Những thương binh tiên phong trên mặt trận kinh tế ở Nam Định

Không chỉ khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, các cựu chiến binh ở Nam Định còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cựu chiến binh Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sông Giang (xã Hải Giang, huyện Hải Hậu) kiểm tra sản phẩm. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh tỉnh Nam Định đã vượt qua nỗi đau thương tật, không chỉ vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mà còn làm nhiều việc có ích cho cộng đồng.

Tạo việc làm cho lao động địa phương

Cựu chiến binh Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sông Giang (xã Hải Giang, huyện Hải Hậu) là một điển hình như thế. Không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh tỉnh, ông còn có nhiều đóng góp cho việc an sinh xã hội.

Tháng 11/1978, khi 23 tuổi, ông Hùng nhập ngũ vào Sư đoàn 352, Quân đoàn 2, Trung đoàn 18. Sau khi huấn luyện, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ quốc tế chiến đấu tại chiến trường Campuchia.

Thời điểm này, cuộc chiến tại Campuchia vô cùng ác liệt. Nhiều đồng đội của ông hy sinh, ông bị thương do sức ép của pháo, sức khỏe sa sút.

Đầu năm 1979, ông được huy động về tăng cường cho Quân khu 1, chiến đấu tại Lạng Sơn. Năm 1982, ông xuất ngũ trở về quê nhà với thương tật hạng 2/4.

Ông Hùng chia sẻ thời điểm đó, kinh tế gia đình khó khăn, ông tham gia vào Tập đoàn Đánh cá Tiền Phong của xã Hải Giang, khai thác hải sản ven bờ.

Năm 2000, nhận định kinh tế có sự chuyển biến, nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao, ông dành toàn bộ vốn liếng của gia đình xây dựng lò sản xuất gạch thủ công.

Năm 2005, ông thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sông Giang, chuyên sản xuất gạch tuynel.

Năm 2013, ông xây dựng thêm dây chuyền sản xuất gạch không nung. Hiện tại, công ty của ông đang sản xuất trên diện tích 5,7ha, công suất từ 100.000-150.000 viên gạch/ngày.

Cùng với sản xuất gạch, ông đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, trung chuyển hàng hóa cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Doanh thu hàng năm khoảng 30 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm ổn định cho 300 lao động, trong đó một nửa số lao động là con em cựu chiến binh, người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã, mức lương trung bình hằng tháng của lao động dao động từ 5-9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phạm Ngọc Điệp, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sông Giang, cho biết đã làm việc ở đây gần 10 năm, mức lương hiện tại khoảng 9 triệu đồng/tháng. Đây là thu nhập giúp kinh tế gia đình ông ổn định. Có việc làm ngay tại quê hương, những lao động nông thôn như ông không phải đi làm ăn xa nên rất thuận lợi, yên tâm gắn bó với công việc.

Không chỉ phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, ông Hùng còn làm nhiều việc có ích cho cộng đồng. Năm 2014, ông tự nguyện hiến 600m2 đất và 1.200 khối cát xây dựng phà Ninh Mỹ nối hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, 12 nhà văn hóa của 12 thôn đều tu sửa lại. Ở mỗi nhà văn hóa, ông đóng góp từ 10.000-50.000 viên gạch. Đồng thời, ông ủng hộ 30% tổng số gạch xây dựng bờ kè sông trong xã.

Hằng năm, ông dành khoảng 100 triệu đồng ủng hộ công tác khuyến học, hoạt động Hội Chữ thập Đỏ, các gia đình thương binh, liệt sỹ, chất độc da cam trên địa bàn xã, huyện.

Với cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh tỉnh, hằng năm, ông vận động hội viên đóng góp, xây sửa ít nhất một ngôi nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, ông vận động hội viên tham gia tích cực vào các chương trình an sinh xã hội của địa phương.

Với những đóng góp trên, năm 2016, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, góp phần vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Người “giữ lửa” nghề truyền thống

Không chỉ là một cựu chiến binh, thương binh Phan Trọng Điền, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đúc đồng Nam Thiên (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) còn là một nghệ nhân đúc đồng của tỉnh Nam Định với hơn 30 năm "giữ lửa nghề."

Ông Điền nhớ lại sau 3 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, ông bị thương với tỷ lệ thương tật 4/4. Cuối năm 1987, ông xuất ngũ trở về quê hương.

Khi về quê, ông làm việc tại Công ty Cổ phần Bia ong Xuân Thủy, huyện Xuân Trường. Trong thời gian làm việc ở đây, ông tìm hiểu quá trình sử dụng sáp ong tạo hoa văn trên các sản phẩm đồ đồng. Càng tìm hiểu càng đam mê, đến năm 1990, ông bỏ việc để mở lò đúc đồng tại gia đình.

Theo ông Điền, thời gian đầu, làm nghề đúc đồng vô cùng khó khăn. Làm ra sản phẩm đã khó, việc tiêu thụ sản phẩm còn khó gấp nhiều lần. Ông phải mang sản phẩm của gia đình đi các địa phương như Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, gõ cửa từng đền, điện, chùa giới thiệu.

Cựu chiến binh Phan Trọng Điền (phải), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đúc đồng Nam Thiên (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) hướng dẫn công nhân làm việc. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Cùng với việc tìm kiếm bạn hàng, ông vừa nghiên cứu, học hỏi các kỹ thuật chế tác, hoa văn cổ để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhờ đó, sản phẩm của gia đình ông dần tìm được đầu mối tiêu thụ ổn định. Nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng đồng đã tìm về đặt hàng.

Năm 2010, ông thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đúc đồng Nam Thiên với diện tích nhà xưởng trên 2.000m2. Sản phẩm chủ yếu là chuông, tượng, tranh đồng, đồ thờ các loại.

Với việc đi theo hướng đúc đồng truyền thống, các họa tiết được chế tác tinh xảo, tỉ mỉ, sản phẩm đồng của công ty ông được khách hàng đánh giá cao.

Bên cạnh sản xuất các sản phẩm đồng, công ty của ông tham gia phục dựng, tu sửa các công trình tiêu biểu như công trình đúc đồng chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh), đền Quốc Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), tượng Bác Hồ, đại hồng chung, trống Đại Pháp cổ... tại đền Chung Sơn thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)…

Với doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm, công ty của ông Điền đang tạo việc làm cho khoảng 60 lao động, lương từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Song song với việc phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Phan Trọng Điền tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp xây dựng quê hương như: tu sửa Nghĩa trang Liệt sỹ, ủng hộ Quỹ Khuyến học, Quỹ Vì người nghèo, vận động hội viên cựu chiến binh ủng hộ sửa chữa nhà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã.

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Nam Định Bùi Văn Tuất đánh giá đây là những cựu chiến binh tiêu biểu của địa phương trong phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ trong thời bình.

Không chỉ khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu mà các cựu chiến binh này còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, có nhiều đóng góp thiết thực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, khuyến học khuyến tài, an sinh xã hội./.

Nguyễn Lành (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhung-thuong-binh-tien-phong-tren-mat-tran-kinh-te-o-nam-dinh/881121.vnp