Những 'thủ lĩnh' của công nhân

Để bảo vệ lợi quyền của người lao động, các chủ tịch công đoàn cơ sở 'đứng mũi chịu sào', đại diện cho tập thể người lao động làm tốt công tác đối thoại và thỏa ước lao động tập thể tại cơ sở.

Đồng thời, các chủ tịch công đoàn cơ sở phối hợp cùng người sử dụng lao động trong việc xây dựng quy chế đối thoại, quy chế tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức thương lượng tập thể, ký kết, tổ chức thực hiện và giám sát thỏa ước lao động tại doanh nghiệp.

Một trong những Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu luôn nắm bắt tâm tư, tình cảm, đời sống của người lao động để trong quá trình thương lượng và đối thoại đưa ra những đề xuất phản ánh đúng thực tế của người lao động với người sử dụng lao động là bà Nguyễn Thị Nghĩa, Cty TNHH LihitLab Việt Nam (Hải Phòng).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên dương các chủ tịch công đoàn luôn vì lợi ích của người lao động.

Trải qua 2 tháng với 5 phiên thương lượng tập thể, đã thương lượng thành công và ký kết thỏa ước lao động tập thể với nội dung: Mức lương thử việc 100%; nâng lương hàng năm với mức nâng lương ít nhất bằng chỉ số lạm phát; thưởng hè, cuối năm, tết... với tổng 1,6 mức lương; ăn ca từ 20.000 - 25.000 đồng; tháng nghỉ 7 ngày; nghỉ thêm 10 ngày phép trong năm được hưởng nguyên lương; mỗi năm công tác thêm 1 ngày phép... Tổng số tiền làm lợi cho 508 người lao động là hơn 53 tỉ đồng/năm. Theo bà Nghĩa, trong quá trình phân loại các nội dung đối thoại và từ thực tế hoạt động, thấy các vấn đề như “Tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ thai sản cho lao động nữ, an toàn lao động, vệ sinh lao động, phúc lợi”... luôn là vấn đề “nóng” trong đối thoại, vì bên sử dụng lao động và người lao động đều muốn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mình.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH LihitLab Việt Nam trao đổi cùng các đại biểu.

Để quá trình đối thoại, thương lượng được thành công, bà Nghĩa cho rằng, cần phải xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa công đoàn với doanh nghiệp. Thường xuyên phát động phong trào thi đua cải tiến giúp giảm thiểu các lỗi gây ra từ phía người lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, đồng hành xây dựng Cty phát triển. Việc tuyên dương, tặng thưởng bằng vật chất là một công cụ đưa người sử dụng lao động và người lao động gần gũi, thân thiện với nhau hơn. Tiếp đó phải gần gũi, liên hệ mật thiết với đoàn viên, người lao động, phát huy vai trò tập thể trong việc đối thoại, thương lượng. Cán bộ công đoàn phải cùng với người lao động trong mọi mặt của cuộc sống và lắng nghe những khó khăn, bức xúc của họ. Đào tạo và gây dựng những cá nhân điển hình về công tác công đoàn tại các bộ phận sản xuất nhằm tạo ra các kênh phụ của công đoàn cơ sở để tìm hiểu tâm tư, ước nguyện của người lao động mà vì lý do nào đó họ không thể nói trực tiếp hoặc gửi thư tới cán bộ công đoàn.

Phát huy vai trò của người thủ lĩnh công đoàn, bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH TOTO Việt Nam (Hà Nội), hàng tháng đã chủ động tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp, cùng Ban Chấp hành công đoàn thương lượng với công ty ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi như: Được hưởng 95% lương thử việc; lương làm ca đêm cao hơn quy định; thưởng Tết 1,65 tháng lương cơ bản; ăn ca 26.200 đồng; mỗi tháng được nghỉ 6 ngày; mỗi năm nghỉ phép 11 ngày hưởng lương; hỗ trợ xe về quê ăn Tết; hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động công đoàn, cùng nhiều khoản trợ cấp… làm lợi cho 3.500 lao động với số tiền trên 93 tỉ đồng.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty cổ phần Taekwang Vina Đinh Sỹ Phúc cũng là một trong những tấm gương về “thủ lĩnh” của người lao động, luôn có những giải pháp để làm lợi cho người lao động cũng như xây dựng quan hệ lao động hài hòa thông qua đối thoại.

Cty cổ phần Taekwang Vina 100% vốn nước ngoài do Hàn Quốc đầu tư, thành lập năm 1995, chuyên sản xuất giày thể thao thương hiệu Nike. Thời gian qua, với mục tiêu ổn định quan hệ lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao đời sống, phúc lợi cho người lao động, Công đoàn cơ sở Cty Taekwang Vina đã chủ động đề xuất, thương lượng nhiều điều khoản có lợi cho người lao động và ký kết thành công Thỏa ước lao động tập thể. Một số nội dung tiêu biểu như: Tăng thêm số ngày nghỉ có lương cho người lao động; xây dựng thang bảng lương, quy chế nâng lương, nâng lương theo hướng có lợi nhất cho người lao động; tăng thêm tiền công, tiền lương cho người lao động từ 110 - 150% khi làm việc theo ca, trả tiền làm việc những ngày phép năm 400%... Các khoản phụ cấp hàng tháng cho người lao động như: Chuyên cần, đi lại, nhà ở, sinh hoạt phí, phụ cấp thâm niên... (bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng); hỗ trợ lao động nữ như: Lập phòng lưu trữ sữa, khám sức khỏe sinh sản, hỗ trợ chi phí nuôi con nhỏ, xây dựng trường mầm non; nâng cao trình độ cho người lao động: Tài trợ toàn bộ chi phí học bổ túc văn hóa, ngoại ngữ...

Công nhân Cty cổ phần Taekwang Vina luôn được đảm bảo các quyền lợi.

Với tư cách là Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty CP Taekwang Vina, anh Đinh Sỹ Phúc đã lấy được niềm tin của chủ sử dụng lao động và người lao động. Cùng với các cán bộ công đoàn, Chủ tịch Công đoàn Đinh Sỹ Phúc đã xây dựng quy chế phối hợp giữa Công đoàn cơ sở với Ban Giám đốc Cty và các phòng ban nhằm thống nhất các chương trình hành động, thống nhất phương pháp giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Ngoài ra, công đoàn cơ sở Cty còn xây dựng hệ thống thông tin đa chiều với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng nhằm tiếp thu các ý kiến, mong muốn từ người lao động. Mỗi tháng tiếp xúc và lấy ý kiến trên 4.000 lao động về các vấn đề tiền lương, thưởng, bữa ăn, chính sách chăm lo cho người lao động.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Sanofi Aventis cho rằng, trong quá trình hoạt động, cán bộ công đoàn nên tìm hiểu những chính sách của tập đoàn cho người lao động ở các Cty, chi nhánh ở các nước khác nữa. Nếu ở Việt Nam, tập đoàn đó đưa ra những chính sách chưa phù hợp thì mình có thể đấu tranh, yêu cầu họ thực hiện, ít nhất là đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam phải được như người lao động ở các chi nhánh khác. Ngoài ra, Chủ tịch Công đoàn các cơ sở phải phấn đấu không ngừng, trau dồi kiến thức trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt công việc chuyên môn ở Cty, có như vậy mới có tiếng nói trong vai trò một cán bộ công đoàn.

Trải qua hơn 15 năm trực tiếp làm Chủ tịch Công đoàn tại một Cty có vốn 100% nước ngoài, ông Huỳnh Phát Đạt đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất, điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công mọi hoạt động của tổ chức công đoàn chính là cán bộ công đoàn cơ sở phải làm việc từ cái “tâm” của chính bản thân mình, lo cái lo của người lao động và vui vì cái vui của người lao động.

Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Sanofi Aventis.

Thứ hai, phải học tập, nâng cao trình độ của bản thân đáp ứng được nhiệm vụ của tổ chức trong tình hình mới. Gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động để xây dựng niềm tin, sự ủng hộ từ số đông công nhân.

Thứ ba, cần nhìn nhận và đánh giá khách quan, chính xác về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đưa ra những nội dung thương lượng phù hợp. Tránh việc đòi hỏi quá nhiều điều vô lý trong nội dung thương lượng, gây ra tâm lý tiêu cực giữa hai bên trong quá trình thương lượng. Không được đấu tranh một chiều, không nên chăm bẵm vào quyền lợi của một bên mà phải quan tâm đến cả lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Cty, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên, xây dựng môi trường lao động ổn định, bền vững và lâu dài.

Thứ tư, tinh thần làm việc của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở là điều kiện đủ để cuộc thương lượng được thành công, vì là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, nên mỗi đồng chí làm một việc, tất cả vì cái chung của tổ chức, của người lao động. Luôn đề cao tinh thần tập thể lãnh đạo của Ban Chấp hành Công đoàn, linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên quyết trong quá trình thương lượng. Cuối cùng đó chính là sự quyết tâm: Quyết tâm đeo bám, quyết tâm thuyết phục, quyết tâm thực hiện…

Hiện thu nhập bình quân của người lao động đang làm việc ở khối dược của Cty là 20.610.000 đồng/người/tháng, khối công nghệ (công nhân sản xuất) là 12.315.653 đồng/người/tháng.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, trong những năm gần đây, nội dung bản thỏa ước lao động thập thể đi thẳng vào đời sống, điều kiện lao động của người lao động. “Bộ luật Lao động đang được sửa, dự kiến năm 2019 Quốc hội sẽ xem xét, thông qua. Trong Bộ luật Lao động sửa đổi có nội dung về thương lượng tập thể. Việc sửa đổi cần đáp ứng thỏa ước có chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế”, ông Mai Đức Chính nêu.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, người đứng đầu công đoàn ở cơ sở cần nắm vững luật pháp, sử dụng nhuần nhuyễn luật pháp. Cán bộ công đoàn phải đứng trước, đứng đầu vì quyền lợi người lao động. Những chủ tịch công đoàn được tín nhiệm bầu ra phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình vì quyền lợi người lao động.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nhung-thu-linh-cua-cong-nhan-d73305.html