Những thành phố bên bờ biển cả

Giới âm nhạc cho tới bây giờ vẫn không quên giai điệu cũng như lời ca bài hát 'Những thành phố bên bờ biển cả' của nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, lời thơ Huy Cận. Bài hát này suốt hơn 4 thập kỷ qua luôn âm vang trong những chương trình âm nhạc sang trọng của Việt Nam.

Nhiều người, đặc biệt là học sinh, ai cũng thuộc bài thơ nổi tiếng, được mệnh danh là khúc ca ánh sáng trên biển cả: “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận. Tuy vậy, có một bài thơ khác của Huy Cận cấu tứ lạ nhưng vẫn mang âm hưởng hào hùng về đất nước mang tên “Những thành phố bên bờ biển cả”. Có người nói Huy Cận viết bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là để tặng Hạ Long - Hòn Gai - Quảng Ninh thì Những thành phố bên bờ biển cả có vẻ như dành cho Hải Phòng! Tuy nhiên, có ý kiến khác cho rằng vốn dĩ trong tác phẩm của Huy Cận luôn có tính khái quát rất lớn nên thi sĩ không nói cụ thể về một địa danh nào. Điều tuyệt vời là bài thơ được nhạc sĩ Phạm Đình Sáu phổ thơ và ra mắt công chúng vào mùa hè năm 1974. Đây là bài hát dành cho giọng tenor (nam cao), thể hiện nét hùng tráng về mảnh đất bên bờ biển. Rộng ra có thể hiểu đó chính là Tổ quốc Việt Nam bên bờ Biển Đông bao la xanh biếc.

Mở đầu ca khúc, nét nhạc đã bay bổng cao ngất đầy khí thế lạc quan về tương lai đậm đà hương vị biển: “Những thành phố bên bờ biển cả/Đang rực lên chưa vội soi gương/Biển gọi gió, cát vàng gọi đá /Xanh thẳm sâu gọi trắng làng tường”. Tiếp theo, “Những thành phố mọc lên giao duyên giữa biển biếc đất hồng/Như muối đã chói chan thơm hương nắng đất liền/Lại bát ngát biển cồn vời vợi”. Từ câu thơ tới lời ca khúc thì đoạn này thật tuyệt vời, không cần nói nhiều cũng đã thấy được vẻ đẹp mỹ miều của tình yêu giữa đất liền và biển.

Huy Cận là tâm hồn thơ chói lọi của nền thơ mới Việt Nam cũng như thơ ca cách mạng, nhưng những bài thơ của ông rất khó phổ nhạc. Bài thơ “Những thành phố bên bờ biển cả” là ngoại lệ vì ngay tên bài thơ đã mang âm hưởng dạt dào về miền đất vừa hiện thực vừa trong mơ, do vậy góp phần giúp nhạc sĩ Phạm Đình Sáu phổ thành công bản nhạc với những câu thơ cầu kỳ, đôi chút siêu thực, lại khái quát cao. Phạm Đình Sáu đã hòa quyện âm nhạc với thi ca thành bài hát có nét nhạc hào sảng nhất thập niên 1970. Đây cũng là bản nhạc để đời trong sự nghiệp của nhạc sĩ (ông sinh năm 1925, từng làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn). Kiều Hưng thu âm bản nhạc đầu tiên với chất giọng nam trung nên làm cho bài hát vừa mềm mại vừa hoành tráng ngời ngời khí thế. Rồi sau này, hầu như các ca sĩ tên tuổi như: Quang Thọ, Hữu Nội, Tuấn Phong, Tuấn Anh đều dành hết tài năng của mình để thể hiện vẻ đẹp rực rỡ của ca khúc này. Trong hơn 4 thập kỷ, bài hát vào giáo án nhạc viện, tới cuộc thi âm nhạc lớn, trở thành bài hát hay đậm chất nhạc bác học nhất nhì về biển cả cho đến hôm nay.

Còn với khán giả, bài hát đem tới một điều ngỡ ngàng về âm hưởng: Đó là vẻ đẹp diệu kỳ miền đất bên bờ biển. Ngày hôm nay, chúng ta nghe lại vẫn thấy bồi hồi, tràn đầy cảm xúc.

Dương Trang Hương

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201812/nhung-thanh-pho-ben-bo-bien-ca-8098480/