Những thầy cô cũ

Ký ức lớn nhất trong suốt thời học sinh của tôi luôn là những kỷ niệm về thầy giáo, cô giáo. Ngoài khuôn mặt của bạn bè, là khuôn mặt của thầy cô.

Năm xưa thầy mất, học trò chịu tang, dựng lều cạnh mộ thầy để đền đáp ơn dạy dỗ. Năm nay bảy học sinh lập group kín trên mạng

xã hội, lạm bàn về thầy cô. Thầy cô đọc trộm tin nhắn phát hiện ra bèn lập hội đồng đuổi học bảy học sinh kia. May mà, Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh

đã kịp thời hủy quyết định đuổi học học sinh của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Thanh Hóa).

Rất nhiều lần tôi viết, cho dẫu mai sau thế sự có xoay vần đến đâu, tôi luôn kính trọng những cá nhân chọn nghề sư phạm.

1. Lũ thiếu niên như bạn bè tôi, như tôi ngày trước luôn chế ra rất nhiều câu chuyện về thầy giáo cô giáo. Chế từ hình dáng cho đến giọng nói, cho đến cách dạy hay thậm chí là những câu chuyện sinh hoạt thường nhật của thầy cô mà chúng tôi chứng kiến hoặc nghe lỏm được.

Năm tôi học lớp sáu, cô Đông dạy môn văn có phê vào bài làm văn của tôi một câu tôi nhớ mãi đến giờ, mấy mươi năm vẫn nhớ: “Em có tố chất trở thành một nhà báo”.

Ngày đấy, nhà báo là cụm từ gì đó rất lạ lẫm đối với chúng tôi. Cái thời mà những bài tập làm văn toàn mơ trở thầy nhà giáo hoặc bác sĩ, thì lời phê của cô nảy sinh trong tâm tưởng một cậu bé nhà quê như tôi những ý niệm rất lạ. Sau này, cô chuyển nhà lên thành phố, tôi không có cơ hội gặp lại cô nữa.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Năm tôi học lớp hai, học thầy Đạt. Học sinh trong trường đồn là thầy Đạt dữ lắm, đánh học sinh ghê lắm. Tôi bị ám ảnh bởi lời đồn đó, ngày đầu tiên lên lớp hai chạm mặt thầy khóc như mưa, nhất định đòi chuyển lớp khác. Ba tôi chịu không thấu đành hứa, con học vài hôm nếu bị thầy đánh thì ba sẽ xin chuyển lớp cho con.

Vậy mà, suốt năm học lớp hai tôi không thấy thầy đánh ai cả, cũng chưa nghe thầy nặng nhẹ với ai. Bạn nào không hiểu bài thầy chỉ bảo, bạn nào yếu chính tả thầy đọc chầm chậm cho riêng bạn, rồi hướng dẫn dấu hỏi dấu ngã từng chút một.

Lên đại học, có lần tôi về quê vô tình gặp lại thầy, thầy trông già đi nhiều. Chào thầy, thầy vẫn nhận ra. Câu chuyện ngày xưa, câu chuyện bây giờ cứ xúc động mãi.

Những thầy Đạt hay cô Đông, là những cá nhân truyền cảm hứng, truyền năng lượng tích cực, truyền cả yêu thương khiến tôi vĩnh viễn kính trọng các thầy cô giáo. Dẫu có lần, tôi cũng là nạn nhân của một thô bạo học đường.

2. Năm tôi học cuối cấp bậc trung học phổ thông, ngày bế giảng, cái ngày mà lũ thiếu niên chớm thanh niên đang tụm năm tụm ba hứa hẹn không quên nhau, rồi ký lưu bút trên báo, rồi cấu ngắt nhau cho càng đau càng khó quên, thì bất thần tôi nhận một cái tát như trời giáng vào một bên má.

Thú thật là thời điểm đó, tôi như bị điện giật vì không hiểu tại sao lại bị tát. Người đánh tôi là cô giáo dạy văn của lớp khác. Vừa đánh cô vừa mắng tôi là hỗn hào, là mất dạy. Tôi đơ người không kịp hỏi nguyên do, cũng không biết hỏi lại là vì sao cô vừa đánh lại vừa xúc phạm tôi đến vậy. Bạn bè của tôi đang cười tươi bỗng dưng im bặt, vừa sợ vừa ngạc nhiên có cả hoang mang.

Hóa ra, cậu bạn lớp khác cầm trái bàng tươi, không hiểu hưng phấn tăng động hay bùi ngùi chia tay thế nào mà dùng hết sức ném vụt về phía cô. Trái bàng tươi cứng ngang đá, nhằm ngay đầu cô làm đích đến. Một cú ném chắc cũng không hề nhẹ nhàng, mà tác động đến vùng đầu của cô cũng không hề nhẹ nhàng.

Ném xong, cậu bạn nhanh chân lẻn mất. Cô giáo nhìn lại phía sau thấy mỗi tôi đang đứng lơ ngơ, vậy là bao nhiêu tức giận cô trút vào cái vung tay có điểm đến là mặt tôi.

Hồi đó, tôi giận lắm, vừa giận vừa ức. Nghĩ lăng nhăng đủ chuyện, nhất là chuyện mất mặt với bạn bè, chuyện oan ức vì lỗi không phải do mình gây ra. Nhưng dần dà càng lớn hơn, lại càng xem đó là một kỷ niệm. Nỗi ấm ức tan biến lúc nào cũng chẳng rõ.

3. Thiệt ra suy cho cùng, giáo viên cũng là con người, cũng bộn bề lo toan cuộc sống, hờn ghen yêu giận, vui buồn sướng khổ. Học sinh cũng là con người, được cái đỡ phải lắng lo những mỏi mệt của cuộc sống, lại vào lứa tuổi ham vui nhanh quên và không lường trước được những hậu quả từ những lần ham vui nhanh quên ấy.

Thế nên, chỉ cần lấy tình cảm giữa con người với con người đối xử với nhau, lấy thời mình đã trải qua để cảm thông và khoan dung với nhau, lấy tâm thế của người truyền kiến thức mà khoản đãi với nhau. Tôi tin rằng mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp.

Vì có lý giải đến tận cùng hay có xét đoán đến tận cùng, tôi vẫn tin những thầy cô giáo luôn hiểu và nhận thức rõ sứ mệnh thiêng liêng trong công việc mà mình đã lựa chọn.

Ngô Nguyệt Hữu

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-thay-co-cu-519470/