Những tiến triển trong phát triển vaccine phòng COVID-19

Nhật Bản sẽ thử nghiệm sử dụng tế bào gốc để chữa trị cho bệnh nhân

Viện Khoa học Quân sự (AMS) của Trung Quốc mới được cấp phép thử nghiệm trên người loại vaccine thứ 2 do viện này phát triển để phòng COVID-19.

Ðây là loại vaccine thứ 8 được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc, quốc gia đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19. Hiện chưa có vaccine nào được cấp phép bán ra thị trường nhưng trên thế giới có hơn 10 loại vaccine đã bước vào các giai đoạn thử nghiệm khác nhau ở người.

Theo thông báo của AMS đăng trên mạng xã hội Wechat ngày 24-6, vaccine này có tên là ARCoV, sử dụng công nghệ mRNA. Công nghệ này cũng được hãng dược Moderna tại Mỹ và hãng CureVac của Ðức sử dụng trong phát triển các loại vaccine tiềm năng. Ðây là lần đầu tiên một vaccine sử dụng công nghệ này được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc.

Một loại vaccine tiềm năng khác do AMS và CanSino Biologics cùng phát triển có tên gọi là Ad5-nCoV đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại Trung Quốc. Ad5-nCoV cũng đã được cấp phép bắt đầu thử nghiệm ở người tại Canada.

Trong khi đó, Ðại học Oxford (Anh) bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng ở người loại vaccine phòng COVID-19 tại Brazil. Ðây được đánh giá là một trong những loại vaccine tiềm năng nhất hiện nay. Lemann Foundation, nhà tài trợ dự án, cho biết khoảng 2.000 nhân viên y tế của bang Sao Paulo và 1.000 người khác tại Rio de Janeiro đã tình nguyện tham gia vào đợt thử nghiệm này. Toàn bộ số người tình nguyện đều trong tình trạng sức khỏe ổn định và không có tiền sử tiếp xúc với dịch bệnh.

► Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, vào tháng 8 tới, Công ty Dược phẩm Rohto của Nhật Bản sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng sử dụng tế bào gốc để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng.

Hãng dược phẩm có trụ sở tại thành phố Osaka này dự định sẽ kiểm tra hiệu quả của phương pháp điều trị trên cho đến cuối năm 2021 với mục tiêu đưa phương pháp này vào sử dụng trong thực tế vào năm 2022 hoặc sau đó.

Cụ thể, các tế bào gốc có nguồn gốc từ mô mỡ sẽ được nuôi cấy và tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân COVID-19. Rohto hy vọng phương pháp này sẽ giúp hạn chế phản ứng miễn dịch quá mức và tình trạng viêm nhiễm thường hay gặp phải ở các bệnh nhân nặng.

Lê Ánh

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhung-tien-trien-trong-phat-trien-vaccine-phong-covid-19-a122708.html