Những 'thiên thần áo trắng' lên phim

Không chỉ đẹp ngoài đời, hình ảnh người thầy thuốc còn được tôn vinh qua những vở kịch, thước phim với phẩm chất 'lương y như từ mẫu' để lại những giá trị sống vĩnh hằng cho nhiều thế hệ.

Một cảnh trong phim “Đừng đốt”. Ảnh: ITN.

Một cảnh trong phim “Đừng đốt”. Ảnh: ITN.

Từ cuộc đời bước lên màn ảnh

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, có thể coi bộ phim Tiền tuyến gọi là bức tranh sống động nhất về sự hy sinh thầm lặng của người bác sĩ (BS) trên mặt trận nghiên cứu khoa học và cống hiến cho độc lập tự do của đất nước.

Được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của nhà văn Trần Quán Anh, truyện phim xoay quanh những mâu thuẫn lý trí của hai nhân vật chính trong đó có Vũ Khiêm và Lê Huy đều là giảng viên Trường Đại học Y khoa.

Cả hai BS đều tiến hành nghiên cứu phương pháp chống choáng chấn thương. Khi đế quốc Mỹ đem bom đánh phá miền Bắc, Khiêm được điều động về công tác tại khu IV. Anh đã biết kết hợp việc nghiên cứu khoa học với thực tế chiến trường để trở thành mẫu người thầy thuốc trong chế độ mới. Còn BS Lê Huy được giữ lại trường và anh cho rằng nghiên cứu khoa học chỉ có thành công ở trong phòng thí nghiệm.

Cuộc xung đột giữa 2 quan niệm trái chiều đã tạo nên những nút thắt cho bộ phim. Ở đó hiện ra những tư tưởng tiêu cực, chậm tiến, bảo thủ bên cạnh điểm sáng về ý thức công dân của người thấy thuốc có trách nhiệm với nhân dân khi có cái nhìn thực tế hơn.

Dù ở góc độ nào bộ phim vẫn đưa ra những lát cắt sinh động về lập trường, quan điểm của người thầy thuốc trong giai đoạn cam go nhất. Cuối cùng, lợi ích người dân và tinh thần cống hiến đã chiến thắng. Bộ phim cũng là một bài học đắt giá cho những thầy thuốc trẻ mới vào nghề cần nhìn lại những khiếm khuyết về phẩm chất ngành y.

Đã một thời làm mưa làm gió trên các bãi chiếu bóng thời đó bởi Tiền tuyến gọi cho người xem hiểu được sự đóng góp to lớn và hy sinh cao cả của những người chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.

Đặc biệt là vai diễn thành công của NSND Trần Phương (vai Lê Huy) và NS Tuấn Tú (vai GS Nghị). Điều đáng trân trọng hơn, tác giả biên kịch của bộ phim Trần Quán Anh là một BS chiến trường. Chính sự cống hiến cao đẹp của nhiều thế hệ thầy thuốc trong cuộc kháng chiến khỏi lửa đã trở thành nguồn động viên thôi thúc anh chấp bút.

Sau nhưng giờ cứu chữa thương binh, BS của BV Việt Đức lại ngồi dưới ngọn đèn dầu trong hào giao thông đưa ký ức chính mình lên trang giấy.

Các nhân vật, sự kiện đều bắt nguồn từ hơi thở cuộc sống nên chân thực, sống động và rất thuyết phục. Những nhân vật thầy thuốc ngoài đời đã đi vào trong phim rất đẹp và sau đó lại bước ra cuộc đời với sức ảnh hưởng lớn.

Bộ phim của đạo diễn NSND Phạm Kỳ Nam đã trở thành cuốn kỷ yếu hào hùng của ngành y với nhiều mốc son về phẩm giá và tinh thần của dân tộc ta thời chống Mỹ.

Những thiên thần áo trắng vì cuộc sống

Những chiếc áo blu trắng trở thành hình ảnh đẹp trên phim. Ảnh: ITN.

Cũng lấy bối cảnh chiến trường nhưng bộ phim Bài ca ra trận lại xây dựng hình ảnh người thanh niên Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng thời đánh Mỹ: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Nam (do NSƯT Dũng Nhi đóng) là một chiến sĩ trẻ bị thương nặng trong một trận đánh được đưa về quân y viện chữa trị. Từ đó anh đối mặt với những ngày tháng đen tối nhất trong đời: đôi mắt không còn nhìn thấy được ánh sáng, xung quanh là những thương binh nặng vật vã đau đớn suốt ngày đêm.

Hoài bão, những hồi ức trong sáng và sự gần gũi chăm sóc của cô y tá xinh đẹp tên Mai dần dần đưa anh vượt qua cú sốc này.

Mặc dù là một bộ phim đề tài về chiến tranh, nhưng tâm điểm của bộ phim lại không nằm ở những cuộc chiến đấu khốc liệt mà tập trung khắc họa nỗ lực sống đẹp, sống có ích của những người lính trở về không lành lặn.

Bộ phim của đạo diễn Trần Đắc thực sự là một câu chuyện đẹp như một bài thơ giữa bối cảnh chiến trường ác liệt. Bài ca ra trận cũng là bài ca về lòng yêu nước, lý tưởng sống cao thượng của những người trẻ tuổi.

Bộ phim cũng cho khán giả thấy được cuộc sống đầy tình người và tình yêu cao đẹp giữa trạm phẫu thuật tiền phương thấp thoáng rất nhiều chiếc áo choàng trắng của người thầy thuốc. Sống trong cảnh mưa bom bão đạn, các y BS chiến trường cũng phải vượt qua mọi gian nan nguy hiểm.

Chiếc áo choàng blu trắng đã trở thành hình ảnh đẹp ở mỗi thước phim đi suốt câu chuyện gây nhiều cảm tình cho người xem Bài ca ra trận.

Tạo dựng trên 2 cuốn nhật ký của BS liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, phim Đừng đốt thể hiện góc nhìn khác trọn vẹn hơn về người thầy thuốc. Tâm hồn, tình cảm trong sáng, cao đẹp của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã tái hiện qua từng trang nhật ký, qua hồi ức của những người đồng đội và người mẹ.

Đan xen quá khứ và hiện tại, đặt các cảnh huống có vẻ như đối lập nhau để so sánh, trong một tiết tấu phim tương đối nhanh, tất cả dựng lên một Đặng Thùy Trâm bằng xương bằng thịt.

Đó không chỉ là hình ảnh một nữ bác sĩ dũng cảm, kiên gan đầy tinh thần trách nhiệm trong việc cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh mà còn là hình ảnh người con gái Hà Nội lãng mạn khát khao yêu thương.

Nói về bộ phim, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh cho biết: “Đoàn làm phim đã làm hết sức mình trong một tâm nguyện chung: Bộ phim như một nén hương tưởng nhớ nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những người đã hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước”.

Trong quá trình thực hiện, đến đâu đoàn phim cũng nhận được sự yêu mến của người dân. Đừng đốt là một nén hương tưởng niệm Đặng Thùy Trâm, nữ BS đã hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc kháng chiến.

Hình ảnh đẹp của đội ngũ thầy thuốc “lương y như từ mẫu” trên phim Việt hầu hết là nguyên mẫu có thật ngoài đời sẽ mãi không phai nhòa trong lòng khán giả.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nhung-thien-than-ao-trang-len-phim-4068406-b.html