Những thời khắc không quên trên giàn PQP-HT - Dự án Biển Đông 01

Dự án Biển Đông 01 (BD1) là dự án phát triển mỏ khí và condensate ở vùng nước sâu, nhiệt độ cao, áp suất cao và có quy mô rất lớn ở vùng nước sâu 140m, nằm cách bờ biển Vũng Tàu 320km về phía đông - đông nam, do Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) trực tiếp điều hành. Đây cũng là dự án phát triển mỏ khí xa bờ có quy mô lớn nhất cho đến thời điểm 2009-2013 của ngành Dầu khí Việt Nam.

Tôi may mắn hơn nhiều người khác trong ngành Dầu khí khi được lãnh đạo BIENDONG POC tin tưởng, lựa chọn và giao cho nhiệm vụ trưởng nhóm xây lắp công trình (Construction Manager) của dự án.

Có những thời khắc mà tôi không thể nào quên bởi Dự án Biển Đông 01 chính là một phần trong cuộc sống của những người lao động dầu khí của chúng tôi. Những thời khắc đã giúp chúng tôi tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm, thêm bản lĩnh với nghề nghiệp cũng như bài học về cách đối diện với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua trong những giây phút quan trọng nhất…

Giàn PQP-HT trên biển

Giàn PQP-HT trên biển

Sau cuộc họp cuối ca làm việc, khoảng 22 giờ ngày 8-11-2012, chúng tôi nhận được cập nhật về dự báo thời tiết cho biết trong 1-2 ngày tới, thời tiết sẽ rất xấu, sóng cao dự kiến 6-7m. Với chiều cao sóng này, sà lan nhà ở PTSC POS-01 sẽ phải cắt cầu dẫn nối vào giàn PQP-HT để đảm bảo an toàn. Lúc đó, POS-01 có thể sẽ nhổ neo về bờ Vũng Tàu sớm hơn kế hoạch vì đã gần hết lương thực và thực phẩm cho toàn bộ thủy thủ đoàn hơn 300 người sau hơn 1 tháng làm việc trên biển phục vụ lắp đặt và kết nối giàn PQP-HT (xà lan nhà ở POS-01 của PTSC POS được BIENDONG POC sử dụng làm sà lan nhà ở phục vụ công tác lắp đặt - kết nối giàn PQP-HT).

Đây quả thực là một tin hết sức bất lợi trong giai đoạn cuối của chiến dịch. Với vai trò là người chịu trách nhiệm cao nhất cho việc lắp đặt và kết nối giàn PQP-HT, tôi đã báo cáo nhanh với anh Trần Hồng Nam, lúc đó là Phó tổng giám đốc - trực tiếp phụ trách dự án và xin hỗ trợ, đồng thời tôi cũng liên hệ ngay trong đêm với anh Phan Thanh Tùng, lúc đó là Giám đốc Công ty Cơ khí Hàng hải người chịu trách nhiệm cao nhất về phía nhà thầu PTSC - hợp đồng EPCI đối với Dự án Biển Đông 01. Tôi cũng liên hệ với anh Dương Hùng Văn, Giám đốc PTSC-POS, đơn vị chủ quản của tàu POS-01 nhờ can thiệp tiếp tục giữ sà lan nhà ở PTSC POS-01 trên biển để hoàn thành việc kết nối giàn PQP-HT, vì đây là mục tiêu quan trọng nhất của dự án trong năm 2012 để chuẩn bị đưa khí Dự án Biển Đông 01 vào bờ theo kế hoạch.

5 giờ ngày 9-11-2012, cũng như mọi ngày, chúng tôi đã dậy và chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, việc đầu tiên tôi làm là nhìn qua cửa sổ xem thời tiết sáng sớm hôm nay thế nào. Qua cửa sổ ướt mưa bên ngoài, trời chưa sáng rõ nhưng có thể nhận ra những đợt sóng bạc đầu đã bắt đầu xuất hiện làm lắc lư sà lan nhà ở POS-01, bầu trời nhiều mây, báo hiệu một ngày thời tiết không thuận lợi.

5 giờ 30 phút, cuộc họp buổi sáng bắt đầu, chúng tôi điểm lại nhanh những việc lớn cần làm trong ngày. Trong thời gian còn lại trước khi tàu POS-01 cắt cầu theo kế hoạch, sẽ có 3 việc cần thực hiện ngay là cung cấp bơm dầu diesel, nước sinh hoạt, chuyển thực phẩm lên giàn PQP-HT để chuẩn bị cho chiến dịch chạy thử theo kế hoạch, phóng thử xuồng cứu sinh và chuyển gần 100 người từ các bộ phận từ tàu POS-01 lên giàn PQP-HT để tiếp tục hoàn thiện và chạy thử giàn.

Việc cắt cầu dẫn từ sà lan nhà ở POS-01 sang giàn PQP-HT đến giờ phút này trở nên vô cùng hệ trọng vì nó ảnh hưởng đến kế hoạch làm việc của hơn 300 CBCNV cũng như vấn đề an toàn của tàu POS-01 và giàn PQP. Tất cả các công việc này chỉ có thể thực hiện được với sự trợ giúp của cần cẩu trên giàn PQP-HT. Sau khi bàn bạc, chúng tôi thống nhất, quyết định vẫn phóng thử xuồng cứu sinh và yêu cầu các bộ phận đôn đốc thực hiện nghiêm ngặt theo kế hoạch sử dụng cầu cẩu trên giàn PQP-HT. Các đại diện PTSC M&C trên xà lan POS-01 - anh Lê Ngọc Tâm, phụ trách dự án; anh Ngọc, Thuyền trưởng tàu PTSC POS-01 đều nhận thức được tình hình khó khăn hiện tại và nhất trí với yêu cầu của tôi và nhanh chóng triển khai công việc.

Việc phóng thử xuồng cứu sinh bằng cách thả rơi tự do từ vị trí lắp đặt trên giàn PQP-HT xuống biển (free fall life boat) là hạng mục bắt buộc cần phải làm để cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho giàn PQP-HT có đủ điều kiện an toàn khi bố trí người làm việc trên giàn (phòng khi xảy ra sự cố cháy nổ). Đây cũng là hạng mục lớn nằm trong kế hoạch của BIENDONG POC trước khi thực hiện bố trí người ở trên giàn PQP-HT cho chiến dịch chạy thử trên biển-offshore commissioning sau khi rút sà lan nhà ở POS-01.

8 giờ, tất cả các công việc chuẩn bị phóng thử xuồng đã hoàn thành, đại diện nhà cung cấp xuồng (Vendor Representative) đã được chuyển qua tàu dịch vụ để chuẩn bị cho công tác lai dắt xuồng cứu sinh. Trước đó, các công tác chuẩn bị bên trong xuồng cứu sinh như chuyển các bao cát vào xuồng, xếp gọn gàng và chằng buộc chặt chẽ nhằm tránh hư hại đáng tiếc bên trong xuồng có thể xảy ra trong quá trình phóng xuồng tự do xuống biển, hệ thống điện, thông tin, hệ thống lái, khởi động thử động cơ của xuồng, cáp mềm… đều đã được kiểm tra và sẵn sàng phóng.

Xà lan nhà ở POS-01

8 giờ 30 phút, lúc này sóng gió trên biển lặng đi đôi chút và rồi… 5, 4, 3, 2, 1, chúng tôi thả xuồng… Mọi con mắt đều dõi theo con xuồng cứu sinh màu cam sức chứa 35 người được phóng tự do xuống biển từ độ cao 18m so với mặt nước biển. Chiếc xuồng cứu sinh to lớn ngụp sâu trong làn nước xanh thẫm và thoáng chốc đã ngoi lên cách chân đế PQP-HT chừng 50-60m, một khoảng cách an toàn và chúng tôi thầm nghĩ, việc thả đã thành công bước đầu, thế nhưng chúng tôi chưa biết rằng có nhiều việc khó khăn đang đợi chúng tôi ở phía trước.

Xuồng cứu sinh bị dòng nước biển chảy xiết (dòng hải lưu ngầm vùng biển này khá lớn), kết hợp với sóng to, gió lớn đẩy ra xa dần ra khỏi giàn PQP-HT. Tàu dịch vụ hỗ trợ công tác phóng xuồng được yêu cầu tăng tốc để tiếp cận xuồng cứu sinh vừa được phóng xuống, canô trên tàu dịch vụ được thả xuống để chuyển đại diện nhà cung cấp từ tàu dịch vụ sang xuồng để điều khiển xuồng về lại giàn PQP-HT.

Đến khoảng 9 giờ, xuồng đã trôi khoảng 1.000m cách giàn PQP-HT, sóng khá lớn, đại diện nhà cung cấp xuồng đã được chuyển qua xuồng rất khó khăn với sự hỗ trợ của thủy thủ đoàn của tàu POS-01, thế nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy xuồng khởi động để quay về giàn PQP-HT.

…15 phút, rồi 30 phút trôi qua chậm chạp. Thông tin xấu đã được báo cáo bằng bộ đàm: dây mềm (dùng để cẩu xuồng cứu sinh - được lắp đặt từ trước) quấn vào chân vịt của xuồng cứu sinh và làm cho xuồng không khởi động được. Tôi trao đổi nhanh với anh Ngọc, Thuyền trưởng tàu POS-01 và thống nhất dùng tàu dịch vụ để lai dắt xuồng cứu sinh về áp mạn với tàu POS-01, sau đó sẽ cẩu xuồng cứu sinh lên boong tàu POS-01 để kiểm tra và tìm cách xử lý.

Lúc này khoảng 11 giờ, sóng gió đã bắt đầu nổi lên, công việc của các bộ phận khác vẫn đang được thực hiện nghiêm ngặt theo kế hoạch chi tiết đã thống nhất sáng nay. Dầu diesel, thực phẩm, nước uống đã được chuyển lên giàn PQP-HT lúc 10 giờ 45 phút theo đúng cam kết của PTSC-MC.

Khoảng 14 giờ, tôi đang ở ở trong phòng điều khiển của giàn PQP-HT để kiểm tra các công việc còn lại thì nhận được cuộc gọi của anh Ngọc trên bộ đàm: “Anh Long… anh Long BIENDONG POC, liên lạc lại anh Ngọc gấp”. Biết có chuyện, tôi di chuyển nhanh ra bên ngoài phòng điều khiển trung tâm của giàn PQP-HT và nhìn xuống POS-01 và trước mắt tôi, chiếc xuồng cứu sinh đang được cần cẩu của sà lan POS-01 treo trong tư thế chúc mũi xuống biển và đang đung đưa, lắc ngang qua lại từ bên trong ra bên ngoài mạn boong tàu theo từng đợt sóng vỗ vào tàu POS-01. Bất giác, một thoáng lo lắng ập đến. Với kinh nghiệm của mình, tôi biết đây là tình huống hết sức nguy hiểm. Do sóng quá lớn, cẩu của sà lan POS-01 không thể hạ đặt xuồng cứu sinh lên boong vì với tư thế này mũi của xuồng cứu sinh sẽ dập xuống boong POS-01 và sẽ gây vỡ mũi xuồng. Ngược lại cẩu của sà lan POS-01 cũng không thể hạ xuồng cứu sinh xuống biển vì sóng gió lớn sẽ làm cho xuồng va đập với sà lan gây ra hư hỏng cho xuồng trong điều kiện có hơn 100 bao cát bên trong. Nếu không xử lý nhanh, với việc tàu và xuồng lắc ngày càng mạnh, xuồng đầy tải bên trong thì việc xuồng được treo trên các móc nâng sẽ hết sức nguy hiểm. Tiếng thuyền trưởng Ngọc giục giã trên bộ đàm: “Đề nghị anh Long xử lý gấp”.

Tôi thoáng nghĩ đến tình huống xấu là không thể cẩu được xuồng lên giàn PQP-HT và đồng nghĩa với việc toàn bộ chiến dịch chạy thử giàn PQP-HT tiếp theo sẽ đổ vỡ vì không được phép do không đủ điều kiện an toàn trên biển và khi đó toàn bộ nhân sự tất cả các bộ phận sẽ quay về bờ Vũng Tàu trên tàu POS-01 với chiếc xuồng cứu sinh trên boong và như vậy kế hoạch First Gas của BIENDONG POC khi đó sẽ đổ vỡ, công sức của bao nhiêu tập thể và cá nhân cho dự án sẽ đổ vỡ. Tôi thoáng nghĩ đến lời nhắn nhủ của Phó tổng giám đốc BIENDONG POC Trần Hồng Nam cách đây ít ngày trước khi vào bờ: “anh Long cố gắng nhé, em và anh Lâm (anh Nguyễn Quỳnh Lâm - Tổng giám đốc BIENDONG POC khi ấy) rất tin tưởng anh”.

Tôi trao đổi nhanh tình hình với anh Lê Ngọc Tâm, đại diện của nhà thầu chính PTSC M&C, ông Steve - Phụ trách phần việc chạy thử commissioning của BIENDONG POC và đi đến quyết định sẽ hạ xuồng xuống boong xà lan nhà ở POS-01 với việc xếp rất nhiều lớp bao cát trên boong nhằm giảm chấn động cho mũi xuồng và tôi đã quyết định dùng số lượng bao cát trên giàn PQP-HT (vốn được chuẩn bị cho việc xử lý đường ống ngầm) cho việc giải nguy cho xuồng cứu sinh này. Sau khi hội ý và hiểu rõ tình hình nguy cấp, anh Tâm, anh Ngọc đã đồng ý huy động toàn bộ nhân lực ca đêm của PTSC M&C và thủy thủ đoàn trên tàu POS-01 thực hiện việc chuyển các bao cát này lên boong tàu POS-01 để chuẩn bị đặt hạ xuồng. Tất cả chúng tôi, không phân biệt cán bộ hay công nhân, nhà thầu hay chủ đầu tư, được xếp thành nhiều hàng chuyền tay nhau chuyển từng bao cát để xếp vào vị trí được định sẵn trên boong.

Nhìn những người công nhân hối hả chuyền tay nhau những bao cát nặng 40-50kg xếp lên boong tàu POS-01, tôi thoáng nghĩ tới hình ảnh tương tự mà ngày nhỏ tôi đã từng thấy trên truyền hình khi xem những mẩu tin của Đài Truyền hình Việt Nam đưa về những cảnh nguy cấp khi cứu hộ đê. Tôi cũng thầm cám ơn quyết định sáng suốt của Ban giám đốc BIENDONG POC khi đã lựa chọn các công ty trong ngành (PTSC M&C và PTSC POS) cho việc thực hiện chiến dịch lắp đặt và kết nối cho Dự án Biển Đông 01, bởi chỉ những con người này, trong thời điểm khó khăn này mới có thể làm hơn 100% khả năng của mình cho những việc không lường trước như vậy.

Hạ thủy giàn xử lý trung tâm PQP-HT

Cho đến khoảng 19 giờ, xuồng cứu sinh đã được hạ an toàn xuống boong tàu POS-01 với biết bao nỗ lực của các bộ phận và cũng thật may mắn, vào khoảng 19 giờ 30 phút, thoáng ít phút lặng gió và sóng trên biển, chúng tôi đã dùng cẩu của giàn PQP-HT để cẩu được xuồng cứu sinh lên giàn PQP-HT trong niềm vui của hơn 300 con người đang làm việc trên giàn PQP-HT cũng như trên tàu POS-01. Việc cắt sợi dây cáp mềm bị cuốn vào chân vịt của xuồng cứu sinh chỉ còn là việc hết sức đơn giản sau đó, chúng tôi biết rằng tất cả chúng tôi đã bước qua được giây phút quan trọng nhất của chiến dịch một cách đáng nhớ. Tôi thoáng nghĩ đến anh Nguyễn Quỳnh Lâm, anh Trần Hồng Nam và nghĩ rằng mình sẽ rất tự hào để báo cáo với các anh rằng niềm tin mà các anh và Ban Giám đốc BIENDONG POC đặt nơi chúng tôi đã được chúng tôi trả lời bằng kết quả công việc cụ thể.

Thời tiết mỗi lúc một xấu, sóng và gió mỗi lúc một cao, Thuyền trưởng Ngọc thông báo cho tôi biết sẽ quyết định cắt cầu dẫn từ xà lan POS-01 nối vào giàn PQP-HT trong đêm để đảm bảo an toàn cho công trình. Sau ít phút trao đổi và cập nhật với các bộ phận về tình hình hiện tại, chúng tôi quyết định toàn bộ nhân lực gần 100 người phục vụ cho việc thực hiện chạy thử giàn PQP-HT sẽ được chuyển lên giàn ngay trong đêm trước khi cắt cầu, các bộ phận khác được lệnh chuẩn bị chuyển về tàu POS-01 để chuẩn bị cho việc nhổ neo dời giàn. Đến khoảng 2 giờ ngày 10-11-2012, thời tiết rất xấu, sóng đã lên rất cao, tàu POS-01 đã thực hiện việc cắt cầu dẫn nối vào giàn PQP-HT và thu neo, bắt đầu dời giàn. Từ sáng sớm ngày 10-11-2012, giàn PQP-HT chính thức tự vận hành trên biển và chuyến bay đầu tiên đã được đáp an toàn xuống giàn PQP-HT vào ngày 13-11-2012, bắt đầu cho chuyến dịch chạy thử và đưa các hệ thống vào hoạt động, từng bước đạt được kế hoạch First Gas Dự án Biển Đông 01 theo kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Dương Đình Long

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nhung-thoi-khac-khong-quen-tren-gian-pqp-ht-du-an-bien-dong-01-484896.html