Những thi thể không nguyên vẹn trong khu rừng vắng: Cái kết của sát thủ bệnh hoạn

'Tôi ước rằng mình đã không làm ra điều tồi tệ này. Tôi xin lỗi. Giá mà tôi có thể nói được lý do mình lại hành động như vậy... ', sát thủ nói trong hối hận.

Vườn quốc gia Yosemite là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, nơi đây cũng từng chứng kiến một kẻ giết người hàng loạt cướp đi 4 mạng người với những chiêu thức vô cùng dã man. Thảm kịch từng làm rung chuyển nước Mỹ vào năm 1999 và cho tới bây giờ, đây vẫn là câu chuyện mà lực lượng FBI thường nhắc lại trong những bài học phá án của mình.

Bị cáo Cary Stayner bị dẫn giải ra tòa.

Lời xin lỗi muộn màng

Tháng 9/2000, Cary Stayner bị đưa ra xét xử lần đầu về tội danh giết hại Joie Ruth Armstrong – một nhà tự nhiên học 26 tuổi đang nghiên cứu ở rừng Yosemite.

Để tránh án tử hình, Stayner đã chấp nhận thỏa thuận nhận tội để nhận mức tù chung thân. Trong ngày bị kết án, Cary đã cầu xin sự tha thứ từ gia đình của Joie. "Tôi ước rằng mình đã không làm ra điều tồi tệ này. Tôi xin lỗi. Giá mà tôi có thể nói được lý do mình lại hành động như vậy... Tôi thậm chí còn không biết rõ về chính bản thân mình", Cary nói trong hối hận.

Sau đó không lâu, Cary Stayner chính thức bị buộc tội giết hại 3 nạn nhân là Carole Sund (42 tuổi) cùng con gái Juli Sund (15 tuổi) và người bạn Silvina Pelosso (16 tuổi), sau khi các nhà điều tra tuyên bố Cary đã thừa nhận mọi tội lỗi của mình. Bên cạnh các tội danh giết người, Cary còn bị buộc tội trộm cướp và cưỡng bức tình dục. Tổng hợp hình phạt dự kiến dành cho tên sát nhân là tử hình. Theo phía công tố, họ đã phải đợi một thời gian mới truy tố Stayner sau khi đã loại trừ được khả năng hắn có đồng phạm.

Phiên tòa xét xử sát thủ này dự kiến diễn ra vào tháng 10/2000. Tuy nhiên, phía luật sư biện hộ Stayner yêu cầu chuyển phiên tòa về Seattle do cho rằng, định kiến dư luận ở California ảnh hưởng đến quá trình xét xử và nhận định của đoàn bồi thẩm. Phía công tố chấp nhận yêu cầu này. Mặc dù vậy, họ không ngờ được quá trình thủ tục pháp lý để xét xử bị cáo Cary Stayner lại diễn ra lâu đến thế.

Kết án

Cuối cùng, phiên xét xử được ấn định vào ngày 10/4/2001, để phía luật sư có thêm thời gian nghiên cứu 28.000 trang tài liệu về các chứng cứ cáo buộc Cary Stayner. Nhưng phải đến tháng 5/2002, phiên tòa xét xử bị cáo mới thực sự diễn ra tại hạt Santa Clara, bang California. Tại đây, Cary Stayner lại tuyên bố mình không phạm tội với lí do bị tâm thần. Theo phía luật sư biện hộ, Cary Stayner có tiền sử bị lạm dụng tình dục và tâm thần, chính vì thế đã ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi bạo ngược của bị cáo.

Một vấn đề pháp lý gây tranh luận sôi nổi giữa các công tố viên và phía luật sư biện hộ cũng như các chuyên gia tâm lý, đó chính là tình trạng tâm thần của bị cáo trong lúc giết người và cả khi bị cảnh sát thẩm vấn. Kết cục, sau rất nhiều tuần tranh luận và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, đoàn bồi thẩm đã xác định Stayner không hề bị tâm thần vào thời điểm diễn ra các vụ án mạng và kết tội bị cáo 3 tội danh giết người cấp độ 1 trong vụ thảm sát ở rừng Yosemite.

Tháng 8/2002, bồi thẩm đoàn chỉ mất chưa đầy 5 giờ thảo luận để kết tội Cary Stayner. Kể từ đây, tòa bắt đầu bước vào giai đoạn xác định mức hình phạt cuối cùng dành cho kẻ giết người máu lạnh. Phía luật sư biện hộ một lần nữa đưa ra những lý lẽ với mong muốn bồi thẩm đoàn chỉ tuyên án tù chung thân.

Tuy nhiên, trong phiên tòa ngày 9/10/2002, sau nhiều giờ thảo luận, bồi thẩm đoàn đã bác bỏ ý kiến này và đề nghị Cary Stayner cần phải bị kết án tử hình. Trong khi đó, Stayner liên tục kháng cáo trong quá trình bị giam giữ chờ ngày thi hành án. Tuy nhiên, với những tội lỗi kinh hoàng mà mình gây ra, án tử là điều không thể tránh khỏi.

-------------------------

Mời quý vị đón đọc loạt bài tiếp theo của Kỳ án thế giới vào 4h ngày 20/3/2019.

Đàm Anh (Theo Murderpedia)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/nhung-thi-the-khong-nguyen-ven-trong-khu-rung-vang-cai-ket-cua-sat-thu-benh-hoan-964299.html