Những thực vật hung hiểm bậc nhất thế giới

Bạn có thể hồ nghi, nhưng cây cối cũng có thể đóng vai hung thần ác sát. Từ loài nấm ký sinh côn trùng, biến chúng thành xác sống chính hiệu cho đến những cái lá tự tay thộp cổ, kéo xác con mồi, thế giới thực vật có những loài còn tàn bạo hơn cả động vật ăn thịt.

Nấm zombie

Mặc dù có mối liên hệ gần với động vật, nấm vẫn được xếp vào một nhánh của nhà thực vật. Nấm zombie là tên gọi chung của các loài nấm ký sinh côn trùng thuộc họ Cordyceps. Trên thế giới, Cordyceps có tổng cộng khoảng 400 loài. Chúng có chung một đặc điểm là đều chọn côn trùng (ví dụ như: sâu, kiến, châu chấu…) để bắt đầu quá trình sinh trưởng. Trong suốt khoảng thời gian lớn lên, Cordyceps sống trong cơ thể vật chủ, khéo léo tiêu hóa một lượng dưỡng chất vừa đủ để không giết chết kẻ bị ký sinh.

Nấm Cordyceps giữ vật chủ sống cho đến khi chuẩn bị phát tán bào tử.

Ngoại trừ ăn mòn cơ thể vật chủ, Cordyceps còn điều khiển tâm trí. Con mồi ưa thích nhất của chúng là kiến. Một con kiến bị Cordyceps ký sinh sẽ vẫn hoạt động bình thường. Song sự “bị trị” nhẹ nhàng này sẽ kết thúc khi nấm zombie gần đến thời kỳ sinh sản.

Đầu tiên, kẻ “thống trị” tiết ra một loại hóa chất đặc biệt nhằm thao túng não bộ của nạn nhân, biến nó thành xác chết biết đi. Sau đó, điều khiển con vật đáng thương bỏ đàn, tìm leo lên cành cây cao, há miệng cắn chặt lấy gân lá. Hoàn tất công cuộc chuẩn bị rồi, Cordyceps đâm xuyên qua sọ kiến mà chui ra ngoài, thư thả phát tán bào tử, để lại thế hệ sau.

Nấm sò

Nhân nói đến nấm thì ngoài “chủng zombie”, nhánh thực vật này còn có một sát thủ tàn nhẫn nữa là nấm sò (Pleurotus ostreatus). Bạn chắc chắn biết nấm sò vì chúng còn có tên gọi khác là nấm bào ngư, được dùng làm thức ăn.

Bề ngoài, nấm sò chẳng có vẻ gì hung hiểm. Nó chỉ đơn giản là cụm nấm hiền lành mọc trên thân gỗ mục. Nhưng nếu quan sát dưới kính hiển vi, bạn sẽ phải rùng mình. Dưới chân, ngay vị trí tiếp giáp với bề mặt gỗ mục, nấm sò mọc ra vô số sợi tơ siêu nhỏ. Các sợi tơ này tiết ra một loại hóa chất hấp dẫn tuyến trùng (Nematoda, hay còn gọi là giun tròn).

Khi đám động vật siêu tí hon này bị đánh lừa mà mò tới, chúng liền bị tơ của nấm sò quấn lấy. Trong tơ của nấm sò có chất độc gây tê liệt, làm con mồi “ngay đơ” tức khắc. Nấm sò mở “tiệc thịt”, thọc các sợi tơ vào miệng tuyến trùng, giải phóng Pleurotolysin (protein có tác dụng phân hủy).

Món khoái khẩu của nấm bào ngư là giun tròn.

Pleurotolysin phân hủy tế bào bằng cách đục lỗ.

Mỗi một phân tử Pleurotolysin bao gồm 13 nguyên tử gắn kết với nhau thành một vòng tròn, nhìn hao hao cái khuôn cắt bánh. Ngay sau khi được giải phóng, chúng điên cuồng đua nhau đục thủng màng tế bào, rã xác tuyến trùng từ bên trong ra bên ngoài nhanh như chớp.

Trước khi các nhà nghiên cứu quan sát được tập tính “giết chóc, ăn thịt” của nấm sò, loài nấm này là một trong các thực phẩm quan trọng của thế giới ăn chay. Nhờ chứa hàm lượng protein cao, nó được xem như “thịt” của các loài rau củ quả. Tuy nhiên sau đó, tranh cãi đã nổ ra. Người ăn chay buộc phải nghiêm túc cân nhắc, nên tiếp tục ăn nấm hay dừng lại.

Utricularia Macrorhiza

Utricularia Macrorhiza là một loài cây thủy sinh thường thấy ở Bắc Mỹ và Đông Á. Chúng có hình dạng tương tự rong đuôi chồn mọc chìm trong nước. Khi trưởng thành, Utricularia Macrorhiza phát triển một chồi nụ thẳng đứng, trồi lên trên bề mặt nước và trổ bông to, màu vàng.

Bình thường, loài cây sống dưới nước này chỉ tận dụng các khoáng chất do rễ hút được trong bùn. Tuy nhiên vào khoảng tháng 6 – tháng 8, phần thân trong nước lại mọc ra la liệt các bong bóng. Bong bóng của Utricularia Macrorhiza rỗng ruột, không chứa nước, chia hai đầu rõ rệt. Một đầu là cuống, bám chắc vào thân. Đầu còn lại có nắp và tua tủa các sợi tơ như xúc tu. Chính nhờ cái nắp này, bong bong chắn nước, giữ bên trong hoàn toàn khô ráo.

Thân Utricularia Macrorhiza chi chít các bong bóng bẫy mồi.

Bong bóng cây Utricularia Macrorhiza mở nắp hút con mồi vào bên trong, nhốt lại.

Nằm dưới nước, các bong bóng của Utricularia Macrorhiza kiên trì đợi động vật thủy sinh cỡ nhỏ vô tình bơi tới, chạm phải các sợi tơ. Ngay khi cảm nhận được sự rung động, mớ “râu” bong bong lập tức co lại, quấn chặt con mồi và lao thẳng vào cái nắp. Bị “tông cửa”, nắp bong bóng bật mở. Khoang rỗng bên trong cho phép nước tràn vào, tống con mồi “vào rọ” nhanh hơn chớp, chỉ tốn có đúng 0,002 giây.

Nước đầy, nắp bong bóng tự động khép lại, biến bên trong thành nhà tù không lối thoát. Utricularia Macrorhiza tiết enzyme tiêu hóa vào bên trong “nhà tù”, nhẩn nha ăn thịt “kẻ bị giam”. Tùy vào kích thước của con vật xấu số, thời gian phân hủy sẽ khác nhau, nhanh thì vài ba giờ, chậm thì đôi ba ngày.

Mỗi bong bóng Utricularia Macrorhiza chỉ bắt mồi được một lần. Nó không thể tự đẩy nước ra, nên cũng không thể tái khởi động bẫy.

Nepenthes attenboroughii

Nepenthes attenboroughii là một loài cây ăn thịt thuộc chi nắp ấm. Nó gây ấn tượng bởi kích thước bình bẫy khổng lồ, cao tới 30cm và rộng những 16cm, đủ để chứa hơn 2l nước.

Khác với đa phần nhà nắp ấm dùng cái bình đặc trưng để bắt giữ và dần dà tiêu hóa con mồi, Nepenthes attenboroughii còn biết nuôi ấu trùng. Mọi “ấm nước” của nó đều chia 2 lớp chất lỏng: bên trên là nước bình thường, bên dưới là dịch nhớt của cây.

Các loài ấu trùng sinh trưởng trong lớp nước. Chất thải và xác của những con bị chết lắng xuống lớp dịch nhớt ở đáy, được cây xử lý thành dưỡng chất, đem đi nuôi các bộ phận khác.

Nepenthes attenboroughii vừa nuôi ấu trùng, vừa bẫy thức ăn.

Nepenthes attenboroughii không kén ấu trùng. Trong những cái ấm đầy nước của nó có từ ấu trùng của ruồi muỗi đến cua, ếch, nhái… Lũ ấu trùng sẽ sống cho đến khi biến thân, trở thành con non hoàn chỉnh và rời đi.

Song cũng như đa phần nhà nắp ấm, Nepenthes attenboroughii còn giết và tiêu hóa các con vật cỡ nhỏ lỡ lọt vào trong bình. Động vật lớn nhất từng được phát hiện chết trong bình nắp ấm của Nepenthes attenboroughii là chuột chù. Loài này có một thói quen rất kỳ dị là khoái đại tiện vào trong cái “bồn cầu tự nhiên” bình nắp ấm, và đôi khi phải trả giá đắt vì lỡ trượt chân.

Drosera glanduligera

Drosera glanduligera là một loài thuộc chi gọng vó, loài thực vật ăn thịt đa dạng nhất hành tinh, có chí ít 194 phân nhánh. Nhưng riêng Drosera glanduligera chỉ có mặt ở Úc, là một trong các thực vật đặc hữu của Úc.

Trong khi các hạt cây khác ưa nảy mầm vào mùa xuân, khi tuyết đã tan và thời tiết trở nên ấm áp, Drosera glanduligera bắt đầu sự sống vào mùa đông. Lúc mùa xuân sang, nó đã lớn, có hệ thống lá bẫy mồi hoàn hảo, sẵn sàng “thộp cổ” bất cứ sinh vật nhỏ nào xui xẻo đi ngang.

Drosera glanduligera dùng cả bẫy dính lẫn bẫy bật bắt con mồi.

Nhà gọng vó có chung một kiểu săn mồi: dùng các xúc tu chứa đầy chất dính để bắt giữ, sau đó cuộn lá hoặc thu các xúc tu lại, cuốn chặt lấy. Đến khi con mồi chết ngạt rồi thì tiết enzyme tiêu hóa, từ từ phân hủy xác chết thành chất hữu cơ. Drosera glanduligera cũng sở hữu tất cả các kỹ năng này, song còn “thủ” thêm một tuyệt chiêu khác: đó là cơ chế bẫy bật cực kỳ bất ngờ.

Lá của Drosera glanduligera có dạng hình tròn, bên trên mọc các vòng xúc tu đồng tâm. Kích thước của các xúc tu vòng ngoài dài hơn vòng trong, và đặc biệt dài ở lớp ngoài cùng. Mọi xúc tu trên ría lá đều cố vươn xa ra hết mức có thể, mở rộng thêm tầm săn bắt. Ngoại trừ kỹ năng tóm chặt con mồi bằng chất dính, nó còn được trang bị thêm khả năng bật siêu nhạy và mạnh. Chỉ cần cảm nhận được có côn trùng chạm vào, nó lập tức bật lên, hất thẳng kẻ xấu số vào giữa lá. Con mồi vừa đáp xuống, toàn bộ các xúc tu trên lá liền tụm vào, dính lấy và ép chặt đến chết ngạt.

Sau cú bật và đưa con mồi vào trung tâm, xúc tu siêu dài cũng gãy. Song chúng có thể được tái sinh, lại tiếp tục kiên nhẫn phục kích, chờ cơ hội kế tiếp.

Thiên An

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhung-thuc-vat-hung-hiem-bac-nhat-the-gioi-27169.html