng rất phong phú và độc đáo. Trong đó, âm nhạc chính là loại hình nghệ thuật gần gũi, mang đậm bản sắc riêng của mỗi dân tộc đã được trao truyền, lưu giữ qua nhiều thế hệ trên quê hương Đất Tổ...

Ông Đặng Đình Thuận - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ chia sẻ: “Dân ca Phú Thọ rất đa dạng, phong phú, tiêu biểu, mang đậm bản sắc, tính chất vùng miền. Tiêu biểu nhất phải kể tới Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ; bên cạnh đó còn có Hát Ghẹo, hát Trống quân... Đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng có những làn điệu dân ca rất tiêu biểu như: Hát Rang, hát Ví, múa Trống đu, Hò đu... của người Mường, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... Mỗi loại hình âm nhạc lại đi cùng với những nghi lễ, phong tục tập quán riêng, thể hiện nét đẹp văn hóa, cộng đồng của các dân tộc...”.

Nhạc sĩ Trịnh Hùng Khanh sử dụng chất liệu Hát Xoan để sáng tác ca khúc nổi tiếng “Phú Thọ quê em”.

Hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là hình thức nghệ thuật đa yếu tố, bao gồm ca nhạc, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Hát Xoan Phú Thọ được đánh giá là thể loại dân ca rất phức tạp, nhiều từ cổ và các bài bản rất dài, không dễ để nghe và hiểu hết nội dung. Để những nghệ sĩ chuyên nghiệp thuộc lời và biểu diễn trọn vẹn tiết mục Xoan yêu cầu rất nhiều thời gian, công sức luyện tập. Thế nhưng, trong môi trường với định hướng tốt, Hát Xoan luôn được thế hệ trẻ đón nhận và mê say.

Nhạc sĩ Cao Hồng Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Con đường biến vốn cổ của cha ông trở thành chất liệu của âm nhạc hiện đại cần được xây dựng trên cơ sở kiến thức và hiểu biết về văn hóa dân tộc, cùng sự sáng tạo trong hòa âm phối khí, nhạc cụ dân tộc, nhạc điện tử... Với những tri thức văn hóa được nuôi dưỡng, cùng sự nhạy bén, thức thời về xu hướng âm nhạc, chính giới trẻ hôm nay là những người sẽ làm cho âm hưởng dân gian có sức sống bền vững trong đời sống đương đại”.

Mỗi loại hình âm nhạc, đặc biệt là dân ca của các dân tộc đều gắn với những sinh hoat cộng đồng, nơi mà làn điệu đó ra đời và trở thành một phần lịch sử của miền đất, con người nơi đó. Bà Hà Thị Sóng (khu Vường 1, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn) - nghệ nhân dành trọn cuộc đời với câu hát Ví, Rang giãi bày: “Hát Ví, hát Rang là tục lệ của bản làng. Người Mường hát Ví, Rang trong mọi sinh hoạt đời sống, trong lao động sản xuất và trong cả những ngày vui, dịp trọng đại. Không chỉ là câu hát đơn thuần đong đầy niềm vui những đêm trăng tròn, xua tan vất vả, nhọc nhằn sớm hôm... Ví, Rang còn là “sợi dây” gắn kết tình thương, xây dựng nếp sống, đạo đức trong mọi gia đình, thế hệ người con đất Mường”.

Trong hoạt động âm nhạc sôi động và đầy màu sắc của đời sống xã hội, những ca khúc “thị trường” tuy có sức ảnh hưởng nhất định về mức độ phổ biến, song thời gian tồn tại không lâu. Ngược lại, những nét đẹp văn hóa đặc sắc, riêng có của mỗi địa phương, dân tộc, mang đậm giá trị nghệ thuật như “cuốn sử”ghi chép, khắc họa quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc vẫn vẹn nguyên cùng năm tháng.

Để “ngàn xưa” vang mãi

Có thể nói, không có “cuốn sử” nào sinh động, thiết thực hơn để kể về công ơn, cuộc sống và khát vọng mà tiền nhân đã gửi gắm cho những thế hệ con cháu mãi về sau bằng những câu ca, qua lời hát, lối diễn, cách trình bày. Do đó, việc định hướng thẩm mỹ âm nhạc, tạo môi trường tốt để những người trẻ “nghe” và “biết nghe” là yếu tố quan trọng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, hướng công chúng tới các giá trị tốt đẹp chân, thiện, mĩ trong công cuộc phát triển.

Với những giá trị đặc sắc được thế giới công nhận, Hát Xoan Phú Thọ đang được thế hệ trẻ đón nhận như một lẽ tự nhiên vốn có. Ngoài những giờ học âm nhạc hay hoạt động đồng diễn tập thể của học sinh ở các trường, tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở các phường Xoan gốc, hình ảnh thanh thiếu niên, nhi đồng vui học Hát Xoan đã trở nên quen thuộc. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Ở các làng Xoan cổ hiện đã hình thành ba thế hệ hát Xoan, bao gồm các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo lớp trẻ đầy triển vọng. Đây chính là lực lượng nòng cốt, có thể thay thế các nghệ nhân cao niên để tiếp tục truyền dạy, bảo tồn, phát huy giá trị của Hát Xoan”.

Truyền dạy hát Ví, hát Rang và các loại hình âm nhạc dân tộc cho cộng đồng người Mường, huyện Tân Sơn.

Thời gian qua, song song với tiếp tục định hướng, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền lồng ghép phục vụ các tầng lớp nhân dân. Cùng với hoạt động tích cực của các trường học, tại các địa phương, hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống như Hát Xoan, dân ca, hát Ghẹo, hát Rang, hát Ví...

Để những giai điệu, tiết tấu, âm thanh... đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử đất nước hòa trong hơi thở và nhịp sống đương đại là công việc mà các nhạc sĩ luôn cố gắng thực hiện. Trên địa bàn tỉnh, đã có một số nhạc sĩ đưa chất liệu dân ca Phú Thọ vào những sáng tác của mình và rất thành công như: Nhạc sỹ Đào Đăng Hoàn, Trịnh Hùng Khanh...

Không gì tự hào hơn, đẹp hơn là thể hiện sự biết ơn những thế hệ đi trước bằng cách tiếp tục bảo tồn, trao truyền, phát huy những gì được các thế hệ cha ông đã để lại cho con cháu các dân tộc hiện nay. Để những âm hưởng tự ngàn xưa tiếp tục âm vang trong đời sống, cần tạo thêm những không gian sinh hoạt văn hóa, đầu tư cho việc truyền dạy, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền để lớp trẻ hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa của các loại hình dân ca, âm nhạc dân tộc, qua đó có ý thức bảo vệ, phát huy nét đẹp văn hóa, những thanh âm trao truyền từ nguồn cội...

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/nhung-thanh-am-nguon-coi/205450.htm